Cảm nhận khổ thơ đầu “Tây Tiến” Quang Dũng hay nhất đầy đủ - 3 bài văn phân tích

Vẻ đẹp của những người lính luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà văn. Đặc biệt với những tác phẩm ra đời trong thời chiến, vẻ đẹp ấy càng tỏa rạng và ghi dấu ấn trong những tác phẩm thơ. Dưới đây là bài viết cảm nhận khổ thơ đầu trong bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng.

Mỗi thời đại đi qua là dấu ấn của một giai đoạn văn học để lại. Như dân gian là hồn hậu, giản dị của người nông dân áo nâu nhuộm bùn; như trung đại là trang trọng với những ước lệ tượng trưng của bậc nho sĩ; như thời kháng Pháp là nét hào hùng của tinh thần kháng chiến sục sôi. Quang Dũng là nhà thơ áo lính, thơ ông là hồn thơ được nuôi dưỡng bằng những năm tháng hào hùng của dân tộc. Là đại đội trưởng của đoàn quân Tây Tiến nơi núi rừng Tây Bắc, gắn bó từ thuở ban đầu nên dù đã đi xa thì tâm hồn ông vẫn hướng về không gian, về những con người một thuở gắn bó keo sơn. Bài thơ “Tây Tiến” đã lưu giữ những nhớ thương của nhà thơ về quá khứ đậm sắc ấy. Một trong những nét đặc sắc nhất của bài thơ chính là đoạn thơ đầu của tác phẩm “Tây Tiến”. Dưới đây là những bài làm chi tiết đầy đủ cho những ai còn đang gặp khó khăn với đề bài này. Chúc các bạn thành công!

muong-lat-tay-tien.jpg

Hình ảnh về núi rừng tây Bắc cụ thể ở đây là Mai châu với hình ảnh cơm lên khói, núi đồi rất đẹp thơ mộng được tác giả khắc họa lên


BÀI VIẾT SỐ 1 CẢM NHẬN ĐOẠN THƠ ĐẦU BÀI THƠ “TÂY TIẾN” CỦA QUANG DŨNG NGẮN GỌN HAY NHẤT
Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài làm thơ, vẽ tranh, viết văn, soạn nhạc nhưng thành công nhất vẫn là thơ. Ông là nhà thơ nổi tiếng của văn học Việt Nam thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp với một hồn thơ lãng mạn, tài hoa, thơ giàu chất nhạc, chất họa, được mệnh danh là nhà thơ của “Xứ Đoài mây trắng”. Tiêu biểu là bài thơ “Tây Tiến”. Có thể nói tinh hoa của bài thơ được hội tụ lại trong khổ thơ đầu tiên. Khổ thơ đã dựng lên bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, mĩ lệ của núi rừng miền Tây, nơi nhà thơ cùng đoàn quân Tây Tiến đã từng hoạt động, chiến đấu.
  • “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
  • ...Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”

Bài thơ “Tây Tiến” được sáng tác năm 1948 tại làng Phù Lưu Chanh, khi nhà thơ đã rời khỏi đơn vị cũ Tây Tiến, chuyển sang hoạt động tại một đơn vị khác. Bài thơ ra đời từ nỗi nhớ, kỉ niệm, hồi ức của Quang Dũng về đồng đội và địa bàn chiến đấu cũ. Ban đầu bài thơ có tên là “Nhớ Tây Tiến”, sau đó tác giả chuyển lại thành “Tây Tiến”. Việc bỏ đi từ “nhớ” đã vĩnh viễn hóa đoàn quân Tây Tiến, khiến cho hình ảnh người lính Tây Tiến trở thành bất tử trong thơ ca kháng chiến Việt Nam.
Mở đầu bài thơ bằng những dòng thơ chan chưa nỗi nhớ, lời thơ như chợt thốt lên đầy nhớ nhung và tiếc nuối:
  • “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
  • Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi”

Dòng sông Mã đã gợi cho nhà thơ nhớ về đoàn quân Tây Tiến, với lời gọi tha thiết ngọt ngào. Tiếng gọi thân thương “Tây Tiến ơi” cùng với từ láy “chơi vơi” mở ra một không gian vời vợi của nỗi nhớ đồng thời diễn tả tinh tế một cảm xúc mơ hồ, khó định hình, cứ lâng lâng khó tả trong lòng người ra đi. Điệp từ “nhớ” như tô đậm cảm xúc toàn bài thơ. Nỗi nhớ “chơi vơi” là trạng thái trơ trọi giữa khoảng không, không thể bấu víu vào đâu, một mình với hoài niệm cứ lửng lơ, sâu lắng, bâng khuâng, tha thiết vọng vào lòng người đọc không thể nào quên.
Nỗi nhớ bao trùm cả khoảng không gian và thời gian ấy Quang Dũng đã đưa người đọc đến với thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, dữ dội nhưng cũng thật êm đềm thơ mộng. Đó là những địa danh mà đoàn quân Tây Tiến đã đi qua, “Sài Khao”, “Mường Lát”, “Pha Luông”, “Mường Hịch”, “Mai Châu”:
  • “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
  • Mường Lát hoa về trong đêm hơi”

