CEO Facebook Mark Zuckerberg và bài phát biểu tại Liên hợp Quốc

markzuck-new-big.jpg

Sau Giáo hoàng Francis thì Mark Zuckerberg là người tiếp theo thu hút sự chú ý của toàn thế giới khi anh có bài phát biểu quan trọng tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ).

Tại sự kiện thường niên lần thứ 70 của LHQ ở thành phố New York, CEO của trang mạng xã hội lớn nhất thế giới đã thảo luận về tầm quan trọng của kết nối Internet trong việc đạt được những mục tiêu phát triển bền vững mà LHQ đã đặt ra. Sau đó Mark cũng có bài diễn văn tại Diễn đàn Khu vực Tư nhân do LHQ tổ chức, nơi mà cả Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon và Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng tới dự và phát biểu.

“Kết nối toàn thế giới lại với nhau là một trong những thách thức trọng tâm của thế hệ chúng ta. Hơn 4 tỷ người trên thế giới hiện nay vẫn chưa tiếp cận được với Internet”, Mark nói.

Cùng ngày Mark và tỷ phú, nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates đã chủ trì một buổi thảo luận khoa học với mục tiêu chính là đưa kết nối Internet đến mọi người trên thế giới vào năm 2020 – một phần trong cố gắng của LHQ về việc xóa bỏ đói nghèo trên thế giới đến năm 2030. Các Cao ủy của LHQ cho hay có đến một nửa dân số thế giới không có kết nối an toàn đến Internet, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Đối với những nhóm người này thì giáo dục và chăm sóc sức khỏe cũng là rất cần thiết để giúp họ thoát ra khỏi đói nghèo.

Ông Ban Ki-moon cũng cho hay hơn 25 tỷ USD đã được cam kết đóng góp để thực hiện những mục tiêu trên, với 3,3 tỷ USD từ Mỹ và những khoản đóng góp khác từ Canada, Đức và Thụy Điển.

Với việc Facebook có đến 1,3 tỷ người dùng trên toàn cầu, LHQ nhấn mạnh trang mạng xã hội này cần làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy kết nối Internet và giúp thế giới đạt được những mục tiêu thiên niên kỷ.

Cũng trong bài phát biểu của mình, Mark khẳng định Facebook đang phối hợp với LHQ để đưa kết nối Internet đến những trại tị nạn hiện nay trên toàn thế giới, trong một cố gắng giúp đỡ những người kém may mắn này liên lạc với người thân và cất lên tiếng nói của mình trong khi tìm kiếm một cuộc sống ổn định hơn.

635787086647154109-zuckerberg.jpg

Mark Zuckerberg và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Được biết sau khi có cuộc gặp mặt với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào đầu tuần này, Mark cũng đã có cuộc tiếp xúc và trao đổi với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Khi mà Facebook vẫn đang chứng kiến những sự phát triển ngoạn mục về doanh thu và số lượng người dùng, thì hãng đang chuyển dần sự chú ý sang hai quốc gia đông dân nhất thế giới này. Trung Quốc, nơi mà Facebook và cả Google bị cấm, cùng với Ấn Độ là những thị trường đầy tiềm năng cho cả Facebook và các công ty công nghệ khác.

Tuy nhiên cả hai thị trường đầy tiềm năng này lại ẩn chứa rất nhiều thách thức cho các tập đoàn nước ngoài. Chính phủ Trung Quốc cùng các hãng tư nhân trong nước đã cố tình làm khó các doanh nghiệp phương Tây khi mà họ có ý định mở rộng kinh doanh tại quốc gia châu Á này. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng còn yếu kém cùng với vấn nạn tham nhũng đang là thách thức lớn cho những công ty quốc tế có ý định đầu tư vào Ấn Độ.

490226930.jpg

Kết thúc bài phát biểu của mình, người đứng đầu Facebook nhấn mạnh, Internet là công cụ giúp chúng ta thay đổi cuộc sống. Cứ 10 người có kết nối Internet thì một người sẽ thoát ra khỏi đói nghèo. Trong khi đó bằng việc phát triển Internet trên quy mô toàn cầu, chúng ta có thể tạo ra được 140 triệu việc làm mới và giúp 160 triệu người có hoàn cảnh khó khăn.

Mark nói “Internet không phải chỉ là một cỗ máy, nó là động lực, là khởi nguồn cho những sự phát triển về kinh tế và xã hội. Một nút like hay một bài đăng sẽ không làm một chiếc xe tăng hay viên đạn dừng lại, nhưng khi mọi người kết nối lại với nhau, chúng ta sẽ có cơ hội xây dựng nên một cộng đồng quốc tế với những lý tưởng và mục tiêu chung”.
Nguyễn Mai Đức (tổng hợp)​
 
  • Chủ đề
    bài phát biểu ceo mark zuckerberg facebook liên hợp quốc
  • VSupport

    Ngây thơ trong tối
    Facebook đúng là làm thay đổi cuộc sống. Nhưng theo cả nghĩa tích cực và tiêu cực, hiện tại thì mình thấy tiêu cực nhiều hơn tích cực. :go:
     
    Top