Cảm nhận 2 đoạn văn, chỉ ra điểm chung và nét riêng trong vẻ đẹp sông Hương - Ai đã đặt tên cho dòng sông

Cảm nhận hai đoạn văn sau: “Giữa đám quần sơn lô xô ấy...bát ngát tiếng gà” và “Và như vậy, giống như sông Xen của Pari...còn nhìn thấy được”. Từ đó chỉ ra điểm chung và nét riêng trong vẻ đẹp sông Hương.

Hoàng Phủ Ngọc Tường là một nhà văn tài hoa, tinh tế với nhiều tác phẩm ấn tượng. Những bài kí của ông luôn để lại dấu ấn cảm xúc mạnh mẽ trong lòng độc giả. “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” là một bài kí nổi bật trong số đó. Các bạn có thể tham khảo bài văn mẫu cảm nhận hai đoạn văn: “Giữa đám quần sơn lô xô ấy…bát ngát tiếng gà” và “Và như vậy, giống như sông Xen của Pari…còn nhìn thấy được” từ đó chỉ ra điểm chung và nét riêng trong vẻ đẹp sông Hương. Chúc các bạn thành công!

Một ai đó đã từng viết: “Đất nước có nhiều dòng sông nhưng chỉ có một dòng sông để thương, để nhớ như đời người có nhiều cuộc tình nhưng chỉ có một cuộc tình để mãi mãi mang theo”. Thật vậy, trong văn học ta đã từng và có lẽ sẽ còn bắt gặp rất nhiều hình ảnh dòng sông đượm thương, đậm nhớ được khắc họa một cách chân thực nhưng vô cùng sống động. Với mỗi nhà văn, họ lại chọn cho mình một dòng sông để thương để nhớ riêng. Là một cây bút vô cùng tài hoa, sáng tạo của văn học hiện đại Việt Nam, nhà văn Nguyễn Tuân đặc biệt tâm đắc với một dòng sông Đà đầy ấn tượng, hùng vĩ nhưng cũng rất trữ tình, thơ mộng. Trong khi đó, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường lựa chọn gắn bó với dòng sông quê hương – dòng Hương Giang êm đềm, dịu dàng nhưng cũng đầy nét bí ẩn để đưa vào trang văn nghệ thuật của mình. “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” là một bút kí đã để lại nhiều dư vang cảm xúc sâu sắc trong lòng người đọc cũng như khẳng định tài năng, dấu ấn của nhà văn. Với đề bài yêu cầu phân tích hai đoạn văn: “Giữa đám quần sơn lô xô ấy…bát ngát tiếng gà” và “Và như vậy, giống như sông Xen của Pari…còn nhìn thấy được” để từ đó chỉ ra điểm chung và nét riêng trong vẻ đẹp sông Hương, các bạn có thể tham khảo bài văn mẫu dưới đây để bài viết đầy đủ và ấn tượng hơn nhé!
ve-dep-song-huong-ai-da-dat-ten-cho-dong-song(1).jpg
BÀI VĂN MẪU CẢM NHẬN HAI ĐOẠN VĂN SAU: “GIỮA ĐÁM QUẦN SƠN LÔ XÔ...BÁT NGÁT TIẾNG GÀ” VÀ “VÀ NHƯ VẬY, GIỐNG NHƯ SÔNG XEN CỦA PARI...CÒN NHÌN THẤY ĐƯỢC”. TỪ ĐÓ CHỈ RA ĐIỂM CHUNG VÀ NÉT RIÊNG TRONG VẺ ĐẸP SÔNG HƯƠNG.
Sông Hương núi Ngự, chẳng biết tự bao giờ, đã thổi niềm cảm hứng sáng tác văn chương dạt dào và bất tận vào biết bao tâm hồn nghệ sĩ. Trong thơ mình, Tố Hữu từng có lần bày tỏ: “Hương Giang ơi, dòng sông êm/ Quả tim ta vẫn ngày đêm tự tình…”. Là một người con đất cố đô, gắn bó sâu sắc với dòng sông quê hiền hòa, thơ mộng, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khéo léo đưa dòng sông Hương vào các sáng tác của mình. “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” là một bài kí nổi bật trong số đó. Từ việc cảm nhận hai đoạn văn: “Giữa đám quần sơn lô xô…bát ngát tiếng gà” và “Và như vậy…còn nhìn thấy được”, người đọc nhận thấy những điểm chung cũng như nét riêng ở vẻ đẹp sông Hương trong hai đoạn, nhờ vậy mà thêm yêu mến dòng sông, tác phẩm cũng như trân quý tài năng tác giả.

