Những cách mở bài Sóng – Xuân Quỳnh hay nhất (5 mở bài)

Khi bắt đầu viết một bài văn, chắc hẳn các bạn đều tốn rất nhiều thời gian để suy nghĩ phần mở bài cho bài làm của mình. Mở bài được xem là con đường khai phá một tác phẩm, mở bài phải hay, phải đủ ý, phải ngắn gọn súc tích thì bài văn của chúng ta mới hay được. Thế nhưng, để đáp ứng được những yêu cầu trên, chúng ta lại mất rất nhiều thời gian để rồi không đủ thời gian làm những nội dung còn lại. Nếu mải mê với để viết ra một cách mở bài thật hay, thật hấp dẫn, thật lôi cuốn người đọc để rồi bỏ lỡ thời gian hoàn thành những phần còn lại thì điểm số chúng ta nhận được cũng không cao được. Để giúp quá trình học tập của các bạn trở nên dễ dàng hơn, hôm nay chúng tôi đã đưa ra một số mở bài của bài thơ “Sóng” với mong muốn có thể giúp ích phần nào cho nỗi lo ấy của các bạn. Dưới đây là 5 mở bài với nhiều cách dẫn dắt khác nhau để các bạn có thể tham khảo cho bài viết của mình. Chúng tôi đã cố gắng dẫn dắt bằng cả phương pháp trực tiếp lẫn gián tiếp để làm phong phú các mở bài. Mong rằng khi đọc xong, các bạn sẽ thích và bỏ túi được một hoặc một vài mở bài dưới đây!

mo-bai-song-xuan-quynh.jpg

Bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh rất có ý nghĩa nhât slaf trong cuộc sống hiện tại

MỞ BÀI SỐ 1 BÀI THƠ SÓNG XUÂN QUỲNH LỚP 12
Một nhà thơ người Đức đã từng có những vẫn thơ về sự khó hiểu ở người phụ nữ khi yêu:
“Em bảo anh đi đi
Sao anh không ở lại
Em bảo anh đừng đợi
Sao anh vội về ngay
Lời nói tựa gió bay
Đôi mắt huyền đẫm lệ
Sao mà anh ngốc thế
Không nhìn vào mắt em”
Trái tim của người phụ nữ khi yêu chính là
như vậy, chất chứa nhiều cảm xúc có lí và vô lí: khi thẳm sâu, lúc sôi động,
khi hờn ghen, lúc tha thiết nhẹ nhàng, đang vui bỗng trở nên buồn, đang gần gũi bỗng hóa xa xôi. Cũng giống như mặt biển với trăm ngàn con sóng, khi bình yên, sóng lăn tăn gợn nhẹ, khi bão tố, sóng cồn cào xô bờ tung bọt trắng xóa. Tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ “Sóng” cũng thế! Mượn hình tượng sóng, Xuân Quỳnh đã bày tỏ khát vọng tình yêu của mình một cách chân thành táo bạo, một tình yêu rất mức nồng nàn tha thiết mãnh liệt mà lại đằm thắm thủy chung. Ta thấy được ở những vần thơ trong bài “Sóng” một người phụ nữ nhạy cảm trong tình yêu, luôn lo toan trước hạnh phúc, luôn có những dự cảm không lành trước cuộc đời. Từ đó, Xuân Quỳnh đã làm toát lên vẻ đẹp của một khát khao được dâng hiến, bất tử trong tình yêu.