Có thể nói mỗi một địa danh biểu trưng cho núi rừng Tây Bắc đều đã trở thành một kỷ niệm khắc sâu vào trong tâm can của nhà thơ không thể phai mờ. Đó cũng là tình cảm thắm thiết sâu nặng, như Chế Lan Viên đã từng viết:
  • “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
  • Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”.

Hình ảnh “sương lấp đoàn quân mỏi” vốn gợi hình ảnh đoàn quân Tây Tiến trở về Mường Lát trong màn sương mờ mờ ảo của núi rừng Tây Bắc. Cảm giác “mỏi” hiện diện trong gân cốt người lính, dường như vẫn còn như mới trong tâm hồn Quang Dũng, điều ấy càng chứng tỏ nỗi nhớ sâu sắc của tác giả, bởi kỷ niệm càng nhỏ bao nhiêu thì nỗi nhớ càng to lớn bấy nhiêu. “Hoa” ở đây có thể hiểu là ngàn hoa của núi rừng, hiện thân cho vẻ đẹp của thiên nhiên, nhưng có lẽ chính xác hơn, thì “hoa” ấy là ánh sáng của ngọn đuốc bập bùng trong đêm tựa đóa hoa lửa trong những đêm hành quân mịt mờ trở về Mường Lát. Hình ảnh ngọn đuốc hoa vừa gợi lên nét lãng mạn, vừa hào hùng của một thời Tây Tiến.
Con đường hành quân ấy còn vô cùng gập ghềnh, hiểm trở, đầy sự hiểm nguy giữa một bên là núi cao với một bên là vực sâu thăm thẳm:
  • “Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
  • Heo hút cồn mây súng ngửi trời
  • Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”

Điệp từ “dốc” gợi lên cảnh những đỉnh dốc nối tiếp nhau, hết đỉnh dốc này lại tới đỉnh dốc khác, chẳng biết bao giờ mới hết. Không gian được mở ra ở nhiều chiều: chiều cao đến chiều sâu hút của những dốc núi, chiều sâu của vực thẳm, bề rộng của những thung lũng trải ra sau màn sương. Các từ láy giàu sức tạo hình khiến người đọc hình dung những con đường quanh co, dốc rồi lại dốc, những đỉnh đèo hoang vắng khuất vào mây trời. Hình ảnh “súng ngửi trời” là một nhân hóa táo bạo, đặc tả sự chót vót của dốc núi. Người lính Tây Tiến leo lên đỉnh dốc, cảm tưởng như mũi súng có thể chạm mây. Từ đó, ta cũng thấy được nét tinh nghịch khỏe khoắn, vẫn có thể trêu đùa vô tư sau một chặng đường hành quân vất vả, mệt nhọc của các anh lính Tây Tiến. Cách ngắt nhịp 4/3 của câu thơ “Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống” tạo thành một đường gấp khúc của dáng núi. Như vậy ba dòng thơ liên tiếp trong đoạn thơ đã sử dụng nhiều thanh trắc gợi sự vất vả nhọc nhằn của những người lính Tây Tiến trên con đường hành quân. Nếu như ba câu thơ trên gợi lên một cảm giác gập nghềnh hiểm trở thì đến câu thơ “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” như một phút lắng lòng của những người lính Tây Tiến bên những ngôi nhà nơi xóm núi như cánh buồm thấp thoáng trên mặt biển trong không gian bình yên và êm ả của mưa giăng đầy thung lũng thành “xa khơi”.
Nhớ về vùng đất nơi đoàn binh Tây Tiến đã từng chiến đấu cũng là nỗi nhớ của nhà thơ về đồng đội:
  • “Anh bạn dãi dầu không bước nữa
  • Gục lên súng mũ bỏ quên đời”

