Bài văn Nghị luận xã hội về vấn đề cá nhân với tập thể hay

Hướng dẫn làm bài văn bàn về mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể có dàn ý chi tiết và bài viết tham khảo

Con người không ai là hoàn hảo, không ai có đầy đủ hiểu biết và tài giỏi trong mọi lĩnh vực để có thể tự làm mọi việc một mình. Vì vậy, trong cuộc sống, con người không thể sống riêng lẻ, tách rời nhau. Đức Phật đã dạy rằng: “ Giọt nước chỉ hòa vào biển cả mới không cạn mà thôi”. Đúng như vậy. Mỗi người khi chỉ có một mình thì sẽ không có đủ sức mạnh để đối diện với những khó khăn và giống như hạt nước khi riêng lẻ thì sẽ cạn mà thôi. Mỗi cá nhân phải sống có tập thể, biết hợp tác với nhau. Chỉ có sống trong tập thể thì tài năng của mỗi cá nhân sẽ luôn được lưu giữ và có cơ hội được phát triển. Mỗi người có tài năng khác nhau, khi các cá nhân cùng hợp tác thì sẽ tạo ra một tập thể vững mạnh, đạt được nhiều thành công. Cá nhân và tập thể có mối quan hệ gắn bó khăng khít, tác động qua lại lẫn nhau. Sau đây, mình sẽ hướng dẫn các bạn làm bài nghị luận về mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể.

DÀN Ý BÀI VĂN NGHỊ LUẬN VỀ CÁ NHÂN VÀ TẬP THỂ
1.MỞ BÀI:
Dẫn dắt đến mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể.
2.TH N BÀI:
Giải thích
  • Cá nhân: những con người cụ thể tồn tại và hoạt động không chỉ là một thực thể tự nhiên mà còn là một thực thể xã hội.
  • Tập thể: tập hợp của những cá nhân trong xã hội
Bàn luận
  • Vai trò của tập thể với cá nhân
  • Môi trường để con người bộc lộ tài năng
  • Được đồng cảm, sẻ chia khi gặp khó khăn
  • Tạo áp lực để mỗi cá nhân phấn đấu
Vai trò của cá nhân với tập thể:
  • Là nhân tố quan trong làm nên tập thể
  • Quyết định thành công hay thất bại của tập thể
  • Mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể: gắn bó khăng khít, tác động qua lại nhau, mỗi cá nhân đều cần tập thể và tập thể cũng cần các cá nhân.
3. KẾT BÀI:
Khẳng định lại về mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể.

BÀI VĂN NGHỊ LUẬN VỀ CÁ NHÂN VÀ TẬP THỂ
Đức Phật dạy rằng:” Giọt nước chỉ hòa vào biển cả mới không cạn mà thôi”. Trong cuộc sống, con người cần tôn trọng, hòa nhập và vì cộng đồng bởi sống ích kỉ, vị kỉ là một cách tự tiêu diệt chính bản thân mình. Không phải việc gì chúng ta cũng có thể làm một mình làm được mà cần phải hợp tác với những người khác.Đó là một cách sống giữa người với người,cá nhân với tập thể.

Trước hết chúng ta hiểu thế nào là “cá nhân”, “tập thể”.Cá nhân là những con người cụ thể tồn tại và hoạt động không chỉ là một thực thể tự nhiên mà còn là một thực thể xã hội (có những quan hệ xã hội cụ thể). Tập thể là khối đoàn kết, thống nhất, tập hợp của những cá nhân trong xã hội. Như vậy cá nhân và tập thể là hai mối quan hệ tồn tại song song , nếu nó đứng riêng tách rời nhau thì có thể trái ngược nhau nhưng đều thống nhất và bổ sung cho nhau.

