Dàn ý phân tích bài thơ “Tây Tiến” khổ 3 chi tiết đầy đủ nhất

“Tây Tiến” là một bài thơ đặc sắc trong sự nghiệp thơ Quang Dũng, bài thơ được coi như khúc tráng ca hào hùng về người chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam. Dưới đây là dàn ý phân tích đoạn 3 của bài thơ rát đầy đủ mà các bạn có thể tham khảo.

Văn học nói chung và thơ ca nói riêng, luôn đa dạng trong nội dung, tư tưởng cũng như hình thức thể hiện. Cùng tiếp cận một chủ đề, mỗi nhà văn, nhà thơ – với cái nhìn tinh tế và ngòi bút tài hoa của mình, lại có cách cảm và cách biểu lộ khác nhau. Nếu chọn năm tác giả tiêu biểu trong thời kì kháng chiến chống Pháp có thể không có Quang Dũng nhưng nếu chọn năm bài thơ hay nhất, Tây Tiến chắc chắn phải được xứng tên bên cạnh những tên tuổi của làng văn học. Tây Tiến được xem là đứa con đầu lòng tráng kiện và hào hoa của đời thơ Quang Dũng. Ra đời trong những năm tháng không thể nào quên của lịch sử, bài thơ là nỗi nhớ niềm thương mà Quang Dũng gửi đến đồng đội và mảnh đất miền Tây yêu dấu. Trên cái nền là thiên nhiên miền Tây vừa hùng vĩ, hoang sơ, vừa thơ mộng, trữ tình, Quang Dũng đã khắc họa thành công bức tượng đài về người lính Tây Tiến với vẻ đẹp hào hùng, lãng mạn. Để hiểu rõ hơn về tác phẩm, mình sẽ hướng dẫn các bạn lập dàn ý về khổ 3 của bài thơ.

dan-y-kho-3-tay-tien.jpg


DÀN Ý KHỔ 3 BÀI THƠ TÂY TIẾN


I. MB: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác
  • Quang Dũng sinh ra ở vùng “xứ Đoài mây trắng”, là nghệ sĩ đa tài, có tâm hồn hồn hậu, phóng khoáng
  • Bài thơ “Tây Tiến” được sáng tác sau khi tác giả rời xa đơn vị cũ, là những kỉ niệm về đoàn quân Tây Tiến và thiên nhiên miền Tây
  • Vị trí đoạn trích: là khổ thứ 3 trong mạch cảm xúc thơ
  • “Tây Tiến” là tác phẩm nổi tiếng nhất của Quang Dũng, được in trong tập “Đôi mắt người Sơn Tây”. Bài thơ được viết trong nỗi nhớ da diết của Quang Dũng về đồng đội, về những kỉ niệm của đoàn quân Tây Tiến gắn liền với khung cảnh thiên nhiên miền Tây Bắc hùng vĩ, hoang sơ nhưng cũng rất trữ tình, thơ mộng.

II. Thân bài:
1. Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm:
a. Tác giả:
  • ·Quang Dũng là một nhà thơ của miền xứ Đoài mây trắng, nay thuộc Hà Tây, Hà Nội.
  • Là một hồn thơ trung hậu, thiết tha với đất nước, con người quê hương dân tộc; một cái tôi hào hoa, thanh lịch, giàu chất lãng mạn xong lại rất mực hồn nhiên, chân chất.

b. Tác phẩm:
  • Xuất xứ: tập “Mây đầu ô” (1986).
  • Hoàn cảnh sáng tác: năm 1948, Quang Dũng phải dời đơn vị mình chuyển sang đơn vị khác tại Phù Lưu Chanh.
  • Bài thơ được viết trong nỗi nhớ, là kỉ niệm của nhà thơ về những tháng ngày sống cùng đồng đội trong đoàn quân Tây Tiến.
c. Phân tích khổ thơ