Quang Dũng đã dùng cách nói giảm qua hình ảnh “bỏ quên đời” để nói về sự hi sinh: người lính đã ngã xuống vì kiệt sức trên đường hành quân. Nghệ thuật nói giảm đã bình thường hoá cái chết, làm giảm đi sự đau đớn khi nói về cái mất mát, sự hi sinh. Ý thơ buồn mà không bi luỵ bởi con người vượt lên trên hoàn cảnh để chiến thắng gian lao. Bức chân dung kiêu hùng của người lính Tây Tiến phù hợp với không khí của thời đại, của đất nước khi đang bước vào cuộc chiến khốc liệt.
Gian khổ không chỉ là núi cao dốc thẳm không chỉ là mưa lũ thác ngàn mà còn có tiếng gầm của cọp beo nơi rừng thiêng nước độc nơi đại ngàn hoang vu:
  • “Chiều chiều oai linh thác gầm thét
  • Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”

“Chiều chiều” rồi “đêm đêm” những âm thanh ấy “thác gầm thét”, “cọp trêu người” luôn khẳng định cái bí mật cái uy lực khủng khiếp ngàn đời của chốn rừng thiêng. Chất hào sảng trong thơ Quang Dũng là lấy ngoại cảnh núi rừng miền Tây hiểm nguy để tô đậm và khắc họa chí khí anh hùng của đoàn quân Tây Tiến. Mỗi vần thơ đã để lại trong tâm trí người đọc một ấn tượng: gian nan tột bậc mà cũng can trường tột bậc. Đoàn quân vẫn tiến bước người nối người đi về phía trước. Uy lực thiên nhiên như bị giảm xuống và giá trị con người như được nâng cao
hơn.
Mải chìm trong những ký ức nhưng nhà thơ bỗng sực tỉnh:
  • “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
  • Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”

Tây Tiến đã xa, Tây Bắc cũng đã xa lắm rồi, chỉ còn lại kỷ niệm. Nỗi nhớ ở đây được bộc lộ một cách tha thiết, cồn cào, nhớ cả về những bát cơm, hương khói lửa, nắm xôi ấm tình quân dân, đồng thời cũng gợi lên một thời kháng chiến vừa vất vả vừa lãng mạn, thi vị nên thơ.
Qua đoạn thơ trên Quang Dũng không chỉ thể hiện thành công nỗi nhớ về thiên nhiên và miền Tây hùng vĩ mà còn thành công với các biện pháp nghệ thuật như cảm hứng lãng mạn, bi tráng. Sử dụng ngôn từ đặc sắc về địa danh, từ tượng hình, từ Hán Việt, kết hợp hài hòa chất nhạc và họa thơ.
Đoạn thơ đầu bài thơ Tây Tiến đã thể hiện tài hoa và tâm hồn lãng mạn phóng khoáng của nhà thơ Quang Dũng. Qua đoạn thơ, ta cảm nhận được sự gắn bó sâu sắc, nỗi nhớ tha thiết của nhà thơ Quang Dũng về những ngày tháng chiến đấu trong đoàn quân Tây Tiến - một thời mãi mãi để nhớ và tự hào.


bai-tho-tay-tien(1).jpg

Hình ảnh người lính Tây Tiến luôn hết mình xả thân không nghĩ tới ngày mai, sau những ngày chiến đầu mệt mỏi thì như hòa mình vào thiên nhiên vào cuộc sống đơn giản mộc mạc của cây rừng



BÀI VĂN MẪU SỐ 2 CẢM NHẬN KHỔ THƠ ĐẦU "TÂY TIẾN" QUANG DŨNG
Được đánh giá là "đứa con đầu lòng hào hoa và tráng kiện của thơ ca cách mạng Việt Nam", bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng đã đi qua bao cuộc chiến tranh vệ quốc, qua bao thế hệ bạn đọc, mà đến tận bây giờ vẫn là một trong số những thi phẩm xuất sắc nhất trong nền văn học thời chiến. Bằng tâm hồn phóng khoáng, hồn hậu, hào hoa và lãng mạn, ngòi bút tinh tế của Quang Dũng đã khắc hoạ một cách chân thực nhất đời sống khó khăn và tâm hồn người lính Tây Tiến trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Chỉ qua 14 câu thơ đầu tiên, nỗi nhớ mãnh liệt, thiết tha đối với những tháng năm gắn bó, chia ngọt sẻ bùi của nhà thơ với đoàn quân Tây Tiến đã chạm đến những rung cảm sâu nhất trong trái tim bạn đọc.

