Đáp án đề thi cao đẳng môn văn khối D 2011

Gợi ý giải ĐỀ THI TUYỂN SINH CAO ĐẲNG NĂM 2011
Môn: NGỮ VĂN; Khối: D

PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (5,0 điểm)
Câu I (2,0 điểm)
Trong phần đầu vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt Lưu Quang Vũ, nguyên nhân nào dẫn đến cái chết bất ngờ của nhân vật Trương Ba? Kết thúc vở kịch (cảnh VII), Hồn Trương Ba đã tự quyết định về sự sống, chết của chính mình như thế nào? Nêu ngắn gọn ý nghĩa nội dung lời thoại của nhân vật Hồn Trương Ba: Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn.

Câu II (3,0 điểm)
Khi thói ích kỉ trở thành lối sống của con người thì tinh thần hi sinh vì cộng đồng, tình thương yêu đồng loại, sự sẻ chia với mọi người chỉ còn là những giá trị lạc lõng.
Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến trên

PHẦN RIÊNG (5,0 điểm)
Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu III.a hoặc III.b)
Câu II.a. Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm)
Phân tích hình tượng rừng xà nu trong đoạn trích sau (rút từ truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành):
Làng ở trong tầm đại bác của đồn giặc (…). Hầu hết đạn đại bác đều rơi vào ngọn đồi xà nu cạnh con nước lớn. Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão. Ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quyện thành từng cục máu lớn
Trong rừng ít có loại cây sinh sôi nảy nở khỏe như vậy. Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời. Cũng có ít loại cây ham ánh sáng mặt trời đến thế. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, lóng lánh vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra, thơm mỡ màng. Có những cây con vừa lớn ngang tầm ngực người lại bị đại bác chặt đứt làm đôi. Ở những cây đó, nhựa còn trong, chất dầu còn loãng, vết thương không lành được, cứ loét mãi ra, năm mười hôm thì cây chết. Nhưng cũng có những cây vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá sum sê như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng. Chúng vượt lên rất nhanh, thay thế những cây đã ngã … Cứ thế hai ba năm nay rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng …
Đứng trên đồi xà nu ấy trông ra xa, đến hết tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp tới chân trời.
(Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2010, tr. 38)