Một vài giọt nước nhỏ dễ dàng bị bốc hơi, một hạt cát đứng lẻ loi cũng sẽ bị gió cuốn đi. Nhưng khi nó gộp lại sẽ thành đại dương mênh mông hay sa mạc rộng lớn. Cuộc đời cũng vậy! Chúng ta chỉ như những giọt nước, những hạt cát nhỏ bé ấy thôi. Cuộc sống nhân vô thập toàn , con người không ai có thể hoàn hảo cả, không ai có thể hiểu hết về thế giới xung quanh. Chỉ khi cùng hợp tác với nhau thì những thiếu sót sẽ được bù đắp. Bởi vậy mỗi cá nhân phải cần đến vai trò của tập thể. Trong cuộc sống không phải lúc nào chúng ta cũng sống riêng lẻ rách biệt được mà cần phải hòa mình vào tập thể để trở nên lạc quan hơn về xã hội. Cũng như trong một lớp học mỗi thành viên không thể chơi riêng biệt, sống cô lập được bởi như thế quãng đời học sinh của bạn sẽ trở nên thật vô vị, tẻ nhạt. Sống trong một môi trường tập thể, là cơ hội thuận lợi để mỗi cá nhân dễ dàng bộc lộ được hết tài năng, rèn luyện được tinh thần làm việc nhóm.. Khi chỉ một mình bạn, thì người khác khó tin tưởng và giao cho bạn những nhiệm vụ to lớn, nhưng khi hòa mình vào tập thể thì bạn sẽ có thể làm được. Như cha ông ta cũng từng nói:
“Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.”​

Chúng ta gặp những khó khăn thử thách, những lúc cô đơn buồn tẻ thì lúc này rất cần đến những người xung quanh đồng cảm, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn để ta trở nên lạc quan, yêu đời hơn. Khi trong một tập thể lớn thì mỗi cá nhân tự tạo cho mình những áp lực để không ngừng cố gắng bởi vì không cố gắng thì con người đang tự đào thải chính mình. Mỗi cá nhân cũng đóng vai trò quan trọng đối với tập thể. Không có những giọt nước nhỏ bé thì sẽ không có một đại dương. Không có các cá nhân thì không thể tạo thành tập thể. Họ là những hạt nhân chủ chốt để quyết định sự thành công hay thất bại của một tập thể. Mỗi cá nhân có tài năng, luôn biết cố gắng sẽ thúc đẩy sự phát triển của một tập thể và ngược lại những cá nhân chỉ biết dựa dẫm, ỷ lại, không có tài năng thì sẽ cản trở bước tiến của tập thể. Khi các cá nhân cùng hợp sức lại, thì tạo thành một khối đoàn kết có sức mạnh lớn lao khó có thể lay chuyển được. Ta có thể dễ dàng bẻ gãy từng cái đũa một nhưng khi gộp lại thành một bó thì thật khó để bẻ. Đó là sức mạnh của sự đoàn kết. Sự tỏa sáng của mỗi cá nhân sẽ cùng tạo lên sự tỏa sáng của cả một tập thể. Như vậy, mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể rất khăng khít, không thể tách rời. Tập thể chỉ vững mạnh khi có những nhân tố xuất sắc. Mỗi cá nhân sẽ có nhiều cơ hội để thử thách, để tỏa sáng khi sống trong một tập thể.

Tuy nhiên trong cuộc sống vẫn có những con người sống theo lối cá nhân, chỉ biết lo cho lợi ích của bản thân. Hay những người sống trong tập thể mà luôn có suy nghĩ ỷ lại, không biết cố gắng để tập thể đi lên. Mỗi hành vi xấu của cá nhân cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến cả một tập thể.Vì lợi ích bản thân cũng có những người sống cạnh tranh không lành mạnh, dùng những thủ đoạn để chèn ép nhau. Những điều đó sẽ ảnh hưởng rất xấu đến tập thể.

Trong mọi công việc thì mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể đều rất cần thiết. Chúng tác động qua lại và bổ sung cho nhau cũng như lời bài hát:
“ Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân
Rủ nhau én về theo làn nắng ấm dần…”​
 
  • Chủ đề
    lop 9 nghi luan xa hoi tap the va ca nhan văn mẫu
  • Top