Bài thơ Tây Tiến được sáng tác năm 1948, khi Quang Dũng vừa phải tạm biệt đoàn quân Tây Tiến đã từng cùng nhau sát cánh, kề vai từ những ngày đầu mới thành lập đầy gian nan và vất vả. Trong nỗi nhớ khôn nguôi nơi Phù Lưu Chanh xa xôi, những kí ức về một thời kháng chiến gian lao cứ ùa về trong tâm trí người nghệ sĩ. Quang Dũng không chỉ là một con người đa tài, mà còn là một người lính đầy nhiệt huyết và trách nhiệm. Bởi vậy, những kí ức in sâu trong tâm hồn của thi nhân mặc áo lính khi ấy vừa chân thực khi đi vào thơ lại vừa tinh tế biết bao nhiêu. Trong khổ thơ đầu tiên, nỗi nhớ cứ trào dâng lớp lớp, mở ra từng mảng kí ức như còn vẹn nguyên về một Tây Bắc dữ dội, nhưng cũng ẩn chứa những nét thơ mộng, quyến rũ lạ thường.
  • "Sông Mã xa rồi, Tây Tiến ơi!
  • Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi"
Bài thơ mở đầu với tiếng gọi thật tha thiết, thân thương "Tây Tiến ơi!" như gọi một một người bạn hữu lâu ngày xa cách. Hình ảnh con sông Mã hiện lên ở ngay đầu câu thơ như một dấu hiệu của cả một miền nhớ, miền thương ắp đầy hướng về nơi núi rừng Tây Bắc và đội quân Tây Tiến. Bởi lẽ, con sông Mã chính là dòng sông đã gắn liền với địa bàn hoạt động của đội quân ngày ấy, cùng đồng hành trong những phút gian truân, cùng bộ đội đánh giặc, là nhân chứng của cả một thời oanh liệt. Ở câu thơ thứ hai, nhà thơ đã gọi tên nỗi nhớ ấy, đó là nỗi nhớ về núi rừng, thiên nhiên Tây Bắc, một nỗi nhớ "chơi vơi". Câu thơ nhiều thanh bằng kết hợp với điệp từ "nhớ" và cách gieo vần "ơi" đã nhấn mạnh một nỗi nhớ luôn luôn thường trực trong tâm trí nhà thơ. Nỗi nhớ ấy cứ lâng lâng, tuy nhẹ mà sâu, lửng lơ mà ắp đầy.

Nối tiếp hai câu thơ khắc hoạ nỗi nhớ, khung cảnh thiên nhiên Tây Bắc bắt đầu hiện ra, trước hết là những địa danh, những địa bàn hoạt động mà đội quân đã từng một thời gắn bó.
  • "Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
  • Mường Lát hoa về trong đêm hơi"
"Sài Khao", "Mường Lát" là tên của những bản núi mù sương, nghe tuy lạ lẫm, nhưng lại là những cái tên đã đồng hành cùng người lính Tây Tiến suốt những tháng năm kháng chiến. Hai câu thơ như gợi nhắc đến một nơi xa xôi bí ẩn nào đó và cũng chính sự bí ẩn ấy lại quyến rũ vô cùng. "Sương lấp đoàn quân mỏi" là chi tiết tả thực khắc họa những khó khăn gian nan mà người lính Tây Tiến gặp phải trên con đường hành quân. Thiên nhiên núi rừng miền cao ẩn chứa biết bao những thử thách gian nan là thế nhưng vẫn có ở đâu đây những nét đẹp thơ mộng. Nhà thơ sử dụng hai từ "đêm hơi" chứ không phải "đêm sương", là một đêm mờ hơi sương, đêm của hơi núi rừng, hay là một đêm nhẹ như hơi thở. Hai chữ "đêm hơi" gợi nhiều hơn tả, nó như phác lên trong tâm trí của người đọc những nét vẽ thật mơ hồ, ảo diệu, dường như lại chẳng nhìn thấy mà chỉ có thể cảm nhận. Trong không gian ảo huyền nên thơ, hình ảnh "hoa về" như điểm nhấn cho cảm hứng lãng mạn. "Hoa" là những bông hoa trên tay trên vai trên áo trên mũ người lính trên đường hành quân, là hoa lửa hoa đuốc sáng soi dẫn đường trong đêm tối, hay phải chăng "hoa" lại chính là người con gái người thôn nữ miền sơn cước đi về trong miền nhớ, miền thương thẳm sâu trong tâm hồn người chiến sĩ.

Nói đến Tây Bắc, ta không thể không nghĩ tới thiên nhiên hùng vĩ, có phần hiểm trở. Những núi cao, dốc thẳm luôn là những trở ngại trên con đường hành quân của những người lính trẻ.
  • "Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
  • Heo hút cồn mây súng ngửi trời
  • Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống"

