Beeline quyết vươn lên vị trí thứ 4

Beeline quyết vươn lên vị trí thứ 4

Với khoảng 1 tỷ USD được rót vào Beeline, Vimpelcom đang nuôi tham vọng đẩy mạng này lên vị trứ thứ 4 trên thị trường di động. Đây thật sự là một thách thức quá lớn cho nhà đầu tư đến từ xứ sở Bạch Dương.

Chóng vui, nhanh buồn

Ngay khi mạng di động thứ 7 – Beeline được cấp phép, nhiều người dự báo nhanh nhất phải đến cuối năm 2009, Beeline mới có thể ra mắt dịch vụ bởi lịch sử ở Việt Nam chưa có mạng nào triển khai mạng lưới trong vòng 1 năm. Tuy nhiên, Beeline bất ngờ tuyên bố cung cấp dịch vụ di động vào ngày 20/7/2009 tại 3 thành phố lớn. Không dừng lại ở đó, Beeline đã tung ra gói cước sốc nhất từ trước đến nay với tên gọi BigZero khiến các “đại gia” di động không khỏi “giật mình”.
Nếu so với tất cả các mạng di động ở Việt Nam, phải thừa nhận rằng Beeline là mạng “khai hỏa” dịch vụ tạo được hiệu ứng hình ảnh tốt nhất. Cùng với hình ảnh thương hiệu độc đáo, chỉ 2 tháng 20 ngày sau khi bước vào làng di động Việt Nam, Beeline tuyên bố đã tạo lập kỷ lục với hơn 2 triệu sim phân phối ra thị trường, trong đó 1 triệu sim đã kích hoạt. Với con số này, Beeline đã trở thành nhân vật "hậu sinh khả úy" khi trở thành mạng di động đầu tiên tại Việt Nam đạt đến mốc 1 triệu thuê bao chỉ sau hơn 2 tháng. Tại thời điểm đó, Beeline được xem là điển hình cho minh chứng một mạng di động có vùng phủ sóng hẹp vẫn có thể hút được thuê bao.

Thế nhưng, nghiệt ngã của thị trường di động đã cho thấy Beeline chỉ mang phong độ nhất thời. Câu chuyện Beeline bị “cơm áo gạo tiền ghì sát đất” khiến cho lượng thuê bao của nhà mạng này lao dốc không phanh. Đến cuối năm 2010, Beeline đã tụt xuống còn 187.176 thuê bao (theo số liệu của bộ TT&TT). Với con số này, Beeline lại lập kỷ lục về độ “lao dốc” của một mạng di động tại Việt Nam. Nửa cuối năm 2010, Beeline gần như “án binh bất động”, thậm chí có tờ báo điện tử còn đưa ra suy luận, có thể Vimpelcom rút vốn khỏi Beeline.

