Biến mưa Huế thành đặc sản du lịch?!

Biến mưa Huế thành đặc sản du lịch?!

Mới đây, câu chuyện mưa Huế đã được đặt ra sôi nổi trên bàn một cuộc hội thảo du lịch lớn ở Huế. Nhiều người cho rằng, đã đến lúc, Huế phải tìm kế để biến mưa, vốn là một trở ngại lâu nay, thành lợi thế du lịch.

Làm gì với mưa “thối trời, thối đất”?

Tại hội thảo “Xây dựng thương hiệu du lịch Huế” vừa được tổ chức, câu chuyện mưa Huế đã được phân tích, mổ xẻ khá kỹ, với cả phần ưu lẫn phần nhược.
Theo nhà nghiên cứu Bửu Ý, mưa vốn là một thuộc tính của Huế. Người Huế đã quen với mưa, sống với mưa. Đến mức, nếu không có mưa thì Huế không còn là Huế nữa. Mưa cũng có thể là thú chơi như nhà văn Nguyễn Tuân từng cổ xúy. Cũng có người xem mưa như một đặc sản du lịch. Mưa cũng là nhân tố góp phần hình thành nên nhiều giá trị văn hóa cốt lõi của Huế, từ ẩm thực đến âm nhạc, hội họa và cả phong cách sống thâm trầm, tinh tế của người Huế… Tuy nhiên, về mặt trái, mưa lại là một trở lực cho nhiều cuộc tổ chức hội hè. Bằng chứng là các kỳ Festival Huế, dù thời điểm tổ chức đã được dịch chuyển nhiều lần để né thời tiết nhưng hầu như lễ hội nào cũng “dính” mưa.
Với tất cả sự nóng lòng, nhà văn Tô Nhuận Vỹ cho rằng, đã có bao bài thơ, bài hát da diết về những cơn mưa trên phố Huế, mới nghe đã rùng mình thương nhớ, khiến cho những người xa quê phải chảy ròng nước mắt. Nhưng mưa đến mức “thối đất, thối trời” như ở Huế thì với du lịch lại là chuyện khác. Liệu ai sẽ kéo theo cả bầu đoàn thê tử đến du lịch Huế vào những ngày tất cả các con đường Huế “đều là dòng sông”?

mua%20hue1.jpg


Mưa Huế sẽ trở thành sản phẩm du lịch? Ảnh: Festivalhue.com


Cũng chuyện mưa, nhà văn Tô Nhuận Vỹ đã kể một kỷ niệm kinh hoàng: Trong cơn lũ lịch sử 1999, Chủ tịch UBND tỉnh phải chỉ đạo Sở Ngoại vụ điều xe cam nhông quân sự cỡ lớn chạy đua với lũ để giải cứu 40 người Thái Lan bị kẹt tại Khách sạn Hương Giang ra sân bay Phú Bài. Ông Vỹ cho rằng, những vị khách Thái Lan ấy chắc hẳn sẽ “tởn đến già” và không bao giờ dám đến Huế vào mùa mưa lũ nữa…
Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận, với thời gian kéo dài (từ tháng 9 năm này đến tháng 4 năm sau), mùa mưa thực sự là lực cản lớn đối với du lịch Huế do đây là mùa khách quốc tế đến Huế.
Nhiều công ty du lịch ở Huế cho biết, cái khó nhất để làm du lịch ở Huế là trở ngại thời tiết do mưa Huế thường kèm theo lũ lụt và có khi dầm dề, kéo dài hàng tháng vào mùa đông. Đây cũng là lý do khiến các điểm du lịch sinh thái (như Tam Giang - Cầu Hai, Bạch Mã, du lịch biển) và một số dịch vụ du lịch về đêm ở Huế chưa đầu tư khai thác được như mong muốn. Chỉ riêng việc duy tu, bảo dưỡng sản phẩm xuống cấp nhanh chóng sau mỗi mùa mưa lũ đã là một gánh nặng cho doanh nghiệp.

