Lý giải Trong Rừng xà nu, cụ Mết dặn dò : “Chúng nó cầm súng thì mình phải cầm giáo

Đề bài: Trong "Rừng xà nu", Nguyễn Trung Thành để cụ Mết dặn dò : “Chúng nó cầm súng thì mình phải cầm giáo”. Bằng sự hiểu biết về tác phẩm, anh(chị) hãy lý giải vì sao.

Nói đến những trang viết anh hùng, những nhân vật anh hùng không thể không nhắc đến nhà văn Nguyên Ngọc. Trong tác phẩm “Rừng xa nu”, ông đã nêu lên một chân lí: “Chúng nó đã cầm súng thì mình phải cầm giáo”. Hôm nay chúng ta cùng nhau lí giải câu nói ấy bằng chính tác phẩm “Rừng xà nu”

Để dẫn ra một tác phẩm tiêu biểu có thể minh họa cho sự tồn tại của "nền văn học sử thi" trong văn học Việt Nam 1945 - 1975, tưởng không có tác phẩm nào tiêu biểu hơn "Rừng xà nu" của Nguyễn Trung Thành. Sinh ra ở vùng biển Quảng Nam nhưng văn chương ông lại gắn liền với đất rừng Tây Nguyên và được mệnh danh là nhà văn của Tây Nguyên, ông là người có công mở ra cánh cửa đại ngàn Tây Nguyên cho văn học Việt Nam hiện đại. Cảm hứng về đất nước, quê hương, vẻ đẹp kiêu hãnh và bất khuất về con người Việt Nam là cảm hứng chủ đạo trong suốt chặng đường cầm bút của mình. Trong cảm xúc thẩm mỹ của ông, cái đẹp là cái cùng, cái cao cả. Vì thế, ông trở thành nhà văn của những sự tích anh hùng. Cùng với "Đất nước đứng lên", "Rừng xà nu" trở thành dấu ấn một thời kì văn học, một thời đại lịch sử. Bởi chúng không chỉ tái hiện không khí thời đại, khắc họa vẻ đẹp con người mà còn nêu lên được những chân lý thời đại, thức tỉnh con người. Đó là khi nhà văn để cho cụ Mết khẳng định: "Chúng nó đã cầm súng thì mình phải cầm giáo". Để biết được hoàn cảnh câu nói cũng như hiểu được hết ý nghĩa, hôm nay chúng ta cùng đi phân tích tác phẩm. Sau đây là bài văn mẫu các bạn có thể tham khảo trước khi viết bài. Chúc các bạn học tập tốt!

rung-xa-nu-cu-met.jpg

BÀI VĂN MẪU LÝ GIẢI CÂU NÓI CỦA CỤ MẾT: "CHÚNG NÓ ĐÃ CẦM SÚNG THÌ MÌNH PHẢI CẦM GIÁO"
"Văn học và cuộc sống là hai vòng tròn đồng tâm" (Nguyễn Minh Châu). Không phải văn học chọn cuộc sống để phản ánh mà là cuộc sống chọn văn học để thể hiện mình. Văn học được coi là "phong vũ biểu của thời đại", là tuyên ngôn cho những chân lý của dân tộc. Đó là khi Nguyễn Trung Thành để cho nhân vật của mình trong "Rừng xà nu", cụ Mết, khẳng định: "Chúng nó đã cầm súng thì mình phải cầm giáo".

"Rừng xà nu" được viết vào giữa năm 1965, những ngày đầu cuộc chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ ở miền Nam nước ta. "Đó là những ngày sôi sục, nghiêm trang, nghiêm trọng, lo lắng, quyết liệt, hào hứng, hào hùng: dân tộc ta bước vào cuộc chạm trán mất, còn trực tiếp với đế quốc Mỹ". Truyện ngắn đã được tiếp nhận hơi thở hào hùng của thời đại hào hùng của thời đại và hiện thực được mô tả mang đậm ý nghĩa phổ quát. Chuyện làng Xô Man trở thành chuyện của cả "đất nước đứng lên" trong cuộc đối đầu lịch sử. Những suy nghĩ của nhân vật thành chân lý của lịch sử.

