Cảm nhận khổ 2 bài thơ Việt Bắc - Tố Hữu - 3 bài thơ phân tích đoạn 2 hay nhất

“Việt Bắc” được coi là những trang sử viết bằng thơ và nghĩa tình. Hôm nay, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu, phân tích đoạn thơ thứ hai trong đoạn trích “Việt Bắc”

Lịch sử của một thời đại, một dân tộc không chỉ được viết bằng những trang sử mà còn bằng những trang thơ, trang văn. Lịch sử ấy, sống trong tâm hồn mỗi con người, thành những tình cảm, cảm xúc và suy ngẫm sâu xa – những trang sử không bao giờ chết. “Việt Bắc” của Tố Hữu cũng là một “lịch sử” như thế. Tác phẩm không chỉ giản đơn là một bản tổng kết về những năm tháng kháng chiến đã qua, không phải là chính trị khô khan mà là những câu hát thấm thía về ân tình cách mạng, về vẻ đẹp và sức vóc con người và dân tộc Việt Nam. Ngay mở đầu, tác giả đã gây ấn tượng bởi những câu đối đáp giữa người ở lại và kẻ ra đi tạo nên sự thân thuộc như những câu hát dân gian thuở trước. Đoạn thứ hai, lời của người ra đi cất bước mà sao tha thiết, vấn vương. Khi phân tích đoạn thứ hai, cần bám sát vào các câu thơ, cách ngắt nhịp, giọng điệu đến những từ ngữ, hình ảnh, cách sử dụng yếu tố cổ điển để làm nổi bật hình ảnh chủ thể cũng như là vẻ đẹp của đoạn thơ. Chú ý đến mối liên hệ đoạn thơ trong việc thể hiện phong cách nghệ thuật của Tố Hữu. Chia ý mạch lạc sẽ là một ưu điểm cho bài viết. Và sau đây là một số bài văn các bạn có thể tham khảo trước khi bắt đầu bài phân tích của mình. Chúc các bạn học tập tốt!

kho-2-viet-bac.jpg


BÀI VĂN MẪU SỐ 1 PHÂN TÍCH CẢM NHẬN ĐOẠN 2 BÀI “VIỆT BẮC” HAY DO VFORUM SOẠN
  • “Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ
  • Mỗi vần thơ, bom đạn phá cường quyền”
  • (Sóng Hồng)

Văn học trước hết phải là cuộc đời, sau mới là nghệ thuật. Khi biết kết hợp hai điều đó, tác phẩm mới có thể tồn tại và sống. “Việt Bắc” sống với thời gian cũng bởi điểu đó. Người đọc vẫn còn bồi hồi mãi khi chứng kiến cảnh chia li ở đó:
  • “Tiếng ai tha thiết bên cồn
  • Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
  • Áo chàm đưa buổi phân ly
  • Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay...”
Bốn câu thơ mở đầu là khúc dạo đầu đầy ân tình thủy chung và niềm trăn trở, thương nhớ của người ở lại với người ra đi. Bốn câu thơ tiếp theo là cảnh tiễn đưa bâng khuâng trong nỗi lưu luyến, nhớ nhung của kẻ ở người đi.

Người ra đi bịn rịn, nhớ nhung, ngập ngừng mà lưu luyến khiến từng bước chân còn vương vấn mãi những âm thanh mơ hồ: “tiếng ai”. Đó là tiếng người ở lại hay tiếng vọng từ trong tâm tưởng người ra đi. Không gian từ ngoại giới: “bên cồn” chuyển vào “trong dạ” rồi “bồn chồn bước đi” từ hữu hình đến vô hình. Hữu hình hóa cái vô hình, ngoại giới hóa nội tâm càng làm bước đi thêm ngập ngừng, chầm chậm chẳng muốn rời. Những bước chân ngập ngường ấy ta đã bắt gặp trong giây phút chia phút chia li của “chàng” và “nàng” trong “Chinh phụ ngâm”: “Bước đi một bước giây giây lại dừng” hay trong cái nhìn của chàng trai với người mình yêu:
  • “Vừa đi vừa ngoảnh lại
  • Vừa đi vừa ngoái trông”
  • (“Xống chụ xôn xao”)
Nhưng ở đây lại là tình đồng chí, nghĩa đồng bào, thắm thiết và vấn vương tha thiết.

