Nét đặc sắc trong phong cách thơ Tố Hữu thể hiện qua đoạn: "Mình về mình có nhớ ta... Cầm tay nhau biết"

Nét đặc sắc trong phong cách thơ Tố Hữu thể hiện qua đoạn: "Mình về mình có nhớ ta... Cầm tay nhau biết"

“Việt Bắc” là bài thơ ghi dấu ấn đậm nét những nét đặc sắc trong phong cách thơ Tố Hữu. Trong đó, đoạn thơ "Mình về mình có nhớ ta... Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay" là đoạn thể hiện rõ nét phong cách thơ ông. Bài viết dưới đây sẽ phân tích phong cách thơ Tố Hữu được thể hiện qua đoạn trích.

Macxim Gorki từng khẳng định: “ Nghệ sĩ là người biết khai thác những ấn tượng riêng của mình, tìm thấy những ấn tượng có các giá trị khái quát và biết làm cho những ấn tượng ấy có hình thức riêng”. Hay nói một cách gọn gàng hơn, mỗi người nghệ sĩ phải tự biết tìm cho mình một phong cách nghệ thuật riêng. Nghệ sĩ giống như ngôi sao trên bầu trời vậy, đủ khác biệt thì sẽ tỏa sáng. Và bầu trời văn học rộng lớn như thế cũng chỉ ghi dấu được một lượng ngôi sao tỏa rạng mà thôi. Tố Hữu chính là ngôi sao tỏa rạng trong hằng sa số ánh sao ấy. Bút pháp thơ Tố Hữu, mới đọc thì thấy quen, đọc sâu rồi mới thấy nó lạ. Nhà thơ không tìm đến một chủ đề mới cũng chẳng phải bút pháp mới, nhưng những nét bút của ông vẫn đậm mực trong lòng người đọc bởi nhà thơ biết làm mới cho những điều tưởng quen thuộc, biết làm cho điều mà ai cũng biết ấy thành điều của riêng mình. Nét đặc sắc thơ Tố Hữu được thể hiện rất rõ trong tác phẩm thơ “Việt Bắc”-bài thơ đúc kết đủ tinh hoa của ngòi bút nhà thơ. Dưới đây là bài làm chi tiết cho đề bài: Nét đặc sắc trong phong cách thơ Tố Hữu thể hiện qua đoạn: "Mình về mình có nhớ ta... Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay". Chúc các bạn thành công!

net-dac-sac-trong-phong-cach-tho-to-huu.jpg

BÀI VIẾT SỐ 1 VỀ NÉT ĐẶC SẮC TRONG PHONG CÁCH THƠ TỐ HỮU THỂ HIỆN QUA ĐOẠN: "MÌNH VỀ MÌNH CÓ NHỚ TA... CẦM TAY NHAU BIẾT NÓI GÌ HÔM NAY"
Lê Đạt viết trong “Vân chữ” rằng:
  • “Mỗi công dân đều có một dạng vân tay
  • Mỗi người nghệ sĩ thứ thiệt đều có một dạng vân chữ.”
Có thể nói, một người nghệ sĩ chân chính phải có riêng cho mình một phong cách nghệ thuật, một cách nhìn về đời và kể về đời. Tố Hữu chính là một người nghệ sĩ như thế, là một nhà sáng tác đích thực trên mỗi trang thơ của mình. Nét đặc sắc trong phóng cách thơ Tố Hữu được thể hiện rất rõ qua đoạn thơ:
  • “Mình về mình có nhớ ta
  • Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
  • Mình về mình có nhớ không?
  • Nhìn cây nhớ núi , nhìn song nhớ nguồn
  • Tiếng ai tha thiết bên cồn
  • Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi
  • Aó chàm đưa buổi phân ly
  • Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay.”
Tố Hữu là cây bút thơ tiêu biểu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Đoạn thơ ở trên được trích từ bài thơ “Việt Bắc”-một sáng tác thơ tập trung đầy đủ những đặc sắc thơ Tố Hữu. Tố Hữu viết “Việt Bắc” khi phải chia tay với chiến khu Việt Bắc để cùng các cán bộ trở về thủ đô Hà Nội. Đoạn trích thơ trên là lời đối đáp của người ra đi và người ở lại.

