Làm sáng tỏ ý kiến: Viết truyện ngắn, quan trọng là mở đầu và kết thúc" qua Rừng xà nu

Đề bài: Viết truyện ngắn, quan trọng là mở đầu và kết thúc". Anh/chị có đồng ý với ý kiến trên không? Làm sáng tỏ qua "Rừng xà nu" (Nguyễn Trung Thành)

Nhận xét về truyện ngắn có ý kiến cho rằng: "Viết truyện ngắn, quan trọng là mở đầu và kết thúc". Với tác phẩm “Rừng xà nu”, nhà văn Nguyễn Trung Thành đã cho ta hiểu hơn về tính chính xác của ý kiến trên. Dưới đây là đoạn văn trình bày quan điểm và làm sáng tỏ ý kiến thông qua tác phẩm này.

Truyện ngắn là thể loại văn học quen thuộc, được nhiều cây bút chọn để thể hiện tác phẩm của mình và cũng là thể loại ghi nhiều thành công của văn chương. Giống như cấu tứ là điểm tựa của thơ, tình huống truyện là điểm tựa của truyện ngắn. Song, muốn xây dựng được một truyện ngắn thành công thì tình huống truyện hay thôi là chưa đủ. Nhà văn còn cần chắt lọc và tạo dựng chi tiết có sức chứa lớn, xây dựng được hình tượng có khả năng biểu tượng cao, và bên cạnh đó là ghi dấu ấn cho người đọc bằng mở đầu và kết thúc đặc sắc. Có ý kiến cho rằng: "Viết truyện ngắn, quan trọng là mở đầu và kết thúc". Đây là một nhận xét đúng. Nhà văn Sê-khốp cùng từng chia sẻ chung quan điểm khi nói về thể loại văn học này: “ Theo tôi , viết truyện ngắn, cốt nhất phải tô đậm cái mở đầu và cái kết luận.”. Là một tác phẩm truyện ngắn thành công, ‘Rừng xà nu” là một minh chứng rõ nét nhất cho tầm quan trọng của kết thúc và mở đầu đối với một tác phẩm truyện ngắn. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu bài viết chi tiết cho đề bài "Viết truyện ngắn, quan trọng là mở đầu và kết thúc". Anh/chị có đồng ý với ý kiến trên không? Làm sáng tỏ qua "Rừng xà nu" (Nguyễn Trung Thành). Nếu còn cảm thấy khó khăn thì bài viết dưới đây là gợi ý hữu ích nhất đối với bạn. Chúc các bạn thành công!


viet-truyen-ngan-quan-trong-la-mo-dau-va-ket-thuc.jpg


BÀI VIẾT CHO ĐỀ BÀI: "VIẾT TRUYỆN NGẮN, QUAN TRỌNG LÀ MỞ ĐẦU VÀ KẾT THÚC". ANH/CHỊ CÓ ĐỒNG Ý VỚI Ý KIẾN TRÊN KHÔNG? LÀM SÁNG TỎ QUA "RỪNG XÀ NU" (NGUYỄN TRUNG THÀNH)
Với thơ, người ta trọng cảm xúc và vần điệu. Còn với truyện ngắn, có ý kiến cho rằng: “Viết truyện ngắn, quan trọng là mở đầu và kết thúc". Một truyện ngắn xây dựng được mở đầu và kết thúc đặc sắc sẽ gây ấn tượng và để lại dấu ấn trong lòng người đọc. Trong truyện ngắn “Rừng xà nu”, hình ảnh cây xà nu xuất hiện ở đầu tác phẩm, đến kết thúc cũng là cánh rừng xà nu dài tít tắp. Sự lặp lại của kết thúc và mở đầu theo kiểu cấu trúc lặp ấy đã làm cho truyện thêm đặc sắc và ấn tượng hơn.

