Nghĩ ra một kết thúc khác cho truyện tấm cám

Từ thuở lọt lòng, chúng ta đã được chìm đắm trong những câu ca dao ngọt ngào của bà của mẹ, được nuôi dưỡng và giáo dục bằng những câu chuyện cổ tích được lưu truyền từ ngàn đời. “Tấm Cám” và hình tượng cô Tấm dịu hiền đã trở thành một hình ảnh quen thuộc, một ký ức ăn sâu trong tiềm thức của mỗi con người Việt Nam. Chúng ta đều nhớ kết thúc câu chuyện là sự trừng trị thích đáng mà Tấm dành cho hai mẹ con Cám sau biết bao nhiêu tội ác mà họ đã làm với nàng. Tấm sai người đào một cái hố thật sâu, bảo Cám xuống đó rồi trút nước sôi lên. Sau đó nàng lại dùng xác Cám để làm mắm đem biếu mụ dì ghẻ. Khi phát hiện bao lâu nay mình đang ăn thịt con mình thì mụ lăn đùng ra chết. Đây có lẽ là một cái chết mà dân gian đã xây dựng để thể hiện khát mong ngàn đời về một xã hội công bằng, nơi cái đẹp cái thiện được đề cao, cái xấu cái ác phải bị tiêu diệt đến cùng. Vậy tại sao chúng ta không thử thay đổi cái kết theo một cái nhìn bao dung và rộng lượng hơn? Sau đây, chúng tôi xin gửi tới bài tham khảo “Nghĩ ra một cái kết khác cho truyện Tấm Cám”.

tam-cam.jpg

kết thúc truyện Tấm Cám vẫn còn là 1 đề tài khá gây tranh cãi hiện nay vì nó có nhiều hành vi không phù hợp với đạo lý cho lắm

BÀI VĂN MẪU SỐ 1 NGHĨ RA MỘT KẾT THÚC KHÁC CHO TRUYỆN TẤM CÁM
Sau khi gặp lại được vợ mình, nhà vua cho kiệu xe cờ hoa lộng lẫy để rước Tấm về cung. Nghe tin Tấm trở về, hai mẹ con Cám lúc này đang ăn sung mặc sướng trong hoàng cung trở nên bàng hoàng, ngạc nhiên như không tin vào tai mình. Mụ dì ghẻ đi đi lại lại quả quyết:
- Không thể như thế được! Không thể như thế được! Sao nó có thể chết đi sống lại như vậy chứ...
Rồi mụ lẩm bẩm điều gì đó một mình. Cám lúc này bắt đầu hoảng hốt, lo lắng, sợ hãi:
- Mẹ, chúng ta phải làm sao đây? Chị Tấm trở lại sẽ không tha cho chúng ta.
Có tiếng ngựa chạy hối thúc, tiếng xua dẹp đường, tiếng kèn trống rộn rã khắp nơi như báo hiệu hoàng hậu đã trở lại. Ai nấy đều vui mừng hớn hở, cúi lạy hoàng hậu đã quay về. Tim hai mẹ con Cám như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, đập loạn xạ cả lên. Mụ dì ghẻ vồn lắm toan tính mưu mô thì nay đầu óc cũng trở nên trống rỗng và rối như tơ vò. Đúng như dự đoán, chỉ một lúc sau khi hồi cung, Tấm cho sai thuộc hạ mời mẹ con Cám.

Nhìn thấy Tấm mặc y phục lộng lẫy, nét mặt thanh cao và vẫn còn tươi trẻ, sắc đẹp vẫn không thay đổi gì, Cám vẫn sinh lòng ghen ghét đố kỵ dù đang trong tình thế nguy hiểm. Tấm mở giọng thỏ thẻ hỏi hai người:
- Dì và em sống trong đây sung sướng chứ?
Hai mẹ con cúi đầu không đáp. Tấm vẫn tiếp tục:
- Làm sao hai người vẫn vui vẻ sung sướng sau khi hại chết con hết lần này đến lần khác. Danh vọng và sự giàu sang đã làm cho hai người mờ mắt. Nhà vua đã cho ta toàn quyền định đoạt truyện này. Ta phải làm sao đây?
Câu hỏi cuối của Tấm như có cái gì đó nghẹn ngào trong cổ họng, khóe mắt khẽ đỏ hoe. Mụ dì ghẻ lạnh lùng đáp:
- Mày dám trừng phạt ta sao? Đừng quên ta đã nuôi ngươi suốt bằng ấy năm trời. Mẹ mất, cha mất, nếu không có ta, mày còn sống sao?
Trong khi đó, Cám có vẻ hiểu được tình hình hơn, chạy xuống, van xin Tấm:
- Chị ơi, chị hãy tha cho hai mẹ con em. Em biết em sai rồi, em sẽ rời khỏi đây...
Chưa nói hết câu, Cám đã bị mẹ mình lôi phắt dậy rồi mụ hằn học như Tấm. Tấm lắc đầu ngao ngán, thở dài rồi sai quân đem hai mẹ con họ giam lỏng trong lãnh cung- nơi không hề được tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Mụ dì ghẻ vẫn chưa tỉnh ngộ, vẫn ganh ghét với Tấm nên sinh bệnh mà qua đời ở nơi tối tăm lạnh lẽo. Trong đám tang của mụ, Tấm vẫn đến thực hiện nghĩa vụ của một người con. Nàng vẫn nhỏ những giọt nước mắt khóc thương người đã khuất, người có công cưu mang nàng sau khi cha qua đời. Nhưng nàng cũng nặng trĩu nỗi suy tư vì sự cứng đầu và bảo thụ của mụ. Khi mọi việc dần qua, Tấm đến gặp Cám, cầm tay em thủ thỉ:
- Chị mong em không giống mẹ mình, cứ mãi không tỉnh ngộ rồi đau buồn uất ức mà sinh bệnh…
Cám giàn giụa nước mắt:
- Chị, em đã biết lỗi của mình rồi. Chị cứ việc trừng phạt em đi! Em và mẹ em đã làm không biết bao nhiêu chuyện có lỗi với chị. Cái chết của mẹ có lẽ chính là quả báo mà bà phải chịu...
Nhận thấy sự thành tâm hối lỗi của Cám, Tấm cảm động, cho em một cơ hội để bắt đầu một cuộc sống mới, lương thiện và giản dị hơn.
Sau khi được xuất cung, Cám chọn một làng quê yên bình để trồng cấy, dệt vải và xây dựng được một mái ấm cho riêng mình. Hằng năm, Tấm vẫn đến thăm Cám đôi ba lần, tình cảm chị em ngày một gắn bó.
-Phan-vfo.vn-

