Hồi trước tết, qua giới thiệu của một người quen, một gã nhà báo chuyên viết về ẩm thực ở Sài Gòn đến tìm tôi xin trú ngụ trong thời gian về Bạc Liêu săn lùng món ăn ngon. Nghe nói gã cũng là một cây bút khá.
Gã khoảng hơn 30 tuổi, mới tới đã làm tôi sốc. Từ bến xe, gã điện thoại: “Ông ra chở tôi về coi”. Quần áo gã lượm thượm, vẻ mặt ngơ ngơ ngáo ngáo. Gã đi tỉnh công tác mà như đi Tây mang theo đến ba cái túi xách tổ bố, đựng nào gia vị thức ăn, trà rượu… mà sau này gã kể là hàng độc. Gã thản nhiên: “Ông xách giùm tôi hai cái túi xách nhé!”.
Tôi sùng trong bụng, nhưng nể tình người bạn giới thiệu đành xếp chỗ ngủ cho gã, kêu vợ làm món ăn ngon đãi cơm. Vào mâm cơm, gã lại gây sốc: lừ mắt nhìn rất lâu từng món ăn, gắp một đũa thức ăn cho vào miệng không nhai mà định thần, vểnh tai như lắng nghe mùi vị. Suốt bữa ăn, gã hoàn toàn không nói một câu xã giao mà rặt một thứ hỏi và nói về thức ăn. Tôi lẩm bẩm: “Chẳng lẽ thằng này viết về thức ăn đến đỗi nhập tâm, đến đỗi cà tửng như thế sao?”.
Gã hỏi tôi: “Nghe nói ông suốt đời quanh quẩn ở Bạc Liêu, chắc là rành về món ăn Bạc Liêu”. Tôi cười khẩy: “Cả đời tui nghèo có cái bỏ vào mồm là phước đức ông bà để lại rồi, chứ cao lương mỹ vị ở đâu mà biết món ngon vật lạ”. Gã dạy đời: “Tại mình không biết chế biến đó thôi chứ vùng Bạc Liêu đặc sản nhiều lắm, tiềm lực về món ngon là phong phú vô cùng. Biển Bạc Liêu ba khía nhiều lắm, hôm nào ông mua ba khía về tôi làm gỏi, ông ăn ông sẽ sáng mắt”.
Tôi lầm thầm trong bụng: cả đời “ông” vì nghèo nên “ông” toàn ăn đặc sản, ăn đến mòn răng, ăn từ thời nó chưa là đặc sản mà còn là món ăn của người bình dân. Cả đời ăn đặc sản Bạc Liêu “ông” chỉ biết mắm ba khía, hay gần đây không có mồi nhậu mấy tay bợm rượu luộc ba khía làm mồi ăn lãng xẹt chớ ngon gì đâu. “Ông” chưa bao giờ nghe nói món gỏi ba khía. Thằng này láo toét, được rồi... Chiều tôi đi mua theo “toa” của nó gồm: 1kg ba khía, 1kg khế già, một ít ngò gai, lá quế… vị chi là 12 ngàn đồng. Tôi còn tranh thủ rủ em út bạn bè đến nhậu món “gỏi ba khía” để lột mặt nạ thằng này cho đông vui.
Nó kêu vợ con tôi mang gia vị mà nó cần rồi bảo: “Để đó lên nhà trên chơi đi, đừng có đụng vào thứ gì của tôi”. Tôi len lén nhìn nó khoan thai xắt xắt xào xào thần thái mơ màng như kẻ mộng du. Một giờ sau, nó bảo: “Xong rồi, mời tất cả nhập tiệc”.
Trên bàn, hai dĩa gỏi được trình bày khá bắt mắt, xanh xanh, đỏ đỏ, vàng vàng điểm những cái hoa ớt. Tôi gắp bỏ vào miệng một miếng to rồi giật mình. Ngọt thì thật là ngọt, chua thì thật là chua, thơm thì thật là thơm, cay thì thật là cay, béo thì thật là béo, tổng lại ngon thì ngon đến vô cùng. Tôi há hốc mồm thảng thốt, rồi nhìn mấy gã bạn, thằng nào cũng đỏ mặt tía tai ngạc nhiên nhìn nhau rồi đồng thanh: ôi sao nó ngon thế này!
Con này là con ba khía đầy ở biển Bạc Liêu đó ư? Không! Nó là “nem công chả phụng” chứ ba khía gì mà ngon đến như thế.
Sau đó, T. còn làm mấy món ngon đãi gia đình tôi nữa rồi mới khăn áo về Sài Gòn. Vợ con tôi luyến tiếc: “Chú T. ở lại ít hôm dạy nấu ăn nhé”.
Tôi đưa T. lên xe, dúi cho nó một ít quà quê trong cử chỉ tẽn tò của một kẻ vừa được dạy cho một bài học. Tôi đã sáng mắt ngộ ra cái vai trò quan trọng của văn hoá ẩm thực trong đời chúng ta. Nó thật mầu nhiệm, nó biến những món tầm thường quanh ta thành cao lương mỹ vị, làm sung sướng thêm đời sống con người.
