Cảm nhận khổ 4 bài thơ “Tây Tiến” hay nhất đầy đủ - 3 bài phân tích đoạn 4

Quang Dũng là một nhà thơ, viết văn và vẽ tranh. Ông tùng là một chiến sĩ của binh đoàn Tây Tiến - một đơn vị được thành lập năm 1947, hoạt động chủ yếu ở vùng rừng thiêng nước độc của Tây Bắc. Bài thơ Tây Tiến là một trong những bài thơ tiêu biểu của ông viết về thời kì này. Dưới đây là bài viết mẫu hay nhất phân tích cảm nhận khổ 4 mà các bạn có thể tham khảo.

“Văn học là người thư kí trung thành của trái tim”, là nơi nhà thơ gửi gắm tiếng nói của tình cảm, cảm xúc mãnh liệt một cách chân thành. Tính bao quát của thơ khiến nó không rơi vào chủ nghĩa cái tôi cực đoan mà chúng mang tư tưởng cao đẹp của thời đại.Tây Tiến thể hiện một đề tài khá quen thuộc và đã rất thành công của văn học kháng chiến, đó là đề tài về người lính khó khăn gian khổ lạc quan, tin tưởng vào tương lai nhưng Tây Tiến của Quang Dũng lại có một nội dung mới lạ và nghệ thuật đặc sắc. Văn học kháng chiến chống Pháp đã tạo nên những tượng đài nghệ thuật vô cùng cao đẹp về anh bộ đôi Cụ Hồ bằng nguồn cảm hứng lãng mạn cách mạng: “ Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều/Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo”. Bài thơ là sự kết hợp thành công bút pháp hiện thực và trữ tình sử thi. Sự hoà trộn và đan xen giũa hiện thực và lãng mạn đã tạo nên nét độc đáo về nội dung và nghệ thuật của bài thơ. Các bài văn mẫu dưới đây sẽ cho các bạn cảm nhận sâu sắc nhất về hình ảnh người lính. Chúc các bạn thành công !

kho-4-tay-tien.jpg

Những người lính Tây Tiến chẳng thế biết tới ngày mai như thế nào nên lúc đi cũng chẳng thế nào hẹn ước ngày trở về, hình ảnh quen thuộc của người lính ngày xưa khi ra quân đầy sự dũng cảm và hào hùng sẵn sàng vì dân tộc


BÀI VĂN MẪU SỐ 1 PHÂN TÍCH CẢM NHẬN KHỔ 4 BÀI THƠ TÂY TIẾN CỦA QUANG DŨNG
Có ai đã từng nói “ Thơ là rượu của thế gian”. Đúng thật như vậy thơ ca luôn làm say lòng người cùng với thơ người đọc được đắm chìm trong muôn vàn những cung bậc tình cảm, cảm xúc . Đến với bài thơ “ Tây Tiến” của Quang Dũng ta thực sự ấn tượng trước tiếng lòng của ông. Đọc khổ 4 của bài thơ ta cảm nhận được khúc vĩ thanh nhớ nhung về miền Tây và Tây Tiến
  • “Tây Tiến người đi không hẹn ước
  • Đường lên thăm thẳm một chia phôi
  • Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
  • Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”

Bài thơ Tây Tiến được sáng tác vào năm 1948 trong những năm tháng không thể nào quên được của lịch sử thời kháng chiến chống Pháp. Hoàn cảnh sáng tác ấy cho thấy rõ hơn trong nỗi nhớ da diết của nhà thơ với đơn vị và mảnh đất miền Tây đầy kỉ niệm. Nỗi nhớ trở thành cảm xúc trữ tình xuyên suốt bài thơ. Hoàn cảnh sáng tác cũng đồng thời giúp người đọc hiểu rõ hơn vẻ đẹp hào hoa, hào hùng của chiến sĩ Tây Tiến, hiểu được nguyên nhân của bút pháp hiện thực và cảm hứng lãng mạn, những yếu tố làm nên chất bi tráng rất đặc sắc của bài thơ.

