London là thủ đô đồng thời là thành phố lớn và đông dân nhất xứ sở sương mù. Thành phố với hơn 8.5 triệu dân này được mệnh danh là một trong những thiên đường du lịch của thế giới với hàng loạt danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Big Ben, Tower of London, Cung điện Buckingham hay Westminster Abbey. Thống kê năm 2014 đã chỉ ra rằng London là thành phố có đông khách du lịch quốc tế nhất trên thế giới, với lượng khách ước đạt 18.7 triệu lượt, bỏ xa thủ đô Bangkok của Thái lan (16.4 triệu lượt) và Paris của Pháp (15.5 triệu lượt).
Khi nhắc đến những địa điểm “phải đến” ở thủ đô nước Anh, bảo tàng khoa học London Science Museum không bao giờ vắng mặt. Đây không những là một địa danh đem lại nguồn thu và sức hút du lịch to lớn cho nước Anh, mà còn là một biểu tượng, một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân và khách du lịch London. Đặc biệt đối với những ai đam mê khám phá khoa học thì bỏ lỡ London Science Museum quả thật sẽ là một điều đáng tiếc.
Vậy thì hôm nay, mình xin giới thiệu đến các độc giả của Vforum những bức ảnh và thông tin về địa danh bảo tàng nổi tiếng này của thủ đô London. Những bức ảnh dưới đây được mình chụp trong chuyến ghé thăm mới đây đến London Science Museum. Hy vọng chúng sẽ giúp các bạn có được một hình dung rõ hơn về bảo tàng khoa học này.
Cổng vào bảo tàng
Bảo tàng London Science Museum (LSM) tọa lạc trên đường Exhibition, thuộc khu vực South Kensington gần trung tâm thủ đô London. LSM được thành lập năm 1857 và đã trải qua nhiều cái tên khác nhau như Museum of Patents (1858) hay Patent Office Museum (1863). Cái tên LSM được biết đến chính thức từ năm 1885 và không lâu sau đó, vào năm 1893, một bộ máy lãnh đạo độc lập đã được chỉ định để điều hành hoạt động của LSM.
Khu vực trưng bày lịch sử phát triển của ngành thiên văn học thế giới. Trái đất trông thật thú vị dưới định dạng 3D!
Hiện nay LSM đang là một trong những thành viên của Hiệp hội Bảo tàng Khoa học Anh Quốc. Từ con số khoảng 2.9 triệu lượt khách vào năm 2012, đến năm 2014 bảo tàng này đã đón tiếp khoảng 3.3 triệu lượt khách một năm, đưa LSM lên trở thành một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn nhất ở thủ đô London.
Động cơ chạy bằng hơi nước - Nền tảng cho sự phát triển của ngành công nghiệp tự động hóa ngày nay
LSM là một kho tàng khổng lồ của lịch sử khoa học thế giới với hơn 300 nghìn hiện vật của đủ mọi thời đại. Trong số đó có nhiều hiện vật nổi tiếng đã viết lên những chương mới cho sự phát triển của nhân loại, như tên lửa Stephenson, đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước cổ nhất thế giới Puffing Billy, động cơ máy bay đầu tiên của thế giới, nghiên cứu DNA của hai nhà khoa học Francis Crick và James Watson, tài liệu đầu tiên sử dụng máy đánh chữ,...
Lịch sử phát triển của những phương tiện giao thông
Từ ngày 1/12/2001, nối gót các bảo tàng và địa danh công cộng nổi tiếng ở thủ đô London, LSM đã chính thức ngừng thu phí vào cửa đối với khách tham quan. Động thái này đã làm tăng đáng kể lượng khách ghé thăm LSM mỗi năm. Tuy nhiên vẫn có một số dịch vụ đặc biệt của LSM mà người dùng phải trả tiền, như rạp chiếu phim IMAX 3D. Khách tham quan cũng được khuyến khích tình nguyện quyên góp tiền của bản thân để giúp phát triển bảo tàng.
