Nhà văn tồn tại ở trên đời trước hết là để làm công việc như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường

Cuộc sống không phải lúc nào cũng vẹn tròn, chỉ có hạnh phúc và mãn nguyện. Đôi khi là chút thử thách, chút vấp ngã, khổ đau và thất vọng. Nhưng chúng ta vẫn cần phải sống tiếp và sống tốt. Khi ấy, văn học trở thành điểm tựa cho cho con người “vịn” vào “mỗi phút ngã lòng”. Khi ấy, nhà văn chính là người chỉ đường, người nâng giấc cho những giấc mơ. Như Nguyễn Minh Châu quan niệm trong tập tiểu luận “Trang giấy trước đèn”: “Nhà văn tồn tại ở trên đời trước hết là để làm công việc như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường (…) để bênh vực cho những con người không còn có ai để bênh vực”. Đó chính là thiên chức và cũng là sứ mệnh của nhà văn. Một trong những nhà văn đã làm tròn sứ mệnh ấy của mình chính là Kim Lân. Bằng những tác phẩm của mình, ông đã gieo vào lòng người niềm tin về cuộc sống, niềm tin vào con người, khơi dậy khát vọng sống và sống sao cho có ích trong mỗi chúng ta. Một trong những “sứ giả” truyền đến những thông điệp ấy, tiêu biểu nhất là “Vợ nhặt”. Sau đây, chúng ta sẽ cùng làm rõ hơn ý kiến của Nguyễn Minh Châu qua truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân. Chúc các bạn học tập tốt!

Đề bài chi tiết: Trong tập tiểu luận “Trang giấy trước đèn”, nhà văn Nguyễn Minh Châu có viết: “Nhà văn tồn tại ở trên đời trước hết là để làm công việc như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường (…) để bênh vực cho những con người không còn có ai để bênh vực”. Làm sáng tỏ nhận định trên qua "Vợ nhặt" (Kim Lân)

BÀI VĂN CHỨNG MINH Ý KIẾN CỦA NGUYỄN MINH CHÂU QUA “VỢ NHẶT”
T. Shekhov quan niệm: “Một người nghệ sĩ chân chính phải là nhà nhân đạo từ trong cốt tủy”. Cụ thể hơn, Nguyễn Minh Châu nói về sứ mệnh của người nghệ sĩ trong tập “Trang giấy trước đèn”: “Nhà văn tồn tại ở trên đời trước hết là để làm công việc như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường (…) để bênh vực cho những con người không còn có ai để bênh vực”. Với Kim Lân, qua những tác phẩm của mình, ông đã làm tròn thiên chức ấy, đặc biệt là với truyện ngắn “Vợ nhặt”

Cả cuộc đời, trải qua những thăng trầm biến động của lịch sử và văn học, Nguyễn Minh Châu luôn trăn trở về sứ mệnh của văn học và thiên chức của người nghệ sĩ. Với ông, nhà văn phải làm “công việc như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường” – để an ủi, đồng cảm và yêu thương những số phận bất hạnh, còn nhiều khổ đau trong cuộc sống; “để bênh vực cho những con người không còn có ai để bênh vực” – để lên tiếng bảo vệ con người, bảo vệ công bằng trong cuộc sống. Cách nói của Nguyễn Minh Châu: “tồn tại ở trên đời trước hết” – khẳng định đó là sứ mệnh cao cả, quan trọng nhất của nhà văn. Ý kiến của Nguyễn Minh Châu khá dễ hiểu nhưng đối với mỗi người nghệ sĩ, có thể coi là tôn chỉ mà đôi khi cần cả cuộc đời cầm bút để theo đuổi.

Nhà văn sở dĩ cần phải và có thể thực hiện thiên chức ấy là bởi văn học có chức năng và giá trị vô cùng cao quý. Văn học “nâng giấc” cho ta, cho ta những bài học về thẩm mĩ, khơi dậy xúc cảm thẩm mĩ để hướng ta thêm tin yêu cuộc sống, sống yêu thương và sống đẹp hơn. Xét về nguồn gốc văn học: ra đời từ chính nhu cầu muốn giãi bày của con người trước hiện thực cuộc sống. Trước cái ác, trước bóng tối, văn học là nơi để gửi gắm những nỗi niềm và niềm tin về một tương lai tươi sáng, hạnh phúc phía trước. Đó là lí do vì sao người lao động xưa lại thích và tin những câu chuyện cổ tích như thế, tin rằng: “rồi cô Tấm cũng về làm hoàng hậu, chim ăn rồi sẽ trả trái ngọt cho ta” (Nguyễn Khoa Điềm). Văn học bao đời đã trở thành điểm tựa để con người vịn vào lúc “yếu lòng” để bước tiếp. Và nhà văn chính là người thực hiện sứ mệnh ấy. Không chỉ bởi những thôi thúc trong lòng muốn thể hiện, trước hết để “nâng giấc” cho chính mình, và cả mọi người mà còn đó là thiên chức bất kì người nghệ sĩ chân chính nào cũng muốn đạt tới, để khẳng định giá trị và ý nghĩa của mình.

Tác phẩm được Kim Lân viết văn 1962, tiền thân là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư”. Nguyễn Khải từng phải thốt lên rằng: “Tôi không tin Nguyễn Tuân có thể viết “Chữ người tử tù” cũng như Kim Lân có thể viết “Vợ nhặt”. Đó là thần viết, thần mượn tay người để viết”. Qua câu chuyện xoay quanh việc nhặt vợ của Tràng, câu chuyện đã cho thấy thân phận bi thảm của con người trong đói khát, nhưng lại không gợi lên bất cứ sự bi thương, tuyệt vọng nào. Ngược lại, đó còn là nơi để tình yêu thương và khát vọng sống nảy nở và thăng hoa. Mang theo ý thức sâu sắc về nghề cầm bút, Kim Lân cũng khẳng định: “Viết về cái đói, người ta thường hướng đến sự khốn cùng bi thảm, về cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, cận kề cái chết, con người vẫn luôn hướng về sự sống và sống cho ra người. Đó cũng chính là điều làm nên giá trị sâu sắc của tác phẩm”. Đó chính là tiền đề để tạo lên một tác phẩm: “nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường (…) để bênh vực cho những con người không còn có ai để bênh vực”.

“Vợ nhặt” đã “nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ”, khơi khát vọng sống, niềm tin yêu cuộc sống. Câu chuyện lấy bối cảnh nạn đói khủng khiếp năm 1945, cái chết đang hiện diện ở mọi nơi và đe dọa sự sống con người. Sự kiện đặc biệt đã xảy ra: Tràng – người nông dân nghèo khổ, xấu xí, ngờ nghệch bỗng nhiên có vợ theo không. Xây dựng tình huống chuyện độc đáo, chứa đầy những nghịch lí: Người ta cưới vợ còn Tràng thì “nhặt vợ” lại thiếu tất cả những lễ nghi cần thiết: lời cầu hôn chỉ là câu nói bông đùa: “Này nói đùa chứ có về ở với tớ một nhà thì ra khuôn hàng rồi cùng về”, sính lễ là cái thúng và một vài thứ lặt vặt nhưng tình người bên trong lại rất đủ đầy: tình cảm ấm áp của người dân xóm ngụ cư mở lòng ra sẻ chia với Tràng, tình mẹ nhân hậu, tình lứa đôi hé mở. Đám cưới ấy được diễn ra trên nền cảnh đám ma với không gian đầy mùi tử khí, bóng đen cái chết hiện ra trước mắt. Hoàn cảnh ấy, khiến người đọc không khỏi xót xa, thương cảm cho những con người vì cái đói mà hạ giá con người, cái đói mà khiến hạnh phúc chẳng thể trọn vẹn. Nhưng chính cái đói đã se duyên cho những con người kia đến với nhau. Ở đây, Kim Lân đã thể hiện cái nhìn mang tính phát hiện khi thấy trong cùng cực của đói khát, con người vẫn hướng về sự sống, vẫn khao khát hạnh phúc, vẫn tin tưởng và vun đắp cho tương lai: “Trong hoàn cảnh khốn cùng, cận kề cái chết, con người vẫn luôn hướng về sự sống và sống cho ra người.” Có thể nói, “Vợ nhặt” chính là bài ca về sự sống.

“Vợ nhặt” đã “nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ”, khơi gợi những tình cảm can đảm và tốt đẹp của con người.

Đó là lòng vị tha, nhân hậu của bà cụ Tứ khi hiểu ra cơ sự đã dang tay chào đón con dâu. Bà xót thương cho đứa con mình nhờ đói khát mà lấy được vợ nhưng cũng không khỏi xót xa cho con dâu vì đói khát mà theo không con trai mình. Trong lòng người mẹ nghèo không một chút khinh khi, rẻ rúng mà thấm đượm tình yêu thương: “Ừ, thôi thì các con phải duyên phải kiếp với nhau u cũng mừng lòng”. Hai chữ “mừng lòng” đã trả lại danh dự cho người vợ nhặt. Bà cụ không phải chấp nhận mà đón nhận con dâu với tất cả sự trân trọng. Đó chính là sự bao dung và vị tha. Sáng hôm sau, người mẹ nghèo với tấm lòng thơm thảo đã cố gắng chăm lo, vun vén cho các con: dậy sớm, quét tước, xu dọn. Đặc biệt là hình ảnh bà “lễ mễ” bê nồi cháo cám, “đon đả” múc vào bát. Tâm trạng của bà đối lập hoàn toàn với cái thảm hại của bữa cơm ngày đói, với cái đắng chát của bát cháo cám, mà ánh lên niềm hi vọng, lạc quan và tin tưởng. Ngay trong vực thẳm của đói khát, những người lao động nghèo khổ vẫn giữ gìn ngọn lửa niềm tin để nhen nhóm hi vọng, niềm tin yêu cuộc sống. Những chồi xanh hi vọng, sự sống lại nảy mầm từ chính cuộc đời những con người tưởng như đã cạn kiệt sinh sống. Thông điệp của bài thơ lại càng nhân lên. Đó là còn sự nhân hậu đáng quý của người dân xóm ngụ cư khi Tràng nhặt vợ về nữa.

