Apple thắng kiện tại New York

1(65).jpg

Trong một phiên xét xử mới đây tại New York, tòa án liên bang nhận định FBI không thể ép buộc Apple mở khóa iPhone của một tên trùm tội phạm, nhằm mục đích giúp cơ quan tình báo này điều tra một vụ việc buôn lậu ma túy.

Đây là một chiến thắng dành cho thương hiệu quả táo cắn dở, trong bối cảnh hãng đang phải đối mặt với khoảng 13 vụ việc tương tự trên toàn nước Mỹ. “Tương tự” ở đây có nghĩa rất nhiều cơ quan lập pháp, với nhiều lý do khác nhau đang buộc Apple mở khóa iPhone, động thái được Apple đánh giá là xâm phạm quyền riêng tư của hàng trăm triệu người dùng iPhone trên toàn thế giới.

Cho đến thời điểm hiện tại, Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DOJ) đang dựa vào bộ luật “All Writs Act” được thông qua năm 1789, theo đó cho phép tòa án đưa ra bất cứ phán quyết nào nếu cảm thấy nó hợp lý và cần thiết. Tuy nhiên, trong phiên xét xử, Thẩm phán James Orenstein khẳng định FBI đang cố gắng sử dụng những quyền hạn chưa được Quốc hội Mỹ cho phép.

“Lý lẽ mà chính phủ Mỹ đưa ra là chưa đủ để thuyết phục chúng tôi rằng Apple có bổn phận giúp FBI mở khóa iPhone để giúp đẩy nhanh tiến trình điều tra vụ án. Vấn đề ở đây là bộ luật All Writs Act mà FBI đưa ra không liên quan gì đến vụ việc này và vì thế nó là một luận cứ không xác đáng”, ông James cho hay. Được biết tính từ năm 2008, Apple đã tuân theo 70 chỉ thị từ tòa án liên quan đến bộ luật All Writs Act này mà không hề kháng cáo.

Vụ việc mà FBI điều tra liên quan đến trùm ma túy Jun Feng, người đã bị bắt giữ năm 2014. Năm ngoái, các cơ quan điều tra đã yêu cầu Apple giúp mở khóa chiếc iPhone 5C của tên Jun Feng nhằm khai thác thông tin về hoạt động kinh doanh trái phép và những tên đồng loại. Đầu tiên, Apple đồng ý hỗ trợ, nhưng bây giờ hãng lại từ chối, điều mà chính phủ Mỹ gọi là “sự không nhất quán”.

Bản thân FBI chỉ trích bước đi của Apple khi cho rằng hãng đang cố gắng tạo ra một sự bảo vệ quyền riêng tư cho người dùng. Về phía Apple, hãng cho hay sẽ chỉ giúp FBI mở khóa chiếc iPhone 5C của Jun Feng nếu nhận được lệnh trực tiếp từ tòa án, điều mà Thẩm phán James đã khẳng định là không xảy ra.

FBI nhận định chiếc iPhone 5C bí ẩn có thể chứa đựng những thông tin tội phạm hữu ích và vì thế họ sẽ kháng cáo và tìm mọi cách để có được những thông tin đó. Trong khi đó, người đứng đầu Liên đoàn Tự do vì Dân chủ Mỹ Alex Abdo gọi chiến thắng của Apple là một chiến thắng của quyền riêng tư, an ninh và là một điều hiển nhiên.

Trong một vụ việc được cả thế giới quan tâm, FBI đã yêu cầu Apple mở khóa một chiếc iPhone 5C khác thuộc về một trong những kẻ khủng bố giết liên hoàn 14 người tại San Bernardino (California) hồi cuối năm ngoái. Trong khi FBI nhấn mạnh yêu cầu của họ chỉ ảnh hưởng đến duy nhất một chiếc iPhone, Apple lại cho rằng nó sẽ tạo ra một tiền lệ xấu, một cơ hội vàng cho tội phạm mạng.

Những rắc rối pháp lý gần đây của Apple thú vị ở chỗ, nó thể hiện một cuộc chiến cân não giữa các cơ quan lập pháp của nền kinh tế lớn nhất thế giới, và một doanh nghiệp công nghệ có khối tài sản lớn nhất hành tinh. Một câu hỏi đến nay vẫn chưa có lời giải, đó là liệu rằng chính phủ có nên có quyền buộc các doanh nghiệp làm theo yêu cầu của họ trong sứ mệnh truy bắt tội phạm? Một phán quyết cuối cùng của tòa án tối cao sẽ giúp chúng ta có câu trả lời.

Microsoft, Google, Facebook, Amazon, Twitter và nhiều công ty công nghệ lớn khác đều đã lên tiếng ủng hộ Apple.

Nguyễn Mai Đức

 
  • Chủ đề
    apple chính phủ mỹ cơ quan fbi new york thắng kiện tim cook
  • Top