Đặc sắc thơ Tố Hữu, trước hết nằm ở chủ đề. Đoạn thơ nói riêng và bài thơ nói chung viết về một sự kiện mang tính lịch sử nhưng lại không khô khan. Đây cũng là nội dung được Tố Hữu thể hiện ở hầu hết các tác phẩm của mình: chất trữ tình chính trị. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết, hòa bình trở lại, miền Bắc nước ta được giải phóng.Tháng mười năm 1954, các cơ quan trung ương Đảng và Chính Phủ rời chiến khu Việt Bắc về thủ đô. Việt Bắc là nơi nhà thơ đã sống và gắn bó suốt thời kì kháng chiến trường kì, nay lại phải từ giã. Trong không khí lịch sử ấy, nhà thơ đã sáng tác “Việt Bắc” chất chứa bao tâm trạng của nhà thơ về thời khắc chia ly đầy cảm xúc ấy. Những vấn đề chính trị thông qua cái nhìn mang chất thơ đã trở thành những cảm hứng thơ thật sự, mang nét trữ tình mềm mại.

Ở thơ Tố Hữu, ta tìm thấy một nét gì đó rất quen thuộc của truyền thống, của dân gian bởi thơ Tố Hữu rất đậm đà tính dân tộc. Tính dân tộc được thể hiện ngay ở chủ đề. Đoạn thơ là lời đối đáp của người ở lại và người ra đi. Họ nói với nhau những lời từ tâm, họ quyến luyến bởi giữa họ có tình, có nghĩa, có gắn bó bền chặt keo sơn. Tình nghĩa, sự thủy chung là những chủ đề thơ rất quen thuộc của văn học Việt Nam và đó cũng là những nét đẹp truyền thống ở con người nước Việt. Tố Hữu viết về tình nghĩa ấy như ngầm khẳng định và tôn vinh nét đẹp tâm hồn của con người nơi quê hương tổ quốc.

Có một điều dễ thấy nhất thể hiện tính dân tộc trong thơ Tố Hữu đó là thể thơ. Đoạn thơ được viết theo thể lục bát, một thể thơ đã tồn tại từ suốt những câu ca dao dân gian. Tố Hữu đã tiếp thu tinh hoa của thế giới thơ ca cổ điển, thành công trong việc vận dụng nét truyền thống vào lời thơ hiện đại của mình, cất lên thành những câu hát dịu êm.

Màu sắc dân tộc được biểu hiện ở những yếu tố dân gian. Và đoạn thơ trên thấm nhuần màu sắc dân gian ấy. Tố Hữu đã sử dụng thành công lối kết cấu lặp lại. Cặp đại từ “mình”-“ta” được sử dụng xuyên suốt đoạn thơ. Cặp đại từ phiếm chỉ ấy lại kết hợp với thể thơ lục bát khiến cho đoạn thơ có dáng dấp như câu ca dao xa xưa. Nó quen thuộc với ta đến mức ai cũng có lần đọc ca dao mà lại thành đọc thơ Tố Hữu. Kể cả cách ngắt nhịp, gieo vần điệu và giọng điệu cũng giống đến lạ. Tuy nhiên, thơ Tố Hữu vẫn là thơ Tố Hữu. Cặp đại từ mình ta trong ca dao thường được sử dụng phiếm chỉ người nam người nữ trong mối quan hệ tình cảm mật thiết:
  • “Mình về mình nhớ ta chăng
  • Ta về ta nhớ hàm răng mình cười.”
Nhưng mình ta trong thơ Tố Hữu lại để chỉ cán bộ và người dân Việt Bắc. Cách vận dụng sáng tạo này tạo cho đoạn thơ những vần điệu rất mềm mại và khắc sâu mối quan hệ của người ra đi và người ở lại. Họ không chỉ dừng lại ở mối quan hệ của cán bộ và nhân dân mà nó cao hơn, sâu đậm hơn như tình yêu của cặp tình nhân. Đó là tình cảm từ cả hai phía, bao hàm cả xúc cảm muốn gắn bó thủy chung và cả sự thấu hiểu suốt những ngày gắn bó.