Lời nói của cụ Mết xuất hiện trong câu chuyện cụ kể với xóm làng, sau khi Tnu bị bắt, còn cụ Mết cùng thanh niên vào rừng để tìm giáo mác: “ Nghe rõ chưa, các con, rõ chưa? Rõ, nhớ lấy, ghi lấy. Sau này tau chết rồi bay còn sống phải nói lại cho con cháu: chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”. Câu nói mang âm hưởng thiết tha, hào hùng trong câu nói của cụ Mết thiêng liêng như 1 lời dăn dạy của lịch sử cha ông. "Chúng nó" được đề cập chính là kẻ thù - bọn bán nước và cướp nước. "Mình" chính là dân làng Xô Man nói riêng, cộng đồng Tây Nguyên và mọi người yêu nước nói chung. "Súng" và "giáo" đều là vũ khí, "súng" thuộc về thời hiện đại đầy đủ còn "giáo" là vũ khí thô sơ, tự tạo. Như vậy, phải dùng vũ khí đáp lại vũ khí, phải dùng bạo lực cách mạng để đáp lại bao lực phản cách mạng. Đó chính là quy luật: có áp bức, có đấu tranh; là tuyên ngôn về lẽ sống dân tộc, chân lý thời đại.

Đầu tiên, khi "chúng nó cầm súng" nhưng "chúng ta" không cầm giáo. Kẻ thù đã dùng vũ khí hiện đại để thực hiện tội ác, làm tổn thương nhân dân ta: “đại bác đã bắn thành lệ, mỗi ngày hai lần…”; chúng treo cổ anh Xút, chặt đầu bà Nhan – những thế hệ đi trước, chúng đốt bàn tay Tnu – những trụ cột và cả những mầm non tương lai: dùng súng để bắn Dít, giết chết đứa con bé bỏng của Mai. Lúc ấy “chúng ta” chưa “cầm giáo”, kết quả chỉ có đau thương và mất mát: từ thiên nhiên: “cả rừng xà nu hàng vạn cây, không có cây nào không bị thương” rồi “những cây bị chặt ngang nửa thân mình đổ ào ào như một trận bão” đến con người: bao nhiêu người dân vô tội phải bị chết, bao nhiêu ngôi nhà đã tan vỡ, bao nhiêu số phận trở nên bi thương, tội nghiệp. Đặc biệt hình ảnh bàn tay của Tnu: dẫu là bàn tay của lòng dũng cảm (đưa thư, nuôi giấu bộ đội), bàn tay tình nghĩa (bảo vệ dân làng và mẹ con Mai) nhưng cũng không thể bảo vệ được những người thân nhất của mình. Và kết quả vẫn là sự mất mát và khổ đau. Cái giá phải trả là quá đắt.

Nhưng khi “chúng nó đã cầm súng” và “mình cầm lấy giáo”. Thiên nhiên đau thương kia cũng trở thành người chiến sĩ quật cường, một Tây Nguyên bất khuất, một tấm lá chắn che chở cho dân làng. “ Cứ thế hai ba năm nay rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra che chở cho làng”. Hình ảnh rừng xà nu lúc này chứa đựng một sức sống vô hạn không gì hủy diệt nổi. Con người cũng thế. Cảnh dân làng Xô Man trong đêm đồng khởi. Làng Xô Man từ đó trở thành làng kháng chiến, rừng xà nu ào ào rung động, tiếng chiêng nổi lên và lửa cháy khắp rừng. Ngọn lửa xà nu đã soi xác 10 tên giặc bị giết trong đêm ấy. Và làng Xô Man đã bảo vệ được sự sống của mọi người, đã tìm lại được sự bình yên và hạnh phúc. Bàn tay của Tnu khi cầm vũ khí chiến đấu không chỉ là bàn tay yêu thương mà còn là bàn tay sức mạnh để có thể che chở và bảo vệ cho những người mình yêu thương, đem lại hạnh phúc cho mọi người. Đó chính là cái kết tốt đẹp khi chúng ta dám chiến đấu bảo vệ cho quyền lợi chính đáng và hạnh phúc chân chính của mình.

Ra đời trong một thời điểm hào hùng của hoàn cảnh lịch sử, lại kể về những sự việc có tầm vóc thời đại, giọng điệu trần thuật có màu sắc anh hùng ca đã được ử dụng rất đắc địa. Lời kể của tác giả đã hòa lẫn với lời kể của cụ Mết, chân lí thời đại được thể hiện qua lời cụ rất tự nhiên mà lại trang nghiêm và thiêng liêng đến lạ. Đó chính là chân lí không chỉ của một thời mà của mọi thời, mọi thời đại để có thể tìm được hạnh phúc của chính mình.

“Rừng xà nu” là trải nghiệm một đời văn, một đời chiến sĩ được nhốt chặt trong một khuôn khổ chật hẹp. Đó là một tác phẩm rất cô đọng nhưng cũng hết sức bay bổng, gợi nên những cảm xúc vừa trầm lắng vừa say mê. Một tác phẩm xứng tầm với thời đại đánh Mỹ oanh liệt và dân tộc Việt Nam anh hùng.

-Bỉ Ngạn-vfo.vn
 
  • Chủ đề
    cụ mết dân làng xô man nguyễn trung thành rừng xà nu
  • Top