Cảm nhận 9 câu đầu bài thơ “Đất Nước” - Nguyễn Khoa Điềm - 3 bài văn phân tích hay nhất

"Đất nước" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm là một trong những bài thơ trữ tình chính luận hay nhất của văn học Việt Nam hiện đại. Bài thơ là cảm xúc ngọt ngào, suy tư sâu lắng của tác giả về đất nước qua những góc nhìn mới mẻ và hiện đại. Bài viết sau đây là cảm nhận về 9 câu thơ đầu của bài thơ, qua đó người đọc được cung cấp một cách cảm nhận riêng làm tư liệu của mình. Chúc các bạn học tập tốt!

Người xưa có câu: "Con người có tổ có tông/Như cây có cội như sông nhớ nguồn". Vì thế mà từ thời xa xưa, nhân dân ta vẫn dành cho quê hương đất nước một mảnh tình riêng sâu sắc. 9 câu thơ đầu bài thơ là những cảm xúc ngọt ngào, suy tư sâu lắng chả riêng nhà thơ về cội nguồn hình thành nên Đất Nước, sau đây là cảm nhận về những câu thơ đó.

9-cau-dau-bai-tho-dat-nuoc-an-trau.jpg

BÀI VIẾT SỐ 1 CẢM NHẬN VỀ 9 CÂU ĐẦU BÀI THƠ "ĐẤT NƯỚC" HAY NGẮN GỌN
Nhắc đến Nguyễn Khoa Điềm, người ta không thể không nhắc về tập thơ "Mặt đường khát vọng". Những cảm xúc gắn chặt trong mỗi câu chữ, những triết lí sâu sắc đã kéo người đọc lại gần đến những trang thơ. Trích trong tập thơ đó, "Đất Nước" đã góp sắc tỏa hương, để nổi bật lên thành một trong những bài thơ đặc sắc nhất, trong đó có đoạn:
  • Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
  • Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể
  • "Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
  • Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
  • Tóc mẹ thì bới sau đầu
  • Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
  • Cái kèo, cái cột thành tên
  • Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
  • Đất Nước có từ ngày đó…"

Bài thơ "Đất Nước" thuộc phần đầu, chương V của khúc trường ca. Bài thơ mở đầu với những khúc suy tư về cội nguồn sâu xa của đất nước. Ngay ban đầu gâc giả đã khẳng định:
  • "Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
  • Đất Nước có trong những cái "ngày xửa ngày xưa" mẹ thường hay kể"

Giọng thơ tha thiết như một lời trò chuyện tâm tình để dẫn đưa ta vào khúc ru của những câu chuyện dân gian. Tác giả khẳng định Đất Nước đã có từ ngàn đời xa xưa, con người ta sinh ra Đất Nước đã ở bên để đỡ đần chăm sóc. Cụm từ "ngày xửa ngày xưa" gợi ra không khí bảng lảng của khói sương cổ tích, khiến ta nhớ lại những câu chuyện dân gian xưa cũ mà ngày bé các bà, các mẹ vẫn kể cho nghe. "Đất Nước" được viết hoa như một cách tác giả bày tỏ tình yêu và sự trân trọng dành cho cụm từ đầy thiêng liêng đó. Nhưng kì lạ thay, Đất Nước lớn lao đã có từ ngàn đời bỗng hóa thành bình dị khi ẩn mình vào những câu chuyện cổ tích bé thơ.
  • "Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
  • Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc"

Câu thơ gợi liên tưởng tới màu huyền thoại của cổ tích. Tục ăn trầu với câu chuyện sự tích trầu cau nhắc ta nhớ về truyền thống thủy chung son sắt. Truyền thống trồng tre với câu chuyện của cậu bé làng Gióng nhắc ta về ý chí chiến đấu chống giặc ngoại xâm luôn song hành với sự "lớn lên" của Đất Nước: "Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín". Thì ra, tác giả lí giải cội nguồn hình thành lên Đất Nước thật bình dị, bởi Đất Nước bắt đầu với câu chuyện cổ và cũng lớn lên với truyền thuyết xa xưa. Đất Nước gắn bó và nhắc nhở ta về truyền thống thủy chung, nghĩa tình nồng đượm, nhắc ta về lịch sử hào hùng để lớn lên từng ngày theo chiều dài lịch sử vẻ vang.

Không những thế, tác giả còn lí giải cội nguồn đất nước qua những phong tục tập quá giản dị của người Việt. "Tóc mẹ thì búi sau đầu" gợi suy ngẫm về tục bới tóc vốn đã có từ xa xưa của người Việt cổ. Hình ảnh mẹ luôn song hành với cha:
  • "Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn"

Ta bỗng chống nhớ về những câu thơ xa xưa:
  • "Muối ba năm muối đang còn mặn
  • Gừng chín tháng gừng hãy còn cay
  • Đôi ta tình nặng nghĩa dày
  • Dù ba vạn sáu ngàn ngày vẫn chẳng xa"

Cha mẹ thương nhau vì tình yêu thủy chung, sắt son chẳng thể tách rời. Đất Nước hiển hiện trong cả truyền thống thủy chung của người Việt nên càng thêm sâu sắc và xúc động. Dù có đắng cay và gian khổ, dù có phải trải qua muôn vàn đèo cao thử thách thì tình cảm sắt son mà con người dành cho nhau cũng không thể dễ dàng biến chuyển, cũng có lẽ bởi thế mà Đất Nước được bồi tụ trong chiều sâu văn hóa ngọt ngào.

Từ cha mẹ thương nhau, tác giả lại nhắc đến tục đặt tên của người Việt cổ. Cái kèo, cái cột gợi về cách làm nhà truyền thống, dựng cột, gác kèo vững chãi để chống thú dữ. Cũng vì vậy mà bắt đầu xuất hiện tục đặt tên gần với những dụng cụ hằng ngày, khiến con người càng ngày càng gắn bó chặt với cuộc sống xung quanh, khiến họ có trách nhiệm giữ gìn, vun đắp vào ánh lửa của tổ ấm gia đình. Đặt tên là Kèo, là Cột tuy bình dị mà lại ẩn chứa nhiều suy nghĩ sâu xa. Phải chăng khi viết về Đất Nước, tác giả đã dồn nén cảm xúc ngọt ngào và suy tư sâu lắng để làm nên những câu thơ hay?

Không những có những truyền thống đó, người Việt còn hiện ra với vẻ đẹp của sự cần cù, siêng năng trong quá trình làm ra hạt gạo:
  • "Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng"

Thành ngữ "Một nắng hai sương" một lần nữa đưa ta về với miền đất trù phú của văn học dân gian, cũng đặc tả sự khó nhọc, vất vả của người dân khi làm ra hạt ngọc trời. Để làm ra một bát cơm thơm, một hạt gạo trắng, là cả một quá trình đầu lo âu và vất vả. Quá trình "xay, giã, giần, sàng" được liệt kê một cách đầy đủ khiến ta hình dung ra quá trình làm ra hạt gạo là một hành trình đầy gian nan vất vả, cũng nhờ điều đó làm nền mà đức tính cần cù, chăm chỉ của người nông dân đã được đặc tả rõ nét. Đất Nước ta gắn liền với nền văn minh lúa nước, lấy hạt gạo làm kho báu của chính mình, bởi vậy hạt gạo được gọi là niềm sống đầy trân trọng và nâng niu:
  • "Cày đồng đang buổi ban trưa
  • Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
  • Ai ơi bưng bát cơm đầy
  • Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần"
Như vậy, với giọng thơ tâm tình tha thiết, kết hợp với các câu thơ dài ngắn minh hoạt, Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện một cách đặc sắc sự lí giải về cội nguồn đất nước. Đó là những câu chuyện dân gian bình dị mà ý nghĩa, là phong tục tập quán của người Việt, là đức tính cần cù chăm chỉ và thủy chung son sắt, là tình yêu của nhân dân đối với dải đất máu mủ. Đất Nước bắt đầu với tất cả điều đó, để tỏa rạng, để lớn lên, để mãi to lớn và ấp ủ những đứa con của mình.

Đất Nước với Nguyễn Khoa Điềm mang ý nghĩa to lớn lắm. Và dẫu có muôn vàn khó khăn, tác giả vẫn bày tỏ niềm tin vào sự lớn mạnh của Đất Nước vì đã có nền móng văn hóa, trầm tích lịch sử vững chắc để tự tin lớn lên mãi mãi.
-Minh Anh-vfo.vn

