Bài viết số 6 lớp 7 đề 5: Giải thích học, học nữa, học mãi

Hướng dẫn làm bài văn Bài tâp làm văn, bài viết số 6 lớp 7 đề 5: giải thích câu tục ngữ, câu nói: Học, học nữa, học mãi lớp 7 hay nhất. Đại dương tri thức mênh mông đều có những viên ngọc ngàn đời bất tử, ta có phải viên ngọc đó không thì phụ thuộc vào việc ta học tập và rèn luyện như thế nào. Nhưng tri thức nhân loại quả thật vô thường khiến ta khó nắm bắt, có khi dùng cả đời cũng không thu hết kho báu ấy về riêng mình. Vì vậy, Lênin đã đúc kết ra câu nói: Học , học nữa, học mãi với mục đích muốn động viên, cổ động, khơi dậy những mong muốn tích lũy tri thức của nhân loại và một phần muốn cho con người thấy, tri thức như biển rộng, ta đi cả cuộc đời chưa chắc đã tìm thấy bờ. Trong chương trình ngữ văn lớp 7 các bạn học sinh được học phương pháp giải thích, ví dụ như bài viết số 6 lớp 7 đề 5: giải thích về câu nói của Lênin: Học, học nữa, học mãi. Dưới đây là bài làm hướng dẫn chi tiết bài văn giải thích câu nói trên để các bạn tham khảo và làm một bài văn thật hay nhé.


hoc-hoc-nua-hoc-mai.jpg

Kiến thức là vô tận và bạn luôn phải cố gắng học hỏi những điều hay và hữu ích​



BÀI VIẾT SỐ 6 LỚP 7 ĐỀ 5 GIẢI THÍCH CÂU NÓI: HỌC, HỌC NỮA, HỌC MÃI LỚP 7 HAY NHẤT
Học là hành trình mà con người ta vươn đến tri thức, nhưng hành trình ấy không hề đơn giản mà là cả một chặng đường vất vả và gian lao. Để động viên tinh thần của con người, Lênin từng nói rằng: học, học nữa, học mãi.

Khẩu hiệu ấy luôn được chăng trong khuôn viên trường học, lớp học thậm chí đã trở thành châm ngôn của mỗi người. Học là quá trình tìm hiểu, tích lữu vốn kiến thức trong cuộc sống của mỗi người từ khi còn nhỏ. Mà ta biết rằng kiến thức là vô hạn, ta không thể học được hết. Lênin nói rằng "học nữa" tức là khi bạn học từ trình đổ này sang trình độ khác, học có hệ thống nối tiếp kiến thức, không ngừng học hỏi thêm những điều mới mẹ, trau dồi bản thân. Nhưng không có nghĩa là phải ôm đồm quá nhiều thứ, học chưa hết cái này đã nhảy sang cái khác. Nếu như vậy, bạn sẽ chẳng thu lại được gì mà sẽ lại tốn thời gian học nhiều hơn. Khi ta còn trẻ, không bị hạn chế bởi sự nhận thức, tuổi tác và năng lực nên chúng ta phải cố gắng học hỏi nhiều, tiếp thu nhiều kiến thức để nó trở thành hành trang có ích cho mai sau.

Chúng ta không chỉ " học nữa" mà còn "học mãi". Bởi tri thức sâu rộng, còn đời người thi hữu hạn nên mỗi chúng ta phải tận dụng khoảng thời gian đời mình để học, để tạo thành một thói quen siêng năng, cần cù, không lười nhác. Vả lại, một con người dù có thông minh, chắc chắn cũng không thể học một lúc hết được tất cả tri thức của nhân loại nên ta cần có sự chăm chỉ. Tuy không thể học hết, nhưng trong quá trình đó, các bạn trau dồi được nhiều kĩ năng hơn, học hỏi được nhiều điều. Như vậy câu nói của Lênin vừa có tinh thần khích lệ động viên, vừa dạy chúng ta về việc học: học là hành trình dài vô tận nhưng con người ta mãi sẽ không dừng chân tại một điểm nào trên con đường ấy khi hơi thở chưa hóa thinh không.

Các bạn có biết vì sao chúng ta phải học không? Bởi việc học trước hết có lợi cho bản thân mỗi chúng ta trong hiện tại và cả sau này. Học tập khiến mỗi người trở nên năng động, sáng suốt và nhanh nhẹn. Khi học chúng ta không ngừng tư duy , vận động não bộ phát huy tất cả những gì con người có để tiếp nhận tri thức. Không chỉ tốt cho bản thân mà còn tốt cho cả xã hội và cộng đồng. Khi các bạn có tri thức, có địa vị thì lúc ấy cũng là lúc bạn đóng góp cho xã hội những lợi ích lớn lao. Hãy nhìn xem những nhà khoa học vĩ đại, họ dành cả cuộc đời mình trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu để cho ra đời những phát minh vĩ đại trong lịch sử nhân loại. Để làm ra một cái bóng điện thắp sáng sự tối tăm bạn nghĩ Edison đã tốn bao nhiêu chất xám và thời gian? Để sáng tạo ra quạt điện thì Omar- Rajeen Jumala đã bỏ ra bao nhiêu công sức? Để có được chiếc xe đạp cho con người, Pierre Lallement đã phải làm những gì mỗi ngày. Không phải sao, tất cả những nhà phát minh ấy đều dành cả cuộc đời mình để học hỏi, để tạo ra những điều mới mẻ. Vậy còn chúng ta, những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường phải làm những gì? Chúng ta nên nỗ lực rèn luyện và học tập nhiều hơn nữa. Hãy tạo cho bản thân một nguồn cảm hứng bất tận trên con đường hướng đến ánh sáng tri thức. Ta là thế hệ tương lai, ta cần học nhiều, biết nhiều và hiểu nhiều hơn từng giây từng phút từng giờ.

