Có tiền nên gửi tiết kiệm và ... chờ

Nên rót tiền vào kênh đầu tư nào? Tỉ lệ giải ngân bao nhiêu?… Đó luôn là những điều các nhà đầu tư trong lĩnh vực tài chính quan tâm.
Tùy thuộc vào đặc điểm thị trường mà mỗi người sẽ có một chiến lược đầu tư riêng. Có người cho rằng, vào thời điểm này, nếu có tiền Việt, nên gửi tiết kiệm ngân hàng hưởng lãi suất 14%.
tk.jpg
Với vàng và ngoại tệ, theo Nghị quyết 11của Chính phủ, hai thị trường này sẽ ở trong tầm kiểm soát của Nhà nước.

Những giải pháp về kiểm soát vàng miếng đã được trình Chính phủ vào cuối tháng 4/2011, các nhà đầu tư có thể yên tâm vì các giải pháp kiểm soát vàng miếng đó sẽ được đặt ra trên cơ sở đảm bảo quyền sở hữu tài sản hợp pháp của người dân, cũng như trên nguyên tắc tôn trọng thị trường.

Về vấn đề ngoại tệ, thực chất, tình trạng USD và tồn tại thị trường USD chợ đen là hệ quả của những vấn đề vĩ mô, không thuộc về vi mô. Vì vậy, nếu kinh tế vĩ mô ổn định, tất yếu sẽ không còn bất ổn từ USD và ngoại tệ cũng sẽ hết hấp dẫn các nhà đầu tư. Với lãi suất tiền gửi VND 14%/năm (trên thực tế, có thể còn cao hơn), lãi suất gửi USD 3% năm (theo quy định vừa qua của Nhà nước), tỷ giá VND/USD có dấu hiệu “dịu” lại, thì ít ra trong ngắn hạn, gửi VND có lợi hơn.

Riêng với chứng khoán, hiện nay chưa có dấu hiệu hoặc cơ sở nào để dự đoán là sẽ sớm hồi phục. Trong thời điểm này nhà đầu tư nên có chiến lược giữ tiền mặt để học hỏi và giữ phong độ. Trong trường hợp nền kinh tế vĩ mô ổn định thực sự, thì hết quý 3, đầu quý 4, TTCK sẽ tốt hơn.

Lúc đó, có thể đảo ngược giảm tỷ lệ nắm giữ tiền mặt và nhà đầu tư nên chọn các cổ phiếu phù hợp để giải ngân. Một chiến lược đầu tư trung hạn lúc này cũng là khôn ngoan và hợp lý.

Đối với các nhà đầu tư, nếu đầu tư ngắn hạn, nên xem xét kỹ cơ cấu vốn của mỗi doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp có tỉ lệ nợ trên vốn sở hữu cao, thì trong lúc này có lẽ chưa nên chọn để đầu tư. Đơn giản là lãi suất vốn vay hiện rất cao, sẽ gây áp lực lên hoạt động kinh doanh của DN đó.

Đặc điểm thứ hai để lựa chọn là vòng quay vốn. Doanh nghiệp càng có vòng quay vốn nhanh thì càng ít chịu tác động xấu của lãi suất cao. Tiếp nữa, nên nhớ là những ngành hàng thuộc về tiêu dùng thiết yếu, có mức cầu thực tế, thường là những ngành đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận cho dù trong bối cảnh lạm phát.

Nhìn về trung và dài hạn, Việt Nam vẫn là nền kinh tế đang phát triển và cần được hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Do đó, các ngành điện, viễn thông, giao thông vận tải, logicstic tiếp tục phát triển. Những ngành chiếm tỉ trọng lớn/GDP của cả nước như dầu khí sẽ rất tiềm năng.

Về thị trường bất động sản, chưa thấy có cánh cửa cho tăng trưởng. Tín hiệu siết tín dụng dành cho đầu tư kinh doanh bất động sản của Ngân hàng Nhà nước là rất rõ ràng. Đầu tư thứ cấp hay còn gọi là đầu cơ sẽ ít có cơ hội thao túng thị trường này. Ở một số phân khúc mà nguồn cung đã tăng quá cao và giá cả chưa về mức hợp lý, đặc biệt là nguồn cung căn hộ cao cấp thì mức độ cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn.

Trong khi đó, những phân khúc địa ốc nhà ở trung bình thấp, logicstic, hậu cần vẫn có chưa được khai phá hoặc chỉ mới khai phá chút ít, nếu chủ đầu tư lẫn nhà đầu tư biết chọn lọc, ứng dụng khoa học kỹ thuật để hạ giá thành, vẫn có thể đầu tư được.

Hiệu quả đầu tư của nền kinh tế nói chung cũng như các kênh đầu tư tài chính nói riêng đang phụ thuộc không phải vào một, hai chỉ tiêu tiền tệ hay tài khóa, mà là phụ thuộc nghệ thuật điều hành của các nhà quản lý. Nếu chúng ta thực hiện tốt, kiên nhẫn, hiệu quả nghị quyết, kinh tế vĩ mô trong nước sẽ nhanh chóng ổn định và sớm thoát khỏi những tác động lớn từ kinh tế thế giới.


TS. Võ Trí Thành
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương

(Theo DVT) vtc.vn
 
  • Chủ đề
    2011 bảo cần của dài hay hiệu quả học hỏi kết một số nhẫn phát tải thành thao thể thế giới tình tốt triển trong ứng dụng việt nam với đảm bảo
  • Top