Cảm nhận 2 đoạn văn sau để thấy sự vận động trong tư tưởng trong Vợ Nhặt của Kim Lân

Đề bài cụ thể: Cảm nhận 2 đoạn văn sau để thấy sự vận động trong tư tưởng: “Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào…xác người” và “ ngoài đình bỗng dội lên một hồi trống… phấp phới”

Giữa những năm tháng kháng chiến trường kì gian khổ của toàn dân tộc, văn học trở thành thứ vũ khí tinh nhạy, tham gia vào công cuộc vệ quốc, cổ vũ tinh thần chiến đấu, lòng yêu nước của nhân dân. Khi ấy, cây bút thường viết về người nông dân- Kim Lân, mang truyện ngắn “ Vợ nhặt” góp vào tiếng nói chung sôi nổi của làng văn học lúc bấy giờ.
Bức phông nền của bức tranh nhà văn khắc họa là trận đói thê thảm những năm 1945. Nhà văn phát hiện ra cái đói là tác nhân gây nên biết bao mất mát, đau thương nhưng đó cũng là cái cớ để đậm tô sức sống mạnh mẽ tiềm năng của con người tự vượt lên nghịch cảnh. Khi làm bài phân tích 2 đoạn văn trên, ta cần phân tích từng đoạn từ hình thức: giọng điệu, hình ảnh, ngôn từ… đến nội dung qua đó cảm nhận sự thay đổi của hình tượng cũng như sự vận động trong tư tưởng tác giả để thấy được nét đặc trưng của dòng văn học cách mạng lúc bấy giờ, dưới ánh sáng của Đảng, người nông dân vẫn mang trong mình cái nhìn lạc quan về tương lai, niềm tin vào cuộc sống tươi đẹp hơn. Trước khi đặt bút, các bạn có thể tham khảo các bài viết sau để triển khai ý, các bạn nhé. Chúc các bạn học tập thật tốt!


su-van-dong-trong-tu-tuong-vo-nhat-kim-lan.jpg


BÀI VIẾT SỐ 1 CẢM NHẬN 2 ĐOẠN VĂN SAU ĐỂ THẤY SỰ VẬN ĐỘNG TRONG TƯ TƯỞNG: “ CÁI ĐÓI ĐÃ TRÀN ĐẾN XÓM NÀY TỰ LÚC NÀO…XÁC NGƯỜI” VÀ “NGOÀI ĐÌNH BỖNG DỘI LÊN MỘT HỒI TRỐNG… PHẤP PHỚI”
Có người cho rằng: “ Văn học, đó là tư tưởng đi tìm cái đẹp trong ánh sáng”, văn chương cho dù viết về cái xấu, cái ác vẫn gửi gắm hướng về kiếm tìm những cái đẹp man mác trong vũ trụ. Bởi vậy, ta có dịp gặp gỡ tư tưởng cao đẹp, nhà văn Kim Lân gửi gắm trong truyện ngắn “Vợ nhặt”. Trong đó, hai đoạn văn “ Cái đói đã tràn đến…xác người” và “ Ngoài đình bỗng dội lên…phấp phới” giúp ta cảm nhận rõ sự vận động tích cực trong tư tưởng của tác giả.

Giữa những năm tháng gian khổ trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhân dân ta phải gánh chịu trận đói dữ dội năm 1945. Nhà văn Kim Lân đồng cảm với nỗi cơ cực của người nông dân nên đặt bút viết tiểu thuyết “ Xóm ngụ cư”. Do thất lạc bản thảo, sau khi hòa bình lập lại, dựa vào cốt truyện cũ nhà văn nén lại, cho ra đời truyện ngắn “ Vợ nhặt” trích trong tập “ Con chó xấu xí”(1962). Cây bút truyện ngắn xuất sắc gửi kèm nỗi niềm trăn trở về kiếp sống con người thời bấy giờ, khiến chữ chữ đều đứng dậy trên trang giấy.

