Làm sáng tỏ: Mọi đổi mới văn học đều bắt đầu từ đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người

Đề bài: Mọi đổi mới văn học đều bắt đầu từ đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người. Chỉ ra sự đổi mới trong quan niệm về con người của Lưu Quang Vũ qua "Hồn Trương Ba, da hàng thịt"

Như bao loại hình khác, văn học muốn tồn tại được, nó cần đổi mới. Và mọi đổi mới văn học đều bắt đầu từ đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người. Có thể thấy được sự đổi mới của văn học sau 1975 qua đổi mới quan niệm về con người qua "Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ

Văn học Việt Nam đã trải qua hai cuộc biến chuyển lớn để thay da đổi diện. Lần thứ nhất là những năm 1930 – 1934, văn học chịu cởi bỏ chiếc áo “quy phạm” để hòa nhập với văn học thế giới. Cuộc cách tân, thay đổi lần thứ hai, mang ý nghĩa lịch sử như thế chính là sự đổi mới văn học đi cùng với công cuộc đổi mới của đất nước năm 1986. “Đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa” (Nguyễn Minh Châu), chúng ta từ “hành lang hẹp” để tiến đến bầu trời của nhân loại, bạn bè thế giới. Một trong những người tạo nên sự thay đổi lớn, những người tiên phong tạo nền tảng cho công cuộc đổi mới văn học nghệ thuật từ trước năm 1986 không thể không kể đến Lưu Quang Vũ. Bằng những tác phẩm kịch của mình, ông đã đem đến cho văn học Việt Nam luồng gió phục sinh mạnh mẽ. Những vở kịch có khả năng chấn động dư luận không chỉ vì đã xoáy sâu vào vấn đề đời sống, cất lên tiếng nói trừng phạt cái ác, cái xấu hủy hoại con người mà còn vì nội dung tư tưởng của nó đã đánh thức cảm nhận rất mới mẻ, hấp dẫn khẩu vị, làm hứng khỏi bữa tiệc tinh thần của “người xem, kẻ diễn”. “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là một trong những tác phẩm tiêu biểu và thành công nhất của ông, thể hiện khá đầy đủ những cách tân nghệ thuật tác giả cũng như của thời đại mới. Khi phân tích tác phẩm, chú ý so sánh để làm rõ được điều mới. Sau đây là bài văn các bạn có thể tham khảo. Chúc các bạn học tập tốt!

hon-truong-ba-da-hang-thit-luu-quang-vu.jpg

BÀI VĂN MẪU LÀM SÁNG TỎ: MỌI ĐỔI MỚI VĂN HỌC ĐỀU BẮT NGUỒN TỪ ĐỔI MỚI QUAN NIỆM VỀ CON NGƯỜI QUA “HỒN TRƯƠNG BA, DA HÀNG THỊT” CỦA LƯU QUANG VŨ
Đổi mới văn học diễn ra trên rất nhiều phương diện và là một quá trình liên tục, lâu dài. Nhưng trước hết, mọi đổi mới văn học đều phải bắt nguồn từ đổi mới quan niệm về con người. Văn học Việt Nam sau 1975 cũng nằm trong quy luật ấy. Có thể thấy sự cách tân trong quan niệm về con người trong “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ.

Quan niệm về con người là những cách nhìn nhận, đánh giá về con người đặt vào một không gian, thời gian và trong những chuẩn mực nào đó. Mỗi một thời đại lại có những quan niệm khác nhau về con người. Nói “Mọi đổi mới văn học đều bắt nguồn từ đổi mới quan niệm về con người” vì văn học lấy con người là trung tâm: “Văn học là nhân học” (M. Gorki), cách nhìn nhận và đánh giá con người sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ của nó với không gian và thế giới xung quanh, dẫn tới sự thay đổi trong quan niệm nhân sinh, cách thể hiện. Điều đó đồng nghĩa với sự thay đổi quan niệm nghệ thuật của tác giả và phong cách thời đại. Một giai đoạn mới của văn học ra đời như thế.

“Hồn Trương Ba, da hàng thịt” được Lưu Quang Vũ viết năm 1981 nhưng 1984 mới được công diễn. Đại thắng mùa xuân 1975 đã khép lại 30 năm chiến tranh khỏi lửa, đất nước được hòa bình thống nhất. Thực tế đó cho thấy đổi mới là nhu cầu bức thiết, là vấn đề có ý nghĩa sống còn, đúng như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã xác định. Trong khi đó, “Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm” (Nguyễn Minh Châu). Người cầm bút đã cảm thấy “không thể viết như trước được nữa” (Lê Lựu) khi đứng trước cuộc đời màu đen và màu đỏ, ánh sáng và bóng tối đan xen trộn lẫn (Nguyễn Khải), khi đứng trước con người rồng phượng và rắn rết, thiên thần và ác quỷ (Nguyễn Minh Châu). Nhận thấy điều đó, Lưu Quang Vũ đã bước đi những bước đầu tiên để phá tan “hành lang hẹp”, đem đến cho văn học nước nhà một luồng gió phục sinh mạnh mẽ.