Tác giả: Phan Trung Nghĩa
Gã khoảng hơn 30 tuổi, mới tới đã làm tôi sốc. Từ bến xe, gã điện thoại: “Ông ra chở tôi về coi”. Quần áo gã lượm thượm, vẻ mặt ngơ ngơ ngáo ngáo. Gã đi tỉnh công tác mà như đi Tây mang theo đến ba cái túi xách tổ bố, đựng nào gia vị thức ăn, trà rượu… mà sau này gã kể là hàng độc. Gã thản nhiên: “Ông xách giùm tôi hai cái túi xách nhé!”.
Tôi sùng trong bụng, nhưng nể tình người bạn giới thiệu đành xếp chỗ ngủ cho gã, kêu vợ làm món ăn ngon đãi cơm. Vào mâm cơm, gã lại gây sốc: lừ mắt nhìn rất lâu từng món ăn, gắp một đũa thức ăn cho vào miệng không nhai mà định thần, vểnh tai như lắng nghe mùi vị. Suốt bữa ăn, gã hoàn toàn không nói một câu xã giao mà rặt một thứ hỏi và nói về thức ăn. Tôi lẩm bẩm: “Chẳng lẽ thằng này viết về thức ăn đến đỗi nhập tâm, đến đỗi cà tửng như thế sao?”.
Gã hỏi tôi: “Nghe nói ông suốt đời quanh quẩn ở Bạc Liêu, chắc là rành về món ăn Bạc Liêu”. Tôi cười khẩy: “Cả đời tui nghèo có cái bỏ vào mồm là phước đức ông bà để lại rồi, chứ cao lương mỹ vị ở đâu mà biết món ngon vật lạ”. Gã dạy đời: “Tại mình không biết chế biến đó thôi chứ vùng Bạc Liêu đặc sản nhiều lắm, tiềm lực về món ngon là phong phú vô cùng. Biển Bạc Liêu ba khía nhiều lắm, hôm nào ông mua ba khía về tôi làm gỏi, ông ăn ông sẽ sáng mắt”.
Tôi lầm thầm trong bụng: cả đời “ông” vì nghèo nên “ông” toàn ăn đặc sản, ăn đến mòn răng, ăn từ thời nó chưa là đặc sản mà còn là món ăn của người bình dân. Cả đời ăn đặc sản Bạc Liêu “ông” chỉ biết mắm ba khía, hay gần đây không có mồi nhậu mấy tay bợm rượu luộc ba khía làm mồi ăn lãng xẹt chớ ngon gì đâu. “Ông” chưa bao giờ nghe nói món gỏi ba khía. Thằng này láo toét, được rồi... Chiều tôi đi mua theo “toa” của nó gồm: 1kg ba khía, 1kg khế già, một ít ngò gai, lá quế… vị chi là 12 ngàn đồng. Tôi còn tranh thủ rủ em út bạn bè đến nhậu món “gỏi ba khía” để lột mặt nạ thằng này cho đông vui.
Nó kêu vợ con tôi mang gia vị mà nó cần rồi bảo: “Để đó lên nhà trên chơi đi, đừng có đụng vào thứ gì của tôi”. Tôi len lén nhìn nó khoan thai xắt xắt xào xào thần thái mơ màng như kẻ mộng du. Một giờ sau, nó bảo: “Xong rồi, mời tất cả nhập tiệc”.
Trên bàn, hai dĩa gỏi được trình bày khá bắt mắt, xanh xanh, đỏ đỏ, vàng vàng điểm những cái hoa ớt. Tôi gắp bỏ vào miệng một miếng to rồi giật mình. Ngọt thì thật là ngọt, chua thì thật là chua, thơm thì thật là thơm, cay thì thật là cay, béo thì thật là béo, tổng lại ngon thì ngon đến vô cùng. Tôi há hốc mồm thảng thốt, rồi nhìn mấy gã bạn, thằng nào cũng đỏ mặt tía tai ngạc nhiên nhìn nhau rồi đồng thanh: ôi sao nó ngon thế này!
Con này là con ba khía đầy ở biển Bạc Liêu đó ư? Không! Nó là “nem công chả phụng” chứ ba khía gì mà ngon đến như thế.
Sau đó, T. còn làm mấy món ngon đãi gia đình tôi nữa rồi mới khăn áo về Sài Gòn. Vợ con tôi luyến tiếc: “Chú T. ở lại ít hôm dạy nấu ăn nhé”.
Tôi đưa T. lên xe, dúi cho nó một ít quà quê trong cử chỉ tẽn tò của một kẻ vừa được dạy cho một bài học. Tôi đã sáng mắt ngộ ra cái vai trò quan trọng của văn hoá ẩm thực trong đời chúng ta. Nó thật mầu nhiệm, nó biến những món tầm thường quanh ta thành cao lương mỹ vị, làm sung sướng thêm đời sống con người.
Tác giả: Phan Trung Nghĩa
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: