Cảm nghĩ cảm nhận về truyện chân tay tai mắt miệng

Hướng dẫn làm bài:
Cảm nghĩ cảm nhận về một tác phẩm văn học nào đó là một dạng đề khá quen thuộc trong văn học. Để làm tốt được dạng đề này, điều đầu tiên chúng ta phải làm đó là đọc kĩ văn bản để có thể nắm rõ nội dung của nó. Sau khi đã nắm được nội dung khái quát, chúng ta sẽ bắt đầu đi vào phân tích kĩ tác phẩm. Qúa trình đó chính là chúng ta đang cảm thụ văn bản để đến gần với điều mà tác giả muốn gửi gắm. Ta có thể thoải mái trình bày suy nghĩ của mình về văn bản nhưng cần lưu ý rằng suy nghĩ đó không bị lệch lạc và đi quá xa. Hãy cố gắng phân tích để có thể làm sáng rõ nội dung của tác phẩm. Nói tóm lại, để có thể làm một bài văn cảm nhận hay chúng ta bên cạnh việc phân tích một cách đúng hướng còn cần phải kết hợp giọng văn của mình vào bài văn để bình luận, đáng giá và thể hiện những cảm nhận của mình. Có như vậy thì bài văn mới sinh động và giàu sức gợi cảm.
“ Chân Tay Mắt Miệng” là một câu chuyện khá quen thuộc đối với chúng ta. Và để có thể hình dung rõ về đề văn yêu cầu trên, các em có thể tham khảo hai bài cảm nhận sau đây. Chúc các em học tốt!

Bài văn mẫu số 1: Cảm nghĩ cảm nhận về truyện chân tay tai mắt miệng
“ Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”
Từ xưa đến nay, tinh thần đoàn kết tương thân tương ái đã trở thành một truyền thống cao đẹp của dân tộc ta. Ông cha ta luôn răn dạy con cháu phải biết kế thừa truyền thống tốt đẹp này. Điều đó không chỉ được thể hiện trực tiếp trong cuộc sống mà còn được nói ẩn dụ qua các bài học được gợi ra từ các câu chuyện dân gian. Và chuyện ngụ ngôn “Chân Tay Tai Mắt Miệng” cũng là một trong những câu chuyện đặc sắc được ông cha ta sáng tạo ra để nói về tinh thần đoàn kết. Câu chuyện gợi cho mỗi người chúng ta nhiều suy nghĩ.

Trước tiên để có thể biết được bài học mà câu chuyện gợi ra chúng ta cần tìm hiểu tác phẩm trước. Tác giả dân gian đã rất sáng tạo trong việc chọn lựa các nhân vật chính là các bộ phận của cơ thể người đó là Chân, Tay,Tai, Mắt , Miệng. Chính sự sáng tạo này đã gây được ấn tượng đầu tiên cho người đọc và khiến họ bắt đầu tò mò xem đã có chuyện gì xảy ra giữa các nhân vật này. Câu chuyện khá là đơn giản chỉ nói về việc cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay và bác Tai sau những ngày làm việc vất vả liền bắt đầu cảm thấy ghen tị và phàn nàn về lão Miệng. Tại sao tự nhiên lại có sự đố kị như vậy? Đơn giản vì họ nghĩ lão Miệng chẳng phải làm gì chỉ việc ăn đồ ăn thức uống vô cùng nhàn nhạ trong khi ngày nào họ cũng phải làm việc quần quật vô cùng là vất vả. Chính vì suy nghĩ như vậy nên họ quyết định sẽ không làm gì nữa để xem lão Miệng có sống được nổi không. Điều đáng ngạc nhiên là tuy không phải làm việc nữa nhưng họ không thấy vui tươi, nhàn nhã mà lại thấy mệt mỏi, rã rời. Cậu Chân, cậu Tay chẳng cất nổi mình để chạy nhảy, nô đùa như trước nữa. Cô Mắt thì suốt ngày lờ đờ, hai mí nặng trĩu. Bác Tai mọi ngày nghe gì cũng rõ, nay lúc nào cũng cảm thấy như có cái cối xay lúa quay ù ù ở bên trong. Họ cứ sống trong tình trạng như thế cho tới ngày thứ bảy thì không thể chịu đựng được nữa, đành họp nhau lại để bàn. Và bác Tai chính là người nhận ra sai lầm đầu tiên. Hóa ra họ đã nghĩ quá đơn giản và trách giận nhầm lão Miệng. Tuy lão không phải làm gì nhưng lão cũng có một công việc vô cùng quan trọng, quyết định đến số phận của tất cả mọi người khác đó chính là nhai thức ăn để chuyển hóa và đi đến các bộ phận khác trong cơ thể. Kết quả của câu chuyện chính là mọi người đến xin lỗi lão Miệng và lại chăm chỉ làm việc, sống hòa thuận như xưa.

