Người dùng BBC và MSN bị quảng cáo chứa mã độc tấn công

2(90).jpg

Mới đây, một vài trang web lớn đã phải hứng chịu một đợt tấn công mạng quy mô lớn, khiến những website này dính quảng cáo chứa mã độc dẫn đến nguy cơ người dùng bị phần mềm tống tiền xâm nhập. Trong danh sách các website bị ảnh hưởng có BBC, MSN, The New York Times, AOL và Newsweek.

Có khoảng 13 website bị tấn công lần này, phần lớn đều có hàng triệu lượt truy cập mỗi ngày. Tờ BBC mới đây đưa tin đối tượng người dùng bị các hacker nhắm đến chủ yếu nằm ở nước Mỹ. Sở dĩ hacker có khả năng chèn quảng cáo vào nhiều website như vậy là bởi vì chúng đã giành được quyền kiểm soát một vài dịch vụ cung cấp quảng cáo chính hãng và được cấp phép hoạt động.

Từ đó, những website mà là đối tác của những dịch vụ này đều bị ảnh hưởng ít nhiều. Những công ty cung cấp quảng cáo cho các website đã được báo cáo vụ việc và khẳng định đang tiến hành những bước cần thiết để giải quyết và gỡ bỏ những link độc hại.

Những ai bấm vào link quảng cáo sẽ được dẫn đến một trang riêng biệt nơi mà phần mềm gián điệp sẽ cố gắng thâm nhập và mã hóa dữ liệu của họ. Một khoản tiền chuộc sẽ được các hacker đưa ra nếu như bạn muốn giành lại quyền kiểm soát các dữ liệu của mình. Được biết quảng cáo chứa mã độc lần này chỉ có tác dụng trên các máy tính chạy hệ điều hành Windows.

Các chuyên gia an ninh mạng khuyên để tránh là nạn nhân của những phần mềm gián điệp, người dùng cần cẩn trọng với những đường link lạ trên các website và email. Ngoài ra, luôn luôn cập nhật những phần mềm diệt virus mà bạn có. Hãy tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia công nghệ hay cơ quan lập pháp nếu bạn gặp khó khăn.

Sự trỗi dậy của các phần mềm tống tiền đến từ Trung Quốc

Reuters mới đây đã dần nguồn tin điều tra của 4 công ty an ninh mạng độc lập, khi mà những tổ chức này đều nhận định các hacker từ Trung Quốc đang gia tăng tấn công mạng bằng những phần mềm tống tiền trong vài tháng trở lại đây.

Những bằng chứng này đã rộ lên tin đồn về việc các hacker có tay nghề cao được chính phủ Trung Quốc bảo trợ đang bành trướng mạnh mẽ. Chính phủ Trung Quốc trong khi đó khẳng định sẽ điều tra có trách nhiệm nếu như có đủ dấu hiệu khả nghi. Được biết mới đây ngân hàng trung ương Bangladesh đã bày tỏ sự nghi ngờ với các hacker Trung Quốc sau khi khoản tiền 100 triệu USD bị các hacker ẩn danh lấy cắp khỏi tổ chức này.

Năm ngoái, Mỹ và Trung Quốc đã ký kết một văn bản hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Từ đó, các công ty Mỹ cho hay những đợt tấn công mạng từ Trung Quốc đã giảm. Theo Reuters, trong trường hợp chính phủ bất hợp tác, các hacker Trung Quốc sẽ phải chọn con đường hoạt động độc lập. Và cài phần mềm tống tiền là một trong những phương pháp như thế.

Thống kê cho thấy, mặc dù phần mềm tống tiền không còn là một khái niệm mới, phần lớn người dùng vẫn chọn trả tiền cho hacker để lấy lại dữ liệu trên máy tính. Tuy nhiên, ván cược này cũng giống như bắt cóc con tin vậy. Việc bạn trả tiền chuộc có luôn luôn đồng nghĩa với việc những tên tội phạm sẽ giao trả con tin?

Nguyễn Mai Đức

 
  • Chủ đề
    hacker phần mềm gián điệp phần mềm tống tiền tấn công mạng
  • Top