BÀI VĂN MẪU NGHĨ RA MỘT KẾT THÚC KHÁC CHO TRUYỆN “TẤM CÁM”
Trong kho tàng dân gian Việt Nam, không chỉ có những bài ca dao, những câu ca dao tục ngữ mượt mà đi vào lòng người bao nhiêu thế hệ, hay là những câu chuyện truyền thuyết kể lại phần nào đó quá trình lịch sử tráng lệ của cha ông từ bao đời này với những người anh hùng, những bậc đại trượng phu khí thế ngút trời mà còn có những câu chuyện cổ tích thấm đẫm hồn quê dân tộc với những số phận cực khổ và những khát khao, mơ ước được đổi đời của người nông dân làng quê Việt Nam. Có rất nhiều những câu chuyện cổ tích tiêu biểu, nhưng hay nhất đối với em vẫn là truyện cổ tích “Tấm Cám”. Cô Tấm từng một thời ăn sâu vào trong tiềm thức của thế hệ mọi người dân. Tuy vậy, kết thúc của “Tấm Cám” lại mang đến cho mọi người nhiều ý kiến trái chiều do hành động trả thù của Tấm dành cho mẹ con nhà Cám. Và sau đây, chúng ta hãy sửa lại, suy nghĩ thêm một cách kết thúc khác cho truyện “Tấm Cám”.

Kết thúc ban đầu của câu chuyện cổ tích này là: Sau những thử thách, những mối nguy hại mà mẹ con nhà Cám hãm hại cô Tấm để có thể đạt thành mục đích giàu sang của mình thì cô Tấm nhờ sức mạnh của mình mà có thể vượt qua hết. Và sau đó, cô Tấm khi đã trở lại ngôi vị Hoàng hậu của mình, trở lại với cuộc sống hạnh phúc bên cạnh Hoàng thượng thì Tấm đã trừng trị mẹ con nhà Cám. Cám bị lừa dẫn tới bị chết bỏng do tắm bằng nước sôi, còn sọ của Cám được Tấm mang đi làm mắm và gửi tới cho mẹ Cám. Sau khi ăn hết lọ mắm đó thì mụ dì ghẻ mới biết đó là mắm làm từ xác con người mình nên đã ngay lập tức lăn đùng ra chết. Một cái kết đem lại nhiều ý kiến trái chiều cho mọi người. Người thì cho rằng đây là một cái kết thúc chính đáng, là sự trả thù chính đáng của Tấm dành cho những hành động xấu xa, tàn nhẫn, vô nhân tính của mẹ con Cám. Tuy nhiên, lại có một bộ phận người cho rằng, sự trả thù của Tấm quá tàn ác, không phù hợp với tính cách hiền hậu, bao dung, vị tha của cô Tấm từ đầu câu chuyện tới giờ.

Xây dựng một kết thúc khác cho truyện “Tấm Cám” như sau: Sau khi cô Tấm trở về với Hoàng thượng, quay lại ngôi vị Hoàng hậu của mình thì mẹ con nhà Cám đã có thái độ ăn năn, hối cải và muốn quay đầu là bờ. Sau khi nhận ra mọi lỗi lầm của mình thì mẹ con Cám tới để xin lỗi Tấm. Lúc đầu, họ có vẻ rất sợ sệt vì lo rằng chắc Tấm sẽ không tha thứ cho mình đâu. Nhưng không ngờ, sau khi nghe hết lời thú tội của mẹ con nhà Cám thì Tấm bằng lòng tha thứ cho bọn họ rồi cho họ về quê sống an nhàn. Từ đó, Tấm sống hạnh phúc bên hoàng thượng, đồng thời ra sức cùng Cám chăm sóc tốt cho mụ dì ghẻ tuổi cao sức yếu. Cái kết này phù hợp với kết thúc có hậu trong truyện cổ tích, vẫn giải quyết được mâu thuẫn và không làm mất đi vẻ đẹp trong nhân phẩm của cô Tấm.

Cái kết thúc nào cũng có những ưu điểm cũng như nhược điểm của nó. Vì vậy, chúng ta cần chú ý để lựa chọn ra một cái kết phù hợp và đúng đắn nhất.
-Whalien52 - vfo.vn-
 
  • Chủ đề
    ket thuc tam cam
  • Thống kê

    Chủ đề
    100,746
    Bài viết
    467,573
    Thành viên
    339,849
    Thành viên mới nhất
    chicstore.accessories
    Top