Không chỉ vận dụng sáng tạo cặp đại từ mình ta, nét dân tộc còn đậm đà bởi Tố Hữu đã đưa những hình ảnh quen thuộc vào câu thơ của mình. Câu thơ “Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn” với hình ảnh “sông” và “nguồn” như gợi lại câu “uống nước nhớ nguồn” đã quen thuộc với bao thế hệ. Đặc biệt là hình ảnh “áo chàm” trong câu thơ “Áo chàm đưa buổi phân li”. Hình ảnh “áo chàm” xuất hiện gợi nhắc ta về hành động “chia bào” thường gặp trong cuộc chia truyền thống. Nhưng áo chàm ở đây không chỉ là hình ảnh biểu trưng cho sự chia ly mà nó còn mang những ý nghĩa sâu sắc hơn. Sắc chàm là sắc màu đặc trưng ủa núi rừng Tây Bắc, cũng là đại diện cho con người chiến khu Việt Bắc trong ngày chia ly. Màu áo chàm là sắc màu bình dị, là thuốc nhuộm quần áo rất bền bỉ của người Việt Bắc. Màu áo chàm như ánh lên nghĩa tình thủy chung, gắn bó bền chặt của người ra đi và người ở lại, thể hiện sự trường tồn của lối sống nghĩa tình trong lòng của cả “mình” và “ta”.

Dân mình sống nghĩa tình, nên những lời thơ mà dân mình viết ra cũng đậm sắc màu của tấm lòng như thế. Đoạn thơ đượm hồn dân tộc bơi nó hàm chứa giọng điệu tâm tình truyền thống của văn chương Việt Nam. Bên trên “mình” nói
  • “Mình về mình có nhớ ta?
  • Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.”, bên dưới “ta” đáp lại:
  • “Tiếng ai tha thiết bên cồn
  • Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi”.
Từ “tha thiết” trong lời của người ra đi như láy lại từ “thiết tha” trong lời của người ở lại. Nghe thâý cái “thiết tha” của người ở lại tức là người ra đu cùng nghe thấy cái tha thiết trong tâm hồn mình. Đó không chỉ là sự đồng cảm mà còn là sự đồng điệu về mặt tâm hồn. Sự hòa điệu ấy làm cho lời thơ nghe như lời tâm tình giữa người với người, kể cho nhau nghe về tấm lòng sắc son của mình. Lối nói đối đáp quen thuộc của ca dao cũng được Tố Hữu vận dụng vào đoạn thơ khiến đoạn thơ nghe như lời thoại của hai tâm hồn thân thiết đang dựa vào nhau mà thủ thỉ, dựa vào nhau để trân trọng giây phút cuối cùng được gắn bó ấy. Lời tâm tình bởi vì không khí chia ly mà càng nặng tấm lòng hơn, càng thắm thiết và thổn thức hơn. Giọng điệu tâm tình không chỉ được tạo bởi từ ngữ mà còn bởi chính cái tâm tình của con người. Người ra đi thì “bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi”. Hai chữ “bâng khuâng” và “bồn chồn” đã nói lên tất cả sự quyến luyến chẳng nỡ rời của người ra đi. Nhà thơ như trút tất cả tâm tình vào câu chữ, để những xúc cảm buồn, nhớ, nuối tiếc đến hoài niệm, yêu thương được lan tỏa. Tấm lòng nhà thơ, đó là thật, bước chân “bồn chồn” ấy là thực. Một nét lãng mạn rất thực được Tố Hữu thổi vào hồn thơ, tạo nên giọng tâm tình. Ta như thể nghe thấy người ra đi và người ở lại nói với nhau vậy, chứ không chỉ đơn thuần là đọc được con chữ thơ nữa.

