Trong một vài năm trở lại đây việc nhắn tin SMS thông thường đã trở nên lỗi thời ở nhiều quốc gia. Hàng tỷ người trên thế giới giờ đây đã chuyển sang sử dụng những ứng dụng nhắn tin trực tuyến.
Ở các nước phương Tây thì Facebook đang dẫn đầu xu thế, với việc 2 ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất thế giới đều được sở hữu bởi công ty công nghệ khổng lồ này: đó là Facebook Messenger và WhatsApp. Vào tháng 6 vừa rồi, CEO của Facebook Mark Zuckerberg đã công bố rằng Facebook Messenger đã cán mốc 700 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng, con số tăng lên từ mức 600 triệu chỉ ba tháng trước đó. Cùng lúc đó, WhatsApp, công ty bị Facebook mua lại vào tháng 2 năm 2014 với giá 16 tỷ đô la Mỹ, cũng cho hay ứng dụng nhắn tin này đã chạm ngưỡng kỷ lục: 900 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng.
Điều đáng nói ở các ứng dụng nhắn tin tại phương Tây đó là chúng không khác nhau là mấy. WhatsApp về cơ bản cung cấp cho người dùng những tính năng và dịch vụ giống như hai đối thủ kém phổ biến hơn của hãng, đó là Viber và Kik. Ở phương Tây thì động lực mà khiến nhiều người tải một ứng dụng nhắn tin đó là số lượng bạn bè của họ sử dụng ứng dụng đó.
Tuy nhiên điều này không hoàn toàn đúng ở các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Mỗi quốc gia lại có một ứng dụng nhắn tin phổ biến của riêng mình và mỗi ứng dụng lại có những tính năng không giống nhau.
WeChat của Trung Quốc:
Ứng dụng nhắn tin WeChat, được sở hữu bởi công ty Tencent, có đến hơn 500 triệu người dùng thường xuyên mỗi tháng, và khoảng 85% trong số này là người dùng tại Trung Quốc. Nó được trang bị rất nhiều tính năng, từ chia sẻ địa điểm đến tin nhắn thoại. Nhưng tính năng làm nên sự khác biệt của WeChat có tên là “Weishang”.
Weishang, có thể hiểu đơn giản là kinh doanh nhỏ lẻ, cho phép người dùng bán các sản phẩm đến những người trong danh bạ của họ hay quảng bá nó thông qua tính năng cập nhật trạng thái Moments.
Tuy nhiên, ngược lại với cái tên của mình, Weishang đã thu hút sự chú ý của những doanh nghiệp có quy mô rất lớn.
Vào tháng 7 vừa rồi, công ty đồ gia dụng nổi tiếng của Trung Quốc, Haier đã đưa ra thử nghiệm với việc thuê 30 nghìn người bán các sản phẩm của hãng thông qua WeChat. Đầu tháng này thì một Giám đốc của Haier cho hay hãng kỳ vọng sẽ có đến 1 triệu người bán các sản phẩm của hãng vào năm 2016.
Nimbuzz của Ấn Độ:
Nimbuzz, ứng dụng nhắn tin được sử dụng phổ biến nhất tại Ấn Độ, nổi lên nhờ một tính năng rất khác biệt so với các đối thủ khác trong thị trường ứng dụng nhắn tin trực tuyến.
Điều khác biệt giữa Nimbuzz và các ứng dụng nổi tiếng khác như WhatsApp và Viber đó là Nimbuzz cho phép người dùng của mình giao tiếp với bạn bè mà sử dụng các ứng dụng nhắn tin khác. Người sử dụng của Nimbuzz có thể gửi tin nhắn đến bạn bè thông qua Facebook Messenger, Google Plus và Windows Live Messenger.
Một lý do khác cho sự thành công của Nimbuzz ở Ấn Độ đó là mức giá gọi quốc tế thấp. Vào năm 2013, số lượng khách hàng của Nimbuzz ở mức 150 triệu, nhưng con số này đã tăng lên cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường điện thoại thông minh. Vào năm ngoái, CEO của Nimbuzz công bố rằng mỗi ngày hãng có đến 210 nghìn lượt đăng ký mới.
