Từ ngày 2-4/12 tại thành phố Đà Nẵng, hội nghị lần thứ 18 của Hiệp hội Quốc tế về phòng chống mã độc (AVAR 2015) đã được tổ chức với sự hiện diện của các cơ quan chức năng, các chuyên gia an ninh mạng trong và ngoài nước cùng đông đảo báo chí và những doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.
Đây là lần đầu tiên AVAR được tổ chức tại Việt Nam. Với chủ đề “Kỷ nguyên chiến tranh mạng – The Age of Cyber Welfare”, hội nghị lần này được kỳ vọng sẽ đưa ra những giải pháp thiết thực và bền vững giúp Việt Nam đối phó với những nguy cơ của kỷ nguyên số, từ bảo mật thông tin, đánh cắp dữ liệu đến những phần mềm gián điệp và tin nhắc rác.
AVAR lần thứ 18 đã chào đón hàng nghìn lượt khách mời và đại biểu. Về phía các doanh nghiệp công nghệ, không thể không nhắc đến một số tên tuổi nổi tiếng trên thế giới như Intel, Symantec, Kaspersky, Microsoft, Huawei và Baidu. Phía Việt Nam có sự tham dự của các bộ ngành trung ương như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các hiệp hội VNISA, VNCERT, Tập đoàn Công nghệ CMC,...
Một trong những điểm nhấn và sức hút của sự kiện AVAR lần này đó là sự có mặt của một số “huyền thoại công nghệ” trên thế giới, những người đã và đang có ảnh hưởng rất lớn đến ngành công nghệ thông tin và an ninh mạng toàn cầu. Trong danh sách này phải kể đến huyền thoại bảo mật thế giới Mikko Hypponen, Giám đốc Trung tâm phòng chống mã độc của Microsoft Dennis Batchelder, Chủ tịch của Tổ chức tiêu chuẩn đánh giá phần mềm chống mã đốc (AMTSO) Righard Zwienenberg, người đồng thời đang nắm chức vị Phó Chủ tịch AVAR.
Mikko Hypponen là một trong những khách mời được chú ý nhất năm nay. Huyền thoại công nghệ này là người đã khám phá và đặt tên cho virus Storm Worm (Sâu bão), đồng thời được vinh danh trong danh sách 100 nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất thế giới và 50 người có ảnh hưởng nhất tới Internet.
Ông Righard Zwienenberg
Dennis Batchelder là một chuyên gia đã có kinh nghiệm làm việc 20 năm với vai trò là lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin, quản lý và phát triển phần mềm. Dự kiến tại AVAR lần này, ông Dennis Batchelder sẽ có các cuộc thảo luận về việc phòng chống tấn công mạng trên hệ điều hành Windows – nền tảng phổ biết nhất trên PC và laptop hiện nay. Còn Phó Chủ tịch AVAR Righard Zwienenberg sẽ trình bày một tham luận với chủ đề “Hợp tác trong lĩnh vực phòng chống mã độc: Nên hay không? Thành công hay thất bại? ”.
Phát biểu tại hội nghị lần này, ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề bảo mật. Hai tuần trước Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật An toàn thông tin. Trước đó, Bộ TT&TT đã thành lập Cục an toàn thông tin để quản lý những vấn đề về lĩnh vực này. Cũng tại hội nghị này, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng kêu gọi các bên cùng nhau xây dựng một không gian số an toàn.
Được biết trước khi AVAR 2015 diễn ra, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã gửi thư chào mừng đến hội nghị, trong đó nhấn mạnh Việt Nam đã và đang trở thành một mục tiêu lý tưởng của tội phạm mạng. Bà kỳ vọng đây sẽ là cơ hội để các cơ quan và doanh nghiệp Việt Nam học hỏi kinh nghiệm từ các đối tác quốc tế, nhưng cũng đồng thời là dịp để những chuyên gia hàng đầu thế giới tìm hiểu và góp ý vào quá trình phát triển công nghệ thông tin của Việt Nam.