Đoạn thơ tuy chỉ gồm bốn cặp lục bát nhưng ta đã thấy một Tố Hữu rất đậm đà ở trong đó. Phong cách nhà thơ vừa quen lại vừa lạ, những điều tưởng như quen lắm, vào thơ Tố Hữu lại trở nên riêng và mới đến như vậy. Phong cách thơ ấy, vừa là kết quả của một ngòi bút có tâm vừa là trái ngọt của một người nghệ sĩ có tài.
- QP - vfo.vn

net-dac-sac-trong-phong-cach-tho-to-huu-viet-bac.jpg

BÀI VIẾT SỐ 2 NÉT ĐẶC SẮC TRONG PHONG CÁCH THƠ TỐ HỮU THỂ HIỆN QUA ĐOẠN THƠ "MÌNH VỀ MÌNH CÓ NHỚ TA...CẦM TAY NHAU BIẾT NÓI GÌ HÔM NAY"
Tuốc-ghê-nhép từng nói:"Cái quan trọng trong tài năng văn học và tôi nghĩ rằng cũng có thể trong bất kì tài năng nào, là cái mà tôi muốn gọi là tiếng nói của riêng mình". Phong cách nghệ thuật là yếu tố quan trọng không chỉ giúp cho người nghệ sĩ gây được ấn tượng với bạn đọc mà còn mang đến cho họ một vị trí vững chắc trong dòng chảy văn học muôn đời.

Trên bầu trời văn học Việt Nam, Tố Hữu là một ngôi sao sáng, ông để lại dấu ấn không chỉ bởi những vần thơ xuất sắc của một "cánh chim đầu đàn của thơ ca cách mạng" mà còn bởi phong câch nghệ thuật vô cùng độc đáo. Việt Bắc là một trong số những tác phẩm tiêu biểu của Tố Hữu. Chỉ qua 8 câu thơ đầu tiên, ta cũng đã có thể thấy được những nét đặc sắc trong phong cách của ông.