Tác giả đã nhắc đến hình ảnh người đi trong những nét nghĩa mơ hồ, có thể hiểu nhà thơ nhắc đến những chiến binh Tây Tiến, những chàng trai Hà Nội năm xưa từ biệt quê hương , ra đi Tây Tiến không “ hẹn ước” ngày trở về, lên với miền Tây thăm thẳm xa xăm, mờ mờ, cách hiểu này gợi niềm mến thương cảm phục với những người anh hùng, nỗi xót xa với những chiến sĩ, mùa xuân ấy, ra đi từ đó không về,..Cũng có thể hiểu nhà thơ nhắc tới thời điểm cuối năm 1948, khi ông đang ở Phù Lưu Chanh, bâng khuâng nhớ về việc mình chia xa trung đoàn tây Tiến không hẹn ước ngày về, đã từ biệt miền Tây không biết bao giờ gặp lại, bởi “ đường lên thăm thăm một chia phôi”

Những năm tháng ngắn ngủi sống trong đoàn binh Tây Tiến đã để lại trong lòng nhà thơ những hoài niệm không thể phai mờ. Bài thơ kết lại bằng lời nhắn nhủ thiết tha. Có thể hiện nhà thơ đang thể hiện một tâm nguyện âm thầm mà thuỷ chung, son sắt của tất cả những “ Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy” trong lòng họ, thời gian gắn bó với trung đoàn, với miền Tây từ “ mùa xuân ấy” là khoảng thời gian quý giá nhất trong cuộc đời, khoảng thời gian vời vợi nhớ thương. Dù có thể chia xa nhưng tâm hồn những người lính sẽ mãi đi về với miền Tây, với những Sầm Nứa, Pha Luông, Mường Hịch,..những vùng đất xa xôi đựng đầy kỉ niệm với đồng đội , với trung đoàn Tây Tiến trong những năm tháng gian khổ hào hùng bởi
  • Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
  • “Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn”
( Chế Lan Viên)
Cũng có thể hiểu nhà thơ đang xót xa nhắc đến những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại những nấm mồ cô đơn miền viễn xứ. Họ đã lên Tây Tiến mùa xuân ấy, đã chiến đấu kiên cường, đã hi sinh dũng cảm, linh hồn và thân xác họ đã vĩnh viễn ở lại với miền Tây, để lại nỗi nhớ thương da diết, nỗi chua xót ngậm ngùi cho những người còn sống.

Đoạn thơ cho thấy cái tâm đẹp và tài hoa của Quang Dũng. Nếu như Chính Hữu qua bài thơ “ Đồng Chí” đã nói rất hay về người nông dân mặc áo lính thì Quang Dũng với bài thơ “ Tây Tiến đã dựng lên một tượng đài hùng vĩ uy nghiêm về những chàng trai Hà Nội “ mang gươm đi giữ nước” dũng cảm, can trường, trng gian khổ chiến đấu hi sinh vẫn lạc quan yêu đời. Anh hào hùng, hào hoa là hình ảnh đoàn binh Tây Tiến.

Tây Tiến đã thực sự trở thành một nét vẽ tài hoa và để lại trong lòng người đọc những ấn tượng sâu sắc. Quả đúng là như một người đã từng nói “ Thơ ca nếu không có người tôi đã mồ côi”. Những vần thơ của Quang Dũng đã cho người đọc thấu cảm đến tận cùng của nỗi nhớ và trở thành một nỗi niềm chung.

-Hiên Bùi-

kho-4.jpg


BÀI VIẾT SỐ 2 PHÂN TÍCH CẢM NHẬN KHỔ BỐN BÀI THƠ “TÂY TIẾN” QUANG DŨNG LỚP 12
Có những bài thơ một thời nhưng cũng có những bài thơ mãi mãi – những bài thơ mãi ghi dấu trong tim người đọc, ghi dấu những ấn tượng khó phai về tâm hồn tinh tế, về ngòi bút tài hoa của người nghệ sĩ đã chắp bút viết nên những vần thơ, trang thơ giàu hình ảnh, đượm nghĩ suy, thấm cảm xúc. Bài thơ “Tây Tiến” nhà thơ Quang Dũng viết năm 1948 là một tác phẩm văn học tiêu biểu trong số đó. Cảm xúc da diết, hình ảnh ấn tượng, vần thơ giàu nhạc điệu…đó là những yếu tố đã cấu thành tạo nên thành công cho tác phẩm này và khẳng định tên tuổi nhà thơ. Đoạn thơ khép lại tác phẩm được đánh giá là một đoạn trích ấn tượng đã gieo bao cảm xúc, suy nghĩ trong lòng người đọc.