hat-gao-dat-nuoc.jpg

BÀI VIẾT SỐ 2 CẢM NHẬN 9 CÂU THƠ ĐẦU BAI THƠ "ĐẤT NƯỚC"- NGUYỄN KHOA ĐIỀM
Văn học kháng chiến 1945-1975 trong mạch chảy ngầm dạt dào mãnh liệt của cuộc sống không chỉ ghi lại được âm vang náo nức của thời đại mà còn khắc tạc tượng đài nghệ thuật đất nước thật nên thơ cao đẹp. Đó là một đất nước hoá thân trong một mảnh hồn quê Kinh Bắc đậm đà màu sắc văn hóa dân gian tình tứ dịu dàng mà quằn quại dưới gót giày xâm lược trong thơ Hoàng Cầm. Một đất nước tươi đẹp mà đau thương với sức luôn khỏe khoắn "rũ bùn đứng dậy sáng lòa" sống động hiện hình trong những thơ của Nguyễn Đình Thi. Khi bước vào trang thơ của Nguyễn Khoa Điềm, đất nước hiện lên một cách trọn vẹn nhất, đất nước mà chính nhân dân muôn đời đã làm nên, đất nước của nhân dân. Chín câu thơ đầu tiên của bài thơ Đất nước đã để lại dấu ấn khó phai trong lòng bao thế hệ bạn đọc.

Nguyễn Khoa Điềm thuộc thế hệ những nhà thơ trẻ thời kì kháng chiến chống Mỹ. thơ ông lịch sự kết hợp hài hòa giữa chất trữ tình và chính luận cảm xúc và trí tuệ thăng hoa thành thơ. Đó không chỉ là trái ngọt của một trí tuệ giàu có một tư duy sắc sảo mà đó còn là kết quả của một tấm lòng, một trái tim có sức lay động đến tận sâu tâm hồn bạn đọc.
Chín câu thơ đầu trong trích đoạn đất nước đã tô đậm dấu vân tay trong cá tính sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Khoa Điềm qua nghệ thuật chất lọc tinh tế văn hóa và văn học dân gian:
  • "Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
  • Đất Nước có trong những cái "ngày xửa ngày xưa..." mẹ thường hay kể
  • Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
  • Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
  • Tóc mẹ thì bới sau đầu
  • Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
  • Cái kèo, cái cột thành tên
  • Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
  • Đất Nước có từ ngày đó..."


Trong cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm Đất Nước đã có từ rất lâu đời từ thuở xa xưa có trong những câu chuyện cổ tích mẹ thường hay kể đất nước bắt đầu cùng với sự ra đời của những phong tục tốt đẹp của nhân dân ta trong suốt mấy ngàn năm qua. Đất nước lớn lên từ những ngày đầu rất mình biết trồng tre đánh giặc, biết giữ nước như cậu bé làng Gióng của nào. hàng loạt các hình ảnh đậm sắc màu văn học dân gian kết hợp với các động từ xuất hiện tăng tiến đem đến cảm nhận đất nước như một sinh thể từ quá trình hoài thai trưởng thành lớn lên từ trong tình người ấm áp và từ những gian khổ mất mát hi sinh. Trong trang thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm, khởi nguồn của đất nước không phải là những trang sử hào hùng những chiến tích của thuở hồng hoang vĩ đại mà là những huyền thoại, những truyền thuyết, những phong tục tập quán riêng biệt đã có từ ngàn đời. Lịch sử lâu đời của đất nước không được cắt nghĩa bằng sự tiếp nối của các triều đại hay các mốc son lịch sử chói lọi như trong Đại cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi "Từ Triệu Đinh Lý Trần bao đời gây nên độc lập/Cùng Hán Đường Tống Nguyên mỗi bên xưng đế một phương" mà được nhìn trong chiều sâu văn hóa văn học. Đây chính là điểm mới trong cách tìm về nguồn cội đất nước của nhà thơ.

Một đoạn thơ ngắn nhưng gọi dậy biết bao nét đẹp văn hóa văn học dân gian quen thuộc. đó là tục ăn trầu mời trầu trong giao tiếp nét đẹp trong văn hóa ứng xử:

"Trầu này trầu tính trầu tình
Trầu loan trầu phụng trầu mình lấy ta"
Hay:
"Gặp nhau ăn một miếng trầu
Không ăn cầm lấy cho nhau vừa lòng"
Đó còn là tập tục búi tóc sau gáy quen thuộc của những người phụ nữ Việt Nam xưa
"Tóc mẹ thì bới sau đầu"
"Tóc ngang lưng vừa chừng em bới
Để khi dài bối rối lòng anh"

Không chỉ thế, một nét văn hóa xưa - đặt tên con bằng các vật dụng thông thường trong cuộc sống hàng ngày - cũng như sống lại trong từng câu thơ "Cái kèo cái cột thành tên". Đó còn là kho truyện cổ tích của người Việt mà mỗi khi 4 tiếng ngày xửa ngày xưa cất lên ai cũng nhớ về một thế giới cổ tích truyền thuyết về sống dậy trong tâm trí. Ấy là truyện cổ tích trầu cau thấm đượm tình nghĩa anh em keo sơn gắn bó, tình vợ chồng đằm thắm thủy chung, ấy là truyền thuyết Thánh Gióng đánh giặc ngoại xâm như một khúc anh hùng ca tráng lệ để tự hào biểu tượng cho sức mạnh thần kỳ về truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất của nhân dân Việt Nam ta từ buổi bình minh dựng nước và giữ nước. Đất nước có được làm nên từ nghĩa tình sắt son chung thủy "cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn". Muối, gừng là một cặp biểu tượng luôn gắn liền với nhau, cùng nhau đi về trong biết bao câu ca dao tình nghĩa, là minh chứng cho tình yêu vững bền:

"Tay bưng chén muối đĩa gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau"
"Muối ba năm muối đang còn mặn
Gừng chín tháng gừng vẫn còn cay
Đôi ta nghĩa nặng tình dày
Có xa nhau thì ba vạn sáu ngàn ngày mới xa"

Hơi thơ trải dài trầm lắng ngân nga như tiếng lòng đất nước dội về từ mấy ngàn năm trước, gọi dậy quá trình sinh thành tồn tại và phát triển của đất nước với bao thử thách gian lao

"Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, dần, sàng"

Những động từ đặc tả và phép liệt kê như đã khắc họa được nỗi vất vả của những người nông dân chân lấm tay bùn nuôi dưỡng đất nước quê hương em ngày một đẹp tươi. Chỉ một hạt gạo nhỏ thôi vậy mà để làm ra được nó là mồ hôi nước mắt, là bao mất mát hi sinh phải đánh đổi.

Nguyễn Khoa Điềm đã vận dụng sáng tạo những chất liệu dân gian quen thuộc. Nhà thơ không trích dẫn lại nguyên văn những câu ca dao những truyện cổ tích,...mà chỉ gợi nhắc những hình ảnh những nét đẹp cổ truyền đã từng tồn tại trong văn hóa của người Việt. điều đó đã khẳng định trong tư tưởng của Nguyễn Khoa Điềm Đất nước chính là một tay nhân dân làm nên, gợi dậy trong tâm thức của bạn đọc cả một bề dài và chiều sâu văn hóa nhìn đời của dân tộc với những vẻ đẹp đặc trưng rất đáng tự hào.

Quả thật Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm giống như một tùy bút thơ với cảm xúc sâu lắng và nồng nàn, tư duy sắc sảo trong những triết lý mềm mại ngọt ngào yêu thương tình nghĩa vốn văn hóa và tình yêu tha thiết đối với đất nước trải qua theo thời gian trong chiều rộng của không gian và chiều sâu văn hóa dân tộc. Ở đó tư tưởng đất nước của nhân dân là nốt nhạc chủ đạo ngân vang từ những câu thơ đầu và xuyên suốt bản đàn, để hát mãi về một tình yêu:
"Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt
Như mẹ cha ta, như vợ như chồng
Ô Tổ quốc nếu cần ta chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông" (Chế Lan Viên).

-M-vfo.vn

dat-nuoc.jpg

BÀI VĂN MẪU SỐ 3 CẢM NHẬN 9 CÂU THƠ ĐÂÙ BÀI THƠ “ĐẤT NƯỚC” CỦA NGUYỄN KHOA ĐIỀM

Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ, thơ ông hấp dẫn người đọc bằng cảm hứng nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức và con người Việt Nam.Trong đó "Đất nước " trích trong " Trường ca mặt đường khát vọng ". Tiêu biểu trong phong cách thơ của Nguyễn Khoa Điềm là sự kết hợp giữa trữ tình và chính luận. Đoạn thơ thể hiện những cảm nhận sâu sắc và mới mẻ của nhà thơ về cội nguồn đất nước đó là :

" Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ ngày xửa ngày xưa” mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó…”

Bản trường ca ra đời năm 1971 đó là thời điểm cuộc kháng chiến chống Mĩ diễn ra vô cùng quyết liệt trong hoàn cảnh đó vấn đề dân tộc được đặt lên hàng đầu có rất nhiều tác phẩm kể cả thơ ca và văn xuôi viết về đề tài đất nước nhưng Nguyễn Khoa Điềm mang đến cho người đọc 1 cảm nhận độc đáo và mới mẻ về đất nước.