Như vậy, câu chuyện đã cho thấy sức mạnh, mối liên hệ vô cùng bền chặt giữa các bộ phận của cơ thể người. Mỗi bộ phận không tự nhiên sinh ra mà luôn mang trong mình trách nhiệm và nghĩa vụ riêng của nó. Bộ phận nào cũng quan trọng và gắn bó khăng khít với nhau. Vì vậy nếu có một bộ phận nào hỏng không thể làm việc được bình thường thì sẽ kéo theo những bộ phận khác cũng bị liên lụy và không thể tồn tại phát triển được. Bên cạnh đó, câu chuyện không chỉ nói cho chúng ta về sự gắn bó khăng khít giữa các bộ phận trong cơ thể người mà qua câu chuyện này, ông cha ta còn muốn nhắc nhở mỗi người về tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống. Chính mỗi cá thể, môi cá nhân làm nên cộng đồng và cộng đồng chỉ có thể vững mạnh khi mỗi cá nhân biết đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau. Từ việc hiểu được điều đó, mỗi chúng ta càng cần phải tích cực hoàn thiện bản thân, đoàn kết giúp đỡ mọi người đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn để có thể xây dựng một tập thể tốt đẹp hơn bao giờ hết. Đồng thời qua đây cũng phê phán những người ích kỉ chỉ nghĩ cho bản thân mà không nghĩ đến tập thể, những con người như vậy cũng không sẽ thể nào tồn tại và phát triển tốt được!

Nói tóm lại, “ Chân Tay Tai Mắt Miệng” là một câu chuyện ngụ ngôn đầy ý nghĩa đem lại cho chúng ta bài học quý báu về tinh thần đoàn kết giúp đỡ tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống. Vậy chúng ta- những người hiểu được điều đó, thay vì chỉ nghĩ đến bản thân mình tại sao chúng ta không cùng nhau hợp lực lại để xây dựng một cộng đồng lành mạnh và bền vững hơn?
trinh-vfo.vn

Bài văn mẫu số 2: Cảm nghĩ cảm nhận về truyện chân tay tai mắt miệng
Mỗi câu chuyện là một tiếng cười, nhưng đồng thời cũng là một bài học sâu sắc. Đó là những giá trị mà mỗi câu chuyện ngụ ngôn mang đến cho người đọc. “ Chân, tay, tai, mắt, miệng” là một câu chuyện như thế. Không chỉ đem đến cho bạn đọc những giây phút thoải mái, những tiếng cười sảng khoái mà còn răn dạy những bài học thấm thía, có ý nghĩa muôn đời: đó là sự đoàn kết giữa cá nhân và cộng đồng, giữa một cá thể và một tập thể.