Truyện ngắn là một thể loại văn học cỡ nhỏ, thể hiện câu chuyện của một lát cắt cuộc sống nhưng hàm ý và khả năng trao gửi thông điệp cao. Phần “mở đầu” là phần giới thiệu hoàn cảnh, tạo phông nền cho nhân vật xuất hiện. Còn phần “kết thúc” thì khép lại câu chuyện ấy, tạo nên một văn bản khép kín và hoàn chỉnh. “Viết truyện ngắn, quan trọng là mở đầu và kết thúc” là nhà văn phải dụng công tạo dựng mở đầu và kết thúc đặc sắc, độc đáo, gây ấn tượng sâu sắc cho người đọc. Với truyện ngắn có dung lượng nhỏ, tình huống truyện là thứ cốt yếu nhưng chưa đủ. Việc tạo được dấu ấn cho người đọc còn phụ thuộc vào cách nhà văn mở ra lát cắt cuộc sống ấy và khép lại câu chuyện để cuộc sống không dừng lại ở dấu chấm cuối cùng mà phải là nơi cuộc sống bắt đầu và tiếp diễn. Mở đầu ấn tượng tạo cho người đọc những hứng khởi khi tiếp nhận tác phẩm, kết thúc hay sẽ để lại dư âm và những suy nghĩ sâu sa cho độc giả. Đó là sứ mệnh của mở đầu và kết thúc và cũng là yêu cầu với mỗi nhà văn khi sáng tác trên thể loại truyện ngắn. Truyện ngắn “Rừng xà nu” là một tác phẩm thành công một phần là bởi nhà văn đã tạo dựng được mở đầu và kết thúc ấn tượng, đặc sắc như thế.

Nguyễn Trung Thành là nhà văn trưởng thành qua cả hai cuộc kháng Pháp và kháng Mĩ của dân tộc. Truyện ngắn “Rừng xà nu” được viết năm 1965, thời kì chống Mĩ máu lửa của dân tộc. Tác phẩm xây dựng hai hình tượng song song, đó là hình ảnh về con người Tây Nguyên và hình ảnh những cây xà nu, rừng xà nu đặc trưng của thiên nhiên nơi đây. Xuất hiện trong mở đầu và kết thúc truyện, những cây xà nu đã để lại ấn tượng về một vùng đất Tây Nguyên mạnh mẽ, kiên cường ngay từ chính những nhành cây ngọn cỏ ở nơi đây dù bị chiến tranh tàn phá.

Hình ảnh cây xà nu xuất hiện ở đầu cuối tác phẩm vừa mang ý nghĩ tả thực lại vừa mang ý nghĩa biểu tượng. Làng Xô Man nằm trong tầm đại bác của giặc, nhưng đại bác không tới được người dân bởi đạn phần lớn đều rơi vào ngọn đồi xà nu. Hình ảnh xà nu xuất hiện trong phần mở đầu như một hàng rào bảo vệ, sẵn sàng hi sinh thân mình để đổi lấy an toàn cho con người. Chúng xuất hiện đầy tan thương dưới nòng đại bác của quân giặc, “đổ ào ào như một trận bão”. Đây là hiện thực khắc nghiệt của chiến tranh, của những bom đạn giáng lên thiên nhiên và con người không chỉ ở ngôi làng này, ở Tây Nguyên này mà còn là hiện thực ở ngang dọc tổ quốc. Những vết thương, ở chỗ “nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quyện thành từng cục máu lớn”, là biểu tượng cho những vết thương mà con người phải nếm trải khi chiến đấu chống ngoại xâm. Máu đã chảy, và có những người đã ngã xuống, nhiều người đã hi sinh, những vết máu đã khô lại. Một hiện thực chưa bao giờ là mới trong lịch sử dân tộc, những cái chết không phải bây giờ mới xảy ra mà nó đã đau thương trong lòng những người còn sống từ rất lâu rồi. Với Tnú, với dân làng Xô Man, đó là món nợ máu và phải trả bằng máu. Ngã xuống thì lại đứng dậy, những cây xà nu này đã đổ thì tự khắc sẽ có những mầm sống mới vươn cao: “Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bố năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời”. Đó là sự nối tiếp thế hệ, những người đã hi sinh sẽ mãi nằm yên, nhiệm vụ còn lại những thế hệ sau sẽ tiếp tục gánh vác. Sự nghiệp cứu quốc nào chỉ có một hai ngày, đó là những năm dài trường kì kháng chiến, là cha anh ngã xuống thì người trẻ đứng lên, là truyền tay thanh giáo khẩu súng, truyền những cuốc những xẻng mà lên đường ra trận. Sức sống nối tiếp nhau, và sức sống ấy vẫn đang tiếp diễn trong những ngọn cây vươn cao lên bầu trời để hứng trọn lấy ánh sáng: “Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, lóng lánh vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra, thơm mỡ màng”. Ít có loài cây ham ánh sáng đến thế, dân làng Xô Man cũng tựa như cây xà nu, vươn mình dậy để bay cao với khát vọng tự do, để đến với cuộc sống độc lập. “Nhưng cũng có những cây vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá sum sê như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng”, đó là sự bất khuất, uy nghi và bất diệt của tinh thần cách mạng dân tộc.

Tác phẩm kết thúc trong sự rộng lớn vô bờ của đồi xà nu: “đến hút tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời.” Phần mở đầu kết thúc với hình ảnh “đứng trên đồi xà nu ấy trông ra xa, đến hết tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp tới chân trời”. Đoạn mở đầu và kết thúc không chỉ chọn chung một hình ảnh là cây xà nu mà chọn chọn chung một điểm nhìn, chọn chung một góc quan sát để những đồi xà nu, rừng xà nu rộng bao la quá cả tầm nhìn hút tâm hồn của người ngắm cảnh vào. Cái tít tắp, rộng lớn vô chừng ấy là tương lai của cách mạng, là tương lai của dân làng Xô Man trong cuộc chiến. Rừng xà nu ấy nhìn mãi chẳng thấy giới hạn, màu xanh của lá, cái ứng cáp của thân và vươn cao của ngọn sẽ mãi hứng trọn lấy ánh mặt trời, để sinh trưởng và là tấm chắn vững vàng bảo vệ con người khỏi hiểm nguy. Những cây con sẽ lớn lên, và những cây non mới sẽ đâm chồi tạo nên cánh rừng, phủ cả ngọn đồi là hình ảnh biểu tượng cho sự đứng lên mạnh mẽ của dân tộc trước cảnh đất nước mình, quê hương mình bị xâm lăng. Cách mạng còn dài chưa biết đâu là điểm dừng nhưng chỉ cần cây còn xanh, chồi non còn mọc và cành lá còn vươn dậy thì thành công sẽ sớm đến, tự do sẽ sớm quay trở lại và vết thương sẽ chóng lành mà thôi.

Đoạn mở đầu và kết thúc tạo cho tác phẩm có kết cấu vòng tròn. Mở đầu là đau thương, kết thúc là sự gan góc, sức sống mãnh liệt. Kết cấu vòng tròn vừa khép lại câu chuyện này nhưng mở ra một câu chuyện khác. Nó khiến người đọc cảm thấy câu chuyện của Tnú mà cụ Mết kể lại là câu chuyện nối tiếp những tấm gương cách mạng từ ngàn xưa và sẽ còn được các thế hệ mai sau nối dài trang sử vẻ vang. Đồng thời, sự chạy dài đến chân trời khiến cho câu chuyện không chỉ bó hẹp trong người nah hùng Tnú, trong làng Xô Man mà mở rộng ra với những người chiến sĩ khác, mở rộng ra tới mọi miền tổ quốc. Bắc Nam Trung đều có những người anh hùng như vậy, ngang dọc quê hương đều mạnh mẽ và kiên cường như thế. Chữ “đồi” ở đoạn đầu được đổi thành chữ “rừng” ở đoạn cuối khiến không gian càng thêm mở rộng hơn, sự phát triển của cây xà nu đã chuyển hóa trở nên mạnh mẽ hơn, cùng như con người theo thời gian sẽ càng vững tin vào cách mạng, càng kiên cường hơn khi đối mặt với kẻ thù. Đây là kết tinh của thời đại kháng Mĩ và xu hướng vận động văn hóa theo cảm quan cách mạng-cảm quan yêu nước, ca ngợi sức mạnh chính nghĩa, luôn hướng đến thắng lợi để đòi lại tương lai, hòa bình và tự do.

Với tác phẩm truyện ngắn, mở đầu và kết thúc đóng một vai trò rất quan trọng. Cách mở đầu và kết thúc ấn tượng sẽ cho câu chuyện những dấu ấn và nét đặc sắc khó phai. Mở đầu và kết thúc của “Rừng xà nu” được Nguyễn Trung Thành chọn lối viết vòng tròn với sự lặp lại của hình ảnh, của chi tiết đã mở ra cho ta những suy tưởng mặc dù câu chuyện đã khép lại tại đó. Cũng như Sê-khốp đã nói “Cốt nhất phải tô đậm cái mở đầu và cái kết luận”, ý kiến cùng tác phẩm “Rừng xà nu” đã mở ra cho người viết một phương hướng để thành công trên thể loại truyện ngắn và cũng là định hướng phân tích và cảm nhận cho độc giả khi tiếp cận một tác phẩm cùng thể loại.

-QP-vfo.vn
 
  • Chủ đề
    nguyễn trung thành rừng xà nu
  • Top