Điệp từ "dốc", "ngàn thước" kết hợp với các giàu tính gợi hình " khúc khuỷu", "thăm thẳm", "heo hút" và thủ pháp tương phản đối lập "lên - xuống", đối xứng giữa hai tiểu vế đã khắc hoạ khung cảnh thiên nhiên trùng điệp, núi tiếp núi, đèo nối đèo, lên cao chót vót rồi bỗng dưng lại dốc xuống tận cùng như muốn thử thách lòng gan dạ và ý chí kiên cường của người lính Tây Tiến. Trong giờ phút gian khó ấy, hình ảnh "súng ngửi trời" hiện lên thật thi vị. Đây quả là một cái nhìn hóm hỉnh, thú vị của người chiến sĩ, nó như phá tan đi cái mệt nhọc của quãng đường hành quân đầy gian khó. Trong bài thơ "Đồng chí", Chính Hữu cũng đã từng ghi lại hình ảnh "đầu súng trăng treo". Đây đều là những hình ảnh tả thực, khi những người lính hành quân, họ luôn vác súng trên vai, đầu súng hướng lên, ở một góc độ nào đó, như thể súng đang chạm tới trời, như đang treo mảnh trăng sáng của đêm rừng canh gác. Chính qua những hình ảnh đó, mà ta như nhìn vào được tâm hồn của họ, họ cũng mang một trái tim trẻ trung, cũng thơ mộng chứ không hề chai sạn giữa những gian nan thử thách nơi chiến trường cam go, khốc liệt. Và dường như, khi đã vượt qua hết những chặng gian lao, người lính như thở phào nhẹ nhõm, đứng nơi đỉnh cao, phóng tầm mắt ra xa
  • "Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi"

Sau 3 câu thơ liên tiếp đặc tả cảnh thiên nhiên hùng vĩ hiểm trở, nhà thơ sử dụng một câu thơ toàn vần bằng gợi lên khung cảnh thanh bình, thơ mộng. Thì ra, Tây Bắc ngoài những đèo cao dốc thẳm cũng có những góc lãng mạn, nên thơ đến thế, mà có lẽ, chỉ có ai đã từng gắn bó thân thuộc với nơi đây mới có thể khám phá nên mà thôi.

Không chỉ hùng vĩ trong cảm nhận về không gian mà thiên nhiên Tây Bắc dường như còn ẩn chứa những hiểm nguy khôn lường.
  • "Chiều chiều oai linh thác gầm thét
  • Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người"

"Chiều chiều", "đêm đêm" là khoảng thời gian tuần hoàn, lặp đi lặp lại. Những thác nước, sự xuất hiện của chúa sơn lâm, bỗng trở nên càng đáng sợ hơn quá biện pháp nhân hoá "thác gầm thét", "cọp trêu người". Thiên nhiên hiện lên thật hoang sỡ, huyền bí, với những bí ẩn oai linh chốn rừng thiêng nước độc, nơi "sơn lâm bóng cả cây già". Quang Dũng đã vận dụng tài thẩm âm của mình để làm vang lên từ câu thơ âm thanh gầm thét dữ dội đến rợn người. Thiên nhiên như đang thách thức, nguy hiểm luôn chực chờ rình rập, chỉ cần người lính có chút sơ hở chúng sẽ vồ đến đánh bại. Mỗi vần thơ đã để lại trong tâm trí người đọc một ấn tượng: gian nan tột bậc mà cũng can trường tột bậc! Đoàn quân vẫn tiến bước, người nối người, băng lên phía trước. Uy lực thiên nhiên như bị giảm xuống và giá trị con người như được nâng cao hẳn lên một tầm vóc mới.

Giữa những khó khăn gian khổ ấy "Anh bạn dãi dầu không bước nữa/ Gục lên súng mũ bỏ quên đời". Hiện thực chiến tranh từ xưa đến nay vốn vẫn khốc liệt như thế. Xương máu của họ đổ xuống để xây nên tượng đài của tự do. Hai câu thơ nhắc đến sự hi sinh, tuy bi, mà không lụy. Cách nói giảm nói tránh, dù đã giảm nhẹ phần nào nỗi bi thương nhưng vẫn cứ nao nao, nặng trĩu. Tuy vậy, hình ảnh người lính hiện lên vẫn cứ hiên ngang, ung dung đến thế. Dường như họ chỉ từ giã bạn bè khi súng vẫn nắm chặt trong tay, mũ vẫn đội trên đầu, cái chết đến nhẹ nhàng như một giấc ngủ dài "quên đời".

Quên đi những giờ phút gian lao, tâm hôn người lính nhớ về Tây Bắc còn thấy ấm nồng hơi cơm dù đạm bạc nhưng trọn vẹn tình quân dân cá nước:
  • "Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
  • Mai Châu mùa em thơm nếp xôi"

Mai Châu hiện lên như một người em gái thân thương, trong tâm trí của người lính là những buổi ấm nồng hơi cơm cùng khói lam chiều, dù đạm bạc, dù đơn sơ nhưng cũng đủ để ấm lòng người để đến khi xa rồi, hơi ấm ấy, hương vị ấy, mãi cứ in sâu, in đậm trong tâm thức mỗi người.

