Cảm nhận hình tượng đất nước trong bài thơ đất nước

Năm 1971, tại chiến khu Bình Trị Thiên khói lửa, trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mĩ đang cam go, ác liệt, có một nhà thơ trẻ đã chắp bút để viết nên trường ca "Mặt đường khát vọng". Lấy cảm hứng từ Đất Nước và Nhân Dân, nhà thơ trẻ đó đã ca ngợi vẻ đẹp của Đất Nước, từ đó thức tỉnh thế hệ trẻ về trách nhiệm đối với dân tộc. Bài viết sau đây là cảm nhận về hình tượng đất nước sẽ làm rõ điều đó.

Đất Nước vốn là đề tài quen thuộc trong văn học Việt Nam muôn thủa. Đó là Đất Nước hóa thành văn trong tác phẩm của Nguyễn Du, là Đất Nước anh hùng trong "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi, là Đất Nước bình dị trong thơ Nguyễn Đình Thi. Thế nhưng đến với Nguyễn Khoa Điềm, một nhà thơ tiêu biểu của thế hệ nhà thơ trẻ thời kì kháng chiến chống Mĩ, Đất Nước lại mới mẻ trong cái nhìn tổng hợp, sâu sắc và mới mẻ. Đó là tiếng nói suy tư của người trí thức với vấn đề của toàn dân tộc, là cảm xúc nồng nàn, suy tư sâu lắng về Đất Nước và Nhân Dân. Do đó, hình tượng Đất Nước trong bài thơ vừa lắng đọng, mang xúc cảm thiết tha, vừa lớn lao và thiêng liêng trong tâm hồn người lính trẻ. Hình tượng đó đi về trong tiềm thức của nhà thơ và thức tỉnh thế hệ trẻ về trách nhiệm của bản thân mình đối với vận mệnh lịch sử dân tộc.
hon-trong-mai-dat-nuoc.jpg

BÀI VIẾT CẢM NHẬN VỀ ĐẤT NƯỚC TRONG BÀI THƠ "ĐẤT NƯỚC" - NGUYỄN KHOA ĐIỀM
  • "Ôi đất nước có trăm nghìn định nghĩa
  • Một lời ru của mẹ, một mùi hương
  • Một trái cây vườn khi còn thơ bé
  • Một nụ hôn nồng trên mí mắt người thương"
  • (Nguyễn Hải Như)
Xưa nay đất nước luôn là đề tài đi về trong thơ ca muôn thuở. Nhập vào dòng thơ ca truyền thống, Nguyễn Khoa Điềm - nhà thơ trẻ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ cũng góp vào đó hình tượng Đất Nước vừa mới mẻ, vừa gần gũi, thể hiện cảm xúc ngọt ngào, suy tư sâu lắng về vận mệnh dân tộc. Hình tượng Đất Nước trong bài thơ cùng tên đã để lại nơi người đọc những ấn tượng đậm nét.

Ra đời năm 1971 tại chiến khu Bình Trị Thiên, nơi được coi là chảo lửa của cuộc chiến năm đó, "Đất Nước" vừa là những suy tư, trăn trở của nhà thơ trẻ đi tìm những lí giải về cội nguồn, vừa là lời thức tỉnh của thanh niên vùng đô thị phía Nam để xuống đường hòa nhập vào cuộc đấu tranh của nhân dân để giải phóng đất nước. Hình tượng Đất Nước qua cái nhìn của tác giả hiện lên toàn diện và mới mẻ qua chiều dài của thời gian, qua chiều rộng của không gian địa lí và chiều sâu của những trầm tích văn hóa lâu đời

Mở đầu bài thơ, tác giả đi vào lí giải cội nguồn đất nước:
  • "Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
  • Đất Nước có trong những cái "ngày xửa ngày xưa" mẹ thường hay kể"
Đất Nước đã ra đời từ rất xa xưa, khi con người sinh ra và lớn lên thì Đất Nước đã ở bên đồng hành và sẻ chia cùng năm tháng. Cội nguồn Đất Nước bắt đầu từ những câu chuyện cổ tích xa xưa, từ lịch sử vẻ vang đến phong tục đã có từ ngàn đời:
  • "Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
  • Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc.
  • Tóc mẹ thì bới sau đầu
  • Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
  • Cái kèo, cái cột thành tên
  • Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
  • Đất Nước có từ ngày đó.."