Nhà thơ Quang Dũng là một cây bút tiêu biểu của nền thơ ca hiện đại nước nhà với những đóng góp to lớn về cả phương diện nội dung tư tưởng lẫn hình thức văn học nghệ thuật. Năm 1948, khi chuyển đơn vị công tác rời đoàn quân Tây Tiến đến một đơn vị mới, Quang Dũng đã viết bài thơ “Tây Tiến”, để lại trong lòng người đọc bao thế hệ những ấn tượng mạnh mẽ. Nhận xét về bài thơ này, giáo sư Hà Minh Đức từng chia sẻ: “ “Tây Tiến” là một sáng tác có giá trị về mặt tư tưởng, về nghệ thuật. Bài thơ được viết ra với những màu sắc thẩm mĩ phong phú. Có cái đẹp hùng tráng của núi rừng hiểm trở, và vẻ đẹp bình dị nên thơ của cuộc sống nơi bản làng quê hương, có cảm hứng mạnh mẽ hòa hợp với chất trữ tình nhẹ nhàng mềm mại trong thơ. Đặc biệt, “Tây Tiến” là bài thơ giàu nhạc điệu, nhạc điệu của cuộc sống và của tâm hồn. Mỗi đoạn thơ mang một nhạc điệu riêng vừa mạnh mẽ vừa uyển chuyển khi đưa người đọc về với những kỷ niệm xa nên thơ và gợi cảm”. Còn Đinh Minh Hằng khi cảm nhận bài thơ thì cho rằng: “Tây Tiến…nơi mà con người Tây Tiến, chiến sĩ Tây Tiến, núi rừng Tây Tiến đã vượt ra ngoài những cảm quan ban đầu của hồn thơ Quang Dũng để đến với đại ngàn thi hứng. Nơi ấy cuồn cuộn dòng chảy lạnh lùng và đa tình, hiện thực và lãng mạn, bi và tráng. Một Tây Tiến không chỉ níu kéo bước chân người lính trong nỗi niềm thương nhớ…tất cả đều gợi ấn tượng của sự “lạ hóa”, của những vẻ đẹp kỳ ảo khó gọi tên”. Đoạn thơ khép lại tác phẩm đã gieo vào trái tim người đọc những cảm xúc mãnh liệt, những ấn tượng khó phai.

Hai câu đầu của đoạn thơ, nhà thơ Quang Dũng gửi gắm nỗi lòng mình với đồng đội vào sinh ra tử, với những đồng đội còn sống và những anh hùng đã hy sinh cao cả:
  • “Tây Tiến người đi không hẹn ước
  • Đường lên thăm thẳm một chia phôi”

Cùng là những trí thức Hà thành lên nhập ngũ, đóng quân, họ là những con người trẻ tuổi chưa từng gặp mặt, quen biết nhau. Nhưng vì chung lý tưởng cao đẹp, chung lòng căm thù giặc sâu sắc và khát khao độc lập tự do, những người lính Tây Tiến cùng chia sẻ khó khăn, vượt thác xuống ghềnh với lời hẹn ước cùng nhau trở về ngày hòa bình lập lại. Xa gia đình, xa người thân lên miền cao Tây Bắc chiến đấu, với những người lính ấy, đoàn quân Tây Tiến tựa như một gia đình thứ hai, những người đồng đội tựa như người thân, anh em cùng chung gian khổ, cùng hưởng niềm vui. Con đường hành quân ra trận khắc nghiệt ấy đã thử thách ý chí, sức mạnh cũng như niềm tin của những người lính. Có những người lính Tây Tiến đã ngã xuống trên đường hành quân, đã hy sinh đầy anh dũng vì độc lập đất nước. Với thực tại thắm đượm một tình đồng chí đồng đội với biết bao kỉ niệm đáng nhớ những tháng ngày gắn bó cùng nhau chiến đấu, qua nỗi nhớ thiết tha bồi hồi, nhà thơ thầm khẳng định tâm hồn mình, trái tim mình sẽ luôn dõi theo và hướng về Sầm Nứa:

  • “Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
  • Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”

Dùng đại từ phiếm chỉ “ai” cơ hồ chính là dụng ý nghệ thuật của nhà thơ Quang Dũng. Với cách dùng từ như vậy, nhà thơ thầm kín muốn biểu lộ rằng mình, đồng đội mình, tất cả những người lính Tây Tiến năm xưa, dẫu còn sống hay đã hy sinh, đều một lòng hướng về Sầm Nứa, dành tình cảm trân trọng, thương yêu nhất cho nơi đây, nơi lưu giữ bao kỉ niệm đáng nhớ của một thời chiến đấu gian khổ, hào hùng.

Là một người lính viết về người lính, những trải nghiệm trên chiến trường đã giúp cho Quang Dũng có cái nhìn chân thực và sâu sắc nhất khi phác họa nên bức tranh hiện thực chiến đấu và chân dung người lính bằng ngôn từ, hình ảnh nghệ thuật. Những câu thơ khép lại bài thơ đã làm lắng đọng trong tâm trí người đọc bao thế hệ ấn tượng sâu đậm về một thế hệ anh hùng, từ đó thêm trân trọng nét đẹp tâm hồn họ, những sự hy sinh mất mát, kiên cường cũng như trân quý hơn hiện tại hòa bình mình đang sống.

-Nem-
 
  • Chủ đề
    khổ 4 quang dung tây tiến
  • Top