14 câu thơ đầu tiên ấy đã làm nổi bật lên bức tranh thiên nhiên hùng tráng, nổi bật trên đó là hình ảnh người chiến sĩ can trường, sẵn sàng dấn thân, cống hiến và hi sinh với niềm kiêu hãnh "chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh". Đoạn thơ đã để lại trong lòng bạn đọc một ấn tượng đẹp về thơ ca kháng chiến, về hình ảnh và tâm hồn người lính cụ Hồ trong những cuộc chiến vệ quốc máu lửa. Chính nhờ điều đó mà hơn nửa thế kỉ đã trôi qua, bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng vẫn mãi xanh trong trái tim bao thế hệ bạn đọc.

kho-tho-dau-bai-tho-tay-ttien.jpg

Khổ thơ đầu là khổ thơ khá hay với nhiều chi tiết hình ảnh đẹp các em cần phải làm rõ, có thể tham khảo 3 bài văn của vforum để bổ sung thêm​


BÀI VIẾT SỐ 3 CẢM NHẬN ĐOẠN THƠ ĐẦU BÀI THƠ “TÂY TIẾN”, KHỔ THƠ ĐẦU - QUANG DŨNG
Targore từng viết: “Ngọn gió của nhà thơ băng qua rừng, qua biển để tìm ra tiếng nói của riêng mình”. Trong những tháng năm thời chiến, ta nghe giọng hát chân thành, giản dị mà thấm thía của Chính Hữu, điệu hát thiết tha tâm hồn dân tộc của Tố Hữu lại có tiếng ca nghe đầy hào hùng, phóng khoáng mà cũng thật hồn hậu, đa tình. Đó chính là tiếng thơ của Quang Dũng. Điều đó được thể hiện rõ nét qua khổ thơ đầu bài thơ “Tây Tiến”:

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời !
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

Nhớ ôi Tây tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”

Tây Tiến là tên một đơn vị quân đội thành lập năm 1947, có nhiệm vụ cùng quân đội Lào bảo vệ vùng biên giới Việt-Lào và miền Tây Bắc Bộ Việt Nam. Những người lính kiên cường của đoàn quân ấy chủ yêu là những tri thức Hà Thành trẻ trung, lãng mạn. Quang Dũng viết về người lính Tây Tiến không chỉ bằng con mắt quan sát mà còn bằng chính những trải nghiệm thực tế bởi ông cũng là một người lính Tây Tiến năm xưa. Cuối năm 1948, ông phải rời quân đoàn đi làm nhiệm vụ khác, nỗi nhớ về Tây Tiến và núi rừng, con người Tây Bắc đã giúp ông viết lên bài thơ.

Bài thơ được viết lên bằng nỗi nhớ. Nỗi nhớ ấy được châm ngòi ngay từ câu thơ mở đầu. Đó là khoảnh khắc nỗi nhớ tiếc tràn bờ, buột ra thành tiếng kêu vang động:

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!”

Câu thơ 7 chữ mà có đến 4 chữ là địa danh. Đã có hình ảnh trực tiếp nào đâu, thế mà nó cứ vang vọng cào không gian, dội sâu vào tâm tưởng. Đó là tiếng gọi của một quá khứ thăm thẳm không chịu ngủ yên trong tâm can người thi sĩ. Chừng như, kể từ giây phút ấy, chúng không còn là những địa danh vô cảm, vô can trên bản đồ. Từ thời khắc ấy, những chữ ấy đã cất giữ cho Quang Dũng cả một quãng đời. Câu thơ xác định rõ hai khoảng không gian khác nhau: không gian thực tại và không gian hồi tưởng. Nhưng hình như chỉ có độc giả mới nhận ra rành rẽ điều đó, còn với nhà thơ, khi ông nói “xa rồi” là khi hình ảnh của quá khứ chưa xa đang ấp tới, nhấc bổng ông lên khỏi mảnh đất hiện thực. Bởi thế, toàn bộ bài thơ như một câu chuyện được bao bọc trong bầu khí quyển riêng của nỗi nhớ.

Thơ viết về nỗi nhớ từ xa xưa đến nay khó mà kể xiết. Nhưng ít có bài thơ nào mà nỗi nhớ lại được biểu đạt bằng những chữ lạ và ám đến vậy:

“Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”

Người đọc “Tây Tiến” làm sao quên được chữ “nhớ chơi vơi”. “Chơi vơi” là trạng thái của nỗi nhớ hay của cảnh vật được nhớ? Nó là cái chông chênh hụt hẫng của kẻ đang phải lìa xa nơi mình từng gắn bó hay là cái trập trùng xa ngát của núi rừng miền Tây? Thật khó tách bạch! Cả hai chủ thể và đối tượng dường như đã trộn lẫn vào nhau mà đồng hiện trong một chữ “chơi vơi” ấy. Có phải đó là cái trạng thái chập chờn rất riêng của nỗi nhớ chăng?