Nhân bản vô tính cừu - Một phương pháp khoa học còn gây tranh cãi cho đến tận ngày nay
Về mặt y học, LSM cũng là một trong những bảo tàng dẫn đầu thế giới với rất nhiều hiện vật phản ánh sự phát triển của công nghệ y học và chữa bệnh. Trong danh sách này phải kể đến khu trưng bày y học lâm sàng, sinh học và sức khỏe cộng đồng. Khu trưng bày mới mở mang tên Wellcome Wing với chuyên môn chính là sinh học đã nhận được rất nhiều các phản hồi tích cực từ khách tham quan và giới nghiên cứu khoa học.
Những nét đặc trưng của văn hóa và đời sống người dân Anh thời xưa
Hiện nay có khoảng 170 nghìn hiện vật thuộc quyền sở hữu của LSM nhưng không được trưng bày trực tiếp trong bảo tàng. Thay vào đó chúng được bảo quản tại Blythe House ở khu vực West Kensington, London. Blythe House là một khu tổ hợp khoa học với nhiều chức năng và trang thiết bị như phòng thí nghiệm, studio ảnh và khu cách ly với nhiệm vụ kiểm tra và giám sát những hiện vật mới được đưa đến.
Một mảnh vỡ từ mặt trăng được cất giữ cẩn thận trong nhiều lớp kính
LSM không chỉ có sứ mệnh duy nhất là giới thiệu cho khách tham quan lịch sử của thế giới khoa học và công nghệ. Vào tháng 11/2003, LSM đã chính thức khai trương trung tâm Dana Centre do hãng MJP Architects thiết kế. Dana Centre là một khu tổ hợp bao gồm dịch vụ ăn uống, cà phê và một số dịch vụ giải trí trả tiền khác. LSM cũng trang bị nhà vệ sinh ở tất cả các tầng, khu vực dành riêng cho người khuyết tật, đội ngũ nhân viên hướng dẫn khách và đội ngũ an ninh hoạt động chuyên nghiệp và vô cùng thân thiện.
Đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước được sản xuất năm 1868
Không giống như ở Việt Nam nơi mà giới trẻ ngày nay khá ngần ngại với việc tham quan các bảo tàng, đặc biệt là bảo tàng khoa học, thì người trẻ tại Anh lại rất hứng thú với việc ghé thăm LSM. Trung bình mỗi năm LSM đón tiếp 450 nghìn bạn trẻ đến thăm với mục đích học tập, nghiên cứu hoặc tham gia vào các buổi dã ngoại do trường tổ chức. Con số này của LSM đã vượt mặt tất cả các bảo tàng khác ở Anh.
Một chiếc xe cổ khác được trưng bày trong bảo tàng
Một điểm khá thú vị ở LSM mà khiến mình liên tưởng đến bộ phim “Night at the museum” của Mỹ đó chính là chương trình “Science Night”. Mỗi lần Science Night được tổ chức, khoảng 380 trẻ em ở độ tuổi từ 8 đến 11 cùng với người lớn sẽ được mời tham gia vào các hoạt động khám phá khoa học vào buổi tối tại LSM. Sau đó các em sẽ ngủ tại LSM, ăn sáng tại đây vào sáng ngày hôm sau, xem một bộ phim 3D IMAX trước khi kết thúc chương trình.
Bạn đã bao giờ thắc mắc vật dụng thường ngày của các phi hành gia là gì? Bức hình trên chính là câu trả lời dành cho bạn
Tuy nhiên LSM không chỉ là một điểm đến lý tưởng cho người trẻ, nó còn là nơi mà những người trung niên và cao tuổi chọn để tụ họp. Vào buổi tối thứ 4 cuối cùng của tất cả các tháng trong năm (ngoại trừ tháng 12), LSM sẽ tổ chức một chuỗi các sự kiện dành riêng cho người lớn, từ ăn uống, dạ hội đến nhảy múa. Ước tính đã có đến 7,000 người tham gia vào chương trình này của LSM và phần lớn trong số họ ở độ tuổi dưới 35.
Bộ đồ đặc biệt giúp các phi hành gia đi vệ sinh khi ở trên tàu vũ trụ
Về thiết kế, LSM có tổng cộng 8 tầng, trong đó có 1 tầng hầm, 2 tầng trệt và 5 tầng chính dành để đón khách tham quan. Tầng trệt số 1 là nơi trưng bày sự phát triển của ngành khoa học thiên văn, việc sử dụng năng lượng của con người đồng thời là nơi tọa lạc của rạp chiếu phim 3D IMAX. Tầng chính số 1 là nơi trưng bày những hiện vật liên quan đến sự phát triển nông nghiệp ở nước Anh và trên thế giới, những thành tựu về văn hóa và sản xuất đồng hồ.
