Cảm nhận “Tây Tiến” và liên hệ với “Đây thôn Vĩ Dạ” - 2 bài văn hay nhất ngắn gọn

Thiên nhiên luôn là nguồn cảm hứng quen thuộc đối với thơ ca. Cùng viết về hình ảnh thiên nhiên nhưng đoạn thơ: "Người đi Châu Mộc....hoa đông đưa" ("Tây Tiến") và "Gió theo lối gió...kịp tối nay" ("Đây thôn Vĩ Dạ") đã có sự khác nhau. Chúng ta cùng phân tích để so sánh hình tượng thiên nhiên ở hai bài thơ nhé!

Quang Dũng là nghệ sĩ tài hoa, có nhiều năng khiếu nghệ thuật. Ông sống hồn hậu, dễ hòa đồng. Ở con người Quang Dũng có một cái gì gần như là ngây thơ – ngây thơ một cách lãng mạn cả trong cái thú phiêu du lẫn trong cung cách dấn thân theo cách mạng. Tất cả những điều trên được thể hiện rất tự nhiên qua những sáng tác của ông, khiến chúng có một phong vị rất riêng: vừa dung dị, vừa bay bổng, không đẽo gọt cầu kì mà vẫn mới lạ. Quang Dũng viết thật hay về nỗi nhớ: nỗi nhớ dấy lên từ những nẻo đường tha hương, nẻo đường cách mạng và kháng chiến, hướng về “cố quận”, về “xứ Đoài mây trắng lắm”, về “một ngọn Ba Vì mờ xa”,… Thơ ông thường không chứa một ý tưởng gì thật đặc biệt nhưng vẫn rất hấp dẫn với tình điệu lãng mạn, với sự tràn ngập của cảnh sắc bình dị được nhìn bằng đôi mắt lãng tử. Đó là lí do vì sao hình ảnh thiên nhiên trong đoạn thơ “Tây Tiến” lại được yêu mến đến vậy. Hôm nay chúng ta cùng nhau phân tích, tìm hiểu về bức tranh thiên nhiên trong những câu thơ của Quang Dũng: "Người đi Châu Mộc....hoa đông đưa"; từ đó liên hệ với đoạn thơ cùng đề tài của Hàn Mặc Tử trong “Đây thôn Vĩ Dạ”: “Gió theo lối gió… kịp tối nay” để có sự so sánh thấy được điểm chung và riêng của mỗi đoạn thơ. Sau đây là những bài văn các bạn có thể tham khảo trước khi viết bài. Chúc các bạn học tập tốt!

tay-tien-day-thon-vi-da.jpg

BÀI VIẾT SỐ 1 PHÂN TÍCH HÌNH ẢNH THIÊN NHIÊN TRONG “TÂY TIẾN” VÀ LIÊN HỆ VỚI HÌNH ẢNH THIÊN NHIÊN TRONG “ĐÂY THÔN VĨ DẠ” HAY ĐẦY ĐỦ
Cổ nhân có câu: “Thi trung hữu họa”. Văn học khác với các loại hình nghệ thuật khác khi chỉ vài con chữ giản đơn trên trang giấy nó có thể hiện hình thành phong cảnh tuyệt mĩ, thành giai nhân tuyệt đẹp, nó có thể ngân lên thành khúc ca hào hùng hay bi thương. Bởi thế, chỉ có vài câu thơ thôi nhưng bức tranh về thiên nhiên núi rừng Tây Bắc đã hiện ra sắc nét trước mắt người đọc qua bàn tay của Quang Dũng trong “Tây Tiến”:
  • “Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
  • Có thấy thấy hồn lau nẻo bến bờ
  • Có nhớ dáng người trên độc mộ
  • Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”

“Tây Tiến” được xem là tác phẩm đỉnh cao của đời thơ Quang Dũng. Bài thơ được viết năm 1948, tại Phù Lưu Chanh, trong nỗi nhớ nồng nàn với Tây Tiến – đơn vị chiến đầu cũ – cũng là nỗi nhớ núi rừng rải về miền Tây Tổ quốc có vẻ tuyệt kì mà Quang Dũng một thời gắn bó. Không khí lãng mạn rất riêng của những ngày đầu kháng chiến, tư thế dấn thân đầy kiêu hùng, quả cảm của người con Hà Nội hào hoa, đa tình đã được thể hiện đậm nét ở từng câu thơ chưa đầy chất nhạc, chất họa, vừa trang trọng, cổ kính, vừa tươi tắn, trẻ trung.

Chuyển tiếp hình ảnh thiên nhiên hùng vĩ, hiểm trở ở những câu thơ trên, nhịp sống rộn ràng trong đêm lửa trại, những câu thơ tiếp theo là hình ảnh thiên nhiên miền sơn cước tuyệt đẹp:
  • “Người đi Châu Mộc chiều sương ấy”
Một từ “chiều sương” thôi mà gợi được cả thời gian và không gian. Cổ thi mỗi khi nhắc đến chiều, đến sương là một nỗi buồn thiên cổ, là nỗi hoài cổ ngàn năm gợi về:
  • “Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi,
  • Dặm liễu sương sa khách bước dồn.
  • Kẻ chốn trang đài, người lữ thứ,
  • Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn?”
(“Chiều hôm nhớ nhà” – Bà Huyện Thanh Quan)

Nhưng câu thơ của Quang Dũng lại cho ta một cảm giác rất nhẹ nhàng, bình yên. Một từ “ấy” vô danh nhưng lại hữu ý. Từ “ấy” vô danh vì nó gợi nhắc đến một thời gian nào đó, đôi khi cả chủ thể cũng không thể xác định được: là “Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn” (Xuân Diệu), là “Từ ấy”, “Mười lăm năm ấy” trong hồi ức của Tố Hữu. Nhưng đó cùng là ngày không thể lẫn vào đâu trong muôn vàn buổi chiều vô danh khác trong đời: buổi chiều mang tên kỉ niệm, mang theo nỗi nhớ. Nhà thơ chỉ mất một ít rõ ràng nhưng nhận lại bao la những ý nghĩa.

Thiên nhiên còn là đường nét của một bông lau đơn sơ, phất phơ như đượm hồn của ngàn xưa:
  • “Có thấy hồn lau nẻo bến bờ”
Không phải là “cây lau”, “ngọn lau” hay “phận lau” như TS Chu Văn Sơn dùng trong bài tùy bút: “Phận hoa bên lề” mà là “hồn lau”. Cái “hồn” xưa mà Bà Huyện Thanh Quan đã viết: “hồn thu thảo” làm cho câu thơ không chủ đích tả mà gợi, không chủ ý vẽ mà khơi. Không thấy được hình dáng của ngọn lau nhưng có thể cảm nhận được linh hồn riêng của đại ngàn Tây Bắc. Cảnh theo lời thơ mà tan ra. Một chút rõ ràng mất đi mà thêm rất nhiều thơ mộng.

Đến hai câu thơ sau:
  • “Có nhớ dáng người trên độc mộc
  • Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”

Câu thơ làm hiện ra bóng dáng duyên dáng, uyển chuyển của người con gái Thái giữa cảnh thiên nhiên mộng mơ, yên bình. Hình ảnh “hoa” không chỉ gợi về hình ảnh xứ sở Tây Bắc ngàn hoa mà còn là hình ảnh của cái đẹp. “Hoa đong đưa” là đang làm duyên với gió, với nước khi đã nở trọn đời hoa để buông mình? Hay đó là hình ảnh ẩn dụ của cái đẹp, của người con gái đang tình tứ mà kín đáo làm duyên. Câu thơ có cái duyên của cảnh, duyên dáng của người và phải chăng còn là đôi mắt tình tứ của người ngắm cảnh nữa?

Như vậy, chỉ bằng một vài nét chấm phá, phác họa về sông nước, cảnh vật, bức tranh thiên nhiên Tây Bắc hiện lên thật đẹp. Cũng hình ảnh sông nước ấy, trong con mắt của Hàn Mặc Tử đó là:
  • “Gió theo lối gió mây đường mây
  • Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
  • (“Đây thôn Vĩ Dạ”)

Hai câu đầu là hình ảnh của một thực tại phiêu tán. Tất cả dường như đang bỏ đi: gió bay đi, mây trôi đi, dòng nước cũng buồn bã ra đi... dòng nước cũng buồn bã ra đi... Người ta thường nói gió đi đâu mây theo đó, gió mây làm một. Nhưng đến đây, mây gió cũng chia lìa đôi ngả, báo trước một cái gì thật ngang trái, trở trêu. Để rồi lại đến “dòng nước buồn thiu”. Là vì đã mang sẵn trong mình một nỗi buồn hay nỗi buồn li tán của mây gió đã bỏ buồn vào lòng sông? Động từ “lay”, tự nó cũng không vui không buồn mà sao đặt trong câu thơ lại càng làm cảnh thêm hiu hắt, người thêm quạnh hiu? Có phải có một chữ "lay" buồn như thế từ bông sậy của dân ca đã xuôi theo ngọn gió thời gian mà đậu vào thơ Tử:
  • “Ai về giồng dứa qua truông
  • Gió lay bông sậy bỏ buồn cho em?”


Để rồi nhà thơ phải tìm cho mình một nơi níu giữ, một chốn nương náu mà cất lên tiếng gọi:
  • “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
  • Có chở trăng về kịp tối nay?”

