Giải mã hình xăm trên mặt phụ nữ người Mảng

Hình xăm trên mặt thể hiện cho sự trưởng thành của một con người, cũng giống như tục cấp sắc của người Dao. Hình xăm sẽ che chở, giúp đỡ con người chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên.
Kỳ 1:
» Kỳ bí những người đàn bà... xăm mặt ở Lai Châu

Pá Bon là một trong 22 bản của người Mảng ở Lai Châu, mới được lập từ năm 1971. Bản Pá Bon vốn là một nhóm người Mảng, tách ra từ bản Nậm Cời, lập bản Co Muông. Cuộc sống ở bản Co Muông hết sức khó khăn vì thiếu đất sản xuất, nên những người Mảng nơi đây đã bỏ đất cũ, kéo xuống khu vực giáp sông Nậm Ma để lập bản mới, lấy tên là Pá Bon. Theo tiếng Mảng, Pá là ngã ba, Bon là tên con suối, Pá Bon có nghĩa là “vùng đất ngã ba suối Bon”.

IMG1466.jpg
IMG1462.jpg
Nghi lễ xăm mặt do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai phục dựng ở bản người Mảng. Ảnh: Nguyễn Hùng Mạnh.

Tập tục xăm mặt của người Mảng đã thất truyền từ mấy chục năm trước. Nhiều nơi đã bỏ từ cả trăm năm nay rồi. Nơi nào bỏ tục này muộn nhất, cũng đã cách nay 20 đến 30 năm. Giờ đây, tìm được một người Mảng còn giữ hình xăm trên mặt trong tổng số gần 2.800 cư dân người Mảng, cũng rất khó khăn.

Sau nhiều ngày đi tìm kiếm ở các bản người Mảng, rải rác ở các huyện Mường Tè, Phong Thổ, Mường Lay, Sìn Hồ, tôi mới may mắn được tận mắt những hình vẽ kỳ quái quanh miệng những người đàn bà ở bản Pá Bon. Có lẽ, Pá Bon là nơi cuối cùng từ bỏ tập tục kỳ lạ này. Tục xăm mặt ở Pá Bon chính thức khai tử từ 20 năm trước.

Hỏi chuyện xăm mặt, từ những nhà nghiên cứu, đến cư dân người Mảng đều rất mơ hồ. Cùng lắm là chỉ biết có tập tục đó, còn cụ thể tập tục đó có từ khi nào, nói lên điều gì, biểu hiện tín ngưỡng gì của người Mảng, thì gần như không ai biết.

IMG0126.jpg
Giờ đây, những thiếu nữ Mảng này không còn nhiều ký ức về những hình xăm nữa.
Tôi hỏi Bí thư bản Pá Bon Sìn Văn Sỏn về tục xăm mặt kỳ lạ của dân tộc mình, ông Sỏn cũng lắc đầu không biết. Ông chỉ có thể nói rằng: “Tục xăm mặt của người Mảng có từ lâu lắm rồi. Tổ tiên bao nhiêu đời trước đã có tục này. Đời sau cứ thế làm theo thôi. Còn ý nghĩa của hình xăm, xăm mặt để làm gì thì ta không biết đâu, vì không thấy các cụ nói. Ngày xưa, thời các cụ, con trai, con gái đều xăm quanh miệng, chi chít ở cằm, nhưng sau này chỉ còn xăm đàn bà, con gái thôi, đàn ông không xăm nữa”.

Ông Sỏn chỉ nắm được có vậy về thứ hình xăm có tuổi cả ngàn năm của tộc người mình. Nhưng ông dẫn tôi đến nhà cụ Sìn Văn Xá, năm nay gần 80 tuổi. Cụ Xá biết nhiều truyền thuyết, cổ tích về người Mảng.

Cụ Xá đã 80 tuổi, nước da đỏ au, cường tráng, vững vàng như cây túng thá (nghiến) hiên ngang giữa bản. Cụ nấu chè đắng, mời chúng tôi uống nước bên bếp lửa hồng. Nhấp xong ngụm trà, cụ mới khà khà, bắt đầu câu chuyện: “Tục xăm mặt của người Mảng hả? Ta cũng biết đấy, nhưng biết ít thôi. Nó bắt đầu từ một truyền thuyết xa xưa của người Mảng…”.

IMG0185.jpg
Người đàn bà này đã từng xăm mặt, nhưng 30 năm trôi qua, hình xăm đã biến mất gần như hoàn toàn.
Ngày xửa, ngày xưa, khi bộ tộc người Mảng còn ở vùng phương Bắc xa xôi, chưa di cư đến vùng đất này, có đôi vợ chồng trẻ dân tộc Mảng sống với nhau rất hạnh phúc.

Hàng ngày chồng vào rừng săn bắn, vợ lên nương trồng sắn, trồng ngô. Có lúc cả hai cùng xuống suối mò cá, đêm cùng đốt đuốc đi bắt ếch. Họ vừa làm việc vừa ca hát nhảy múa, khiến chim muông cũng ríu rít kéo đến ngắm nhìn đôi vợ chồng hợp tính, hợp nết, lại yêu nhau thắm thiết.

Nhưng sau khi sinh đứa con đầu lòng, chị vợ như biến thành người đàn bà khác, nanh nọc, cay độc. Nàng luôn miệng rỉa ráy, chửi bới chồng. Đã thế, chị ta lại lười nhác, tham ăn, cả ngày chỉ ngồi một chỗ hưởng an nhàn, bao nhiêu công việc đổ hết lên vai chồng.

Mỗi lần lên nương về, trông thấy nhà cửa ngập ngụa, bếp núc trống trơn, lạnh lẽo, anh chồng buồn lắm. Nhiều lần anh góp ý với vợ, song chẳng ăn thua gì, vợ vẫn chứng nào tật ấy.