Những máy móc thô sơ đầu tiên được sử dụng để giúp đỡ cuộc sống của người dân Anh
Lên đến tầng số 2, khách tham quan sẽ được tận mắt chứng kiến sự phát triển của toán học và máy tính ở thời kì hiện đại, trong khi đó tầng 3 tập trung vào ngành hàng không, những vấn đề về sức khỏe, khoa học của thế kỷ 18 và những ý tưởng cho công nghệ của cuộc sống tương lai. Cuối cùng, tầng 4 và 5 sẽ cho người xem một cái nhìn cận cảnh về sự đi lên và thay mình của ngành y dược và thú y trên thế giới.
Chiếc xe Foden No.1 chạy bằng dầu diesel được nhà sản xuất xe tải Foden Trucks của Anh ra mắt vào năm 1931
Ở Anh thì việc học môn lịch sử được lồng ghép với những kiến thức thực tế, những ví dụ và trò chơi sinh động. Người học được khuyến khích tham gia hoạt động nhóm để phát triển tư duy, suy luận của bản thân và đôi khi được tham gia vào các chuyến đi dã ngoại thực tế. Học sinh học lịch sử không bị ép buộc nhớ những con số, danh nhân hay sự kiện một cách thô sơ, cứng nhắc. Thay vào đó, giáo viên sẽ tập trung vào giảng dạy nguyên nhân, kết quả và bài học kinh nghiệm của các sự kiện lịch sử, để giúp chúng ta chuẩn bị tốt hơn cho tương lai. Đây là một trong những nguyên nhân tại sao người trẻ sống ở Anh rất thích thú với việc tham quan bảo tàng, trong đó có các bảo tàng khoa học như LSM.
Mô hình một tàu vũ trụ với kích cỡ 1:1 do NASA sản xuất
Trong lịch sử hình thành và phát triển của mình, LSM đã tổ chức rất nhiều các cuộc triển lãm. Ví dụ, năm 2008 đánh dấu sự ra đời của triển lãm “The Science of Survival”, với mục tiêu cho người xem thấy được viễn cảnh của cuộc sống hiện đại vào năm 2050 và những giải pháp mà nhân loại sẽ phải áp dụng để đẩy lùi vấn nạn biến đổi khí hậu và nguồn năng lượng giảm sút. Năm 2014, LSM tổ chức chương trình khoa học đặc biệt “Energy Show” với những xuất diễn vòng quanh nước Anh. Ngoài ra khách tham quan cũng đã rất ấn tượng với triển lãm “Only in England” với những bức ảnh tuyệt vời từ 2 nhiếp ảnh gia, Tony Ray-Jones và Martin Parr.
Mô hình một phi hành gia vừa đặt chân xuống Mặt Trăng
LSM cũng có riêng cho mình một website đẹp mắt với đầy đủ các thông tin như giờ mở cửa, chỉ dẫn giao thông, những sự kiện mới hay địa chỉ liên hệ. Về mặt xã hội, LSM đã từng tham gia dự án 10:10 vào năm 2009 với cam kết cắt giảm sự xả thải khí các-bon ra môi trường. Một năm sau đó LSM cho biết bảo tàng đã cắt giảm 17% khí thải các-bon, theo tiêu chuẩn của dự án 10:10.
Giờ Greenwick Mean Time (hay GMT) được coi là múi giờ chuẩn của thế giới. Múi giờ này được tọa lạc ở London
LSM đã từng trải qua nhiều lần tái cấu trúc và xây dựng lại với nhiều hiện vật hơn. Tuy nhiên trong quá khứ một vài vụ đình công đã xảy ra và được thực hiện bởi chính nhân viên của bảo tàng. Vào tháng 2/2015, LSM đã phải đóng cửa một ngày do nhân viên đình công và đòi tăng lương. Đình công lại tiếp tục xảy ra vào năm 2008, tuy vậy lần này bảo tàng vẫn hoạt động như bình thường.
Đừng quên để lại comment phía dưới để chia sẻ suy nghĩ của bạn về bảo tàng London Science Museum nhé!
Nguyễn Mai Đức
Sửa lần cuối: