Những đóng góp mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm khi viết về đất nước trong 9 câu thơ đầu đoạn trích "Đất nước"

Những đóng góp mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm khi viết về đất nước trong 9 câu thơ đầu đoạn trích "Đất nước"

Quê hương, đất nước luôn là đề tài muôn thưở của thi ca muôn đời. Ta đã bắt gặp hình ảnh “Đất nước như vì sao/ Cứ đi lên phía trước” của Thanh Hải, hay hình ảnh “Trời xanh đây là của chúng ta/ Núi rừng đây là của chúng ta” trong thơ Nguyễn Đình Thi. Nguyễn Khoa Điềm cũng có một trường ca về đề tài đất nước nhưng mang một nét riêng biệt với thể thơ tự do đặc sắc. Các bạn hãy cùng Vforum tìm hiểu về đoạn trích “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm nhé.

Văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975 đã nối tiếp mạch cảm hứng về đất nước, về dân tộc. Đó là cảm hứng mang đậm tính sử thi, được thể hiện trong niềm tự nào sâu sa về đất nước, về truyền thống dân tộc, về lịch sử dựng nước và giữ nước, trong tình quê hương, trong sự yêu mến và gắn bó với mọi miền của Tổ quốc. Trường ca “Mặt đường khát vọng” nói chung và đoạn trích “Đất nước” nói riêng của Nguyễn Khoa Điềm là một nhận thức đã thấm sâu làm nên một nét đặc trưng của cảm hứng về đất nước trong văn học Việt Nam hiện đại. Trong chương trình Ngữ Văn lớp 12, các bạn sẽ bắt gặp đề bài phân tích những đóng góp mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm khi viết về đất nước trong 9 câu thơ đầu đoạn trích “Đất nước”. Mục tiêu cần đạt được khi làm đề bài này là các bạn phải thấy được cái nhìn mới mẻ về đất nước qua cách cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm, ở đây là tư tưởng: đất nước là chiều xa nguồn cội. Thêm vào đó cần nắm được một số nét đặc sắc về nghệ thuật: giọng thơ trữ tình- chính luận, sự vận dụng sáng tạo nhiều yếu tố văn hóa dân gian để làm sáng tỏ tư tưởng “Đất Nước của nhân dân”. Dưới đây là bài làm chi tiết cho đề bài trên. Chúc các bạn thành công.
9-cau-dau-bai-tho-dat-nuoc.jpg
BÀI VĂN MẪU SỐ 1 NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI MẺ CỦA NGUYỄN KHOA ĐIỀM KHI VIẾT VỀ ĐẤT NƯỚC TRONG 9 CÂU THƠ ĐẦU ĐOẠN TRÍCH “ĐẤT NƯỚC’’
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã từng tâm sự rằng: “Tôi cố gắng thể hiện hình ảnh Đất Nước giản dị, gần gũi nhất. Đó là cách để di vào lòng người, đồng thời cũng là cách để tôi đi con đường riêng của tôi, không lặp lại người khác”. Lời tự bạch của nhà thơ là một kim chỉ nam giúp bạn đọc có thêm một cách để tìm hiểu đoạn trích “Đất nước” độc đáo này, đó là khám phá những đóng góp mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm, đặc biệt là trong 9 câu đầu của đoạn trích.

“Đóng góp mới mẻ” là những đóng góp riêng, độc đáo, là sản phẩm của quá trình sáng tạo mang đậm dấu ấn chủ quan, dấu ấn cá nhân của tác giả. Vì yêu cầu của nghệ thuật là luôn phải mới mẻ, yêu cầu phẩm chất nghệ sĩ là phải có giọng riêng, nói như Tuốc-ghê-nhép là phải có “thần sắc riêng”, nói như Hoài Thanh là “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”

Trường ca “Mặt đường khát vọng” được Nguyễn Khoa Điềm hoàn thành ở chiến khu Bình-Trị-Thiên năm 1971, in lần đầu năm 1974, viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ đô thị vùng tạm bị chiếm miền Nam, về non sông đất nước, về sứ mệnh của thế hệ mình, xuống đường đấu tranh hòa nhịp với cuộc chiến đấu chống đế quốc xâm lược. Đoạn trích “Đất Nước” là một trong những đoạn thơ hay về đề tài đất nước trong thơ Việt Nam hiện đại. Đặc biệt 9 câu thơ đầu, đó là cảm xúc nồng nàn, tư duy sâu lắng về chiều dài đất nước. Qua đó đoạn thơ góp phần là trọn vẹn thêm những cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm về đất nước.