Line của Nhật Bản:
Ứng dụng Line được tạo ra bởi NHN Japan, công ty con của tập đoàn công nghệ Hàn Quốc Naver. Sự ra đời của Line được truyền cảm hứng bởi thảm họa kép động đất và sóng thần mà nhân dân Nhật Bản phải hứng chịu vào năm 2011. Các nhân viên tại NHN Japan đã phát triển Line để giúp mọi người liên lạc và trò chuyện với nhau khi mà hệ thống hạ tầng viễn thông của đất nước này đã bị phá hủy nặng nề.
Ứng dụng này được chính thức ra mắt trước công chúng cùng trong năm 2011 và bây giờ, sau hơn 4 năm thành lập, đã có hơn 600 triệu người dùng tải về ứng dụng nhắn tin Line.
Điểm nổi bật nhất của Line nằm ở số lượng nhãn dán nhiều không tưởng của nó. Người dùng Line sẽ có thể lựa chọn đến hơn 10 nghìn biểu tượng cảm xúc, tùy thuộc vào trạng thái của họ. Thống kê cho đến nay thì trên thế giới mới chỉ có khoảng gần 900 biểu tượng cảm xúc, mặc dù chúng thường không thể hoạt động cùng lúc trên một thiết bị.
Line cũng đã phát triển tính năng gợi ý sticker cho người dùng. Ví dụ như nếu bạn gõ từ “con mèo” thì Line sẽ đưa ra cho bạn rất nhiều những sticker về loài vật này.
Tuy nhiên rất nhiều trong số 10 nghìn nhãn dán sẽ phải được tải về chứ không có sẵn trong ứng dụng. Một số khác cũng không miễn phí. Tuy nhiên 10 nghìn sticker cũng là một con số đáng kinh ngạc.
KakaoTalk của Hàn Quốc:
Dường như những người Hàn Quốc rất muốn có một điều gì đó là của riêng đất nước mình. Samsung và LG, hai hãng điện tử nổi tiếng của Hàn Quốc, là hai trong số ba nhà sản xuất điện thoại tay cầm lớn nhất tại đất nước châu Á này. Và KakaoTalk, ứng dụng được phát triển bởi tập đoàn Kakao có trụ sở ở Seoul, được sử dụng bởi 93% người dùng điện thoại thông minh tại Hàn Quốc.
Tuy nhiên trên quy mô toàn cầu thì KakaoTalk cũng là một trong những ứng dụng nhắn tin có sự phát triển rất mạnh mẽ. Ngoài các tính năng phổ thông như nhắn tin và gọi video, ứng dụng này còn cho phép người dùng tạo ra những phông nền sáng tạo và độc nhất cho các cuộc nói chuyện của họ.
Một tính năng nổi bật khác của KakaoTalk, tuy rằng không thực sự mới lạ trên thế giới nhưng lại là khá đặc biệt trong số các ứng dụng nhắn tin, đó là khả năng tạo ra các sự kiện. Tính năng theo dõi các sự kiện là một trong những lý do cho sự thành công của Facebook và cũng là lý do tại sao nhiều người không thể thoát ra khỏi các trang mạng xã hội.
Một tính năng xã hội khác mà KakaoTalk cung cấp cho người dùng đó là khả năng mua các món quà từ bạn bè của bạn. Bạn có thể mua các phiếu giảm giá đồ ăn, quần áo và các sản phẩm khác. Danh sách các sản phẩm được bán trên KakaoTalk ngày càng đi lên với độ phổ biến của ứng dụng này.
Cả bốn ứng dụng trên đều có thể chạy trên hệ điều hành iOS và Android tại tất cả các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên một số tính năng nổi bật và thú vị như Weishang và mua quà trên KakaoTalk thì chỉ tồn tại ở quốc gia mà các ứng dụng trên được tạo ra.
Nguyễn Mai Đức (theo CNet)