Chỉ trong một tuần qua, bốn trẻ tử vong liên tiếp do dịch tay chân miệng gây ra ở TPHCM, nâng tổng số trẻ tử vong do căn bệnh này từ đầu năm đến nay lên 11 ca. Dồn dập trẻ tử vong vì tay chân miệng được lý giải do xuất hiện một chủng virus mới với độc lực rất cao.
Độc lực cao
Từ đầu tháng 5 đến nay, số trẻ nhập các bệnh viện (BV) nhi ở TPHCM do tay chân miệng mới thực sự bùng phát.
Bác sĩ Vũ Quang Vinh - Phó phòng kế hoạch tổng hợp BV Nhi đồng 2, cho biết, hiện hơn 100 bệnh nhi mắc tay chân miệng đang được điều trị tại đây, trong đó, 5 trẻ bị biến chứng nặng, đang nguy kịch. Trong tháng ba, nơi đây tiếp nhận 134 trẻ mắc bệnh tay chân miệng điều trị, đến tháng tư tăng lên thành 316 trẻ, và từ đầu tháng năm đến nay có hơn 320 trẻ.
Tại khoa Nhiễm Thần kinh BV Nhi đồng 1, số trẻ mắc tay chân miệng cũng tăng vọt từng ngày. Bác sĩ Trương Hữu Khanh- Trưởng khoa này cho biết, nơi đây đang có 100 trẻ mắc bệnh. Trong ngày 24-5, BV tiếp nhận 20 trẻ nhập viện; trong đó, 10 trẻ bị biến chứng nặng, có nguy cơ tử vong cao.
Theo bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, từ đầu tháng năm, trung bình mỗi tuần thành phố có hơn 300 ca mắc bệnh tay chân miệng mới, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2010.
Chỉ trong ngày 24-5, tại BV Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2, 104 trường hợp nhập viện, trong đó, 15 trẻ bị biến chứng rất nặng. Từ đầu năm đến nay, thành phố có hơn 1.300 ca mắc và 11 trẻ tử vong do tay chân miệng gây ra.
Bác sĩ Lê Trường Giang- Phó GĐ Sở Y tế TPHCM cho biết, trước diễn biến phức tạp của bệnh và số ca tử vong tăng nhanh, Sở đã gửi hai mẫu bệnh phẩm được lấy từ hai trẻ tử vong đưa sang Đài Loan xét nghiệm. Kết quả cho thấy, virus gây nên hai ca tử vong này thuộc nhóm B2 chứ không phải C vốn gây ra các ca tử vong trước đây.
“Loại virus thuộc nhóm B này từng xuất hiện tại Đài Loan năm 2008, gây tử vong hàng loạt” - bác sĩ Giang cho biết. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, tại Việt Nam, các phân nhóm của Enterovirus 71 đã được xác định nhiều năm nay thuộc nhóm C. Tuy nhiên, việc xuất hiện phân nhóm B2 của Enterovirus 71 khiến bệnh tay chân miệng trở nên nguy hiểm hơn, gây tử vong cao hơn.
Nguy cơ từ cộng đồng
Tại cuộc họp khẩn chiều 24-5 tại Sở Y tế TPHCM, ông Lê Trường Giang cho biết, bệnh diễn biến phức tạp một phần do xuất hiện chủng virus mới, phần còn lại do ý thức vệ sinh khử khuẩn trong cộng đồng dân cư quá kém (theo điều tra dịch tễ, 70% số trẻ mắc bệnh tại nhà).
“Biện pháp phòng chống dịch bệnh hữu hiệu nhất là tăng cường vệ sinh khử khuẩn. Chậm nhất trong tuần tới, UBND TP sẽ họp với 24 quận huyện để triển khai chương trình “Vệ sinh hàng ngày, khử khuẩn hàng tuần” - ông Giang cho biết.
“Bệnh tay chân miệng do nhóm virus đường ruột gây nên được phát hiện năm 2004.
Nếu mắc virus Coxsakie A16 là loại vốn lành tính, bệnh tự khỏi sau vài ngày. Nhưng, riêng virus Entero 71 và một số tuýp virus khác có thể gây biến chứng ở não và tim, nếu chậm cấp cứu có thể tử vong rất nhanh.
Theo thống kê, trẻ mắc bệnh thường dưới 5 tuổi và trẻ dưới 2 tuổi dễ bị biến chứng nặng và tử vong nhanh” - bác sĩ Trương Hữu Khanh Theo Sở Y tế TPHCM, hôm nay (25-5), 12.000 gói thuốc khử khuẩn mới được nhập từ Pháp về để cung cấp cho các quận, huyện khử khuẩn.
Hiện chưa có văcxin phòng bệnh tay chân miệng và chưa có thuốc chữa trị đặc hiệu. Vì vậy, biện pháp duy nhất hiện nay là phòng bệnh từ trong nhà ra cộng đồng.Bác sĩ Thọ khuyến cáo, nên hạn chế cho trẻ đến nơi đông người, cách ly trẻ bị bệnh với trẻ khác. Phụ huynh không nên cho con tiếp xúc, chơi cùng trẻ khác khi thấy dấu hiệu bệnh như mệt, lờ đờ sốt, nổi bóng nước. Người lớn trước khi tiếp xúc với trẻ có dấu hiệu bệnh cũng phải rửa tay thật sạch.
Ngoài ra, vật dụng mà bé tiếp xúc như bình sữa, ca uống nước, đồ chơi, khăn, ngạch cửa, cửa tủ lạnh... phải thường xuyên được lau hoặc rửa bằng xà phòng, nước Javel, hoặc bằng bột Cloramin B do trạm y tế cung cấp.
Gia đình có con mắc bệnh phải thực hiện khử khuẩn mỗi ngày. Đặc biệt khi thấy trẻ sốt kéo dài hơn hai ngày kèm nổi bóng nước ở tay chân miệng, gối, phải đưa ngay đến bệnh viện.
Theo Lê Nguyễn
Tiền Phong
Tiền Phong