Hàn Mặc Tử được biết đến là thi sĩ của trăng. Trăng không chỉ đơn giản là một hình ảnh, một hình tượng nghệ thuật mà đó còn là sự hóa thân, là sự bộc lộ của chính tâm hồn Tử. Và trăng giờ đây như một bám víu duy nhất, một tri âm, một cứu tinh, một cứu chuộc! Cảnh hiện lên bỗng huyền ảo, lung linh mà cũng thật khó để nắm bắt. Chữ “kịp” trong câu thơ cuối như một lời hân hoan, hi vọng để víu lấy nhưng dường như mang theo nỗi lắng lo và tuyệt vọng nhiều hơn: liệu có “về kịp tối nay?” Nếu trăng không về "kịp" thì kẻ bị số phận bỏ rơi bên rìa cuộc đời này, bỏ dưới trời sâu này sẽ hoàn toàn lâm vào tuyệt vọng, vĩnh viễn đau thương. Như vậy, chỉ bằng một nét đơn sơ nhưng cảnh sông nước cô quạnh, buồn vắng, có chút huyền ảo đã đủ rợn ngợp trong người đọc. Với Hàn Mặc Tử, cảnh không bao giờ đơn thuần chỉ là nó mà là tâm trạng, là tâm sự, là cả cuộc đời để người trú ẩn, người níu giữ. Vì thế, thiên nhiên ở đây cũng được nhìn nhận ở phương diện khác.

Cùng là cảnh thiên nhiên sông nước: trong thơ Quang Dũng yên bình, thơ mộng bao nhiêu thì trong thơ Hàn Mặc Tử nó lại hiu quạnh, huyền ảo bấy nhiêu. Cái tình trong “Tây Tiến” là sự đắm say, là tình si thì trong “Đây thôn Vĩ Dạ” lại là nỗi buồn chia li, ám ảnh lạc loài và sự cô đơn. Thiên nhiên trong thơ Quang Dũng vẫn đơn thuần là cảnh sắc còn thiên nhiên với Hàn Mặc Tử là người, là một chủ thể tách biệt. Vì thế, bút pháp khắc họa cũng có sự khác nhau giữa bút pháp chấm phá, gợi tả và tượng trưng siêu thực. Người ta nói: “thơ là sự thể hiện rõ nhất của con người”. Không cần nói anh là ai, chỉ cần qua những dòng thơ anh kí gửi, người đọc có thể nhận ra được chân dung, nắm bắt được tâm trạng và đồng cảm với nghệ sĩ.

Trong “Nghĩ về nghề”, Chế Lan Viên đã từng viết: “thơ hay như người con gái đẹp, ở đâu, đi đâu cũng lấy được chồng”. Bài thơ “Tây Tiến” đã không bị chết trong “cô đơn”. Hơn nửa thế kỉ trôi qua, đọc lại, vẫn không thấy cũ, đọc lại vẫn nguyên ý tình.

-Bỉ Ngạn-vfo.vn

tay-tien-lien-he-day-thon-vi-da.jpg

BÀI VIẾT SỐ 2 PHÂN TÍCH "TÂY TIẾN" VÀ LIÊN HỆ "ĐÂY THÔN VĨ DẠ" NGẮN GỌN
Bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bao thế hệ bạn đọc không chỉ nhờ bút pháp sử thi hào hùng, bị tráng mà còn nhờ cả sự kết hợp khéo léo cảm hứng lãng mạn. Tiêu biểu cho cảm hứng lãng mạn trong thì phẩm chính là đoạn thơ miêu tả thiên nhiên trong chiều sương Châu Mộc. Đoạn thơ bỗng gợi nhớ đến những vần thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" của Hàn Mặc Tử thuở nào.