Về quan niệm con người trước Lưu Quang Vũ: Trong văn học dân gian: do cái nhìn có phần hồn nhiên, chất phác, con người trong VHDG trắng - đen; thiện ác rất rõ ràng “Rằng cô Tấm thì hiền/Thằng Lí Thông thì ác” (Xuân Quỳnh – “Chuyện cổ tích về loài người”). Trong văn học trung đại: con người đạo đức, bổn phận, con người vũ trụ- phi ngã. Đến văn học đầu thế kỉ XX: sự tiếp xúc văn hóa Đông – Tây làm bừng thức con người cá nhân: “Ta là một, là riêng, là thứ nhất” (Xuân Diệu). Trong văn học kháng chiến: Con người trong chiến tranh được lãng mạn hóa trở thành những Nguyệt, những Lãm (“Mảnh trăng cuối rừng” - Nguyễn Minh Châu), được sử thi hóa thàng hình ảnh những Tnu (“Rừng xà nu” - Nguyễn Trung Thành), những dáng đứng Việt Nam đã tạc vào thế kỉ (“Dáng đứng Việt Nam” - Lê Anh Xuân). Con người là đại diện cho cả cộng đồng, được nhìn bằng con mắt cộng đồng, được phán xét dưới tư cách và giá trị với cộng đồng. Vì thế con người của thời kì này là con người sử thi, nguyên phiến. Con người trong văn học những năm đầu sau năm 1975 vẫn là con người anh hùng với những chiến thắng lẫy lừng, một số đã được nhìn dưới góc độ đời tư, gắn với những giá trị và cuộc sống đời thường. Song vẫn là con người thống nhất trong chủ thể.

Vượt thoát khỏi những quan niềm ấy, Lưu Quang Vũ chọn cho mình một góc nhìn khác về con người: con người phân mảnh, con người vong bản và vong thân.

Trước hết, ông nhìn con người hiện đại là con người phân mảnh. Khi Lưu Quang Vũ bắt đầu nổi tiếng trên kịch trường cũng là lúc nhân loại đã chuyển hẳn sang thời kì hậu hiện đại. Lúc này, yếu tố cá nhân vẫn được xem xét nhưng không còn là những nhân vị hoàn hảo, có thể phán xét và trở thành biểu tượng đơn nhất, độc tôn về thân phận con người. Cá nhân bây giờ là những mảnh vỡ. Họ không thể đại diện cho bất kì ai và ngay chính bản thân họ. Nói tóm lại, trong kỉ nguyên hậu hiện đại, sau khi không tìm được câu trả lời cuối cùng về bản thể, con người chấp nhận một cuộc sống nội tại với chính sự chắp vá và không thể nào thấu triệt nó. Những phân mảnh của con người: hồn Trương Ba và xác hàng thịt. Hồn Trương Ba là hình ảnh của thế giới tâm hồn con người, tiếng nói của lí trí, những khát vọng tinh thần cao khiết. Còn xác hàng thịt lại là hình ảnh của thể xác con người, tiếng nói bản năng, vật chất, dục vọng tầm thường gắn với hoàn cảnh sống mà con người bị lệ thuộc. Hai phần hòa làm một thực thể người thống nhất nhưng lại chính là hai, có thể nói chuyện, đối thoại, tranh luận với nhau. Đây chính là cuộc xung đột giữa văn hoá và bản năng, giữa sự thống nhất cá thể và sự khập khiễng cá thể – sự vay mượn hình hài. Con người đã bị phân thành hai mảnh. Mỗi mảnh lại có khả năng phân chia thành nhiều mảnh khác. Lí thuyết “thậm phồn” (hyper) của chủ nghĩa hậu hiện đại được ghi nhận ở đặc tính phân mảnh này.

Con người còn được nhìn dưới góc độ: vong bản. Con người vong bản là sản phẩm của tư duy hậu hiện đại, khi con người trở nên xa lạ với xã hội, thế giới, với chính gốc nguồn của mình. Cảm giác này đã có từ văn học hiện đại (trong những tác phẩm Thơ mới: Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương) nhưng đến chủ nghĩa hậu hiện đại, cảm giác ấy mới thực thấm thía và day dứt. Cội nguồn đầu tiên của con người chính là cội nguồn sinh dưỡng, là gia đình. Lưu Quang Vũ đã thể hiện rõ nét hình ảnh con người vong bản trong cuộc đối thoại của hồn Trương Ba với những người thân trong gia đình, qua bi kịch bị ruồng bỏ của Trương Ba: Trong mắt người vợ, nhìn Trương Ba bây giờ là một người vô tâm, vị kỉ nên đã bỏ đỉ, báo trước cảnh tan đàn xẻ nghé. Trong mắt đứa cháu nội - Bé Gái, Trương Ba là một người thô vụng, phũ phàng, tàn nhẫn: “chân to bè như cái xẻng, giẫm nát cây sâm quý mới ươm, tay làm gãy tiệt cái chồi non”. Cháu nội không nhận ông, thậm chí nó còn xua đuổi ông. Đứa con trai cũng chẳng con tôn trọng bố mà bán đi mảnh vườn bố vẫn luôn yêu quý, nơi cất giữ một phần tâm hồn ông ở đó. Cô con dâu, người vốn rất yêu quý, cảm thông, thấu hiểu với bố nhưng chính chị cũng thấy lo sợ, hoang mang, đau xót khi thấy Trương Ba “ngày một mất mát dần, lệch lạch, nhòa mờ dần”. Vợ bất tín, con trai bất hiếu, cháu bất kính, con dâu cũng phai nhạt niềm tôn kính. Trương Ba sống giữa người thân mà như kẻ vô thân. Con người đã đứt lìa với cội nguồn của mình.