Mạch thơ chủ yếu là sự đan dệt của kỉ niệm, của những sực nhớ miên man, của những vụt hiện bất ngờ mà ở đó các địa danh có khi chỉ thoáng một dòng tên, có khi chỉ là một điểm nhấn nào đó của kỉ niệm. Còn kỉ niệm bao giờ cũng chan hòa cảnh với người, cùng song hành và đan dệt cả hai mạch: vừa gian khổ vừa thơ mộng:

“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi”

Bút pháp hiện thực đã miêu tả chân thực hình ảnh đoàn quân dãi dầu mệt mỏi, thấp thoáng ẩn hiện trong sương. Và đêm sương ấy trở thành “đêm hơi” bồng bềnh qua cái nhìn lãng mạn của Quang Dũng. Những ngọn đuốc soi đường như những đóa hoa chập chờn, lung linh, huyền hoặc. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên được cảm nhận một cách thật thú vị bởi hình ảnh lãng mạn, hào hoa.

Giống như “Tiến quân ca” và mọi khúc quân hành, trong “Tây Tiến”, ta thấy nổi lên hình tượng những con đường. Con đường được kết bằng những địa danh Việt – Lào, đọc lên trầm bổng như ca hát, xa lạ và hiện đại:

“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

Câu thơ “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm” có 7 chữ mà tới 5 chữ là thanh trắc cùng điệp từ “dốc”, các từ láy “khúc khuỷu, thăm thẳm” đã gợi tả hình ảnh con đường hành quân với những đèo dốc quanh co, gập ghềnh, lên cao mãi. Từ láy “heo hút” gợi về cảm giác xa xôi, hẻo lánh. Đặc biệt, nhà thơ không phải người sao chép cuộc sống vào trang thơ mà mỗi chữ đều là sự sôi sục “đãi quặng tìm vàng” (Maiacopxki), để “lượm lặt” trên luống cày đời sống, ấp ủ và gieo lên thành những đóa hoa thơ tuyệt đẹp. Những chữ lấp lánh ấy vừa khiến người ta bất ngờ lại vừa gây hứng thú: “cồn mây”. Không phải áng mây phiêu du hay chòm mây phiêu lãng mà lại là “cồn mây” mờ mịt nơi cửa ải xa: “mặt đất mây đùn cửa ải xa” (Đỗ Phủ). Hình ảnh nhân hóa “súng ngửi trời” mới độc đáo và thú vị làm sao. Ở đó vừa có cái hóm hỉnh, lạc quan lại gợi lên không gian rất lãng mạn. Nói như ca dao thời kháng chiến:

“Đèo cao thì mặc đèo cao
Ta trèo lên đỉnh, ta cao hơn đèo”

Đến câu thơ tiếp theo lại được ngắt đột ngột làm đôi, vẽ ra hai chặng đường hành quân. Điệp ngữ “ngàn thước” cùng nghệ thuật đối lập “lên cao- xuống” đã gợi tả độ sâu của vực đầy dữ dội, hiểm trở. Thì ra đọc thơ Quang Dũng không chỉ như ngậm nhạc trong miệng mà còn như được thưởng tranh. “Thi trung hữu họa, thi trung hữu nhạc” là vì thế. Nếu câu thơ trên trắc trở bao nhiêu thì câu thơ dưới lại mềm mại bất nhiêu, câu thơ trên cheo leo bao nhiêu thì dưới lại nhẹ nhàng bấy nhiêu, cảnh trên hiểm trở bao nhiêu thì cảnh hiện thời lại êm đềm bấy nhiêu: “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Tâm hồn thảnh thơi được trải ra theo những âm bằng suốt cả câu thơ rồi. “Mưa xa khơi” không còn là hình ảnh mưa hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan hay gợi nỗi sầu vạn kỉ như Huy Cận (“Buồn đêm mưa”) thuở trước nước. Ở đây, ta thấy một sự nhẹ nhàng, dễ chịu và thơ mộng đến không ngờ.