IMG0196.jpg
Chị Sìn Thị Nuội - người đàn bà cuối cùng của tục xăm mặt.
Buồn chán, chẳng thiết sống, anh tìm đến hòn đá tổ có tên Xôm Bai ngồi khóc một mình. Đang lúc buồn bã, muốn nhảy xuống suối tự tử, thì vị thần coi sóc hạnh phúc tên là Trừ Giảng hiện lên bảo: “Ngươi về lấy lá xanh cắm ở hiên nhà, rồi dùng kim chỉ khâu mồm vợ lại, nó sẽ khiến vợ ngươi chăm chỉ, hết tham ăn và không chửi bới được nữa”.

Anh chồng nghe lời vị thần, liền lấy lá xanh cắm ở hiên nhà. Nhưng việc dùng chỉ khâu mồm vợ thì anh không nỡ làm. Dù sao, anh cũng thương vợ nhiều lắm. Thế là, anh dùng gai nhọn chọc quanh miệng vợ, rồi lấy nhựa chàm bôi vào. Nhựa chàm ngấm vào vết gai châm, tạo nên những vệt màu đen như chỉ khâu.

Không ngờ, ngay lập tức người vợ thay tính đổi nết, lại hiền thục, chăm làm, yêu thương chồng như ngày xưa.

IMG0192.jpg
Có hình xăm trên mặt, người phụ nữ Mảng trở nên đảm đang, hiền dịu hơn?
Từ đó, người Mảng, cả nam lẫn nữ, cứ đến tuổi 12 là bố mẹ mời thầy mo đến nhà, mổ gà cúng thần rừng, thần núi, rồi “khâu mồm” con gái lại để con gái trở thành người tốt, người đẹp, người hiền.

Từ hàng ngàn năm nay, xăm mặt là nghi thức không thể thiếu của người Mảng. Hình xăm trên mặt thể hiện cho sự trưởng thành của một con người, cũng giống như tục cấp sắc của người Dao. Hình xăm sẽ che chở, giúp đỡ con người chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên.

Theo cụ Xá, nếu ai không có hình xăm trên mặt, khi chết, hồn sẽ không về được với tổ tiên, mà sẽ đi lang thang. Nếu hồn muốn lên cổng trời, thì phải chịu hình phạt đeo chiếc cối giã ngô, mà quai đeo là con rắn hổ mang rất to, đi qua cây cầu nhỏ bằng cây luồng, bắc qua khe sâu không có tay vịn…

Tuy nhiên, nhiều năm qua, người Mảng sống rải rác, xen lẫn những dân tộc khác, văn hóa ít nhiều mai một, nên tục xăm mặt cũng mất dần. Hiện nay đã mất hẳn.

Bí thư Sỏn dẫn tôi đi quanh bản Pá Bon, tìm gặp những người đàn bà còn rõ dấu vết tục lệ cổ xưa qua hình xăm trên mặt.

Nu-phuc-truyen-thong-3.jpg
IMG0197.jpg
Những người đàn bà với hình xăm trên mặt, đều có khuôn mặt khắc khổ, già trước tuổi.
Chị Sìn Thị Xuôn (43 tuổi), Sìn Thị Nuội (33 tuổi), có lẽ là những người cuối cùng của tục xăm mặt. Hình xăm trên mặt họ dù vẫn nhìn thấy, song đã ít nhiều phai mờ sau lớp da nhăn nheo một đời vất vả với đẻ đái, nương rẫy. Những người già, ở độ tuổi 50-60, hình xăm gần như đã biến mất. Xưa kia, khi tục xăm mặt còn phổ biến, nếu hình xăm phai mờ, sẽ tiến hành xăm lại. Nhưng giờ tục xăm mặt đã mất, nên chẳng ai xăm lại nữa.

Ngoài ra, còn có chị Lênh, chị Chơn, cũng là lớp thế hệ trẻ còn giữ được hình xăm trên mặt. Chị Chơn là người đánh dấu sự chấm dứt của tục xăm mặt tại bản Pá Bon. Chị xăm mặt vào năm 1990, sau khi về nhà chồng vài ngày.

Chị Chơn bẽn lẽn với hình xăm ngồ ngộ trên mặt bảo: “Ngày mình về làm dâu, bố chồng bảo xăm mặt để mình ngoan, mình hiền, nên mình đồng ý thôi”.

Sam-cam---Lo-Thi-Lien---.jpg
Gần 30 năm qua không xăm lại, nên vết xăm trên mặt chị Liên ở Pó Ban đã mờ.
Không hiểu những hình xăm có phải cái gông vận vào những người đàn bà Mảng hay không, nhưng những người đàn bà có hình xăm trên mặt mà tôi gặp, đều lộ rõ nỗi vất vả nhọc nhằn. Họ nhỏ bé, khắc khổ, lam lũ và già hơn tuổi thực của mình rất nhiều.

Khi đã mang hình xăm trên mặt, dường như họ lại càng cung cúc tận tụy phục vụ chồng như con ngựa, con trâu. Phải chẳng, cái hình xăm kỳ quái kia cũng giống như cái gông cùm tiết hạnh phẩm giá mà thời phong kiến trói người đàn bà miền xuôi?

Dù sao, tục xăm mặt cũng là một tục lệ độc đáo của người Mảng, một trong số vài bộ tộc ít người nhất Việt Nam
 
  • Chủ đề
    2010 bảo cách của cuộc sống hay hiền thục hóa lịch liên lớp màu nguoi nhất nhóm thành thao thể thiên nhiên tốt trong văn việt nam với đẹp
  • Top