Đất Nước ra đời trong những điều bình dị và tự nhiên. Hình tượng Đất Nước hiện lên thật gần gũi trong những công việc hằng ngày, từ truyền thống đánh giặc ngoại xâm với cậu bé làng Gióng, từ truyền thống tình nghĩa, những tập tục "bới tóc", tục đặt tên "cái kèo cái cột", Đất Nước ra đời từ tình nghĩa con người và còn ra đời trong nỗi vất vả một nắng hai sương trong quá trình làm ra hạt gạo. Nguyễn Khoa Điềm thể hiện sự độc đáo, thể hiện Đất Nước vừa bình dị vừa thiêng liêng, gần gũi, chạm vào tâm thức mỗi con người Việt Nam. Hình tượng Đất Nước hiện lên trong những chất liệu dân gian truyền thống, đưa con người về với miền kí ức xa xôi, về với tuổi thơ êm đềm trong những câu hát ru ngọt ngào của người bà, người mẹ. Khác với sự thiêng liêng trong bài thơ thần của Lý Thường Kiệt, Nguyễn Khoa Điềm đã thổi vào hình tượng Đất Nước cả sự cay đắng, xót xa và nỗi nhọc nhằn của nhân dân trong lao động sản xuất, kéo hình tượng Đất Nước về gần với cuộc sống thường nhật, để Đất Nước vừa thiêng liêng cũng vừa gần gũi đối với mỗi người.

Hình tượng Đất Nước qua sự khám phá mới mẻ của tác giả được nhìn qua một cái nhìn đa dạng và nhiều chiều. Đó là không gian địa lí rộng dài với núi cao biển rộng, là cái nôi sinh tồn của cả một cộng đồng:
  • "Đất là nơi "con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc"
  • Nước là nơi "con cá ngư ông móng nước biển khơi"
  • Thời gian đằng đẵng
  • Không gian mênh mông
  • Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ
  • Đất là nơi Chim về
  • Nước là nơi Rồng ở
  • Lạc Long Quân và Âu Cơ
  • Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng"

Cảm xúc chan chứa tự hào đã đẩy mạch thơ, hình tượng Đất Nước cảm nhận trong đoạn được đặt trong không gian gần gũi: là con đường ngày ngày anh đến lớp, đến với tri thức, là nơi sinh hoạt thường ngày, nơi ghi dấu những tình yêu đẹp đẽ. Nguyễn Khoa Điềm còn mở ra chiều không gian của tâm hồn trong nỗi nhớ: "Em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm". Đất Nước không chỉ là những giá trị vật chất mà còn là tình yêu, là xúc cảm tâm hồn mộng mơ thấm đẫm phong vị ca dao thuở nào:
  • "Khăn thương nhớ ai
  • Khăn rơi xuống đất
  • Khăn thương nhớ ai
  • Khăn vắt lên vai
  • Khăn thương nhớ ai
  • Khăn chùi nước mắt"
Hình tượng Đất Nước không chỉ được cảm nhận trong không gian địa lí dài rộng mà còn được đặt trong chiều dài lịch sử vô biên. Lịch sử đó được đặt trong dòng chảy: quá khứ, hiện tại đến tương lai. Tác giả lấy chất liệu văn học dân gian để kể về quá khứ trong lịch sử hào hùng, trong những câu chuyện cổ tích xa xôi, lí giải cội nguồn và tầm quan trọng của Đất Nước trong trái tim mỗi người con đất Việt:
  • "Đất là nơi Chim về
  • Nước là nơi Rồng ở
  • Lạc Long Quân và Âu Cơ
  • Để ra đồng bào ta trong bọc trứng"
Chiều sâu của lịch sử đã đánh thức tình cảm thành kính, ngưỡng vọng với tổ tiên, chạm đến tâm thức sâu thẳm trong lòng người đọc. Vì vậy mà sống trong hiện tại và tương lai nhưng con người vẫn không đánh mất nguồn gốc và tình cảm với cội nguồn. Đất Nước luôn ở bên nhắc nhở con người, trở thành hành trang vững chắc cho hôm nay và mai sau.