Cuối cùng là cái nhìn mới về con người vong thân - Con người xa lạ với chính bản thân mình. Bi kịch vong thân của hồn Trương Ba được Lưu Quang Vũ thể hiện đầy sinh động trong cuộc đối thoại nảy lửa giữa hồn và xác, qua bi kịch tha hóa của hồn Trương Ba. Trong thể xác thô phàm đầy bản năng nhục dục của anh hàng thịt, hồn Trương Ba: Từ một người trước đây nhân hậu bỗng trở thành kẻ thô phũ; bản tính ngay thẳng, dần dần đổi khác: ham uống rượu, thích tiết canh, hay giáo điều, giả dối; trí tuệ cũng phai nhạt dần: Nước cờ giờ không còn sự cao tay, linh diệu, đến mức bạn cờ Trương Hoạt phải cay đắng thốt lên: “Bác Trương ạ, tôi không hiểu nổi. Lối đánh của bác khác hẳn ngày xưa…. Cách tiến, cách thủ của bác bây giờ vụn vặt, tủn mủn, thô phũ. Mà cái nước ăn vừa rồi, nói xin lỗi bác, nó bần tiện làm sao!”. Ý thức được điều đó, hồn Trương Ba chỉ có thể đau khổ, và càng khổ sở hơn nữa khi hồn không thể giải quyết được mâu thuẫn. Đây chính là thước đo bản chất bi kịch của hồn Trương Ba: Người ta chỉ thực sự bi kịch khi ý thức được bi kịch của mình. Đây chính là bi kịch lớn và ngày càng phổ biến của con người hiện đại: trở nên xa lạ với thế giới, với cuộc sống và sự vong thân lại diễn ra ngay trong chính thân thể của một người. Về điều này, có lẽ Lưu Quang Vũ đã gặp gỡ với tư tưởng của F. Kafka khi đặt bút viết truyện ngắn “Hóa thân”.

Con người giờ đây được nhìn nhận một cách toàn diện, đặc biệt là trong mối quan hệ với chính nó. Từ đó dẫn đến cách tân trong tiếp cận hiện thực: nhìn hiện thực trong tính đa chiều và cả mặt khuất của nó. Hình thức nghệ thuật, nhất là nghệ thuật kịch cũng được nâng lên một giá trị mới.

Như vậy, từ một câu chuyện cổ tích có phần mờ nhạt, bằng khả năng đồng hoá, nhào nặn và tái tạo, Lưu Quang Vũ đã xây dựng được một vở kịch đầy hơi thở thời đại cùng những tiên cảm về đời sống con người trong xã hội mới, tiên báo về những đổi mới của văn học trong thời kì mới. Với những tư tưởng tiến bộ và sâu sắc cùng ngòi bút tài hoa, Lưu Quang Vũ đã mở ra một hướng đi mới cho văn học Việt Nam, đưa văn học Việt Nam gần hơn trong quá trình hội nhập với thế giới. Thể loại truyện ngắn nhại của Nguyễn Huy Thiệp, giả huyền thoại của Phạm Thị Hoài, từ Lưu Quang Vũ đã có những thành tựu nhất định. Lối viết đa âm, phức điệu tạo nên những tác phẩm đa thanh, đa nghĩa đã được khởi nguồn từ nhà văn ấy rồi. Đặc biệt, với ông, nghệ thuật kịch Việt Nam đã tiến được bước phát triển đáng kể.

Tuy nhiên, kết chuyện Lưu Quang Vũ vẫn cho hồn Trương Ba tự nguyện chết để đổi lấy sự sống cho cu Tị. Bởi dẫu sao thì ông cũng đứng về phía hồn, cơ bản, ông vẫn chưa dứt ra được vị trí của một nhà soạn kịch hiện đại. Có thể, Lưu Quang Vũ chưa tiếp cận với lý thuyết hậu hiện đại (những yếu tố hậu hiện đại chưa được khai thác hết) nhưng bằng trực cảm thiên tài của một nhà văn, ông đã đi đúng con đường văn chương nhân loại đang lựa chọn.

-Hương Đoànn-vfo.vn
 
  • Chủ đề
    hồn trương ba da hàng thịt lưu quang vũ trương ba
  • Top