Từ âm thanh mơ hồ ấy, Tố Hữu đề cập đến hình ảnh cụ thể đến nao lòng: “áo chàm đưa buổi phân li”. Nói tới “áo” trong buổi chia li là Tố Hữu đã trở về với ngọn nguồn dân tộc:
  • “Áo xông hương để chàng vắt mắc
  • Đêm em nằm em đắp dành hơi”
  • (Ca dao)
  • “Người về để áo lại đây
  • Phòng khi em đặp gió Tây lạnh lùng”
  • (Ca dao)
  • “Người lên ngựa, kẻ chia bào
  • Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san”
  • (“Truyện Kiều” – Nguyễn Du)
Nhưng chiếc áo trong thơ Tố Hữu không phải áo xông hương đài các hay áo bào sang trọng mà chỉ là “áo chàm” giản dị một sắc nâu. Đó không phải cái cầm tay “Nhủ rồi tay lại cầm tay” (“Chinh phụ ngâm” – Đoàn Thị Điểm) của nghĩa phu thê hay của tình đồng chí, đồng đội: “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”, “Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi” mà là cái nắm tay của tình đồng chí, đồng bào. Dấu “…” như khoảng trống, khoảng trắng vô ngôn mà hữu ý, dư tình. Đôi khi, không nói là để nói được nhiều nhất. Đôi khi, ngôn ngữ cũng bất lực trước tình cảm mênh mông của con người. Khi ấy, “Thử thời vô thanh thắng hữu thanh” (Lý Bạch)

Đoạn thơ của Tố Hữu chỉ ngắn gọn bốn câu mà gợi lên biết bao nghĩa tình sâu nặng, thắm thiết của tình quân dân cá nước, của nghĩa đồng bào. Chính những tình cảm ấy là động lực, là hậu phương cho con người Việt Nam vượt qua mưa bom bão đạn mà làm nên những chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu”. Đặc biệt, những câu thơ với lối nói dân gian gần gũi, giọng điệu tâm tình nhẹ nhàng với ngôn ngữ, hình ảnh trở về với cội nguồn dân tộc mà vẫn mang hơi thở thời đại càng làm cho đoạn thơ thêm hấp dẫn. Chính trị mà không khô khan, truyền thống mà vẫn hiện đại, đó chính là những nét riêng của Tố Hữu.

Thơ văn chỉ sống được khi nó thực sự là một phần của cuộc sống, là một phần của mỗi người dù dấu chấm hết đã được đặt nơi cuối trang giấy. Những câu thơ của Tố Hữu đã sống như thế.

-Bỉ Ngạn-vfo.vn

cam-nhan-kho-2-viet-bac.jpg

BÀI VĂN MẪU SỐ 2 PHÂN TÍCH CẢM NHẬN ĐOẠN 2 VIỆT BẮC CỦA TỐ HỮU
Giữa dòng chảy mãnh liệt của văn học cách mạng muốn làm tròn sứ mệnh phục vụ thời đại, tiếng thơ “ Việt Bắc” của Tố Hữu không bị mờ lấp trong dòng cảm hứng quen thuộc đó. Văn học trước hết là cuộc đời sau mới là hiện thực. Đọc bài thơ người đọc vẫn không khỏi xúc động trước cảnh tiễn đưa bâng khuâng trong nỗi lưu luyến nhớ nhung của người kẻ ở.
  • “Tiếng ai tha thiết bên cồn
  • Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
  • Áo chàm đưa buổi phân ly
  • Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay...”
Tháng 7 - 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp quay trở lại xâm lược đã kết thúc thắng lợi. Hòa bình được lặp lại. Tháng 10 – 1954, Hà Nội được giải phóng, trung ương Đảng và chính phủ rời chiến khi Việt Bắc về lại thủ đô. Lịch sử dân tộc sang một trang mới. Ở thời khắc lịch sử ấy, người ta có nhu cầu được nhìn lại đoạn đường vừa qua đồng thời mong ước hướng tới tương lai. “Việt Bắc” ra đời để đáp ứng những nhu cầu ấy. Bài thơ là bản trường ca- tình ca về quê hương, đất nước, về con người và những ân tình, nghĩa tình cách mạng, yêu thương.

