Những cập nhật mới nhất xung quanh vụ kiện pháp lý giữa Apple và Bộ Tư pháp Mỹ

1(80).jpg

Mới đây, Tòa án Tối cao Mỹ đã bác bỏ lý lẽ của thẩm phán James Orenstein khi ông này cho rằng Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) chưa có đủ bằng chứng để buộc Apple mở khóa iPhone của một tên trùm ma túy.

Theo BBC, thì lần này DOJ đã dựa vào chính bộ luật mà họ đang sử dụng để đấu tranh với Apple trong việc mở khóa chiếc iPhone 5C của kẻ khủng bố, người đã giết liên hoàn 14 người tại San Bernardino (California) hồi cuối năm ngoái.

Được biết thẩm phán Orenstein đã bảo vệ quan điểm của Apple khi cho rằng yêu cầu của DOJ sẽ là một tiền lệ nguy hiểm, đe dọa quyền riêng tư của hàng trăm triệu người sử dụng iPhone. Tuy nhiên, DOJ không đồng ý với ông Orenstein và cho rằng vị thẩm phán này không có quyền đưa ra phán quyết.

Đối với những độc giả của Vforum chưa nắm rõ thông tin, thì chính phủ Mỹ đã từng yêu cầu ông Orenstein ra lệnh cho Apple mở khóa iPhone của tên trùm ma túy Jun Feng, sau khi tên này bị kết tội trong một loạt vụ án buôn bán chất cấm. DOJ hy vọng với việc đột nhập vào máy của Jun Feng, họ có thể lấy thêm thông tin về những tên đồng phạm của hắn.

Tuy nhiên ông Orenstein đã đứng về phe của Apple và từ chối tuân theo yêu cầu của chính phủ Mỹ, khiến cho DOJ gửi đơn kiện của mình lên Tòa án Tối cao. Luật sư của DOJ khẳng định cơ quan này không hề yêu cầu Apple làm điều gì mới so với vụ việc khủng bố tại California. Họ khẳng định yêu cầu của mình không làm tổn hại đến “tất cả chiếc iPhone” như Apple nói.

Theo DOJ, quả táo cắn dở hoàn toàn có khả năng mở khóa chiếc iPhone của Jen Feng bởi lẽ hắn dùng điện thoại chạy iOS 7. Trong vụ việc ở California, tên khủng bố dùng iPhone 5C chạy iOS 8 và Apple không thể mở khóa chiếc iPhone này bởi lẽ từ iOS 8, Apple đã lập trình để bản thân hãng cũng không thể mở khóa iPhone bằng biện pháp bảo mật thông thường.

Chính vì lý do kỹ thuật này, chính phủ Mỹ nhận định Apple cần hợp tác với DOJ để đột nhập vào cơ sở dữ liệu trên chiếc điện thoại của Jun Feng, một biện pháp giúp bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ.

Bản thân chính phủ Mỹ đã chỉ trích thẩm phán Orenstein khi cho rằng những luận cứ pháp lý của ông này không hề phù hợp và liên quan đến vụ việc mà đáng lẽ ông phải chịu trách nhiệm. DOJ cũng đã từng thừa nhận trước báo giới họ không có cách nào khác ngoài việc tìm kiếm sự trợ giúp từ Apple, bởi lẽ việc đoán mật khẩu iPhone sai nhiều lần liên tiếp sẽ khiến dữ liệu tự động bị xóa.

DOJ và chính phủ Mỹ đã từng nhiều lần dựa vào bộ luật “All Writs Act” được ban hành năm 1789 để thuyết phục Apple. Bộ luật này cho phép Tòa án đưa ra mọi quyết định pháp lý cần thiết mà không cần hỏi Tòa án Tối cao Mỹ, nếu cảm thấy việc này là cần thiết. Tuy nhiên, bản thân ông Orenstein đã từng kêu gọi Apple cùng ông đứng lên phản đối đạo luật đã tồn tại bao thế kỉ này. Apple, tất nhiên, đã đồng ý và cho rằng việc sử dụng đạo luật “All Writs Act” sai mục đích là vi phạm hiến pháp Mỹ và đe dọa an ninh của người dân.

Như vậy, vụ việc lần này của Apple lại cho chúng ta một điều bất ngờ. Lần đầu tiên, một thẩm phán đã về phe của một công ty công nghệ để chống lại chính phủ Mỹ và DOJ, 2 cơ quan mà chính vị thẩm phán này đang làm việc và cống hiến.

Nguyễn Mai Đức

 
  • Chủ đề
    apple bộ an ninh nội địa chính phủ mỹ iphone kiện tụng pháp lý
  • Top