4 câu đầu: Chân dung người lính Tây Tiến: vừa hào hùng, bi tráng, vừa hào hoa, lãng mạn
  • Bằng bút pháp tả thực: người lính hiện lên với vẻ ngoài ốm yếu, xanh xao bởi căn bệnh sốt rét rừng. Miêu tả người lính trong gian khổ cùng hậu quả của nó và nghiêng về ca ngợi vẻ đẹp phi thường, lãng mạn, hào hùng đem đến ấn tượng mạnh mẽ về tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường vượt lên khó khăn, chiến thắng khó khăn.
  • Cách nói đậm chất lính: “dữ oai hùm”: người lính hiện lên với vẻ hiên ngang, oai hùm của chúa rừng xanh
  • “Mắt trừng”: cái sục sôi của nội tâm, ẩn chứa giấc mộng lập công danh. “ Mắt trừng” là ánh mắt mở to, hướng thẳng về phía trước, ánh mắt ngời lên ý chí chiến đấu và khát vọng chiến thắng, khát vọng gửi trong mộng chiến trường cao đẹp của những người trai thời loạn.
  • “Dáng kiều thơm”: bóng dáng của người thiếu nữ yêu kiều thướt tha, vừa là điểm tựa nâng đỡ tâm hồn, vừa là điểm hẹn của niềm khao khát
“ Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

4 câu sau: Hiện thực khắc nghiệt của cuộc kháng chiến
  • Mồ viễn xứ: cái chết hiện lên qua hình ảnh những nấm mồ hoang nằm rải rác nơi biên cương xa xôi, lạnh lẽo
  • “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”: lí tưởng cao đẹp của người lính Tây Tiến: sẵn sàng hiến dâng tuổi trẻ cho Tổ quốc khi cần, mang trong mình tinh thần “nhất khứ bất phục phản”
  • “Về đất”: sử dụng cách nói giảm nói tránh, kết hợp với “áo bào” để tạo sắc thái trang trọng. Sự hi sinh của người lính trở thành hành động tịnh nghĩa, trở về với đất mẹ sau khi đã hóa thân trọn vẹn vào dáng hình xứ sở
  • Nếu như ở câu thơ trên con người dường như câm lặng trước nỗi đau thì ở câu dưới thiên nhiên lại dữ dội gầm gào cuộn thét:
  • “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
  • Sông Mã đã từng xuất hiện trong tiếng gọi thiết tha ở đầu bài thơ “ Sông Mã xa rồi, Tây Tiến ơi” như một biểu tượng của người miền Tây, của Tây Tiến, của quá khứ, nay sông Mã trở lại với âm thanh dữ dội hào hùng trong cách tiễn đưa sĩ tử. Tiếng gầm của sông Mã: loạt đại bác rền vang mang sắc thái thiêng liêng như một lời thề, bức tượng đài của người lính bất tử trong lòng sông núi.
  • Quang Dũng đã không hề né tránh hiện thực, nhưng cái hiện thực ấy đã được nâng lên bằng đôi cánh lãng mạn. Sử dụng hàng loạt những từ ngữ Hán- Việt " biên cương ", " viễn xứ" những từ ngữ đó gợi lên sự cổ kính trang trọng. Trong cuộc chiến đấu gian khổ đó có rất nhiều người lính phải bỏ mạng nơi chiến trường khốc liệt, những nấm mồ của họ nằm " rải rác" nơi biên cương lạnh lẽo.
III. KB:
  • Quang Dũng đã khắc họa thành công bức tượng đài bất tử về người lính Tây Tiến
  • Khổ thơ góp phần thể hiện phong cách tác giả: lãng mạn, tài hoa, độc đáo
Với cảm hứng và ngòi bút tài hoa, Quang Dũng đã khắc họa thành công hình tượng người lính Tây Tiến trên cái nền cảnh thiên nhiên núi rừng miền tây hùng vĩ, dữ dội và mĩ lệ. Hình tượng người lính Tây Tiến trong đoạn 3 cũng như hình tượng người lính nói chung mang vẻ đẹp lãng mạn, đậm chất bi tráng sẽ còn có sức hấp dẫn lâu dài đối với người đọc.

-Hiên Bùi-
 
  • Chủ đề
    khổ 3 quang dung tây tiến
  • Top