Chuyển bài thơ Bếp lửa thành một câu chuyện qua lời kể của người cháu Văn lớp 9

Hướng dẫn làm bài chuyển bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt thành một câu chuyện theo lời kể của người cháu, chuyển bài thơ bếp lửa thành 1 văn bản tự sự, văn xuôi hay nhất có dàn ý và bài làm tham khảo hoặc dạng bài đóng vai người cháu và kể lại câu chuyện, tình bà cháu

Trong chương trình ngữ văn lớp 9, chúng ta được học bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt, đây là bài thơ được gợi ra từ kỉ niệm của người cháu khi nhớ về bà của mình cùng tuổi thơ bên bà. Từ những kỉ niệm đẹp đẽ ấm áp bên bếp lửa bà đun, Bằng Việt đã cho ra đời những vần thơ vô cùng truyền cảm hứng. Nhưng tất cả những dòng thơ đẹp đẽ ấy đều có xuất phát từ một câu chuyện và chỉ cần xâu chuỗi các sự kiện lại với nhau, ta sẽ có một câu chuyện hoàn chỉnh và cảm động về tình bà cháu. Nếu cần phải chuyển bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt thành một câu chuyện thì bạn sẽ làm như thế nào? Dưới đây là dàn ý và bài làm cụ thể của đề bài này mong rằng sẽ giúp đỡ được cho các bạn trong cách lập ý và làm bài. Để làm bài tập này, chúng ta sẽ đóng vai người cháu- người kể chuyện chân chính, giới thiệu hoàn cảnh ở nơi xa nhớ về bà qua sự gợi lên về mùi khói bếp, nhớ và kể lại những sự kiện chính theo thứ tự trong bài thơ và cuối cùng là cảm xúc của người cháu.

chuyen-bai-tho-bep-lua-thanh-cau-chuyen-theo-loi-ke-cua-nguoi-chau.jpg

Việc biến bài thơ thành 1 câu chuyện không quá khó


DÀN Ý CHUYỂN BÀI THƠ “BẾP LỬA” CỦA BẰNG VIỆT THÀNH MỘT CÂU CHUYỆN
1. MỞ BÀI
Giới thiệu hoàn cảnh: người cháu học ở Liên Xô, từ mùi khói bếp mà gợi kỉ niệm về bà và tổ quốc thân yêu,
2. THÂN BÀI
  • Bộc lộ sự nhớ nhà, nhớ bà, nhớ tổ quốc vì lâu chưa được về
  • Nhìn khói bếp mà nhớ hình ảnh bà nhóm lửa
  • Năm bốn tuổi đã nhận biết mùi khói và về bà
  • Lên tám thì nhận thức được hoàn cảnh gia đình và hoàn cảnh chung đất nước
  • Những năm tháng cha mẹ ra chiến trận, bà dạy bảo, chăm nom, chăm sóc.
  • Hình ảnh tiếng tu hú trên cánh đồng xa cũng cô đơn như hai bà cháu
  • Năm giặc đốt làng: sự vững vàng của bà cùng lá thư gửi cha được bà bảo ban
  • Những ám ảnh về hình ảnh bếp lửa: ấm áp, thiêng liêng, kì diệu
  • Sự thương xót đồng bào và căm thù quân xâm lược của người cháu khi nghĩ về tổ quốc

3. KẾT BÀI
Hình ảnh của người bà mãi mãi không bao giờ phai nhòa trong lòng của người cháu.

BÀI VĂN CHUYỂN BÀI THƠ “BẾP LỬA” THÀNH MỘT CÂU CHUYỆN
Mùa đông ở Liên Xô lạnh cắt da cắt thịt, nhà nào cũng giữ cho lò sưởi nhà mình luôn nóng, khói từ các ống trên mái nhà liên tục bây lên quyện vào mây trời. Giấu mình trong chiếc áo khoác dày sụ từ trường về nhà khi trời đã chập tối, khi nhìn lên bầu trời, tâm trí tôi lại hoa lên lạ thường bởi hình ảnh làn khói xa lạ kia khiến lòng mình nhớ đến những điều thân thương ở quê nhà. Đó là hình ảnh bà tôi bên làn khói nơi bếp lửa cũ, hình ảnh nuôi sống tuổi thơ tôi, hình ảnh mà cả đời tôi sẽ không bao giờ quên được.

Đã mấy năm tôi không về lại Việt Nam nơi tổ quốc thân thương mà nình sinh ra và lớn lên nhưng không ngày nào tôi nguôi suy nghĩ về quê nhà cùng việc tìm hiểu thông tin về cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc. Không chỉ vì thói quen khi nhớ nhà mà đó còn là sự không yên lòng cho những người thân yêu. Không biết bà tôi giờ ra sao… Tôi sinh ra trong hoàn cảnh đất nước trong cuộc chiến bảo vệ độc lập gian nan, đã sớm chứng kiến đủ mọi khó khăn. Lên bốn tuổi, khi đã có kí ức và ý thức về mọi thứ, ý thức sâu sắc nhất đó là về mùi khói bếp của bà. Đó là những năm đói kém, mất mùa, dân ta một cổ ba tròng bị giày xéo dưới gót giày bọn cướp nước. Cha tôi lúc ấy là phu xe, con ngựa gầy ngày ngày theo cha ra thị trấn rồi lại quay về với bộ dạng thất thiểu gầy yếu vì không có gì ăn trong nhiều ngày, cha không có khách, nhà chắc túng thiếu lắm, ấy vậy mà trong kí ức của tôi thì bếp lửa của bà chưa lúc nào tắt, tôi cũng chưa phải đói rết ngày nào. Lớn lên tôi mới hiểu đó là biết bao công sức tần tảo hôm sớm, hi sinh, chắt chiu của cha mẹ, nhất là của bà để giữ sự ấm nóng cho bếp lửa, để giữ lấy sự sống cho gia đình, có đủ cơm no ấm áo cho đứa cháu trai. Nghĩ đến hương khói ngày ấy, sống mũi tôi bất giác cay lên, có lẽ mùi hương ấy sẽ chẳng thể nào phai và đáng quý hơn bất kể mùi hương lạ nào.