Đó là một đất nước rất đời bình dị và thân thuộc đối với mỗi con người. Trong đoạn thơ nói chung hay toàn bộ đoạn trích nói riêng từ " Đất Nước " được viết hoa thể hiện thái độ thành kính trân trọng của nhà thơ về đất nước. Chính đoạn thơ là suy tư của tác giả về cội nguồn đất nước. Đoạn thơ là cách trả lời câu hỏi " đất nước có từ bao giờ ". Khi nói về cội nguồn đất nước nhà thơ ko đưa ra một con số cụ thể hay một thời gian cụ thể mà với dẫn chứng cụ thể nhà thơ đã đưa chúng ta về với cuộc sống hiện tại, cuộc sống mà chính chúng ta đang sống để ta nhận ra khi ta lớn lên thì đất nước đã có rồi. Và với một giọng thơ tâm tình nhà thơ đã gợi lên một khoảng không trầm lắng gợi về đất nước và cội nguồn của nó. Và đất nước bắt đầu từ cái ngày xửa ngày xưa của nó. Đất nước bắt nguồn từ những câu chuyện cổ tích truyền thuyết. Đất nước bắt đầu từ những phong tục tập quán rất đẹp của nhân dân trong suốt mấy ngàn năm qua đó là miếng trầu bây giờ bà ăn. Nguyễn Khoa Điềm đã dẫn người đọc đi đến cái triết luận cái hiện tại " lớn lên" trong quá khứ. Đất nước" lớn lên " trong những ngày trồng tre đánh giặc cứu nước như cậu bé làng gióng thuở nào. Như vậy trong cảm nhận ban đầu của Nguyễn Khoa Điềm thì khởi nguyên của đất nước chưa phải là lịch sử hào hùng với chiến tích thuở hồng hoang vĩ đại mà là những huyền thoại truyền thuyết là những phong tục tập quán đã có từ ngàn đời và lịch sử lâu đời của đất nước tác giả nhìn từ chiều sâu văn hoá văn học dân gian. Đây chính là điểm mới trong cách nhìn nhận đất nước của Nguyễn Khoa Điềm. Chỉ với một câu thơ ngắn mà đã gợi dậy biết bao văn hoá, văn hoá dân gian quen thuộc đó là phong tục ăn trầu, là miếng trầu giao duyên, miếng trầu lên nghĩa nên tình, đó là cách búi tóc quen thuộc của người phụ nữ Việt Nam. Cách đặt tên con cái với những vật dụng hằng ngày. Đó là kho tàng truyện cổ tích Việt Nam mà mỗi khi kể " ngày xửa ngày xưa" mà cất lên thì ai cũng nhớ. Đó là cổ tích trầu cau thấm đượm tình nghĩa anh em, tình nghĩa vợ chồng. Văn học dân gian quen thuộc như cổ tích trầu cau,thành ngữ dân gian, truyền thuyết thánh gióng đánh giặc ngoại xâm, tình nghĩa vợ chồng trọn nghĩa vẹn tình trong câu:

" Tay nâng chén muối đĩa gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau"

Nguyễn Khoa Điềm sử dụng rất tài tình và hiệu quả cái chất liệu của văn hoá văn học dân gian.Nhà thơ không trích trọn vẹn một bài cụ thể nào mà chỉ trích ra chọn ra một vài từ ngữ và hình ảnh tiêu biểu nhưng từng đó cũng chỉ để nhà thơ đạt được mục đích của mình là một đất nước dung dị gần gũi đời thường vừa gợi dậy trong lòng người đọc bề dày và chiều sâu văn hoá nghìn đời của dân tộc với những nét đặc thù rất đáng tự hào. Khép lại đoạn thơ nhưng lại mở ra trong lòng người đọc biết bao suy tư. Hiện lên hình ảnh một đất nước gần gũi bình dị " lớn lên" từ những câu chuyện cổ tích của bà của mẹ .Qua đó nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã gợi lên trong lòng người đọc tinh thần yêu nước thầm kín trong mỗi người và niềm tự hào dân tộc sâu sắc.

-TTT-vfo.vn
 
  • Chủ đề
    9 câu đầu nguyễn khoa điềm đất nước
  • Top