Android và những cái nhìn tổng quan nhất về nền tảng di động hàng đầu hiện nay

0-android.jpg


Ngày nay, trong đời sống của chúng ta, những thiết bị Android từ smartphone, tablet, hay cả smartwatch hiện hữu trong mọi ngóc ngách, mọi lĩnh vực, mọi công việc của từng người, đến mức Android như là một cụm từ quen thuộc mỗi khi nhắc về công nghệ. Nhưng liệu có ai biết được Android thực sự là gì ngoài việc chúng ta biết đến nó như là một hệ điều hành dành cho các thiết bị di động?

Android là gì?

Về cơ bản, Android là một nền tảng do Google ban đầu phát triển hướng tới việc sử dụng cho các thiết bị như smartphone hay tablet, nhưng sau đó với tầm ảnh hưởng và những bước tiến về công nghệ mà việc ứng dụng Android cũng bắt đầu mở rộng ra các lĩnh vực khác như các thiết bị đeo tay hay trong cả hệ thống dành cho xe hơi. Bắt đầu từ những năm 2003, và đến ngày hôm nay, Android đã trở thành nền tảng có thị phần lớn nhất trên toàn cầu

1-android-la-gi.jpg

Hoạt động như một hệ điều hành nên Android chính là công cụ để người dùng có thể thực hiện việc giao tiếp với chính các thiết bị mà họ đang sử dụng. Chẳng hạn như khi bạn chụp một bức ảnh nào đó, Android cung cấp các nút nhấn để bạn thao tác và cuối cùng là đưa ra một cách chính xác những gì mà bạn nhìn thấy khi bấm nút. Hay đơn giản hơn như khi thực hiện một cuộc gọi hay nhận một cuộc gọi từ người khác, tùy trường hợp mà Android sẽ đưa ra những tính năng hợp lí dành cho người dùng. Hoặc trong các trò chơi, Android sẽ nói cho thiết bị biết các thao tác mà bạn thực hiện thông qua cảm ứng trên màn hình để từ đó thực hiện các bước di chuyển tương tự đúng như ý mà người dùng yêu cầu

Cũng giống như các hệ điều hành khác, Android cũng có khá nhiều phiên bản của mình và được cập nhật hằng năm từ phía Google. Bên cạnh đó, còn tùy thuộc vào các hãng sản xuất như Samsung, HTC, LG mà các phiên bản Android gốc được đưa ra cũng sẽ có sự tùy chỉnh sao cho phù hợp nhất với mỗi bên, và chính điều này khiến cho Android tương thích tốt với hàng tỉ những sản phẩm khác nhau có mặt trên thị trường

Android đến từ đâu?

Có nhiều người nói rằng Android đến từ Google, và điều này là đúng chứ không hề sai, nhưng đó là điều xảy ra sau năm 2005. Trước đó, Android do một bên khác phát triển và chỉ được gã khổng lồ tìm kiếm này mua lại và phát triển nó đến thành công ngày hôm nay. Được xây dựng trên nền tảng là một bộ nhân của Linux, vì thế mà Android có mã nguồn mở để tất cả mọi người có thể tiếp cận, nhưng dĩ nhiên, bản quyền vẫn chỉ thuộc về những ai đang sở hữu nó mà thôi.

Đâu là sự khác nhau giữa Android và iPhone?

Nhìn chung, không có quá nhiều điểm khác nhau nào về cơ bản giữa Android và iOS ngoại trừ việc iOS chỉ dành cho các thiết bị iPhone trong khi Android tương thích với hàng loạt những cái tên từ lớn tới bé.

2-android-va-iphone.jpg

Tại sao chúng ta có thể nói như vậy khi mà về giao diện cả hai không có quá nhiều nét tương đồng? Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi mà Android và iOS đến từ hai cái tên khác nhau, thậm chí giữa hai phiên bản khác nhau của Android còn có sự khác nhau nữa. Nhưng nếu có cái nhìn một cách cặn kẽ hơn, chúng ta sẽ thấy những gì mà Android và iOS làm được hoàn toàn tương đồng: từ việc chạy nhiều ứng dụng khác nhau, kết nối Wi-Fi, chụp ảnh, gửi tin nhắn, thực hiện các cuộc gọi…

Tại sao Android lại có cái nhìn khác nhau theo từng thiết bị?

3-android-khac-nhau.jpg

Có thể Android không hề mấy khác nhau giữa tất cả các thiết bị sử dụng nền tảng này, nhưng giữa những phiên bản thì lại có. Như đã đề cập đến ở trên, Android là một nền tảng mã nguồn mở, có nghĩa là các nhà phát triển thiết bị, thậm chí là những người dùng đều có thể truy cập được vào toàn bộ hệ thống mã nguồn của Android và tạo ra các chỉnh sửa sao cho phù hợp nhất và biến nó thành một nền tảng có phần khác biệt so với chuẩn Android gốc mà Google đưa ra

Hiện nay, có rất nhiều phiên bản Android với giao diện khác nhau xuất hiện từ Samsung TouchWiz, Sony Xperia hay Huawei Emotion bên cạnh các phiên bản khác đến từ cộng đồng như Cyanogen…

Android có thể làm những gì mà các hệ điều hành khác không thể?

Thứ nhất, đó là sự đa dạng hóa trong lựa chọn. Với nền tảng iOS đến từ Apple, để có thể sử dụng nó, đồng nghĩa với việc bạn không có quá nhiều lựa chọn ngoài iPhone, iPhone và iPhone. Nhưng với Android, điều này hoàn toàn khác khi bạn gần như đứng trong một siêu thị rộng lớn với nhiều hãng khác nhau, nhiều thiết bị khác nhau trải dài trong một phân khúc giá khá rộng từ bình dân đến cao cấp. Không những thế, một ưu điểm khác nữa chính là giá thành khi một flagship cao cấp của Android vẫn rẻ hơn những iPhone mới nhất.

Kế đến là sự tương thích khi mà Android có thể hoạt động trên bất kì một phần cứng nào từ những tên tuổi lớn như Samsung, HTC hay những cái tên mới nổi như Huawei, Xiaomi, Leonovo…. Không những thế, sự tùy chỉnh sao cho phù hợp những gì người dùng mong muốn chính là điều tạo nên một điểm nhấn để lôi cuốn người dùng đến với Android bên cạnh một kho ứng dụng lớn với phong phú những chủ đề cho cuộc sống, công việc hay cả giải trí…

Tên gọi của các phiên bản Android

4-ten-goi-android.jpg

Sự phát triển của tên gọi các phiên bản Android đi kèm với sự gia tăng thứ tự trong bảng chữ cái tiếng Anh. Nhưng đó chưa phải là tất cả khi nó mới chỉ cung cấp từ khởi đầu cho một tên gọi, mà chúng ta còn phải nhắc đến những món bánh ngọt cũng bắt đầu từ chính cái tên đó, chẳng hạn như KitKat tương ứng với phiên bản Android K, hay Gingerbread cho bản Android G…

Điều hấp dẫn nhất trên Android là gì?

Không có gì nhiều để nói đến vấn đề này ngoài việc “root” hệ điều hành. Với việc thực hiện quyền root, Android cho phép những người sử dụng thiết bị truy cập một cách sâu hơn vào trong hệ thống và thay đổi bất cứ thứ gì mà họ mong muốn nhưng không hề bị hạn chế bởi bất kì một điều gì như trong phiên bản gốc. Chính vì thế mà có nhiều công cụ hệ thống yêu cầu bạn phải root chính thiết bị của mình trước khi sử đụng để đảm bảo nó có thể làm việc một cách hoàn toàn chính xác để mang lại hiệu quả cao nhất.

Điều tệ nhất trên Android

Có lẽ với nhiều người sử dụng các thiết bị Android thì việc nhận các bản cập nhật là thứ tệ hại nhất của hệ điều hành này. Với việc các nhà sản xuất lớn liên tục tung ra hàng loạt những thiết bị đến tay người dùng, và phải tinh chỉnh không ít trong các bản Android gốc để tạo sự tương thích khiến cho những thiết bị thuộc các dòng máy đời cũ được bán ra không còn nhận được những bản cập nhật mới nhất để nhận thêm các tính năng hấp dẫn hay sửa lỗi bảo mật nữa khiến cho người dùng phải chịu chung sống với nó hay thay đổi lên các đời máy cao hơn. Hoặc nếu không thực hiện điều trên, chúng ta vẫn có giải pháp cập nhật bằng tay và nó yêu cầu quyền root, cũng như những người có kinh nghiệm để có thể sửa lỗi trong quá trình cài đặt, và đây là điều mà không phải bất cứ ai cũng có thể làm được một cách dễ dàng.

Google Play hay Play Store là gì?

5-play-store.jpg

Google Play Store là một siêu thị số, nơi người dùng Android có thể mua ứng dụng, trò chơi, sách… và tải chúng về máy để có thể sử dụng. Và dĩ nhiên, khi bạn đã mua, thì danh tính của người dùng là thứ cần thiết để xác nhận. Với các dịch vụ đến từ Google, thì không có gì khác ngoài việc bạn sẽ phải sử dụng tới chính tài khoản của gã khổng lồ này đăng nhập vào, nhưng bù lại, mọi thứ bạn mua đều được lưu trữ và bạn sẽ không phải mất một khoản phí tương tự để sở hữu lại chúng một lần nữa trên các thiết bị khác ngoại trừ việc bạn làm mất chính tài khoản của mình

Android APK là gì?

APK là từ viết tắt của Android Application Package hay có thể hiểu nôm na là phiên bản đóng gói của ứng dụng, là một định dạng quen thuộc của ứng dụng trên nền tảng Android như .exe của Windows vậy. APK mang đến một cách cài đặt ứng dụng khác cho chính các thiết bị của bạn khi thay vì bạn phải bật mạng để tải và cài đặt trực tiếp từ chính Google Play Store, bạn hoàn toàn có thể dùng các tập tin APK như bộ cài đặt ngoại tuyến, và đặc biệt hơn, các file APK này giúp cho các phần mềm giả lập hoạt động với ứng dụng một cách dễ dàng hơn mà không có quá mất công để cài đặt trực tiếp, hay đơn giản là để kiểm tra các ứng dụng trước khi đăng tải chúng lên Google Play Store.

Android TV

6-android-tv.jpg

Android TV là những nỗ lực của Google trong việc ứng dụng nền tảng Android vào các thiết bị TV để biến chúng trở nên thông minh hơn, bên cạnh việc ứng dụng cho những smartphone hay tablet thường thấy. Trong những ngày đầu của dự án, Android TV có những thành công nhất định, nhưng bên cạnh đó là không ít những hạn chế. Nhưng với phiên bản Android TV mới nhất, các khuyết điểm đã được giảm đi một cách đáng kể và giờ đây, bạn đã có thể có một hệ thống giải trí thông minh đích thực trong chính ngôi nhà của mình với những tiện ích đến từ chính Google Play Store.

Android Wear

7-android-wear.jpg

Android Wear là một phiên bản phát triển khác của Android tương tự như Android TV, nhưng ứng dụng của nền tảng này lại hướng đến dành cho các thiết bị đồng hồ đeo tay, cung cấp khả năng giao tiếp một cách hoàn hảo với các smartphone một cách nhanh chóng và trực tiếp mà không cần phải cần lấy các thiết bị mà mình đang sử dụng ra.

Tổng kết

Trên đây là tất cả những gì tổng quan nhất của nền tảng Android ở thời điểm hiện tại. Hi vọng các bạn đã có thể hiểu một cách rõ nét về nền tảng Android mà chúng ta vẫn đang sử dụng thường ngày. Đương nhiên thì có thể là nó vẫn có những vấn đề còn thiếu, và rất mong nhận được sự đóng góp từ mọi người để mọi thứ trở nên tốt hơn.

Theo Android Pit
 

Thống kê

Chủ đề
100,746
Bài viết
467,576
Thành viên
339,851
Thành viên mới nhất
Đông Âu
Top