Gian nan bao giờ cũng được xem là ngọn lửa thử vàng. Chẳng thế mà có câu “Lao xao sóng vỗ gợn trùng/ Gian nan là nợ anh hùng phải vay”. Gian nan, thử thách chính là nền để làm nổi bật lên vẻ đẹp và chí khí của con người. Họ đâu có nản chí trước thiên nan vạn nan, họ đương đầu với những dãi dầu thân xác trong dằng dặc thời gian:

“Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời”

Hai câu thơ tựa như bức họa đầy ấn tượng về người lính. Đây có thể là những giây phút hiếm hoi người lính buông mình vào giấc ngủ; nhưng cũng có thể là một thực tế đau xót là người lính đã ngã xuống và không thể bước cùng đồng đội. Sự hi sinh là có đấy bởi Quang Dũng không bao giờ né tránh hiện thực. Nhưng hiện thực trong mắt ông không bao giờ chỉ giản đơn và tẻ nhạt. Một loạt các từ mang tính chủ động: “không bước nữa”, “bỏ quên đời”. Biến sự mất mát thành sự chủ động đón nhận, chấp nhận một cách tự tin và nhẹ tênh, mang cái ngang tàng, kiêu bại của những người lính trẻ trung, giàu nhiệt huyết.

Khi ấy, tầm vóc của họ được đặt trong thiên nhiên hùng vĩ:

“Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”.

“Thác gầm thét, cọp trêu người” là những hình ảnh nhân hóa làm tăng thêm sự hoang sơ, dữ dội, bí hiểm của núi rừng Tây Bắc. “Chiều chiều, đêm đêm” là những trạng ngữ chỉ thời gian lặp lại miên viễn, vĩnh hằng. Sức mạnh của thiên nhiên ngự trị nơi đây không phải chỉ có một chiều, một đêm mà là “chiều chiều, đêm đêm”. Nhưng đó cũng là thời gian của những cuộc hành quân Tây Tiến. Vì thế mà hai câu thơ miêu tả cái thâm u, bí ẩn của rừng núi miền Tây Bắc càng khiến chân dung người chiến sĩ thêm cao lớn, mạnh mẽ.

Cuộc hành quân không chỉ có những gian truân vất vả mà còn có những kỉ niệm ngọt ngào, ân tình:

“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”

Chữ “Nhớ ôi” nghe mới nôn nao, nghèn nghẹn thế nào! Không phải “ôi nhớ” như lối cảm thán cũ mòn ; cũng không phải “nhớ ôi là nhớ” thật thà, khẩu ngữ hay “nhớ ôi” như tiếng gọi hướng ra người mà là “nhớ ôi” như tiếng kêu hướng về mình. Ta nghe rõ trong lời thơ một nỗi nhớ nhung bất chợt cồn lên. Kẻ nhớ không thể cầm lòng đã vỡ òa thành tiếng kêu than nhưng “buột miệng ra mà dư vang súc tích”. Lê Đạt từng nói: “Tôi tôn trọng những nhà văn sinh sự với văn chương để tạo ra sự sinh của ngôn ngữ”. Quang Dũng là một người như thế. Ông đã tạo ra một nét nghĩa táo bạo mà thật đa tình trong tập hợp từ mới mẻ: “mùa em”. “Mùa em” khiến cho Mai Châu không chỉ là một địa danh gắn với những kỉ niệm thơm thảo của xôi nếp đầu mùa, của tình quân dân sâu nặng mà còn gợi nhớ hình ảnh những cô gái duyên dáng miền sơn cước. Rồi đây, Tây Tiến sẽ mờ dần sau những thăng trầm lịch sử nhưng tiếng kêu kia vẫn sẽ còn gieo vào lòng người đọc mai sau những bồi hồi một thuở. “Tây Tiến” cứ sống trong nỗi nhớ và sống bằng nỗi nhớ như thế.

Như vậy, cái điều hấp dẫn người đọc ở “Tây Tiến” chính là sự hòa hợp giữa thiên nhiên hùng vĩ và con người hào hùng hiện lên trong nỗi nhớ da diết và thiết tha của con người. Thơ Quang Dũng có cái hào hùng của thời đại kháng chiến nhưng cũng có sự hào hoa rất lãng mạn của những chàng trai Hà thành mang theo ước vọng lớn, tâm hồn đẹp cất bước vì lý tưởng. Những câu thơ giàu chất tạo hình, lại gợi cảm, thơ vừa có nhạc mà cũng như thưởng tranh qua từng con chữ.

Thế mới hiểu tại sao những ngày tháng gian khổ chiến tranh qua đi, những chiến tuyến đã được san bằng, lịch sử đã sang trang nhưng “Tây Tiến” vẫn còn sống mãi với thời gian. Vạn vật đều tuân theo quy luật tồn sinh của tự nhiên, chỉ mình nghệ thuật “không thừa nhận cái chết” là bởi những tình cảm, dư âm nó để lại như thế đó.

-Bỉ Ngạn -
 
  • Chủ đề
    khổ thơ đầu quang dung tây tiến
  • Top