Học, học nữa, học mãi, câu nói giản dị mà thấm thía. Lenin dạy con người một bài học sâu sắc trong quá trình tích lũy tri thức và nó cũng trở thành khẩu hiệu đến tận mãi sau.

BÀI VĂN GIẢI THÍCH CÂU NÓI: HỌC, HỌC NỮA, HỌC MÃI
Học tập là quá trình gian nan, bền bỉ kéo dài cả đời người. Trên con đường học vấn, chúng ta phải đối mặt với biết bao gian nan thử thách. Sự học không phải một sớm một chiều là có thể thành tài. Nó đòi hỏi chúng ta phải chăm chỉ rèn luyện phân đấu. Bàn về sự học, Lê- nin có câu nói nổi tiếng: “Học, học nữa, học mãi”.

Câu nói ấy tuy ngắn gọn nhưng làm bất cứ ai cũng phải suy ngẫm. Học là quá trình tìm hiểu, thu nhận, tích lũy kiến thức, rèn luyện kĩ năng để hoàn thiện và làm phong phú thêm cho bản thân. Học ở đây không chỉ là đến trường mới học. Ngay từ khi còn nhỏ, sống trong vòng tay yêu thương, chở che, bao bọc của gia đình, chúng ta đã được ông bà, cha mẹ dạy những thứ nhỏ nhất như dạy ăn, dạy nói, dạy những bài học ứng xử, cách làm người đầu tiên. Khi đến trường, dưới sự hướng dẫn, chỉ bảo nhiệt tình của các thầy cô giáo, chúng ta được tiếp cận với nguồn tri thức phong phú, đa dạng, toàn diện trên mọi lĩnh vực. Không chỉ học ở thầy, ta còn học ở bạn những đức tính tốt đẹp để bù đắp những thiếu sót cho bản thân. Điều ấy đã được ông cha ta đúc kết qua câu tục ngữ: “Học thầy không tày học bạn”. Chúng ta còn có thể học hỏi những nguồn kiến thức đến từ những phương tiện thông tin đại chúng như sách vở, báo chí, truyền hình... Bên cạnh đó, ta phải chú ý học đi đôi với hành, tránh học tủ, học lệch. Còn “học nữa” tức là học từ cấp độ này đến cấp độ khác, từ dễ đến khó. Ở mỗi lứa tuổi, mỗi trình độ, ta lại tiếp thu với nhiều nguồn tri thức đa dạng phong phú hơn. Những kiến thức đó là hành trang vững chắc cho ta bước vào đời, đáp ứng nhu câu của xã hội, có thể nuôi sống bản thân và gia đình, làm đẹp cho xã hội. “Học mãi” là học liên tục, học không ngừng nghỉ, học đến suốt cuộc đời. Có những người không chỉ học lúc học còn trẻ khỏe, đến khi về già, họ vẫn còn niềm khao khát, say mê với học tập. Đối với họ, sự học chỉ chấm dứt khi nào nhắm mắt xuôi tay. Như vậy, bằng cách nhắc lại từ học 3 lần kết hợp với các từ “nữa”, “mãi” mang cấp độ tăng tiến, Lê- nin đã đưa ra một lời khuyên quý giá về việc học: Học là vô tận, học ở mọi lúc, mọi nơi, học không bao giờ ngừng nghỉ.

Tại sao Lê- nin lại khuyên chúng ta như vậy? Ai cũng biết rằng tri thức của nhân loại như đại dương mênh mông vô tận, mà những gì chúng ta biết được chỉ là muối bỏ bể, là hạt cát giữa sa mạc bao la. Muốn chiếm lĩnh được nguồn tri thức rộng lớn, phong phú, đa dạng ấy, chẳng còn cách nào khác, chúng ta phải liên tục, không ngừng học tập để bồi đắp bản thân. Nếu không học, chúng ta sẽ không theo kịp bước tiến của thời đại, sớm sẽ bị đào thải ra ngoài xã hội. Hơn nữa, hiếu học là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ bao đời nay. Không chăm chỉ học tập là đang đi ngược lại với đạo lí, truyền thống đó của dân tộc.

Có biết bao tấm gương về sự cần cù, chăm chỉ học tập vẫn hiện hữu trong cuộc sống quanh ta. Trạng nguyên Nguyễn Hiền thuở nhỏ nhà nghèo không có tiền đi học thường dùng lá chuối làm giấy, bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng làm đèn đọc sách. Hay thầy giáo Nguyễn Ngọc Kí bị liệt hai tay nhưng đã dùng chân để luyện viết chữ. Những con người ấy đã cho ta thấy sự say mê học tập và tinh thần vượt lên số phận đáng khâm phục.

Câu nói của Lê- nin đã cho chúng ta một lời khuyên quý giá trên con đường học tập. Nó sẽ là hành trang theo chúng ta suốt cuộc đời, nhắc nhở ta phải không ngừng cố gắng, nỗ lực trong học tập.
 
Sửa lần cuối:
  • Chủ đề
    bai viet so 6 học học nữa học mãi
  • Top