Bối cảnh truyện mở ra tại một xóm ngụ cư những ngày đói thê thảm để phản ánh số phận đáng thương của người nông dân trong thảm nạn 1945. Câu văn ngắn, lời dẫn truyện tự nhiên: “ Cái đói tràn đến xóm này tự lúc nào”, khiến ta liên tưởng trận đói như cơn lũ, tràn về cái xóm bé nhỏ như muốn nhấn chìm mọi sự sống. Không gian chịu tổn thất được cụ thể hóa “Nam Định, Thái Bình” gợi những vùng miền rộng, xa xôi làm tăng tính tố cáo của tội ác bè lũ thực dân. Hình tượng cái đói được khắc họa qua màu sắc. Đó là màu “ xanh xám” của những người gần chết vì đói, qua dáng hình của những người còn sống vật vờ “ như những bóng ma”, những người chết trong tư thế đau khổ “ còng queo, như ngả rạ”, qua mùi vị “ gây của xác người, ẩm thối của rác rưởi”. Viết về cái đói, Kim Lân không phải người đầu tiên, ta từng thấy qua cái nhìn của nhà văn Nam Cao, Ngô Tất Tố… nhưng đến Kim Lân hình ảnh đó được tái hiện một cách ấn tượng khủng khiếp. Cái đói năm, diễn ra trên khắp cả nước, không hiện hình xa xăm mà hiện tiền, nó ám ảnh không chỉ là nỗi lo mà biến thành nỗi sợ, từ đe dọa đến hủy diệt sự sống, nó biến cõi sống thành cõi chết, xóa nhòa đường biên giới rõ ràng. Tác giả đậm tô đoạn mở đầu bằng ngôn ngữ sống động, như bước từ trang đời vào trang văn cùng với nghệ thuật dựng cảnh tài tình khiến trang văn linh hoạt không khô cứng.

Nếu khúc dạo đầu của truyện ngắn mang màu sắc xám xịt, ảm đạm thì thì đoạn văn cuối, nhà văn thổi vào đó một hơi thở mới. Cuộc trò chuyện của các nhân vật trong gia đình bà cụ Tứ sau bữa cơm đầu đón nàng dâu mới. Đoạn văn đồng thời phản ánh hiện thực tăm tối và trên hết là nói lên sự đổi thay trong suy nghĩ của Tràng về cuộc sống mới. Bức tranh hiện thực vẫn ánh chiếu qua âm thanh là tiếng trống thúc thuế “ dồn dập, vội vã” khiến đàn quạ- sứ giả của thần chết kinh sợ, “hốt hoảng bay vù lên”, kinh động lòng người: người con dâu thở dài. Hình ảnh giọt nước mắt của một người gần đất xa trời, nhấn mạnh hiện thực nghiệt ngã, mang tính tố cáo mạnh mẽ tội ác kẻ thù.

Bên cạnh đó, lời người vợ cất lên về mạn “ Thái Nguyên, Bắc Giang, người ta không chịu đóng thuế nữa. Người ta còn phá cả kho thóc của Nhật, chia cho người đói”, gợi ra địa danh xác thực, những miền đất xa xôi còn vùng lên chiến đấu thì cớ gì không vùng lên? Lời đối thoại giúp ta nhận ra thị không phải ăn xó mó niêu mà những ngày lăn lóc ở chợ tỉnh không chỉ cho thị no bụng mà còn giúp thị sáng mắt, sáng lòng, tìm thấy đường sống. Nguồn sáng rọi vào bến đời tăm tối, thê lương cũng chính là nguồn khởi sinh trên mảnh đất héo úa. Lời nói của cô vợ làm hiện ra trong óc Tràng hình ảnh đám người đói kéo nhau phá kho thóc nhật, chi tiết “ lá cờ đỏ bay phấp phới” mang theo không khí cách mạng đến gần. Phải chăng Tràng nghĩ tới đoàn người đói, tiên đoán họ cũng như gia đình Tràng sẽ tìm đến ánh sáng của Việt Minh để giải phóng mình, tìm con đường sống mới. Kết thúc truyện, mở khiến câu chuyện dừng lại nhưng số phận nhân vật không khép lại, nhà văn gieo vào cuộc đời nhân vật, lòng bạn đọc niềm tin vào tương lai tươi sáng phía trước, với những ai còn khát khao sự sống. Tác giả vẫn thành công xây dựng những đoạn hội thoại sinh động, thuần hậu của người nông dân cùng ngòi bút miêu tả tâm lý nhân vật tinh vi, lôi cuốn bạn đọc, giúp truyền tải thông điệp sâu sắc.

Khúc dạo đầu và khúc vĩ thanh trong truyện ngắn đóng dấu triện mang đậm phong cách nghệ thuật của Kim Lân hồn hậu, bình dị mang hơi thở của quê hương, cách mạng. Hai đoạn văn có sự vận động tích cực từ bóng tối, chiều tà tới buổi sáng, không gian hẹp dần từ xóm ngụ cư đến ngôi nhà, tổ ấm, từ xa đến gần, từ kết thúc tới khởi sinh, từ nỗi đau đến tin tưởng vào cuộc đời. Đó cũng chính là mạch vận động theo chiều hướng ánh sáng, mang cảm hứng lãng mạn của dòng văn học cách mạng. Truyện ngắn “ Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân còn ám ảnh bạn đọc và khơi dậy niềm tin vào phẩm chất đẹp của người nông dân, sự tin tưởng, hứa hẹn vào ánh sáng tự do cách mạng sẽ soi đường.

-Thu Hường-vfo.vn
 
  • Chủ đề
    kim lân sự vận động tự tưởng vợ nhặt
  • Top