Câu II.b. Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm)
“Đây thôn Vĩ Dạ” là bức tranh đẹp về một miền quê đất nước; là tiếng lòng của một thi sĩ tha thiết yêu đời, yêu người.
Anh/ chị hãy phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử để làm sáng tỏ ý kiến trên.
BÀI GIẢI GỢI Ý
Câu I.
- Nguyên nhân dẫn đến cái chết bất ngờ của nhân vật Trương Ba : sự tắc trách của Nam Tào, Bắc Đẩu – vì vội đi dự tiệc nên gạch nhầm tên của Trương Ba.
- Kết thúc cảnh VII của vở kịch, Hồn Trương Ba quyết định chấp nhận cái chết thật, trả lại xác cho anh hàng thịt.
- Ý nghĩa lời thoại của nhân vật Trương Ba : không thể có một tâm hồn thanh cao trong một thân xác phàm tục, thô thiển. Khi con người bị chi phối bởi những nhu cầu bản năng của thân xác thì không nên chỉ đổ lỗi cho thân xác, không nên tự lừa dối bằng vẻ đẹp siêu hình của tâm hồn. Con người chỉ là chính mình, cuộc sống chỉ có ý nghĩa thật sự khi thể xác và tâm hồn hòa hợp với nhau.
Câu II.
Câu II
Thí sinh cần đáp ứng đúng các yêu cầu cơ bản của đề bài: Viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến: “Khi thói ích kỉ trở thành lối sống của con người thì tinh thần hy sinh vì cộng đồng, tình thương yêu đồng loại, sự sẻ chia với mọi người chỉ còn là những giá trị lạc lõng”
Thí sinh có thể trình bày nội dung theo những cách thức khác nhau. Sau đây là một số gợi ý
_ Giới thiệu vấn đề: ý kiến của đề bài
_ Giải thích: ích kỉ, lối sống, tinh thần hy sinh, giá trị lạc lõng để khẳng định ý kiến trong đề, nói lên tác hại lớn của lối sống ích kỉ trước những giá trị chân chính trong cuộc sống.
_ Bàn luận:
• Ích kỉ là một biểu hiện tiêu cực nơi con người. Bản thân nó đã có tác hại hạ thấp nhân cách con người.
• Khi thói ích kỉ trở thành lối sống của con người, trở thành một hình thức sống phổ biến, ổn định, nó gây ra những tác hại lớn: ngăn chặn, thậm chí triệt tiêu những giá trị chân chính của cuộc sống (tinh thần hy sinh vì cộng đồng, tình thương yêu đồng loại, sự sẻ chia với mọi người)
• Nguyên nhân: do bản chất của vấn đề (sự mâu thuẫn có tính bản chất giữa ích kỉ với vị tha, yêu thương); do bản thân con người (vị kỉ, thiếu niềm tin, được nuông chiều quá đáng, thiếu tinh thần vị tha, thiếu tình thương); do ảnh hưởng của xã hội.
_ Bài học nhận thức và hành động:
• Bản thân từng con người:
+ Nhận thức được tác hại của ích kỉ, lối sống ích kỉ; giá trị chân chính của cuộc sống.
+ Phấn đấu để hoàn thiện, nâng cao nhân cách
• Xã hội:
+ Phê phán, lên án ích kỉ, lối sống ích kỉ và những điều xấu xa khác trong cuộc sống con người và xã hội.
+ Biểu dương, ca ngợi những giá trị chân chính của con người và cuộc sống, tinh thần hy sinh vì cộng đồng, tình thương yêu đồng loại, sự sẻ chia với mọi người
_ Đánh giá chung: Đây là một ý kiến xác đáng, lời cảnh báo, nhắc nhở đầy ý nghĩa với bản thân mỗi người, với xã hội. Đồng thời, đây cũng là lời khuyên con người cần phải gạt bỏ thói ích kỉ, biết hướng tới cộng đồng, quan tâm, sẻ chia với mọi người.
Câu III.a.
I. Giới thiệu :
- Nguyễn Trung Thành gắn bó sâu nặng với chiến trường Tây nguyên trong cuộc kháng chiến lớn của dân tộc và vì vậy khi viết về đề tài Tây nguyên và chiến tranh rất thành công.
- “Rừng xà nu” là thiên truyện được miêu tả đặc sắc về thiên nhiên và con người Tây nguyên trong chiến tranh: đau thương và gan góc, khí phách.
- Đoạn văn đặc tả cây xà nu mang linh hồn như một con người.
II. Nội dung :
1. Thiên nhiên Tây nguyên (rừng xà nu) bị tàn phá dữ dội trong làn bom đạn quân thù nhưng vẫn tiềm tàng sức sống mãnh liệt.
- Cây xà nu là hình tượng xuyên suốt được miêu tả công phu, đặc biệt qua đoạn văn “Làng trong tầm đại bác giặc (…) nối tiếp tới chân trời.”
+ Cây xà nu gắn bó mật thiết với dân làng Xô man.
+ Là loại cây ham ánh nắng mặt trời (dẫn chứng)
+ Có sức sống dẻo dai (dẫn chứng)
+ Cây xà nu chịu nhiều đau thương bởi quân thù tàn bạo
+ Có sức sống bất diệt (dẫn chứng)
