Việc nhân loại đang đứng trước những nguy cơ chiến tranh là điều không thể bàn cãi. Xung đột sắc tộc, tranh chấp lãnh thổ hay sự trỗi dậy của các tổ chức khủng bố đang khiến thế giới của chúng ta ngày càng phức tạp. Và theo chuyên gia an ninh mạng John McAfee, không gian mạng cũng có thể trở thành một chiến trường ác liệt như thế.
John McAfee, sinh ngày 18/9/1945, là một chuyên gia công nghệ nổi tiếng người Mỹ. Ông là tác giả của thương hiệu McAfee – phần mềm diệt virus đầu tiên trên thế giới được sản xuất và chào bán với mục đích thương mại. John cũng là chủ nhân của hàng loạt các vụ rò rỉ thông tin về những đợt tấn công mạng toàn cầu hay hệ thống gián điệp của chính phủ. Vào tháng 9/2015, ông công bố mình sẽ tham gia vào cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ năm nay.
Chia sẻ quan điểm trên tờ IBTimes, vị chuyên gia 70 tuổi nhận định những tổ chức khủng bố như IS đang cảm thấy không khó khăn gì trong việc sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền và tuyển thành viên mới. Trong khi đó những quốc gia như Trung Quốc và Triều Tiên đang dồn nguồn lực vào các dự án vũ trang hóa máy tính và không gian mạng. Các dự án này đang thu hút nhiều nguồn nhân lực tài năng, những người đã được đào tạo bài bản về IT từ nhỏ.
Tuy vậy theo John, giữa bối cảnh các mối đe dọa đang lên cao trào như vậy, thì nhiều chính phủ lại tỏ ra yếu đuối và thậm chí bất lực. Họ đã không thể vạch ra một chiến lược hiệu quả để bảo vệ an ninh quốc gia. Dẫn chứng cho điều này, John đã nhắc đến vụ tấn công mạng nhằm vào chính phủ Mỹ khiến thông tin cá nhân của 18 triệu nhân viên liên bang nước này bị đánh cắp, trong đó bao gồm cả những người đã nghỉ hưu.
Máy móc có thể chống lại chúng ta
Từ những suy luận trên, John McAfee cho rằng việc thế chiến thứ 3 là một cuộc chiến tranh mạng là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Không ai có thể đoán trước tương lai và điều này đúng với những vụ tấn công mạng.
Các cường quốc trên thế giới có thể trang bị cho mình một hệ thống an ninh quốc phòng hùng hậu với những khẩu súng, cỗ xe tăng, tên lửa hay máy bay hiện đại, nhằm mục đích chống lại kẻ thù. Nhưng những thứ này sẽ trở nên vô dụng, thậm chí gây hại vì máy móc có thể chống lại chính chúng ta.
Một ví dụ cho điều này chính là cuộc nội chiến tại Mỹ, thời kì mà sự phát triển mạnh mẽ của máy móc và vũ khí đã dẫn đến những hậu quả đẫm máu. Những chiến thuật quân sự cổ xưa đã bị lãng quên và thay thế bằng các cỗ máy hiện đại và chết người. John McAfee cũng tin rằng không giống như những chiến trường mở trong quá khứ, chiến tranh mạng sẽ là một cuộc đấu của thế giới ngầm và không thể đoán trước.
Cách giải quyết cho một cuộc chiến tranh mạng toàn cầu, theo John McAfee, sẽ không giống như những chiến dịch quân sự ở Trung Đông hay những cuộc dội bom IS tại Iraq. Xe tăng, máy bay và tên lửa sẽ có lợi gì khi mà chúng ta không thể định vị được kẻ thù? Và điều gì sẽ xảy ra nếu như kẻ thù phá hủy toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng từ xa, mà không cần bước chân đến lãnh thổ của chúng ta?
John khuyên các chính phủ cần khẩn trương cải thiện hệ thống bảo mật và an ninh mạng của quốc gia họ, nhất là trong bối cảnh tất cả các hệ thống đang được kết nối và phụ thuộc vào nhau, từ trạm năng lượng, cơ sở hạt nhân, kiểm soát không lưu đến thương mại điện tử. Điều này có nghĩa, nếu một bộ phận bị tấn công bởi tin tặc, cả bộ máy có thể bị đánh sập.
Nguyễn Mai Đức