Ông cha ta đã thể hiện sự sáng tạo của mình khi nhân hóa chân, tay, tai, mắt và miệng thành những nhân vật có suy nghĩ, có tiếng nói và hành động cụ thể. Nhờ đó, ý nghĩa của câu chuyện được truyền tải một cách rõ ràng, cụ thể hơn. Ai cũng biết, đó là những bộ phận quan trọng trên cơ thể con người, chúng luôn hoạt động, phối hợp ăn ý với nhau giúp con người tồn tại, sinh trưởng và phát triển. Mượn hình ảnh đó, ông cha ta đã răn dạy con cháu bài học về tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của mỗi cá nhân khi sống trong một tập thể: phải biết gắn bó với nhau, hòa mình vào cộng đồng, một người vì mọi người, mọi người vì một người. Có như vậy, xã hội mới có thể tiếp tục tồn tại và phát triển một cách hòa thuận, bình yên.

Vậy nếu không có sự đoàn kết, gắn bó, tương trợ lẫn nhau, liệu mỗi cá nhân và cả cộng đồng có tồn tại được như bình thường? Câu trả lời đã được ông cha ta giải đáp trong câu chuyện “ Chân, tay, tai, mắt, miệng”. Trước đây, chân, tay, tai, mắt và miệng sống với nhau rất hòa thuận, vui vẻ, ai cũng cố gắng làm tốt bổn phận và nhiệm vụ của mình. Câu chuyện bắt đầu khi cô Mắt nói với cậu Chân, cậu Tay và bác Tai về sự đố kỵ của mình khi lão Miệng cả ngày không phải làm việc gì cả mà vẫn được ăn ngon, trong khi cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay và bác Tai thì làm việc suốt ngày mà chẳng được hưởng thụ gì cả. Ý kiến của cô Mắt nhanh chóng nhận được sự đồng tình của mọi người. Thế là họ kéo nhau đi tìm và nói rõ sự tình cho lão Miệng nghe, rằng từ giờ họ sẽ không làm bất cứ việc gì nữa, lão Miệng phải tự đi mà kiếm cái ăn. Mặc cho lão Miệng phân bua, họ vẫn mặc kệ ra về. Nhưng họ không biết là mình đã phạm phải một sai lầm rất lớn. Ban đầu, đúng là họ được tự do chơi đùa, vui đùa thỏa thích, nhưng mấy ngày sau, cả cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay và bác Tai đều trở nên mệt mỏi, yếu ớt. Lúc bấy giờ, họ mới nhận ra sai lầm của mình: nếu lão Miệng không có cái ăn, chính bản thân họ cũng sẽ không tồn tại được. Thế là họ nhanh chóng đi tìm lão Miệng, tìm thức ăn cho lão, xin lỗi lão và lại trở lại cuộc sống hòa thuận, vui vẻ như xưa, không có ghen ghét, đố kị và tính toán thiết hơn.

Tuy chỉ là một câu chuyện vui nhưng ông cha ta cũng đã gửi gắm một bài học rất sâu sắc. Sống trong một cộng đồng, một tập thể thì cần biết đoàn kết, gắn bó với nhau, chung sống hòa thuận, chớ nên ghen ghét, tị nạnh với nhau. Bất kì ai cũng đều có giá trị và nhiệm vụ của riêng mình, phải biết phối hợp hoạt động và làm việc có hiệu quả. Có như vậy con người, xã hội mới tồn tại và phát triển được. Nếu vì ghen tị, đố kị mà chia bè kết phái, làm rạn nứt tinh thần đoàn kết, xã hội đó, và cả các cá nhân trong xã hội sẽ không thể phát triển được.

Với kinh nghiệm tâm huyết cùng sự sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú, ông cha ta đã gửi gắm một bài học thật sâu sắc, ý nghĩa qua câu chuyện “ Chân, tay, tai, mắt, miệng”: bài học về tinh thần tập thể, gắn kết trong một cộng đồng. Đó còn là lời nhắc nhở có ý nghĩa muôn đời với mỗi chúng ta.
B- vfo.vn
 
  • Chủ đề
    chân tay tai mắt miệng
  • Top