Chế Lan Viên quan niệm "Thơ không chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh”, đoạn thơ sau thức tỉnh anh chị điều chi

Chế Lan Viên quan niệm "Thơ không chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh”, đoạn thơ sau thức tỉnh anh chị điều chi

Đề bài: Chế Lan Viên quan niệm : “Thơ không chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh”. Đoạn thơ sau thức tỉnh anh chị điều gì : “Những người vợ nhớ chồng… cuộc đời đã hóa núi sông ta”

Thơ ca không chỉ đưa ru con người mà còn để lại trong ta nhiều suy tư sâu sắc. Hôm nay tôi sẽ hướng dẫn các bạn với đề bài Chế Lan Viên quan niệm: “ Thơ không chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh”. Đoạn thơ sau thức tỉnh anh chị điều gì: “ Những người vợ nhớ chồng...cuộc đời đã hóa núi sông ta”.
  • “ Việt Nam đất nước ta ơi!
  • Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
  • Cánh cò bay lả rập rờn
  • Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều”
  • ( Nguyễn Đình Thi)
Quê hương ta rừng vàng biển bạc, là niềm tự hào của biết bao nhiêu lớp lớp người Việt Nam với bạn bè năm châu bốn bể. Cách chúng ta gần 1 thế kỉ, cha ông ta đã tìm về với nguồn cội của quê hương, của Tổ Quốc mình… Những vần thơ, những lời ca không chỉ dừng lại ở việc ca ngợi vẻ đẹp của quê hương xứ sở mà còn chỉ ra vai trò và trách nhiệm của mỗi công dân với nước nhà. Từ đó khiến ta biết trân trọng hơn những gì mà chúng ta đang có ngày hôm nay là công lao của biết bao thế hệ, là sự hy sinh quên mình của biết bao những anh hùng đã ngã xuống… hãy sống và làm việc để bảo vệ và phát huy tài sản vô giá mà chúng ta đã may mắn được thừa hưởng lại từ những con người chân chất thật thà mà kiên cường, bất khuất. Một trong số đó không thể không kể đến bài thơ “ Đất Nước” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Để cảm nhận được đoạn trích này chúng ta cần đọc kĩ để hiểu nội dung của những câu thơ, cảm nhận được tư tưởng đất nước của nhân dân của nhà thơ thông qua những tín hiệu nghệ thuật. Dưới đây là những bài làm hướng dẫn hy vọng có thể giúp đỡ các em trong quá trình học tập. Chúc các em thành công.
tho-khong-chi-dua-ru-ma-con-thuc-tinh.jpg
BÀI VĂN MẪU SỐ 1 CHẾ LAN VIÊN QUAN NIỆM: “ THƠ KHÔNG CHỈ ĐƯA RU MÀ CÒN THỨC TỈNH”. ĐOẠN THƠ SAU THỨC TỈNH ANH CHỊ ĐIỀU GÌ: “ NHỮNG NGƯỜI VỢ NHỚ CHỒNG...CUỘC ĐỜI ĐÃ HÓA NÚI SÔNG TA”
Nếu phải tìm bản nhạc hay nhất, có lẽ tôi sẽ chọn văn chương. Bởi chỉ khi đến với văn chương, người nghệ sĩ mới được tự do để trái tim dẫn dắt, được thể hiện quan niệm của chính mình và rồi mang đến cho người đọc biết bao giai điệu cảm xúc với nhiều cung bậc. Và trong bản nhạc hay nhất ấy, thơ cả như một khúc vĩ thanh nâng đỡ tâm hồn con người như Chế Lan Viên đã từng nói : “ Thơ không chỉ đưa du mà còn thức tỉnh.”. Dường như hiểu rõ được vai trò và xứ mệnh ấy của những vần thơ, Nguyễn Khoa Điềm đã “ đưa ru” mà “ thức tỉnh” độc giả cùng “ Đất nước”, đặc biệt là trong đoạn thơ:

  • “Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu.
  • Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái.
  • Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại.
  • Chín mươi chín con voi góp mình dựng Đất tổ Hùng Vương.
  • Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm.
  • Người học trò nghèo giúp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiên.
  • Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh.
  • Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm.
  • Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi.
  • Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha.
  • Ôi Đất Nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy.
  • Những cuộc đời đã hoá núi sông ta…”

“ Thơ không chỉ đưa du mà còn thức tỉnh”. Ý kiến của Chế Lan Viên đã khẳng định và làm nổi bật đặc trưng và vai trò của thơ ca đối với đời sống tinh thần của con người.” . “ Đưa du” tức là nói đến đặc trưng giàu chất nhạc của thi ca. Những vần thơ phối âm trầm bổng cùng với những thi liệu đẹp đẽ như ru vỗ hồn người: “ Thơ là rượu của thế gian” (Huy Trực). Bên cạnh đó, “ thức tỉnh” là chức năng của thi ca nói riêng và văn học nói chung. M. Gorki đã từng nói “ Văn học là nhân học”. Thật đúng như vậy. Thơ ca nói riêng hay văn chương nói chung đều hướng tới một mục đích cao đẹp là hướng con người tới cái Chân – Thiện – Mĩ. Thi sĩ họ Chế đã dùng cấu trúc câu đối lập tăng tiến “không chỉ...mà còn” càng nhấn mạnh đặc điểm cũng như chức năng của thi ca. Tóm lại, mỗi một tác phẩm văn chương nói chung và thi ca nói riêng vừa là một liều thuốc tâm hồn vừa là một thiên sứ mang xứ mệnh cao cả là đánh thức những u mê, mở ra một cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân loại.

Nguyễn Khoa Điềm thuộc thế hệ những nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Trường ca Mặt đường khát vọng là tác phẩm sâu sắc, mang vẻ độc đáo của ông được sáng tác vào năm 1971 tại núi rừng chiến khu Trị - Thiên. Bài Đất Nước là chương V của trường ca này. Tác giả đã sử dụng một cách sáng tạo các chất liệu - thi liệu từ tục ngữ, ca dao dân ca, từ truyền thuyết cổ tích đến phong tục, ngôn ngữ, của nền văn hóa dân tộc để khơi nguồn cảm hứng về Đất Nước, một Đất Nước có nguồn gốc lâu đời, một Đất nước của Nhân dân vĩnh hằng muôn thuở.

Đoạn thơ 12 câu này trích trong phần II bài Đất Nước đã ca ngợi Đất Nước hùng vĩ, tự hào khẳng định những phẩm chất cao đẹp của nhân dân ta, dân tộc ta. Câu thơ mở rộng đến 13, 14, 15 từ, nhưng vẫn thanh thoát, nhịp nhàng, giàu âm điệu và nhạc điệu gợi cảm vừa “ đưa du” vừa “ thức tỉnh” hồn ta.

Tám câu thơ đầu nói về tượng hình Đất Nước, một Đất Nước hùng vĩ, một giang sơn gấm vóc. Khắp nơi trên mọi miền Đất Nước ta, ở đâu cũng có những danh lam thắng cảnh. Núi Vọng Phu, hòn Trống Mái đã đi vào huyền thoại cổ tích. Nguyễn Khoa Điềm đã có một cái nhìn khám phá, nhân văn. Núi ấy, hòn ấy là do “những người vợ nhớ chồng”, hoặc “cặp vợ chồng yêu nhau” mà đã “góp cho", đã “góp nên”, làm đẹp thêm, tô điểm thêm Đất Nước.
  • “Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
  • Cặp vợ chồng yêu nhau góp thêm hòn Trống Mái”

Núi Vọng Phu ở Lạng Sơn, Thanh Hóa, Bình Định... hòn Trống Mái ở sầm Sơn không chỉ là vẻ đẹp thiên nhiên mà còn là biểu tượng cho vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam. Vợ có "nhớ chồng”, cặp vợ chồng có “yêu nhau” thì mới “góp cho Đất Nước”, mới “góp nên” những núi Vọng Phu, hòn Trống Mái ấy. Tình yêu lứa đôi có thắm thiết, tình nghĩa vợ chồng có thủy chung thì Đất Nước mới có tượng hình kì thú ấy. Tác giả đã vượt lên lối liệt kê tầm thường để có một cách nhìn, một cách diễn đạt mới mẻ, nhân văn.