Về phương diện nội dung, nói về nguồn cội đất nước, khát khao đi tìm câu trả lời “Đất nước có từ bao giờ” là nỗi khát khao không riêng gì Nguyễn Khoa Điềm. Văn học dân gian lý giải cội nguồn đất nước qua những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết đẫm màu huyền thoại như Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ ra bọc trăm trứng, đó là sự tích quả bầu mẹ giải thích sự ra đời của 54 dân tộc anh em nước Việt. Thơ ca trung đại lại khẳng định cội nguồn đất nước gắn với thiên thư tối thượng ở “Nam quốc sơn hà”, ở “Bình ngô đại cáo” gắn với tên các vương triều hùng mạng Triệu, Đinh, Lý, Trần. Cội nguồn đất nước ta đẹp cao cả thiêng liêng nhưng xa xôi tựa sương khói thời gian. Còn cội nguồn đất nước trong cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm lại bình dị, gần gũi, quen thuộc đến thân thương:
  • “Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi
  • Đất nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa...” mẹ thường hay kể”
Cụm từ “ngày xửa ngày xưa” gợi cái xa xăm trong chiều dài thời gian lịch sử, gợi cái gần gũi vô biên vì nó gần với kí ức ấu thơ của mỗi con người vì tuổi thơ ai chẳng một lần nghe cổ tích và câu chuyện nào chẳng bắt đầu từ “ngày xửa ngày xưa”. Ngay từ những câu đầu Nguyễn Khoa Điềm đưa cội nguồn đất nước về con người ngay từ thủa nằm nôi:
  • “Sơ sinh lòng mẹ đưa nôi
  • Hồn thiêng đất nước vẫn ngồi bên con”
Cội nguồn đất nước trong cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm còn gắn với “miếng trầu bà ăn”, “cây tre dân mình trồng mà đánh giặc”, “tóc mẹ bới sau đầu”, “muối mặn gừng cay” trong tình cha mẹ, “cái kèo cái cột thành tên”, “hạt gạo hai sương giần sàng, xay giã, trong những mĩ tục thuần phong, tục đặt tên, tục ăn trầu, bới tóc. Những hình ảnh hiện ra quen thuộc như từ trang đời bước vào trang thơ. Bước ra từ ca dao cổ tích, miếng trầu gợi sự tích trầu cau thắm nghĩa anh em, đượm tình chồng vợ, về cậu bé lên ba làng Gióng đánh giặc Ân, “gừng cay muối mặn” xuất hiện trong lời nhắc nhở về lẽ thủy chung:

“Tay nâng chén muối đĩa gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng quen nhau”

Hạt gạo nhắc nhở ta về câu ca dao:
“Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”

Tất cả tập trung làm rõ một cội nguồn đất nước vừa thân thương vừa gần gũi, vừa cao cả thiêng liêng vừa mộc mạc vừa bay bổng mĩ lệ, vừa quen thuộc vừa mới lạ. Đó là sắc diện riêng của đất nước mà chỉ Nguyễn Khoa Điềm mới nhận ra.

Thơ hay không chỉ nằm ở nội dung mà còn thể hiện ở hình thức biểu hiện của nó. Sự mới mẻ ở hình thức trong đoạn trích nằm ở thể thơ tự do, câu thơ ngắn dài linh hoạt, nhịp nhanh, chậm phong phú thể hiện cảm xúc suy tư, sôi nổi. Ngôn ngữ thơ giản dị, tự nhiên gần với khẩu ngữ nên rất tự nhiên sống động. Thơ tự do, nhiều từ, nhiều ngữ nhưng không hề khô khan bởi Nguyễn Khoa Điềm đã khéo léo sử dụng một loạt điệp từ, điệp hình ảnh, điệp cấu trúc góp phần làm giọng thơ thêm nhiệt hứng, câu thơ thêm hình ảnh. Thêm vào đó còn là tài năng sử dụng chất liệu dân gian rất riêng, rất độc đáo. Không trích dẫn nguyên văn ca dao, tục ngữ, dân ca, không kể lể dài dòng các phong tục tập quán, các truyện cổ tích, truyền thuyết, tác giả chỉ bắt lấy rất nhạy cái hồn của chất liệu dân gian để gợi liên tưởng, gợi suy ngẫm cho độc giả, tạo ra cảm giác vừa quen vừa lạ.

Như vậy, cái mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm đã thành công trong việc tạo ra cái mới trong cảm xúc, tạo ra cái mới trong hình tượng. Điều này làm nên bài học muôn thuở cho người nghệ sĩ về phong cách, về sức sáng tạo. Đó cũng chính là quy luật kế thừa và cách tân tồn tại muôn đời trong dòng chảy văn học, là đặc trưng của nền văn học Việt Nam và cả nền văn học thế giới. Qua đây, bạn đọc cũng tiếp thu được kinh nghiệm khi đọc một tác phẩm văn học, đó là phải khám phá được nét riêng, được sự mới mẻ khác biệt trong phong cách mỗi tác giả để hiểu được cho trọn cái tư tưởng mà người nghệ sĩ muốn gửi gắm.

Tsekhop đã khẳng định rằng: “Nếu một tác giả không có lối đi riêng của mình thì người đó sẽ không bao giờ trở thành nhà văn được”. Quả đúng thế, nếu Đất Nước trong thơ Nguyễn Khoa Điềm không có điều gì mới mẻ thì chắc chắn tên tuổi của nhà thơ và tác phẩm sẽ không còn chỗ đứng quan trọng trong trái tim người đọc muôn thời.

-Mai Ánh-vfo.vn
 
  • Chủ đề
    nguyễn khoa điềm đất nước
  • Thống kê

    Chủ đề
    100,746
    Bài viết
    467,573
    Thành viên
    339,849
    Thành viên mới nhất
    chicstore.accessories
    Top