2. Cây xà nu là biểu tượng cho cuộc sống và phẩm chất cao đẹp của người Xô man.
- Cây xà nu ham ánh sáng như con người Xô man yêu cách mạng.
- Cây xà nu bị tàn phá dữ dội như dân làng Xô man chịu nhiều đau thương.
- Cây xà nu có sức sống mãnh liệt không gì tàn phá nổi (dẫn chứng) như dân làng Xô man kế tiếp nhau đứng lên đánh giặc.
- Những vết thương của cây không chỉ phản quang tội ác quân thù, mà nhiều góc độ khác nhau, cây như những con người gan góc, dũng cảm, kiên cường, bất khuất.
- Tác giả không miêu tả một cây mà là một rừng cây bất diệt như thế trận trùng trùng điệp điệp của nhân dân đã làm ngời sáng chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng thời đánh Mĩ của nhân dân ta.
- Mỗi lời văn đã tạo cái không khí sử thi, hoang dã, kết tinh hình ảnh thiên nhiên và con người Tây nguyên.
III. Kết luận :
- Hình tượng nghệ thuật có ý nghĩa biểu tượng. Mỗi lời văn đã tạo cái không khí sử thi, hoang dã, kết tinh hình ảnh thiên nhiên và con người Tây nguyên.
- Ngôn ngữ trang trọng, hình ảnh hào hùng tráng lệ. Hình tượng nghệ thuật có ý nghĩa biểu tượng.
Câu III.b.
Căn cứ vào bản thân văn bản thơ, ta thấy nổi lên hàng đầu là hình ảnh Huế đẹp và thơ. Bài thơ gồm 3 khổ, 12 câu thất ngôn. Mỗi khổ thơ dường như được dành để nói về một phương diện của Huế.
1/ Giới thiệu vấn đề :
- Giới thiệu khái quát về Hàn Mặc Tử và bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ
- Giới thiệu luận đề : “Đây thôn Vĩ Dạ là bức tranh đẹp về một miền quê đất nước; là tiếng lòng của một thi sĩ tha thiết yêu đời, yêu người.”
2/ Phân tích :
a. Bức tranh đẹp về một miền quê đất nước :
- Khổ thơ thứ nhất :
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?” Câu hỏi làm sống dậy kỷ niệm về thôn Vĩ, nói rộng hơn về xứ Huế, trong tâm hồn đằm thắm và thơ mộng của Hàn Mặc Tử.
Cảnh buổi sớm nơi thôn Vĩ: Nắng mới lên, chiếu sáng, lấp loáng những hàng cau. Vĩ Dạ có những hàng cau thẳng tắp thân cao vượt lên trên các mái nhà và những tán cây. Những tàu cao con bóng loáng sương đêm như hút lấy ánh sáng lúc ban mai.
“Vườn ai mướt quá xanh như ngọc” là câu thơ không có gì đặc sắc tân kỳ lắm về mặt sáng tạo hình ảnh và từ ngữ, nhưng càng nghĩ càng thấy tả những vườn cây tươi tốt, xum xuê của Vĩ Dạ cũng chỉ có thể nói như thế mà thôi. Mỗi ngôi nhà ở Vĩ Dạ, nói chung ở Huế, được gọi là những nhà vườn. Vườn bọc quanh nhà, gắn với ngôi nhà xinh xinh thường là nhà trệt, thành một cấu trúc thẩm mĩ chặt chẽ. Xuân Diệu gọi mỗi cấu trúc ấy là một bài thơ tứ tuyệt. Vì thế vườn được chăm sóc chu đáo – Những cây cảnh và cây ăn quả đều xanh tốt mơn mởn và sạch sẽ, dường như được cắt tỉa, lau chùi, mài giũa thành những cành vàng lá ngọc. Sự ví von ở đây được nâng lên theo hướng cách điệu hoá. Khuynh hướng cách điệu hóa được đẩy lên cao hơn nữa ở câu thứ tư: “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Đã gọi là cách điệu hóa thì không nên hiểu theo nghĩa tả thực, tuy rằng cách điệu hoá cũng xuất phát từ sự thực: thấp thoáng đằng sau những hàng rào xinh xắn, những khóm trúc, có bóng ai đó kín đáo, dịu dàng, phúc hậu.
- Khổ thơ thứ hai, dòng kỷ niệm vẫn tiếp tục. Nhớ Huế không thể không nhớ dòng sông Hương.
Dòng sông Hương, gió và mây. Con thuyền ai đó đậu dưới ánh trăng nơi bến vắng... Bốn câu thơ như diễn tả cái nhịp điệu nhẹ nhàng, chậm rãi của Huế.
Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Cái tinh tế ở đây tả làn gió thổi rất nhẹ, không đủ cho mây bay, không đủ cho nước gợn, nhưng gió vẫn run lên nhè nhẹ cho hoa bắp lay. Tất nhiên đây phải là cảnh sông Hương chảy qua Vĩ Dạ lững lờ trôi về phía cửa Thuận. Đúng là nhịp điệu của Huế rồi.
Hai câu tiếp theo đầy trăng. Cảnh trong kỷ niệm nên cảnh cũng chuyển theo lôgich của kỷ niệm. Cảnh sông Hương không gì thơ mộng hơn là dưới ánh trăng – Hàn Mặc Tử cũng không mê gì hơn là mê trăng. Trăng trở thành nhân vật có tính huyền thoại trong nhiều bài thơ của ông. Ánh trăng huyền ảo tràn đầy vũ trụ, tạo nên một không khí hư ảo, như là trong mộng:
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Phải ở trong mộng thì sông mới có thể là “sông trăng” và thuyền mới có thể “chở trăng về” như một du khách trên sông Hương... Hình ảnh thuyền chở trăng không gì mới, nhưng “sông trăng” thì có lẽ là của Hàn Mặc Tử.
- Khổ thứ ba: Người xưa nơi thôn Vĩ.
Nhớ cảnh không thể không nhớ người. Người phù hợp với cảnh Huế không gì hơn là những cô gái Huế. Ai làm thơ về Huế mà chẳng nhớ đến những cô gái này (Huế đẹp và thơ của Nam Trân. Dửng dưng của Tố Hữu...)
Khổ thơ dường như mở đầu bằng một lời thốt ra trước một hình ảnh ai đó tuy mờ ảo nhưng có thực:
Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Mờ ảo vì “khách đường xa” và “nhìn không ra” nhưng có thực vì “áo em trắng quá”. Hình ảnh biết bao thân thiết nhưng cũng rất đỗi xa vời. Xa, không chỉ là khoảng cách không gian mà còn là khoảng cách của thời gian, và mối tình cũng xa vời – vì vốn xưa đã gắn bó, đã hứa hẹn gì đâu. Vì thế mà “ai biết tình ai có đậm đà?”
“Ai” là anh hay là em? Có lẽ là cả hai. Giữa hai người (Hàn Mặc Tử và cô gái mà nhà thơ đã từng thầm yêu trộm nhớ) là “sương khói” của không gian, của thời gian, của mối tình chưa có lời ước hẹn, làm sao biết được có đậm đà hay không? Lời thơ cứ bâng khuâng hư thực và gợi một nỗi buồn xót xa.
Nhưng khổ thơ không chỉ minh hoạ cho mối tình cụ thể giữa nhà thơ và người bạn gái. Đặt trong dòng kỷ niệm về Huế, ta thấy hiện lên trong sương khói của đất kinh đô hình ảnh rất đặc trưng của các cô gái Huế. Những cô gái Huế thường e lệ quá, kín đáo quá nên xa vời, hư ảo quá. Những cô gái ấy khi yêu, liệu tình yêu có đậm đà chăng? Đây không phải là sự đánh giá hay trách móc ai. Tình yêu càng thiết tha, càng hay đặt ra những nghi vấn như vậy.
b. Tiếng lòng của một thi sĩ tha thiết yêu đời, yêu người:
- Tình trong thơ bao giờ cũng là tình riêng. Nhưng tình riêng chỉ có ý nghĩa khi nói được tình của mọi người. Phép biện chứng của tình cảm nghệ sĩ là như vậy. Đối với sự tiếp nhận của người đọc, nổi lên trước hết trong khổ thơ này, cũng như trong toàn bộ bài thơ vẫn là hình ảnh thơ mộng và đáng yêu của cảnh và người xứ Huế.
- Bài thơ là một mạch liên tưởng từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Quá khứ trong trẻo, ấm áp và đầy sức sống; hiện tại hiu hắt, buồn bã, chia lìa; tương lai xa xôi nhạt nhòa trong sương khói. Đồng thời với dòng thời gian là sự di chuyển cảm xúc từ cõi thực qua cõi mơ để cuối cùng tới cõi hư vô. Qua dòng thời gian và không gian người đọc có thể nhận ra tình yêu say đắm, mãnh liệt của một thi sĩ lãng mạn với cuộc đời cùng nỗi bất hạnh, đau đớn, tuyệt vọng của ông khi phải chia lìa, cách biệt với cuộc đời.
3/ Đánh giá chung :
- Bài thơ là một bức tranh đẹp về thôn Vĩ Dạ - xứ Huế - một miền quê đất nước.
- Bài thơ còn là tiếng lòng của một thi sĩ tha thiết yêu đời, yêu người.
- Bút pháp nghệ thuật đặc sắc (cách dùng từ, đặt câu, tạo nhịp điệu, các biện pháp tu từ) đã góp phần làm rõ tâm trạng cảm xúc của nhân vật trữ tình cũng như miêu tả bức tranh thiên nhiên.

Hà Phương Minh
(TT Luyện thi Đại học Vĩnh Viễn – TP.HCM)



Bạn muốn điểm thi, điểm chuẩn được tự động gửi về máy ngay khi có ? Và muốn biết vị trí xếp hạng của bạn tại trường dự thi? Soạn tin:

VD: Tra cứu thông tin của thí sinh có số báo danh DDFD151088
Soạn tin: DT DDFD151088 gửi 8702
Để nhận trọn gói thông tin về Điểm thi, vị trí xếp hạng của thí sinh có số báo danh DDFD151088 và điểm chuẩn của trường mà thí sinh có số báo danh DDFD151088 tham gia dự thi.
Nhanh tay để là người biết thông tin sớm nhất!
 
  • Chủ đề
    2010 cách cần dòng sông hay hóa kết liên mọi nhất phá phát tàng thành thể thông tin tình tốt trụ truyện truyện ngắn văn việt nam với đẹp
  • Thống kê

    Chủ đề
    100,656
    Bài viết
    467,423
    Thành viên
    339,831
    Thành viên mới nhất
    TuanShinhanbank
    Top