Đóng vai cô kĩ sư, kể lại cuộc gặp gỡ, trò chuyện với anh thanh niên

Nói đến truyện ngắn là ta không thể không nói đến nhân vật. Vì cách xây dựng nhân vật thể hiện sự quan sát, chiêm nghiệm, nghiền ngẫm về hiện thực đời sống đồng thời thể hiện những quan niệm, tư tưởng và tài năng của nhà văn. Qua nhân vật mà ta hiểu rõ hơn về tác giả cũng bởi vậy. Do đó, việc đóng vai nhân vật để kể lại câu chuyện là rất cần thiết. Những bài làm văn mẫu dưới đây sẽ giúp các bạn đóng vai cô kĩ sư để kể lại cuộc gặp gỡ, trò chuyện với anh thanh niên trong truyện ngắn “ Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long. Truyện ngắn được viết trong một chuyến đi thực tế của nhà văn lên vùng Tây Bắc của Tổ quốc. Khi làm, các bạn cần lưu ý là tôn trọng nội dung câu chuyện, tránh kể xuyên tạc, bịa đặt, từ ngữ dùng trong sáng, chuẩn mực. Các bạn có thể tham khảo những bài văn mẫu dưới đây để từ đó định hình cách viết cho riêng mình. Chúc các bạn thành công!

anh-thanh-nien-co-ky-su.jpg

BÀI LÀM VĂN MẪU TRONG VAI CÔ KĨ SƯ, KỂ LẠI CUỘC GẶP GỠ, TRÒ CHUYỆN VỚI ANH THANH NIÊN.
Cuộc đời của mỗi chúng ta vốn có nhiều chuyến đi, có những chuyến đi khiến chúng ta mãi không thể quên bởi tại nơi đó, đã để lại cho ta nhiều bài học đáng quý. Cái chuyến đi ấy, chuyến đi lên Sa Pa cùng bác họa sĩ để rồi gặp anh thanh niên mà mãi sau này tôi không thể nào quên được. Tôi luôn kính trọng và ngưỡng mộ anh…

Xe chúng tôi sau chặng đường dài liền dừng chân tại Sa Pa. Bác lái xe nói rằng sẽ giới thiệu một anh thanh niên cho tôi và bác họa sĩ. Khi nhìn thấy anh, bất giác mặt tôi đỏ lên. Anh liền chạy lên nhà để chuẩn bị trước còn tôi và bác họa sĩ theo sau. Tới nơi, ngôi nhà thật gọn gàng, có cả những luống hoa đủ màu sắc nữa. Thấy tôi, anh liền tặng tôi bó hoa. Chắc lúc đó vì quá vui mừng mà tôi liền nhận ngay bó hoa từ tay anh. Bó hoa đó coi như là kỉ niệm cho lần gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi. Anh mời tôi và bác họa sĩ vào nhà và chúng tôi có khoảng ba mươi phút nói chuyện.

Bước vào nhà, tôi đưa mắt ngắm những đồ vật bên trong. Bất chợt tôi nhìn thấy cuốn sách anh đang đọc dở. Tôi vội tiến tới đó. Anh rót nước mời bác họa sĩ và mang đến chỗ tôi. Thấy tôi đang đọc sách, anh rất lịch sự để chén nước trên bàn. Rồi anh bắt đầu kể về công việc của anh cho chúng tôi nghe. Anh nói xong liền bảo chúng tôi kể về cuộc sống ở dưới xuôi. Nhưng bác họa sĩ lại muốn anh kể tiếp. Anh liền kể rằng mình là người “cô độc nhất thế gian” và anh rất “thèm người”. Rồi anh nói tiếp về những lẽ sống, lý tưởng sống mà anh đã chọn đồng thời kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về ông kĩ sư vườn rau hay đồng chí nghiên cứu bản đồ sét. Giữa cuộc sống, trong khi còn nhiều người quen lối sống hưởng thụ, ngai chịu một cuộc sống vất vả và gian khổ thì anh ở đó, bình dị và khiêm nhường, sẵn sàng đặt chân lên đỉnh núi Yên Sơn, sẵn sàng cống hiến. Khi bác họa sĩ muốn vẽ anh, anh lại từ chối bởi anh cho rằng còn nhiều người đẹp hơn anh. Đó không chỉ là sự khiêm nhường trong bản chất con người mà suy rộng hơn đó còn là sự mong muốn, là khát khao muốn vươn lên sống đẹp hơn, hoàn thiện hơn. Hình ảnh của anh nói riêng và bao con người lao động trên mảnh đất Sa Pa này khiến tôi càng tin tưởng hơn vào lẽ sống mà bản thân đã chọn.

Bởi quá yêu mến và kính trọng người thanh niên mà tôi đã kẹp chiếc khăn mùi soa vào cuốn sách của anh như để nó thành kỉ niệm cho lần đầu chúng tôi đã gặp gỡ nhau tại mảnh đất Yên Sơn này. Nhưng có lẽ anh đã không hiểu hết điều đó cho nên anh đã trả lại tôi. Ba mươi phút trò chuyện cuối cùng cũng hết và chúng tôi buộc phải chia tay anh để ra về. Chúng tôi ra về trong sự lưu luyến và bịn rịn.

Sau lần ấy cũng đã được vài năm. Tôi vẫn chưa có cơ hội trở lại mảnh đất Sa Pa để thăm lại chàng trai đó. Nhưng sự nhiệt tình, lối sống thầm lặng hiến dâng, sự khiêm nhường của anh mãi đã lại trong tôi những ấn tượng tốt đẹp. Một đất nước muốn vươn tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc, hòa bình thì rất cần đến những cá nhân như thế, không vị kỉ chỉ lo nghĩ riêng cho mình mà hành động theo lẽ sống và lợi ích của cả cộng đồng!
Lee.vfo.vn
 
  • Chủ đề
    anh thanh nien cô kỹ sư lặng lẽ sapa đóng vai
  • Top