Đại từ phiếm chỉ “ai” mang lên như một cung bậc mơ hồ của cảm xúc. “Ai” ở đây có thể là người ra đi, cũng có thể là người ở lại. Mười lăm năm mặn nồng cùng nhau vào sinh ra tử, cùng vượt qua những gian nan của cuộc chiến khốc liệt cho nên tình cảm quân với dân không đơn thuần là tình đồng đội cùng nhau kháng chiến, đó còn là tình ruột thịt, tình anh em trong gia đình. Bốn câu thơ tuyệt bút hay không phải ở những cấu trúc độc đáo hay tư tưởng lớn lao mà bởi cái cảm giác “tha thiết”, “bâng khuâng”, “bồn chồn” mà ai cũng có. “Bâng khuâng” như một nỗi hụt hẫng, một niềm vui vừa rời bỏ; “bồn chốn” là trạng thái nôn nao, không yên ở trong lòng như muốn níu kéo bước chân người ở lại. Đáp lại lời dặn dò của người ở lại, người ra đi dành trọn tấm lòng mình để ghi nhớ giờ phút ít ỏi này, để cảm kích trước tấm lòng mà những người dân Tây Bắc đã ưu ái dành cho họ:
  • “Áo chàm đưa buổi phân li
  • Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”
Hình ảnh “áo chàm” vừa quen thuộc, thân thương của đồng bào Nam Bộ lại rất bền, khôn phai khó nhạt. Lấy sắc áo để nói lòng người ở lại, từ cảm nhận của người ra đi. Giữa kẻ ở người đi đã tồn tại một sợi dây vô hình, sự thấu hiểu đến lúc ấy “biết nói gì hôm nay” – không phải không biết nói gì mà không cần phải nói, không bao giờ nói hết được bằng lời. Để rồi tất cả tình cảm được dồn vào cử chỉ: “cầm tay”. Một cái cầm tay cũng có thể bày tỏ được khúc ngân dài của nỗi nhớ. Giờ phút xúc động ấy, không ai có thể thốt thành câu, họ không biết nói gì hay quá xúc động mà không thể bật ra lời nói? Khoảng lặng ngôn từ ấy khiến người đọc chợt lặng thinh theo dòng tâm tư nhân vật, để xúc động trước tình quân dân cá nước của thời đại Hồ Chí Minh.

Chiến tranh đã qua đi gần nửa thế kỉ, nhưng những khúc ca của một thời hoa đỏ luôn thắp lửa trong trái tim người đọc bao thế hệ. Bởi lẽ văn chương chân chính sẽ trường tồn bất diệt dẫu thời gian có nghiệt ngã tới mức nào. “Việt Bắc” là đỉnh cao thơ Tố Hữu và sẽ mãi là một đóa hoa đỏ tươi trong vườn thơ cách mạng Việt Nam.
-Hiên Bùi-vfo.vn

cam-nhan-kho-2-viet-bac-to-huu.jpg

BÀI VIẾT SỐ 3 PHÂN TÍCH CẢM NHẬN ĐOẠN 2 BÀI THƠ “VIỆT BẮC”
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Quân với dân như cá với nước, đoàn kết một lòng”. Có lẽ cuộc chiến tranh vệ quốc của ta đã thắng lợi vẻ vang là nhờ vào quân và dân gắn bó, cùng chung lí tưởng, mục đích chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Đọc “Việt Bắc” của Tố Hữu, cảm nhận được cuộc chia li đầy bịn rịn, luyến tiếc ta lại càng thêm trân trọng tình cảm gắn bó keo sơn ấy:
  • “Tiếng ai tha thiết bên cồn
  • Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
  • Áo chàm đưa buổi phân li
  • Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay...”