Cần một hội thảo về mưa

Có lẽ tác động bất lợi của mưa Huế đến du lịch là chuyện không mới. Vấn đề mà nhiều ý kiến đặt ra là tỉnh, ngành đã có dự án nào để tính toán kỹ yếu điểm “không nơi nào có được” của Huế này để tìm cách sống chung với mưa, để những ngày mưa, mùa mưa không tạo thành một chỗ trũng trong du lịch”?

mua%20hue3.jpg

Với ý tưởng cá nhân, nhà nghiên cứu Bửu Ý hiến kế: Nên thiết kế nhiều không gian có mái che cho Huế để thích nghi với những cơn mưa tập kích, làm nơi trú chân cho du khách. Các không gian có mái che này có thể chứa đựng các gian hàng, những góc phố, các lối đi… thuận tiện cho các dịch vụ và đi lại trong mưa.
Một số ý kiến gợi mở, liệu Huế có thể xây dựng mưa thành thương hiệu du lịch đặc biệt để quảng bá, thu hút khách với nhiều sản phẩm như tổ chức Festival mưa, hình thành các tour du lịch mưa (ngắm mưa, tắm mưa, nghe mưa, câu cá trong mưa, ẩm thực mưa…)?. Chỉ riêng việc ngắm mưa, Huế đã có địa điểm lý tưởng như lầu Ngũ Phụng (Đại Nội); hình thành các chòi ngắm mưa trên sông Hương từ đồi Vọng Cảnh; xây dựng dịch vụ thưởng trà cung đình, ngắm mưa trên hồ Tịnh Tâm…
Từ ý tưởng này, các chuyên gia Singapore vừa giúp Huế xây dựng dự án Làng Mưa (tại bãi bồi Lương Quán, xã Thủy Biều, TP. Huế). Dự án gồm các nhà sàn chống ngập nối kết với nhau bằng hệ thống trường lang, có nơi biểu diễn âm nhạc, thời trang, phòng thu thanh, dịch vụ du thuyền…với lối kiến trúc khai thác tối đa hiệu ứng của mưa (nghe mưa, xem mưa, chiếu sáng mưa ...) để tạo cảm giác ấm cúng, quyến rũ, rung động… cho du khách, có thể thu hút đối tượng nghệ sĩ, những người có nhu cầu đến Huế để sáng tác, trải nghiệm cảm xúc. Đây sẽ là dự án có khả năng thu hút đầu tư lớn, được nối kết với các trung tâm hội nghị, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng qui mô…

"Theo Giáo sư Tay Kheng Soon (Singapore) thì mưa Huế là một tác nhân cản trở nhưng đó cũng là sự trải nghiệm thú vị nếu biết đưa nó (mưa) vào sản phẩm du lịch. "

Với dự án du lịch lớn này, giới nghiên cứu tỏ ra vui mừng vì lần đầu tiên, Huế có một dự án gắn với mưa, biến mưa Huế từ lực cản thành lợi thế du lịch. Tuy nhiên, dự án có khả thi hay không còn phụ thuộc vào sự chọn lựa của nhà đầu tư và quan trọng hơn là sự lựa chọn của du khách.
Từ chuyện mưa, đã tập trung nhiều ý tưởng, đề xuất có tính xới xáo và gợi mở. nên theo ông Nguyễn Hữu Thông, Giám đốc Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế: Đã đến lúc tỉnh nên tổ chức riêng một hội thảo để bàn kỹ giải pháp thích ứng với mưa Huế, xem đây là yếu tố không thể tách rời khỏi quá trình qui hoạch, kiến trúc, xây dựng sản phẩm… với lộ trình cụ thể nếu muốn đưa du lịch Huế phát triển hơn nữa .

Báo thừa thiên Huế
 
  • Chủ đề
    bài hát bảo cách cần dài du lịch du lich mien bac hay hóa image kết lịch nhất phát phố thành thao thể thơ triển tu van du lich văn với vui đua
  • Thống kê

    Chủ đề
    100,759
    Bài viết
    467,597
    Thành viên
    339,858
    Thành viên mới nhất
    ffbbtopnhacai
    Top