MỞ BÀI BÀI THƠ SÓNG XUÂN QUỲNH SỐ 2
Nếu Vũ Trọng Phụng được mệnh danh là “ông vua phóng sự” của đất Bắc Kì. Nếu Nam Cao và Kim Lân là người gắn tên mình với thể loại truyện ngắn. Nếu Nguyễn Tuân được nhớ đến là người đã đóng dấu cái tôi của mình lên thể loại tùy bút thì khi nhắc đến Xuân Quỳnh, ta không thể không nhớ đến cái tên đẹp đẽ mà người đời trân trọng dành cho bà – bà hoàng của thi ca tình yêu. Bàn về thơ Xuân Quỳnh, Võ Văn Trực đã nói: “Điều đáng quý nhất ở Xuân Quỳnh là sự thành thật rất thành thật, thành thật trong quan hệ bạn bè, với xã hội và cả tình yêu. Chị không quanh co không giấu diếm một điều gì. Mỗi dòng thơ, mỗi trang thơ đều phơi bày một tình cảm, một suy nghĩ của chị. Chỉ cần qua thơ ta biết khá kĩ đời tư của chị. Thành thật, đây là cốt lõi thơ Xuân Quỳnh”. Cốt lõi ấy được thể hiện chân thực trong bài thơ Sóng. Qua mỗi vẫn thơ, mỗi nhịp điệu đều toát lên những da diết, trăn trở, lo âu trong khát vọng về hạnh phúc đời thường bình dị của một tâm hồn giàu nữ tính, yêu chân thành nhưng cũng không kém phần táo bạo.

MỞ BÀI SỐ 3 BÀI THƠ SÓNG XUÂN QUỲNH
Cùng với Phạm Tiến Duật, Lê Anh Xuân, Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Bằng Việt, Nguyễn Khoa Điềm, ...Xuân Quỳnh là một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ trẻ chống Mĩ. Cuộc đời của bà tràn ngập bất hạnh, Xuân Quỳnh luôn khao khát mái ấm gia đình và tình mẫu tử. Chính vì thế, thơ Xuân Quỳnh tựa như tiếng lòng của một tâm hồn giàu nữ tính, nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên tươi tắn, vừa chân thành đằm thắm, luôn da diết, trăn trở, lo âu trong khát vọng về hạnh phúc đời thường bình dị. Bài thơ “Sóng” là kết quả của chuyến đi thực tế đến biển Diêm Điền –Thái Bình vào năm 1967. Thi phẩm được in trong tập “Hoa dọc chiến hào” xuất bản năm 1968. Bài thơ ra đời trong không khí “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, khi mà ở những liến tàu, sân ga đang diễn ra những “Cuộc chia li màu đỏ”. “Sóng” là một khát vọng rất thành thật của Xuân Quỳnh, thể hiện một tình yêu chân thành, táo bạo, vừa mới mẻ hiện đại vừa có gốc rễ trong truyền thống dân tộc.

MỞ BÀI SỐ 4 BÀI THƠ SÓNG XUÂN QUỲNH
Nền văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975 là nền văn học chủ yếu vận động theo hướng Cách mạng hóa, gắn bó sâu sắc với vận mệnh chung của đất nước. Những tác phẩm văn học thời kì này là tấm gương phản chiếu hiện thực cách mạng, quá trình đấu tranh gian khổ và khốc liệt của quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những trang văn mang âm điệu hào hùng ấy vẫn có những tác phẩm mang giọng điệu ngọt ngào, da diết, tâm tình, đằm thắm của một trái tim rạo rực buổi đang yêu. Thi phẩm “Sóng” của nhà thơ Xuân Quỳnh chính là một bài thơ như thế.

MỞ BÀI SỐ 5 BÀI THƠ SÓNG XUÂN QUỲNH LỚP 12
Nếu Xuân Diệu là thi sĩ lãng mạn buổi mất nước, là nhà thơ mới nhất trong phong trào thơ mới, chính vì thế mà mỗi vần thơ của ông luôn bộc lộ khát vọng khẳng định cái “tôi” bản thân, luôn nghiêng về khuynh hướng tận hưởng. Thì Xuân Quỳnh lại là một nhà thơ tiêu biểu và xuất sắc của nền văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975, một nền văn học chủ yếu hướng về đại chúng, nền văn học kết hợp giữa khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Chính vì thế, mỗi vần thơ dịu ngọt, da diết của bà luôn nghiêng về khát vọng tận hiến, khát vọng kết nối cộng đồng để vượt thoát khỏi sự cô đơn lẻ loi. Những vần thơ trong bài “Sóng” chính là tiêu biểu cho lối suy nghĩ và hành văn của bà.
 
  • Chủ đề
    kết bài mở bài song xuân quỳnh
  • Thống kê

    Chủ đề
    100,656
    Bài viết
    467,423
    Thành viên
    339,831
    Thành viên mới nhất
    TuanShinhanbank
    Top