Những chiếc khinh khí cầu do Google thiết kế nằm trong dự án Project Loon sẽ tiếp tục sứ mệnh đưa kết nối Internet đến những vùng khó khăn trên thế giới mà Đông Nam Á là điểm đến tiếp theo của dự án này.
Vào tuần trước thì công ty công nghệ của Mỹ cho hay hãng sẽ sớm triển khai những chiếc khinh khí cầu đầu tiên trên tầng bình lưu của Indonesia. Đất nước Đông Nam Á với 17 nghìn hòn đảo lớn nhỏ này là nơi sinh sống của hơn 250 triệu người. Tuy nhiên theo thống kê thì chỉ có 42 triệu người tại Indonesia có kết nối Internet.
Project Loon hy vọng sẽ thay đổi viễn cảnh trên nhờ sự xuất hiện của những quả khinh khí cầu bay lơ lửng ở độ cao xấp xỉ 18.3 km so với mặt đất và có khả năng truyền kết nối Internet đến những hộ gia đình và người dân xung quanh chúng.
Trước đây thì Project Loon hoạt động chủ yếu nhờ vào nguồn doanh thu đến từ quảng cáo của Google. Nhưng sau khi Alphabet chính thức trở thành công ty mẹ của Google thì dự án Internet này đã trở thành một phần của công ty độc lập mang tên The X Lab, cũng thuộc quyền sở hữu của Alphabet.
Một trong những mục tiêu mà Alphabet đặt ra cho Project Loon đó là sẽ đưa kết nối mạng đến hơn 100 triệu người trên toàn thế giới, những người mà hiện nay chưa có cơ hội tiếp cận với những kho tàng rộng lớn về kiến thức và giải trí trên mạng Internet.
Tất nhiên là Google cũng sẽ được hưởng lợi từ viễn cảnh tươi đẹp đó. Nếu nhiều người có cơ hội tiếp cận Internet hơn, điều này đồng nghĩa số lượng người sử dụng công cụ tìm kiếm, Gmail, Youtube hay các dịch vụ khác của Google sẽ tăng lên. Vị trí công cụ tìm kiếm hàng đầu thế giới của Google cũng vì thế mà càng được củng cố mạnh mẽ.
Không những ở Indonesia mà ở các quốc gia khác, Project Loon vẫn chỉ đang là một dự án thử nghiệm. Vì vậy vẫn chưa rõ khi nào thì đây sẽ trở thành một hoạt động kinh doanh bền vững và lâu dài của Google.
Khi những chiếc khinh khí cầu của Google cất cánh tại Indonesia thì những nhà mạng của đất nước Đông Nam Á này sẽ đóng vài trò đưa kết nối Internet đến tay người dùng. Indonesia là quốc gia có đến 319 triệu chiếc điện thoại di động, có nghĩa là nhiều hơn cả dân số của nước này. Tuy nhiên phần lớn những chiếc điện thoại di động lại không có kết nối với Internet bởi nhiều lý do. Nhiều người thì không có đủ tiền mua smartphone, nhiều người lại không có đủ tài chính để mua những gói cước 3G hay 4G, số khác thì lại sống ở những vùng xa xôi hẻo lánh nơi mà hạ tầng viễn thông vẫn còn chưa phát triển.
Nếu mọi chuyện diễn ra như dự kiến thì trong tương lai không xa, số lượng khinh khí cầu do Google chế tạo có mặt trên bầu trời Indonesia sẽ lên tới con số vài trăm. Điều này là cần thiết để duy trì một sự kết nối Internet bền vững và ổn định khi mà những chiếc khinh khi cầu sẽ liên tục di chuyển đến những vị trí mới vì tác động của sức gió.
Indonesia là điểm đến tiếp theo của dự án Project Loon, sau khi nó đã được thử nghiệm ở nhiều khu vực khác trên thế giới như New Zealand, Úc, Brazil và California. Được biết sau Indonesia thì những khu vực khó khăn ở châu Phi sẽ là điểm đến tiếp theo của những quả khinh khí cầu mang trong mình kết nối Internet.
Nhà đồng sáng lập Google, Sergey Brin kỳ vọng Project Loon sẽ tạo ra hàng triệu việc làm mới trên toàn thế giới và nâng cao đời sống cho những con người mà nhờ có Internet, họ sẽ nâng tầm hiểu biết của mình và hòa nhập vào thế giới không ngừng chuyển động.
“Khoảng cách địa lý đang thu hẹp lại, nhờ vào những tiến bộ về khoa học và công nghệ mà chúng ta có ngày nay”, ông Sergey Brin chia sẻ.
Nguyễn Mai Đức (theo The Telegraph)