Trước hết, Tố Hữu là một nhà thơ trữ tình chính trị xuất sắc. Thơ không chỉ là để nói những tình cảm riêng tư của bất cứ cá nhân nào, thơ Tố Hữu phản ánh những sự kiện trọng đại của dân tộc. Bài thơ Việt Bắc ra đời khi hiến thắng Điện Biên Phủ thắng lợi. Tháng 7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương được kí kết. Hòa bình lập lại, một trang sử mới mở ra cho toàn dân tộc. Tháng 10-1954, những người kháng chiến từ căn cứ miền núi trở về miền xuôi, Trung ương Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về lại thủ đô. Tố Hữu cũng là một trong những người lính đã từng gắn bó cùng đồng bào Việt Bắc trong những năm kháng chiến trường kì. Việt Bắc là khúc ca thắm đượm ân tình giữa người ở lại và người ra đi. Cái tôi trữ tình của Tố Hữu bởi vậy không còn là cái tôi cá nhân riêng tư, mà là cái tôi hướng đến cái ta chúng rộng lớn, nó rung lên từng nhịp đập của con tim của cả một thế hệ đồng bào Việt Bắc và những người lính cụ Hồ đã cùng kề vai sát cánh, chia ngọt sẻ bùi suốt 15 năm kháng chiến, từ những ngày đầu cách mạng còn non trẻ tới ngày thành công.
Song, nếu như chỉ đơn thuần là khắc hoạ tình cảm quân dân cá nước sắt son, thì Tố Hữu không phải là người duy nhất, điều làm nên sự độc đáo trong những vần thơ của ông chính là chất trữ tình trào dâng. Trong 8 câu thơ đầu tiên, tình quân dân được thể hiện như một lời tâm tình tha thiết.
  • "Mình về mình có nhớ ta
  • Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
  • Mình về mình có nhớ không
  • Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn"
Bốn câu thơ đầu tiên là lời nhắn nhủ của người ở lại - đồng bào Việt Bắc thân yêu. Cứ mỗi cặp lục bát, câu 6 là lời ướm hỏi thiết tha, câu 8 lại là lời gợi nhắc kết hợp với điệp khúc "Mình về mình có nhớ" lặp lại hai lần. 4 câu thơ vừa là nỗi băn khoăn, vừa là lời nhắn nhủ từ tận đáy lòng người ở lại. Mình và ta tưởng như tách biệt, mà lại như hoà vào làm một, mình và ta dường như không chỉ đơn thuần là người ở lại và người ra đi mà còn là cả Cách mạng ân tình một thời cùng nhau gắn bó. Quãng thời gian "mười lăm năm" được gợi nhắc là cả một quãng thời gian dài, nén vào trong câu chữ là cả một chặng đường lịch sử đầy gian khổ, khó khăn và cũng nén cả vào đó biết bao kỉ niệm. Bởi vậy, mười lăm năm ấy không chỉ là quãng thời gian vật lí mà còn chứa đựng trong đó cả một chặng đường dài từ lúc cách mạng còn non trẻ tới ngày thành công. Chỉ từ "ấy" vừa xác định 15 năm gắn bó đã trở thành một miền kí ức đã đi qua song còn lưu lại, còn vẹn nguyên trong lòng người vừa khiến cho quãng thời gian ấy trở thành một miền kí ức riêng tư, mà chỉ có người ở, người đi, những người từng gắn bó với nhau mới có thể hiểu chính xác được. Bốn chữ "thiết tha mặn nồng" như gói trọn độ sâu, độ nồng của cảm xúc, tình cảm chính trị bỗng được thể hiện thật ngọt ngào. Cùng với thời gian, không gian rộng lớn của căn cứ địa Việt Bắc cũng hiện lên qua hình ảnh "cây, núi, sông, nguồn". Nhưng cây và sông, núi và nguồn cũng bỗng tạo thành hai vế gợi ra hai khoảng không gian đối lập của miền xuôi, miền ngược. Câu thơ gợi nhắc đến câu tục ngữ quen thuộc "uống nước nhớ nguồn" của ông cha ta khi xưa, bởi vậy câu thơ như lời nhắn nhủ người trở lại miền xuôi hãy luôn nhớ tới những tháng năm gắn bó, ấy là lối sống thủy chung, ân tình.

Nếu bốn câu thơ đầu tiên là lời trao gửi, nhắn nhủ của kẻ ở với người đi, thì 4 câu thơ tiếp theo tụa như lời đồng vọng của những người ra đi.
  • "Tiếng ai tha thiết bên cồn
  • Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi
  • Áo chàm đưa buổi phân li
  • Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay"
Một loạt các từ láy diễn tả cảm xúc được sử dụng làm cho những cảm xúc khác nhau cứ như đan quyện, hoà vào nhau, làm xốn xang, thổn thức lòng người ra đi. Hai chữ "tha thiết" như lời đồng vọng lại hai tiếng "thiết tha" của người ở lại. Dường như nghe thấy tiếng thiết tha ấy cũng là nghe thấy chính lòng mình, chính tâm hồn mình. Cảm xúc được gọi lên, thành nỗi "bâng khuâng", cảm giác như, nỗi buồn cứ lan rộng ra, làm lồng ngực nao nào khó tả. Ấy là cái cảm giác có biết bao điều muốn nói, muốn tâm sự, ấy mà lại chẳng biết phải bắt đầu từ đâu. Ấy là cái cảm giác như đang trôi trên dòng sông của kí ức, của kỉ niệm trước giờ phút chia xa. Nỗi bâng khuâng trong lòng khiến cho người ra đi "bồn chồn bước đi". Nỗi lo lắng, sốt sắng không nguôi như lan ra. Có phải hay không, ta còn có thể cảm nhận được đâu đây một ánh mắt kiếm tìm một ánh mắt, một bước chân ngập ngừng, chốc chốc lại ngoại lại, đợi chờ, luyến lưu, nặng nề không nỡ cất bước tiếp. Buổi chia ly được nhà thơ tái hiện bằng một sắc áo chàm. "Áo chàm" là một hình ảnh hoán dụ độc đáo, vừa là hình ảnh của con người Việt Bắc giản dị, chân chất, màu chàm lại là biểu tượng của sự gắn bó, khó phai.
  • "Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay"
Đôi khi vô thanh lại thắng hữu thanh. Sự lặng yên không biết nói gì như một nốt lặng trong bản nhạc của cảm xúc, nó chứa đựng những gì sâu lắng nhất, thầm kín nhất. Chẳng biết nói gì bởi có quá nhiều điều muốn nói hay là không muốn nói gì vì sợ làm yếu lòng người bước đi, hay là vì chỉ cần cái cầm tay thôi, một ánh mắt trao nhau thôi cũng đủ để giãi bày rồi.

Về nghệ thuật, thơ Tố Hữu đậm đà tính dân tộc. Bài thơ sử dụng những chất liệu vô cùng giản dị, thân quen của văn học Việt Nam xưa. Thể thơ lục bát truyền thống, lối nói đối đáp và cặp đại từ mình-ta đã đi về trong những câu ca dao xưa:
  • "Mình về mình có nhớ ta
  • Ta về ta nhớ hàm răng mình cười"
  • "Ta về mình có nhớ ta
  • Ta đi qua ngõ thấy con mình bò
  • Con mình những trấu cùng tro
  • Ta đi xách nước tắm cho con mình
  • Con mình vừa đẹp vừa xinh
  • Một nửa giống mình, một nửa giống ta"
Cặp đại từ "mình-ta" trong bài thơ không chỉ thể hiện mối quan hệ gắn bó, khăng khít giữa những người lính và đồng bào Việt Bắc mà còn làm cho tiếng thơ thể hiện tình cảm chính trị bỗng trở thành một lời tâm tình mềm mại, ngọt ngào. Tố Hữu không sáng tạo những từ ngữ mới, mà nhà thơ vận dụng khéo léo những chất liệu dân gian. Những câu ca dao, tục ngữ đi vào thơ một cách tự nhiên như một lời nhắn gửi ân tình. Câu thơ "áo chàm đưa buổi phân li", bỗng gợi nhớ đến động tác chia bào. Nguyễn Du hàng trăm năm trước đây cũng đã để nàng Kiều lòng đau như cắt chia ly người mình yêu "Người lên ngựa, kẻ chia bào / Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san". Nỗi bịn rịn, luyến lưu ấy, ở đây đã không còn đơn thuần chỉ là tình yêu lứa đôi mà đã trở thành tình quân dân cá nước.

Rõ ràng, chỉ qua 8 câu thơ đầu tiên, những nét độc đáo trong phong cách của Tố Hữu hiện lên thật rõ nét: một hồn thơ giàu cảm xúc, một ngòi bút thơ trữ tình chính trị xuất sắc, một tiếng nặng hồn dân tộc với vốn ngôn ngữ giản dị mà vận dụng sáng tạo những chất liệu vốn có của dân gian. Qua đây, ta cũng thấy được một cái nhìn giàu yêu thương, trân quý của một con người đã từng gắn bó sâu đậm với mảnh đất này. Sự thành công của đoạn thơ đã góp phần không nhỏ tạo nên ấn tượng khó phai của bài thơ Việt Bắc trong lòng bạn đọc và tâm hồn, tài năng của Tố Hữu.

-M-vfo.vn
 
  • Chủ đề
    phong cách to huu việt bắc
  • Top