Hai câu thơ tiếp theo ca ngợi vẻ đẹp Đất Nước về mặt lịch sử và truyền thống. Cái “gót ngựa của Thánh Gióng ấy để lại” cho Đất Nước ta bao ao đầm ở vùng Hà Bắc ngày nay! Chín mươi chín núi con Voi ở Phong Châu đã quần tụ, chung sức chung lòng “góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương”. Các từ ngữ: “đi qua còn... để lại”, “góp mình dựng" đã thế hiện một cách bình dị mà tự hào về sự thiêng liêng của Tổ quốc, về khí phách anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc của nhân dân ta trong xây dựng và bảo vệ Đất Nước:
  • “Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
  • Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương”.

Đất Nước ta có núi cao, biển rộng, sông dài. Có sông Hồng Hà “đỏ nặng phù sa”. Có sông Mã “bờm ngựa phi thác trắng”. Và còn có Cửu Long Giang với dáng hình thơ mộng, ôm ấp huyền thoại kiêu sa:
  • “Những con trống nằm im góp dòng sông xanh thẳm”.
Rồi “nằm im” từ bao đời nay mà Nam Bộ mến yêu có “dòng sông xanh thẳm’' cho quê hương nhiều nước ngọt phù sa, nhiều tôm cá, mênh mông bỉển lúa bốn mùa. Phải chăng nhà thơ trẻ qua vẻ đẹp dòng sông Chín Rồng đế ca ngợi giang sơn gấm vóc, con người Việt Nam rất đỗi tài hoa?

Quảng Nam, Quảng Ngãi quê hương của Hoàng Diệu, Phan Châu Trinh Huỳnh Thúc Kháng., có núi An sông Đà, có núi Bút non Nghiên. Ngắm núi Bút non Nghiên, Nguyễn Khoa Điềm khoong nghĩ về địa linh nhân kiệt mà nghĩ về người học trò nghèo về truyền thống hiếu học về tấm lòng tôn sư trọng đạo của nhân dân ta.
  • “Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên”.

“nghèo” mà vẫn góp cho Đất Nước ta núi Bút non Nghiên, làm rạng rỡ nền ăn hiến Đại Việt..nghèo vật chất mà giàu trí tuệ tài năng.

Hạ Long trở thành kì quan, thắng cảnh là nhờ có “con cóc, con gà quê hương cùng góp cho”. Và những tên làng, tên núi, tên sông như Ông Đốc, Ông Trang. Bà Đen, Bà Điểm... ở vùng cực Nam Đất Nước xa xôi đã do “những người dân nào đã góp tên”, đã đem mồ hôi, xương máu bạt rừng, lấn biển, đào bắt sấu, bộ hổ... làm nên? Nhà thơ đã có một cách nói bình dị mà thấm thía ca ngợi đức tính cần cù, siêng năng, dũng cảm trong lao động sáng tạo của nhân dân ta, khẳng định nhân dân vô cùng vĩ đại, người chủ nhân đã “làm nên Đất Nước muôn đời”.
  • “Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hà Long thành thắng cảnh
  • Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm”

Những vần thơ du dương cùng với những thi liệu đời thực là những danh lam thắng cảnh của quê hương yêu dấu như đưa ta lạc vào một thế giới thần tiên thần thoại với những câu chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa, từ những ngày đầu dựng nước, dựng nhà, dựng xóm , dựng xây nền văn hóa Đất Việt. Câu thơ dài nhưng rất giàu chất nhạc, kéo tâm hồn bạn đọc đến lãnh địa của những điều kì diệu huyền ảo đầy bí ẩn của cả một quá trình hình thành và dựng xây đất nước. Từng dòng thơ chỉ cho ta thấy cách mà đất nước biển bạc rừng vàng của ta đã được tạo nên, từ chính nhân dân, từ chính những điều thân thuộc nhất. Thắng cảnh không chỉ còn là những gì hiện hữu ở ngay trước mắt chúng ta hôm nay mà là thành quả của một quá trình dựng xây và vun đắp.