Tham vọng soán ngôi

Nếu tính số thuê bao hiện nay, Beeline đang tụt xuống hạng thứ 7 trên thị trường. Trong 4 mạng di động nhỏ, Vietnamobile đang dẫn đầu về số thuê bao, kế đến là S-Fone, EVN Tecom và cuối cùng là Beeline. Thế nhưng, mới đây Beeline đã quyết định thay tướng để làm cuộc “đảo chính” ngôi thứ trên thị trường di động. Ngày 24/6 vừa qua, GTEL Mobile công bố bổ nhiệm ông Michael Cluzel làm tân Tổng giám đốc Beeline Việt Nam và Tổng Giám đốc khu vực Đông Dương (bao gồm Việt Nam, Lào và Campuchia) thay cho ông Alexey Blyumin. Sự thay đổi này nằm trong chiến lược đưa Beeline trở thành một đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông lớn thứ tư tại Việt Nam. Tân Tổng giám đốc của Beeline nhận định, ở Việt Nam có hai nhóm viễn thông. Một là nhóm gồm 3 đại gia lớn như VinaPhone, Viettel và MobiFone. Thứ hai là nhóm bốn thương hiệu nhỏ gồm Beeline, Vietnamobile, S-Fone và EVNTelecom. “Beeline hiện chưa đủ sức để cạnh tranh với nhóm đại gia, song sẽ đặt mục tiêu trở thành đơn vị đứng đầu trong nhóm thứ hai”, ông Michael Cluzel nói.
Với tham vọng đứng thứ 4 trên thị trường nhưng Beeline chỉ mới đầu tư 5000 BTS cùng băng tần cao phủ sóng hẹp và việc giải ngân ở mức “vừa làm vừa xem động thái”, liệu Beeline có mất cơ hội khi thị trường này đang sắp bão hòa? Tân Tổng giám đốc Beeline cho rằng đây là kế hoạch phù hợp. “Thị trường bão hòa là thuật ngữ được dùng nhiều tại Việt Nam. Theo thống kê thì tỷ lệ dân số trên tỷ lệ thuê bao tới gần 200%. Tuy nhiên, tôi cho rằng con số người dùng thực thấp hơn rất nhiều con số đó và thị trường vẫn còn cơ hội cho những nhà mạng mới. Vùng phủ sóng với 5000 BTS và tốc độ giải ngân cho Beeline phù hợp với các mục tiêu của chúng tôi”, ông Michael Cluzel nhấn mạnh.
Beeline sẽ đặt mục tiêu tấn công thị trường bằng chất lượng dịch vụ và dịch vụ giá trị gia tăng chứ không muốn tham chiến bằng cuộc chiến giá cước với các mạng di động. Ông Michael Cluzel nói, điều ngạc nghiên nhất ở thị trường Việt Nam là khuyến mãi quá lớn. Trong đó, 10% khách hàng nhảy mạng liên tục để hưởng khuyến mãi đang tạo ra tới 80% tăng trưởng thuê bao cho các mạng. “Chúng tôi không muốn nhắm tới 10% đối tượng khách hàng này. Chiến lược Beeline sẽ nhắm đến khách hàng là thuê bao trả sau. Tất nhiên viêc thu hút thuê bao trả sau là việc rất khó khăn, nhưng đây sẽ là khách hàng trung thành”, ông Michael Cluzel nói.
Trước đó, vào tháng 4/2011, Tập đoàn VimpelCom đã đạt thỏa thuận với đối tác Việt Nam - Tổng công ty Viễn thông Di động Toàn cầu (GTEL) về kế hoạch đầu tư tài chính cho Liên doanh GTEL-Mobile. Theo đó, VimpelCom sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD từ nay đến hết năm 2013. Khoản góp vốn đầu tiên trị giá 196 triệu USD đã được VimpelCom đầu tư vào liên doanh, nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông này trong GTEL-Mobile từ 40% lên 49%. Khoản đầu tư còn lại trị giá 304 triệu USD sẽ được thực hiện trong bước tiếp theo nếu Liên doanh GTEL-Mobile đạt được các mục tiêu kinh doanh nhất định cũng như nhận được các chấp thuận cần thiết của các cơ quan có thẩm quyền. Khi đó, lợi ích kinh tế của Tập đoàn VimpelCom sẽ tăng từ 49% lên 65%. Với khoản đầu tư mới này, tổng số vốn đầu tư của tập đoàn VimpelCom dành cho hoạt động tại Việt Nam có thể lên tới 1 tỷ USD, bao gồm cả khoản đầu tư đã thực hiện trước đó.
Câu chuyện về việc đầu tư 1 tỷ USD và các chiến lược mới của Vimpelcom có đẩy Beeline lên vị trí thứ 4 hay không hiện vẫn còn là ẩn số. Cho dù, thành hay bại, nhưng chắc chắn rằng Beeline sẽ làm cuộc đua giữa các “tiểu gia” dậy sóng.
 
  • Chủ đề
    2009 2010 2011 cần chất lượng của dẫn đầu hay lịch liên năm 2010 nhất nhóm phố thành thể tốt tốt nhất triển tung việt nam viettel với vui đua
  • Top