Chiều sương Châu Mộc hiện lên, chơi vơi giữa một miền tâm thức
  • "Người đi Châu mộc chiều sương ấy
  • Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
  • Có nhớ dáng người trên độc mộc
  • Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa"
Lại là một bức tranh với những nét vẽ phác họa giàu tính gợi hình gợi cảm. Chiều sương gợi mở một không gian huyền bí quyến rũ. Đại từ phiếm chỉ "ấy" càng làm cho khoảng thời gian trở nên mơ hồ không xác thực, thế nhưng nó lại rất rõ ràng, rất gợi, rất đáng nhớ trong ký ức của nhà thơ. Hình ảnh "lau" hiện lên không phải là một bông, một nhành, một bờ, mà là "hồn lau", dường như chẳng có một hình dung cụ thể nào, mà ta chỉ có thể cảm nhận ở đâu đây một chuyển động nhẹ nhàng, gợi cảm. Giữa không gian ấy, hình ảnh con thuyền độc mộc hiện lên làm cho bức tranh thiên nhiên cũng mang một vẻ trầm tĩnh như một bức tranh thủy mặc với những nét chấm phá tế vi, mờ ảo như hư vô, hư thực mà lại thơ mộng đến lạ lùng. Hình ảnh con người thấp thoáng trở về trong hồi ức của nhà thơ. Dáng ngồi “độc mộc” tạo nên hai cách hiểu: đó là vẻ đẹp riêng của con người Tây Bắc hay cũng là tư thế của những chiến sĩ Tây Tiến đang phải đối mặt với thách thức của thiên nhiên dữ dội? Dù hiểu theo cách nào, dáng người trong thơ Quang Dũng cũng luôn khảm sâu trong tâm trí nhà thơ, luôn hiên ngang kiêu hùng mà uyển chuyển, tài hoa và khéo léo. Một lần nữa hình ảnh hoa lại xuất hiện trong bài thơ. Tính từ "đong đưa" gơi nên một chuyển động nhẹ nhàng, tinh tế của bông hoa, như đang làm dáng làm duyên giữa dòng nước lũ đang dữ dội cuộn trào. Thật là một vẻ đẹp nguyên sơ, thanh khiết và gợi cảm đến nao lòng.

Đoạn thơ làm ta nhớ đến bốn câu thơ trong "Đây thôn Vĩ Dạ" của Hàn Mặc Tử:
  • Gió theo lối gió mây đường mây
  • Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
  • Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
  • Có chở trăng về kịp tối nay
Đoạn thơ trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ là khung cảnh sông nước xứ Huế qua cảm nhận của cái tôi trữ tình đầy tâm trạng. Ở khổ thơ, Hàn Mặc Tử nhớ về miền sông nước mênh mang, bao la, một không gian nghệ thuật đầy thương nhớ và lưu luyến. Có gió nhưng “gió theo lối gió”, cũng có mây nhưng “mây đường mây”. Mây gió đôi đường đôi ngả: "Gió theo lối gió mây đường mây"Cách ngắt nhịp 4/3, với hai vế tiểu đối, gợi ta một không gian gió, mây chia lìa, như một nghịch cảnh đầy ám ảnh. Chữ “gió” và “mây” được điệp lại hai lần trong mỗi vế tiểu đối đã gợi nên một bầu trời thoáng đãng, mênh mông. Không có một bóng người xuất hiện trước cảnh gió mây ấy. Mà chỉ có “Dòng nước buồn hiu, hoa bắp lay”. Cảnh vật mang theo bao nỗi niềm. Sông Hương lững lờ trôi xuôi êm đềm, trong tâm tưởng thi nhân đã biến thành “dòng nước buồn thiu” càng gợi thêm sự mơ hồ, xa vắng.

Cả hai khổ thơ trong Tây tiến và Đây thôn Vĩ Dạ đều sử dụng những hình ảnh ước lệ tượng trưng, đều mượn cảnh mà tả tình. Nếu ở Tây Tiến là những hình ảnh thuyền độc mộc, dòng nước, nhành hoa thường thấy trong thơ Đường khi miêu tả sự chảy trôi, buông xuôi theo dòng đời thì ở Đây thôn Vĩ Dạ, đó là hình ảnh gió mây, sông, dòng nước, bóng trăng; cũng là những hình ảnh tượng trưng quen thuộc ấy nhưng cảnh vật dường như tâm trạng hơn, day dứt hơn. Qua đó, người đọc có thể thấy được tình cảm chân thành của người viết. Hẳn họ phải rất bứt rứt, rất trăn trở trong nỗi cô đơn và tâm trạng khi nhớ về cảnh vật và con người của vùng đất nơi mình từng gắn bó. Qua hai đoạn thơ, người đọc đều có thể thấy được sự chia cắt giữa hai bờ, hai vùng đất của các chàng trai. Thế nhưng ở họ có một điểm chung đó là tình cảm thủy chung không thay đổi, là tình cảm cháy bỏng và mãnh liệt mà tác giả gửi đến vùng đất và con người nơi xa. Dù là một bài thơ tả cảnh mà đong đầy tình cảm, khiến người đọc rung động trong từng câu chữ.

Đây quả là những tác phẩm đặc sắc không chỉ đối với hai tác giả Quang Dũng và Hàn Mặc Tử mà còn là những dòng thơ xuất sắc để lại cho thơ ca Việt Nam.

Hai khổ thơ, dù có những điểm khác biệt, nhưng đều thành công trong việc khắc hoạ sâu sắc tâm trạng của người nghệ sĩ, góp vào chỗ nền văn học Việt Nam những tiếng thơ hết sức độc đáo và có sức sống lâu bền trong lòng bạn đọc.

-M-vfo.vn
 
  • Chủ đề
    liên hệ quang dung tây tiến đây thôn vĩ dạ
  • Top