Nhưng đâu chỉ dừng lại ở đó, người ta nói Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ trữ tình chính luận hẳn không hề quá lời. Qua những vần thơ mộc mạc giản dị của mình, nhà thơ đã chỉ ra cho độc giả thấy được quá trình hình thành của một đất nước, truyền tải tư tưởng đất nước của nhân dân.

Thực chất những danh thắng ấy là kết quả của quá trình vận động địa chất, kiến tạo địa lý từ hàng ngàn, hàng vạn năm chứ. Không khám phá dưới góc độ khoa học, với suy từ sâu sắc, Nguyễn Khoa Điềm đã có những phát hiện mới mẻ về những danh lam thắng cảnh.Những núi vọng phu: trải dài từ Bắc vào Nam, từ đỉnh Lũng Cú xuống mũi Cà Mau chính là sự hóa thân của những người vợ, người chồng. Tấm lòng thủy chung son sắt của người phụ nữ Việt đã tạo nên dáng núi kỳ lạ ấy. Hòn Trống Mái ở Sầm Sơn, vịnh Hạ Long ở Quảng Ninh là biểu tượng đẹp đẽ của tình yêu thắm thiết nồng nàn. Một kẻ trần thế, một người cõi tiên bất chấp luật lệ thiên đình, nguyện hóa đá để muôn đời ở mãi bên nhau. Những ao đầm đặc ở vùng đất Sóc Sơn là những hình ảnh bất tử về tinh thần yêu nước nồng nàn, khí phách kiên cường bất khuất của những người dân đất Việt. Không có tinh thần đoàn kết một lòng tất không thể có Tổ quốc linh thiêng, hùng vĩ. Không có tinh thần vượt khó, hiếu học, không có núi Bút non Nghiêng. Và bất cứ danh lam thắng cảnh nào trên dải đất hình chữ S cũng là máu thịt của nhân dân. Vậy là mọi danh lam thắng cảnh đều là kết quả của sự hóa thân diệu kỳ, của bao thế hệ nhân dân lao động. Mỗi hình sông dáng núi, bóng đèo đều in dấu dáng hình, tâm tư tình cảm, ao ước, khát vọng, tính cách, phẩm chất của những con người Đất Việt. Mỗi danh lam là một bức tượng đài bất tử về vẻ đẹp tâm hồn người Việt. Ngợi ca núi sông hùng vĩ, diễm lệ thực chất là ngợi ca, tôn vinh vẻ đẹp tâm hồn của nhân dân. Không có nhân dân bao đời với tâm hồn cao quý, khát vọng lãng mạn thì không có những thắng cảnh kỳ thú để con cháu đời đời chiêm ngưỡng.

Bài thơ được viết khi đất nước gặp muôn vàn khó khăn trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, những thanh niên Sài Thành bị giặc dụ dỗ và tiêm nhiễm những nhận thức lệch lạc, thờ ơ với vận mệnh của đất nước, dân tộc. Trường ca “ Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm lúc ấy là một hồi chuông thức tỉnh lớp trẻ Sài Thành, xuống đường đấu tranh chống lại kẻ thù vì tổ quốc, vì gia đình.

Như vậy, có thể thấy, chỉ một đoạn thơ thôi nhưng cũng đủ để khẳng định và làm sáng tỏ vai trò và sứ mệnh cao cả của thi ca đối với đời sống tâm hồn con người. Nó không chỉ mang đến cho người đọc “ sự thoát li trong sự quên” mà còn là thứ” vũ khí thanh cao và đắc lực” của nhà văn, của nhân loại để kiến tạo nên một thế giới sống nên có và cần phải có.

-TTT-vfo.vn
 
  • Chủ đề
    chế lan viên thơ đất nước
  • Top