Đóng vai Trương Sinh hãy kể lại truyện “Chuyện về người con gái Nam Xương”

HƯỚNG DẪN VIẾT BÀI:
“Truyền kì mạn lục” của Nguyễn Dữ là một tập truyện vô cùng đặc sắc, ghi chép tản mạn lại những câu chuyện kỳ thú, li kì trong dân gian được truyền tụng lại từ người này sang người khác. Trong đó, không thể không kể đến “Chuyện về người con gái Nam Xương”. “Chuyện về người con gái Nam Xương” là câu chuyện thứ 16 trong 20 câu chuyện được Nguyễn Dữ ghi chép trong tập “Truyền kì mạn lục”. Câu chuyện được kể theo ngôi thứ ba, người kể chuyện giấu mặt đi và chứng kiến, kể lại mọi chuyện đã diễn ra. Tuy nhiên, ngôi kể này lại không thể hiện được hết cảm xúc, suy nghĩ với những day dứt, dằn vặt, đau đớn trong tâm trạng của các nhân vật trong câu chuyện. Do đó, chúng ta có thể đóng vai, hóa thân vào các nhân vật trong câu chuyện để kể lại như: Vũ Nương, Trương Sinh, bé Đản, Linh Phi hay Phan Lang... Cách nhập vai, hóa thân kể lại câu chuyện có thể giúp nhân vật được suy nghĩ nhiều hơn, bộc lộ được cảm xúc sâu sắc hơn và người đọc cũng chiêm nghiệm được nhiều hơn. Sau đây, các bạn có thể tham khảo một số bài văn mẫu về cách hóa thân, đóng vai nhân vật Trương Sinh để kể lại truyện “Chuyện về người con gái Nam Xương” để có cách nhìn và cách viết khác. Chúc các bạn học tốt !

BÀI VĂN MẪU VỀ ĐÓNG VAI TRƯƠNG SINH KỂ LẠI TRUYỆN “CHUYỆN VỀ NGƯỜI CON GÁI NAM XƯƠNG”
“Chuyện về người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ viết về số phận của nàng Vũ Nương – một người phụ nữ đảm đang, một người vợ thủy chung, thương chồng, một người mẹ yêu con và là một người con dâu hết mực hiếu thảo. Tuy vậy, nàng phải chịu một số phận vô cùng oan trái và bất hạnh. Nàng bị chồng nghi ngờ là mất hết trinh tiết, đánh đập và đuổi đi. Rồi để chứng minh thanh tiết trong sạch của mình, Vũ Nương đã nhảy xuống sông Hoàng Giang tử tự. Một câu chuyện với một kết thúc bi thương đã để lại trong lòng người đọc nhiều hồi ức bi lụy và xót xa vô ngần. Trong bản gốc, truyện được kể theo ngôi thứ ba, người kể truyện giấu mình chứng kiến và kể lại tất cả. Tuy nhiên, sau đây, chúng ta có thể hóa thân thành nhân vật Trương Sinh để kể lại câu chuyện:

Tôi tên là Trương Sinh, quê ở Nam Xương. Vợ tôi là Vũ Thị Thiết, một người con gái tính đã thùy mị nết na lại thêm tư dung tốt đẹp. Hai vợ chồng cùng mẹ tôi sống rất vui vẻ, hạnh phúc, hòa thuận bên nhau và đứa con đầu lòng của chúng tôi cũng sắp chào đời. Không may thay, chiến tranh xảy ra ngay khi ấy, binh lửa loạn lạc của cuộc nội chiến kéo dài và tôi bị gọi đi tòng quân. Khi nhận được lệnh, tôi chia tay với mẹ và vợ trong niềm xót xa, bâng khuâng và bồi hồi. Trước khi chia tay, mẹ tôi dặn dò kỹ càng:
- Con đi ra nơi binh mạc như thế thì phải biết giữ mình cho tốt. Đừng vì một chút công danh, lợi lộc mà để bản thân bị thương. Con phải nhớ như thế thì mẹ mới bớt được phần lo lắng.
Tôi vâng lời mẹ dặn dò, nhận chén rượu tiễn biệt từ Vũ Nương. Nàng giãi bày với tôi:
Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong chàng đeo ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ… Chỉ xin ngày trở về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi. Chỉ e việc quân khó liệu, thế giặc khôn lường. Giặc cuồng còn lẩn lút, quân triều còn gian lao. Rồi thế chẻ tre chưa có, mà mùa dưa chín quá kì, khiến cho thiếp băn khoăn, mẹ chồng lo lắng. Nhìn trăng soi thành cũ, lại sửa soạn áo rét gửi người ải xa. Trông liễu rủ bãi hoang lại thổn thức tâm tình, thương người đất thú. Dù tin trông mỏi mòn cũng không có lấy một cánh hồng bay bổng.
Nàng vừa dứt lời thì nước mắt tôi ứa ra. Tạm biệt mọi người trong gia đình, tôi lên đường ra trận. Tôi đi được ít hôm thì vợ tôi sinh con. Đó là một bé trai bụ bẫm, trắng trẻo và được Vũ Nương đặt tên là Đản. Chuyện vui chưa kéo dài được bao lâu thì tin dữ lại đến. Mẹ tôi vì quá nhớ và lo lắng cho tôi nơi trận mạc nên đã lâm bệnh nặng và không qua khỏi, mặc dù Vũ Nương đã hết sức thuốc thang, cúng bái.

Một năm sau, chiến tranh kết thúc, tôi trở về với quê hương. Cảnh vật chẳng thay đổi là mấy. Khung cảnh vẫn vẹn nguyên như hồi tôi mới từ biệt gia đình ra đi tới nơi trận mạc mà thôi. Vừa về tới nhà thì tôi đã nghe tin là mẹ tôi mất. Tôi đau đớn và buồn bã vô cùng. Và buồn hơn khi không hiểu vì lý do gì mà bé Đản nhất quyết không nhận tôi là cha nó. Nhân cơ hội ra mộ thăm mẹ, tôi dẫn bé Đản theo. Ra tới mộ, mọi cảm xúc của tôi được đẩy lên tới đỉnh điểm, không kìm được nước mắt, tôi òa lên khóc nức nở như một đứa bé. Lúc đó, tôi quay sang gọi bé Đản. Nó tròn xoe mắt hỏi tôi:
- Ông cũng là cha tôi ư? Cha tôi trước khi chỉ nín thin thít, không nói câu nào.
Tôi phải hỏi mãi mới biết hồi tôi đi vắng có một người đàn ông đêm nào cũng đến nhà tôi. Vì tính đa nghi hay ghen nên tôi phi thẳng về nhà và ngay lập tức quát mắng Vũ Nương. Tôi bỏ ngoài tai mọi lời phân trần, giải thích của nàng cũng như những lời biện minh của bà con hàng xóm. Và rồi, tôi đuổi Vũ Nương ra khỏi nhà. Vũ Nương ra bến Hoàng Giang rồi gieo mình xuống đó. May thay được Linh Phi cứu xuống làm cung nữ dưới long cung. Rồi nàng gặp được Phan Lang – người cùng làng với chúng tôi, và nàng gửi Phan lang cầm về một chiếc hoa vàng, tín vật nàng gửi lại cho tôi. Trong khi ấy, ở nhà, tôi mới biết được sự thật là người đàn ông kia chỉ là cái bóng của Vũ Nương mà thôi. Tôi đau đớn và chua xót vô cùng, nhưng lúc ấy hối hận thì đã quá muộn màng. Phan Lang gặp tôi, kể lại đầu đuôi câu chuyện và trao cho tôi chiếc hoa vàng kỷ vật kia. Sáng hôm sau, tôi lập đàn giải oan cho Vũ Nương bên bến sông. Nàng hiện về trong giây lát rồi biến mất.

Tôi chìm vào trong thất vọng và tuyệt vọng. Chỉ vì tính đa nghi, hay ghen mà tôi đã làm mất một người vợ tốt vô ngần, tự tay phá vỡ đi cuộc sống vợ chồng hạnh phúc, bình yên, hòa thuận bấy lâu nay. Tôi ân hận lắm!
Whalien 52 – VFO.VN
 
  • Chủ đề
    chuyen nguoi con gai nam xuong đóng vai
  • Top