Tôi lớn hơn vài tuổi, đó là lúc cuộc kháng chiến của dân tộc đi vào gian nan nhất, cha mẹ vào chiến trường, để lại tôi cho bà nuôi dạy. Những năm tháng ấy tiếng chim tu hú luôn ám ảnh tâm thức tôi, nó xuất hiện mọi lúc mọi nơi làm cho con người ta não lòng, tôi chợt nhớ cha, nhớ mẹ biết mấy. Khi ấy ở làng chưa có trường, bà là người dạy tôi đọc sách viết chữ, dạy tôi nhóm lửa, làm mọi thứ, bảo ban tôi từng li từng tí một,… Bà còn hay kể chuyện ngày xưa khi gia đình còn ở Huế, tôi còn chưa biết Huế ra sao nhưng nó hiện lên trong lời kể của bà thật đẹp thật đáng ước mơ. Nhưng đột nhiên tôi lại thấy thương bà mỗi khi màn đêm buông xuống. Bóng lưng bà gầy gò in trên vách lều khi đèn dầu được đốt lên, có lẽ, nếu không vì tôi, tấm lưng kia đã không gầy đến thế. Và tôi nhớ đến tu hú, thay vì kêu não lòng người ngoài cánh đồng xa vắng, chúng đến ở đây với tôi, với bà, có lẽ hai bà cháu sẽ bớt phần cô đơn hơn.

Nhưng cuộc sống yên bình rồi cũng qua. Năm ấy, quân giặc tràn đến làng, đốt nhà, cướp của, bắt người,… tội ác để không biết đâu cho hết. Căn nhà nhỏ bé đơn xơ xưa kia đâu còn, hia bên làng xóm thương hai bà cháu côi cút, giúp đỡ dựng được túp lều tranh để che mưa, che nắng. Tôi liền muốn viết thư cho cha kể cha mẹ nghe về việc ấy nhưng bà bảo: “Bố ở chiến khu, bố còn việc bố, con có viết thư chớ kể này kể nọ, cứ bảo nhà vẫn được bình yên để bố mẹ yên tâm mà đánh giặc cùng mọi người”. Vậy là trong lá thư ấy chỉ có nỗi nhớ tôi dành cho cha mẹ và như lời bà tôi nói nhà vẫn được bình yên. Khi ấy tôi cứ thắc mắc mãi vì sao bà không cho tôi kể về việc nhà bị giặc đốt, nhưng khi lớn lên tôi mới thấy hết sự kiên cường của bà. Bà không muốn cha mẹ tôi lo, bà chọn cách tự mình gánh vác việc nhà để con cái lo toan việc đất nước, đánh giặc, bảo vệ độc lập. Bà có niềm tin vững chắc vào cuộc kháng chiến của dân tộc ta, có một lòng lặng lẽ hi sinh cao cả. Có lẽ không chỉ bà tôi mà tất cả những người bà người mẹ của dân tộc đều kiên cường như thế.

Nay tôi đang được đón nhận nền học vấn ở một nơi xa yên ổn và an bình nhưng không ngày nào tôi thôi nhớ về quê hương, nhớ về bà tôi. Mấy chục năm nay, bà vẫn tần tảo sớm hôm một nắng hai sương như vậy và trong những lá thư gửi qua tôi biết bà vẫn giữ thói quen dậy sớm nhóm bếp. Ở nơi quê nhà chỉ có một mình nhưng bà có bà con lối xóm cùng chia ngọt sẻ bùi nên cũng ắp đầy tình thương mến. Và có lẽ ở đó, bà nhóm lên bếp lửa từng ngày là để giữ lại hơi ấm lửa của tuổi thơ cho đứa cháu một ngày trở về sẽ ngồi lại bên hơi ấm ấy mà ôm bà. Ngọn lửa ấy chính là ngọn lửa thiêng liêng và kì diệu nhất cuộc đời tôi, là ngọn lửa đại diện cho sự sống và tình yêu không bao giờ tắt.

Giờ ở nơi đất khách, tôi vẫn không sao quên được mùi khóm của bà, hơi ấm lửa của bà, dù sau này có đi đâu xa, có ngọn khói trăm tàu, lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả thì hạnh phúc của tôi cũng chỉ đặt ở ngọn lửa do chính tay bà nhen mà thôi.

Ngoài tiêu đề trên thì cũng có rất nhiều dạng đề gần tương tự như: đóng vai người cháu trong bài bếp lửa kể lại, kể lại bài thơ bếp lửa bằng văn xuôi, kể lại tình bà cháu trong bài thơ bếp lửa... thì các bạn cũng làm tương tự. Độ dài ngắn tùy theo yêu cầu của giáo viên
 
  • Chủ đề
    bang viet bep lua chuyen bep lua thanh van xuoi ke lai cau chuyen bep lua van lop 9
  • Thống kê

    Chủ đề
    100,693
    Bài viết
    467,486
    Thành viên
    339,837
    Thành viên mới nhất
    càmtkb
    Top