Ai đó đã từng nói: “Trong đời sống nghệ thuật đương đại, cùng với âm nhạc Trịnh Công Sơn, thế giới hội họa của Bửu Chỉ, Đinh Cường, bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tạo nên một cảm xúc khác biệt về mỹ học Huế. Qua đó chúng ta có thêm được một thứ ngôn ngữ nhiều màu sắc của vườn Huế, nhiều âm điệu của dòng sông Hương, thân thuộc mà tưởng như mới cảm nhận lần đầu”. Một cách rất riêng và đầy ấn tượng, bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường, phong cách Hoàng Phủ Ngọc Tường…được nhiều người nhắc đến và đặc biệt yêu mến. “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” là một bài kí tiêu biểu trong những bài kí đặc sắc của nhà văn. Hai đoạn văn: “Giữa đám quần sơn lô xô…bát ngát tiếng gà” và “Và như vậy…còn nhìn thấy được” đã đem đến cho người đọc cái nhìn mới đầy đủ và chân thực hơn về vẻ đẹp dòng sông xứ Huế, và xa hơn là nét đẹp tâm hồn Huế.

Sau đoạn văn miêu tả sắc nước sông Hương một cách đầy ấn tượng và lí thú với “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím”, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường tiếp tục miêu tả vẻ đẹp dòng sông Hương đoạn chảy vào ngoại vi thành phố Huế: “Giữa đám quần sơn lô xô ấy…bát ngát tiếng gà”. Trước đó, dưới ngòi bút nhà văn xứ Huế tài hoa, sông Hương hiện lên trong hình dung liên tưởng của người đọc với rất nhiều sắc thái, vẻ đẹp ấn tượng, song có lẽ chỉ duy nhất ở đoạn này, dòng sông mang nét đẹp riêng hẳn, đó là vẻ đẹp đầy trầm mặc, cổ kính với những “rừng thông u tịch”, “những lăng tẩm đồ sộ” phong kín đậm vẻ kiêu hãnh, cổ xưa đặc trưng của miền đất cố đô. Người ta thường nói nhà văn là người tài hoa, bởi họ biết vận dụng sự tinh tế, khéo léo của mình để đưa chất nhạc, chất họa, chất triết lí sâu xa vào trang văn, ý thơ của mình. Và Hoàng Phủ Ngọc Tường là một người nghệ sĩ như vậy. Đọc bút kí ông viết, ta cứ ngỡ như được ngắm nhìn những bức họa đậm màu sắc Huế thơ với dòng sông Hương lững lờ trôi. Sông Hương ở đoạn văn này “kéo một nét thẳng thực yên tâm theo hướng Tây Nam, Đông Bắc”. Dưới phác họa của nhà văn, sông Hương đoạn này ngỡ như người con gái đẹp mang trong mình ý thức, khát khao tìm được chính mình, được ấp ôm trong lòng Huế thơ. Nổi bật trên nền xanh hiền hòa của dòng sông Hương là cầu Tràng Tiền xứ Huế nhiều lần được nhắc đến trong thơ ca. Hình ảnh cầu Tràng Tiền cùng vẻ đẹp sông Hương trong đoạn đã góp phần đem đến cho người đọc ấn tượng đậm nét về hình ảnh dòng sông, về xứ Huế thơ mộng cũng như tâm hồn nghệ sĩ đầy tinh tế của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Hoàng Phủ Ngọc Tường đặt sông Hương trong sự đối sánh với sông Xen của Pari, sông Đanuýp của Budapet như một cách để khẳng định vị thế của sông Hương. Rằng sông Hương cũng có một vị trí rất đặc biệt, rất riêng trong “lòng thành phố yêu quý của mình”. Sông Hương ở trong lòng thành phố Huế, bởi vậy mà nó mang đậm nét đẹp tâm hồn con người Huế, của mảnh đất Huế thơ. Cách so sánh sáng tạo này của nhà văn vừa thể hiện sự uyên bác của tác giả, đồng thời còn bộc lộ niềm tự hào mãnh liệt khi nhắc đến, viết về dòng sông quê hương. Điệu chảy con sông đoạn này chậm rãi, nhẹ nhàng như lời ai đó từng nhận xét: “dòng sông Hương khi đi qua tác phẩm đã trôi đi thật chậm thực cơ hồ chỉ còn là một mặt hồ yên tĩnh”. Cái điệu trôi lững lờ ấy đưa dẫn liên tưởng nhà văn đến với dòng sông Nê – va trong tác phẩm nghệ thuật của Lê – nin – grat. Nhưng sông Hương cơ hồ không hề hệt như dòng sông ấy, ở sông Hương, nét riêng ấn tượng chính là “điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế”. Đoạn văn đã khắc họa vẻ đẹp dòng sông Hương với niềm tự hào, kiêu hãnh sâu sắc của một tâm hồn nghệ sĩ giàu tình cảm, cảm xúc.

Vẻ đẹp sông Hương trong hai đoạn văn có những điểm chung, nét riêng đặc sắc song tựu chung lại, nó đều khắc họa một cách chân thực, sống động nét đẹp dòng sông Hương xứ Huế đồng thời thể hiện tình cảm, nghĩ suy sâu sắc của một người con quê hương, một người nghệ sĩ tài hoa dành trọn một đời hướng về đất Huế, về tâm hồn Huế.

-Nem-vfo.vn
 

Thống kê

Chủ đề
100,755
Bài viết
467,590
Thành viên
339,851
Thành viên mới nhất
Đông Âu
Top