Tháng 10 năm 1954, trung ương Đảng và chính phủ rời thủ đô gió ngàn Việt Bắc trở về Hà Nội. Với Tố Hữu, chiến khu Việt Bắc là nơi ông đã sinh sống và gắn bó suốt chặng đường kháng chiến, nay lại phải tạm biệt, chia xa. Trong không khí xúc động của buổi chia tay, chứng kiến tình cảm thắm nồng của người dân miền núi dành cho các chiến sĩ, người ra đi – những người lính bộ đội cụ Hồ không khỏi không xao xuyến. Bởi vậy mà Tố Hữu – một người lính đã ăn cơm chiến đấu của người dân Tây Bắc, đã uống nước suối, ăn măng rừng cũng không tránh khỏi sự nhớ nhung tiếc nuối. Nhà thơ bỗng nhớ về những kỉ niệm cũ mà xúc động không nguôi:
  • “Tiếng ai tha thiết bên cồn
  • Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi”

Lời nói cũng trở nên “tha thiết” – từ láy giàu sức gợi hình như cực tả cảm xúc nhớ nhung, bịn rịn của người ra đi và người ở lại. Chế Lan Viên đã từng nói:
  • “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
  • Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”
Có lẽ vì sắp phải rời xa, sắp đến giờ phút chia tay mà người lính cho phép cảm xúc mình nhớ nhung và thiết tha hơn một chút. Các từ láy “bâng khuâng, bồn chồn” càng đậm tô nét cảm xúc quyến luyến chẳng nỡ rời xa. Người ra đi mà lòng nặng trĩu, nặng trĩu vì nhớ nhung, nặng trĩu vì luyến tiếc hay nặng trĩu vì cảm động trước tình cảm người dân miền núi dành cho mình? Có lẽ vì vậy mà bước chân cũng dần trở nên khó khăn, đi một bước lại quay về một bước, họ cứ quyến luyến, xúc động như vậy bởi tình cảm suốt chín năm trường kì kháng chiến đã ăn sâu vào tiềm thức.

“Áo chàm” là hình ảnh hoán dụ đặc sắc để chỉ những người dân miền núi. Họ mộc mạc, chân chất, giản dị như tấm áo chàm, mà tấm lòng họ cũng bền chặt như màu sắc của lá chàm. Hóa ra hình ảnh tưởng như rất tự nhiên ấy lại ẩn chứa những gửi gắm sâu xa: người dân miền Tây Bắc vốn mang sẵn trong mình tình cảm chân thành dành cho những anh bộ đội cụ Hồ, để bây giờ họ đem tình cảm thiêng liêng ấy tiễn đưa họ về xuôi. Người dân miền núi luôn chí tình và trọng tình như vậy. Cho nên buổi chia li dẫu buồn nhưng lại ăm ắp tình cảm, nỗi nhớ đã vượt thoát khỏi thứ tâm trạng thông thường mà biến thành niềm cảm ơn sâu sắc của nhân dân dành cho bộ đội. Tình cảm đậm sâu đến thế nên dẫu không cần thể hiện bằng lời nói, họ vần có thể cảm nhận được tình cảm họ dành cho nhau:
  • “Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay...”
Nhịp thơ 3/ 4 như tạo một khoảng lặng giữa khúc phân li ngậm ngùi, cầm tay nhau mà nghẹn ngào không biết nói gì để thỏa tấm lòng mong nhớ. Nhưng tình cảm đôi khi không cần thể hiện bằng lời nói và chỉ cần một dấu chấm ngân dài ở cuối đoạn, ta cũng có thể hình dung ra nỗi nhớ đã thành nốt ngân trong điệu hồn của người ra đi.
Đoạn thơ vỏn vẹn gồm 4 dòng thơ nhưng đã gợi trong tâm trí người đọc bao suy ngẫm về tình cảm quân dân giữa khói bom ác liệt của kẻ thù. Phải chăng chính những tình cảm ấy đã giúp người lính tạm gác lại nỗi nhớ quê hương, gia đình, quên đi những gian nan vất vả để “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”?
Là một nhà thơ chiến sĩ, hơn ai hết Tố Hữu thấu hiểu điều ấy, ông đã dùng ngòi bút của mình viết nên một trong những bài thơ hay nhất về thứ tình cảm dù chẳng máu thịt nhưng lại vô cùng gắn bó giữa quân và dân.

-Minh Anh-vfo.vn
 
  • Chủ đề
    cam nhan khổ 2 to huu việt bắc
  • Top