Đó là tình yêu thương và khát vọng hạnh phúc thể hiện qua nhân vật Tràng và người vợ nhặt. Trong khi người ta coi nhặt vợ là rước của nợ về nhà, chính Tràng cũng sợ: “thóc gạo này biết thân mình có nuôi nổi không” nhưng Tràng cũng tặc lưỡi: “Chậc, kệ” và quyết định đưa người phụ nữ về hà. Cái tặc lưỡi ấy không phải là hành động liều lĩnh, buông xuôi mà là sự chiến thắng của khát khao trước đói khát. Sau khi nhặt vợ, Tràng luôn có ý thức bảo vệ vợ, ý thức về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với gia đình: ngôi nhà không chỉ là nơi trú ngụ mà còn là tổ ấm. Vì vậy, “hắn thấy yêu thương và gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng”, “hắn thấy hắn nên người”. Còn về người vợ nhặt, sau khi theo Tràng về làm vợ, thị thay đổi hẳn. Người vợ nhặt từ một người xơ xác, kiệt quệ trở nên khỏe khoắn; từ những câu nói chao chát, hành động chỏng lỏm lại có những cử chỉ rất ân cần, hiền dịu và hiểu chuyện; từ một người không nhà, không cửa, không vị trí, cái tên giờ đã có nhà, có gia đình, có người thân. ự thay đổi ấy không phải vô lí, khó hiểu mà chỉ là những biểu hiện khác nhau của lòng ham sống, khát vọng được sống mà thôi: trong đói khát, họ là những nạn nhân nhưng khi gặp được yêu thương họ là những mầm xanh tràn đầy nhựa sống. Bằng cái nhìn đôn hậu, thấu hiểu, Kim Lân đã nhận thấy vẻ đẹp phía sau của người vợ nhặt để “bênh vực cho người không còn ai để bênh vực”. Hình tượng người vợ nhặt chính là hình ảnh thân phận người phụ nữ Việt Nam nói riêng và người nông dân Việt Nam nói chung trong nạn đói: bi thảm có, bị rẻ rúng có, khổ đau nhưng vẫn tràn đầy sức sống và tình yêu thương.

Đó là niềm tin và hi vọng vào tương lai được gửi gắm qua kết truyện. Lời trò chuyện của người vợ nhặt mở ra trong óc Tràng hình ảnh những người đói kéo nhau đi phá kho thóc và lá cờ đỏ bay phấp phới. Điều đó đã mở ra dự cảm: những người đói như Tràng và gia đình Tràng tất yếu sẽ tìm đến với cách mạng để giải phóng mình, tìm đến với cuộc sống mới. Kết thúc mở, câu chuyện đã dừng lại nhưng số phận nhân vật chưa dừng lại ở đó. Nhà văn đã gieo vào lòng người đọc về một tương lai tươi sáng.

Cái nhìn ấy chỉ có thể có được ở một tấm lòng đôn hậu, luôn thấu hiểu và tin tưởng tuyệt đối vào phẩm chất tốt đẹp của con người, vào cuộc đời của một con người “một lòng đi về với đất, với những thuần hậu nguyên thủy của cuộc sống nông thôn”. Tác phẩm ấy chỉ có thể được viết lên bằng lối viết tài hoa mà hóm hỉnh, sử dụng sáng tạo ngôn ngữ nông thôn của nhà văn xứ Kinh Bắc. Kim Lân là một nhà văn “viết rất ít nhưng ngày càng được khâm phục rất nhiều” bởi những “áng văn giản dị và trung thực về con người” (Hemingway) như thế.

Một nhà văn thực thụ muốn viết được một áng văn nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường (…) để bênh vực cho những con người không còn có ai để bênh vực” cần hơn hết một cái “tâm” chân thành, một con mắt thấu hiểu và một tài năng để thể hiện thành những trang văn.

Người nghệ sĩ, khi làm được điều ấy, chính là đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Bằng cách đó, họ cũng làm bất tử hóa tên tuổi của mình…

-Bỉ Ngạn-vfo.vn
 
  • Chủ đề
    kim lân nguyễn minh châu sáng tỏ vợ nhặt
  • Top