Hình tượng Đất Nước còn được đặt trong mối quan hệ riêng - chung, cá nhân - cộng đồng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đương thời từng nói: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Các thế hệ người Việt Nam phải có trách nhiệm thay nhau nối dài sự sống của đất nước, vì đất nước là sự kết tinh, sự hóa thân, là máu thịt của mỗi con người:
  • "Trong anh và em hôm nay
  • Đều có một phần Đất Nước"
Nguyễn Khoa Điềm xây dựng hình tượng Đất Nước không chỉ để bày tỏ cảm xúc ngọt ngào của mình. Đó còn là suy tư sâu lắng của nhà thơ về trách nhiệm của thế hệ trẻ phải phát huy truyền thống và giữ gìn cho thế hệ mai sau, biết cống hiến và hóa thân để Đất Nước còn tươi đẹp mãi:
  • "Em ơi em đất nước là máu xương của mình
  • Phải biết gắn bó và san sẻ
  • Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
  • Làm nên Đất Nước muôn đời"

Những câu thơ như một mệnh lệnh thép nhưng không hề giáo điều, khô khan mà là mệnh lệnh của trái tim, được cất lên từ tấm lòng chân thành. Đất Nước vừa thân thương vừa thiêng liêng vô cùng vì Đất Nước mang chiều sâu của văn hóa dân tộc, bề dày văn hóa khiến Đất Nước vững vàng trước mọi thử thách gian truân. Bằng hình tượng Đất Nước, nhà thơ thức tỉnh lớp trẻ bây giờ, giúp họ sẵn sàng gánh vác nhiệm vụ bảo vệ non sông trên đôi vai mình:
  • "Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt
  • Như mẹ như cha như vợ như chồng
  • Ôi Tổ quốc! Nếu cần ta chết
  • Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông"
Có ý kiến từng cho rằng: "Hình tượng nghệ thuật là một thông điệp". Bằng hình tượng Đất Nước - một hình tượng đã đi về trong bao câu hát, câu thơ, Nguyễn Khoa Điềm đã làm mới nó và biến nó trở thành nơi bày tỏ cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng của mình. Từ hình tượng, nhà thơ đã góp sức làm thức tỉnh thế hệ trẻ về nhiệm vụ, trách nhiệm của bản thân đối với việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy thế mạnh dân tộc. Điều đó khiến lời thơ vừa thiêng liêng, cao cả, lại vừa tâm tình và thủ thỉ bởi đó là tiếng lòng thốt ra thành lời. "Đất Nước" đã hòa mình vào bao bài thơ khác để bày tỏ niềm tự hào đối với quê hương xứ sở, nhưng cũng vươn mình để trở nên khác biệt với những bài thơ sau trước, để trở thành một niềm thơ riêng của thi nhân, để đi về và in dấu ấn riêng trong lòng mỗi người dân đất Việt.

"Thơ không chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh" (Chế Lan Viên). "Đất Nước" - Nguyễn Khoa Điềm vừa đưa ru con người vào những giai điệu trữ tình, vừa là lời thức tỉnh thế hệ trẻ về sứ mệnh cao cả với dân tộc. Chính điều đó đã làm nên "chất mặn" với những trang thơ.

-Minh Anh-vfo.vn
 
  • Chủ đề
    hình tượng đất nước đất nước
  • Thống kê

    Chủ đề
    100,746
    Bài viết
    467,573
    Thành viên
    339,849
    Thành viên mới nhất
    chicstore.accessories
    Top