Ý kiến từ một số chuyên gia và khách mời
Ông Mikko Hypponen
Ông Mikko Hypponen là người đã phát biểu mở đầu hội nghị AVAR lần thứ 18. Ông khẳng định mặc dù ở bối cảnh hiện nay khi mà thế giới đang phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ liên quan đến bảo mật thông tin cá nhân và an ninh mạng, Việt Nam vẫn đứng vững nhờ vào nguồn lực trẻ và đầy tiềm năng.
Chuyên gia này chia sẻ thêm, với các cuộc tấn công mạng, chúng ta phải chủ động tìm hiểu xem những kẻ tấn công là ai và chúng đến từ đâu. Ông Mikko cũng cảnh báo những mối nguy cơ mà Việt Nam có thể gặp phải, trong đó ông đã dẫn chứng việc một số văn bản dạng PDF của chính phủ Việt Nam gần đây có chứa mã độc.
Trong một bài phỏng vấn được đăng trên VTV, ông Mikko Hypponen đã nhắc nhở người dùng Việt Nam cần phải cẩn trọng với những dịch vụ miễn phí như Facebook, Google hay YouTube “Rất nhiều trang web cung cấp dịch vụ miễn phí nhưng lại kiếm tiền bằng cách bán thông tin cá nhân của người dùng cho các nhà quảng cáo hoặc bên thứ ba. Năm 2014, Google đã thu về 18 tỷ USD mặc dù công cụ tìm kiếm hay dịch vụ Gmail của hãng hoàn toàn miễn phí”.
Còn ông Nguyễn Huy Dũng, một lãnh đạo trẻ tuổi hiện đang là Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, thì cho rằng về lý thuyết, một người có thể ngồi ở một quốc gia nào đó và thực hiện tấn công mạng lên hệ thống đặt ở quốc gia khác. Chính thiết kế mở và không đòi hỏi xác thực về danh tính như vậy đã tạo áp lực rất lớn lên đôi vai của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Những con số biết nói
Nếu như bạn đang đọc bài viết này và nghĩ rằng tấn công mạng, đánh cắp thông tin cá nhân là một điều gì đó quá xa vời, thì những thống kê dưới đây tại Việt Nam do mình tổng hợp sẽ làm bạn phải suy nghĩ lại:
- Trung bình mỗi tháng tại Việt Nam xuất hiện hơn 1 nghìn trang giả mạo Facebook, mà mới đây nhất là vụ việc một vài học sinh cấp 2 đã giả mạo khủng bố để kích động tấn công lên lãnh thổ Việt Nam.
- Gần 14 triệu tin nhắn rác được gửi đi mỗi ngày ở nước ta, mặc cho những biện pháp siết chặt quản lý của các nhà mạng và cơ quan chức năng.
- 30% số website ngân hàng tại Việt Nam tồn tại nhiều lỗ hổng bảo mật.
- Trong một nghiên cứu mới đây của hãng bảo mật Kaspersky, 3/4 trong số 18.000 người tham gia khảo sát cho thấy họ chưa trang bị những kiến thức đủ để nhận biết các mối nguy hại trên Internet.
- Còn theo công ty an ninh mạng BKAV, trong 6 tháng đầu năm đã có 23.605 dòng virus máy tính mới xuất hiện tại Việt Nam. Các virus này đã lây nhiễm trên 30.936.000 lượt máy tính. Virus lây nhiều nhất nửa đầu năm 2015 là W32.Sality.PE, đã lây nhiễm trên 2.676.000 lượt máy tính. Cũng trong 2 quý đầu năm, 2.790 website của các cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam bị hacker xâm nhập, trong đó có 34 site .gov.vn và 122 site .edu.vn.
Mình xin được kết thúc bài viết này bằng lời phát biểu của ông Nguyễn Trung Chính, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC đồng thời là người chủ trì AVAR 2015 “Ngày hôm nay, máy tính tại gia đình, điện thoại thông minh cầm trên tay hay chiếc máy tính bảng mà các em nhỏ đang chơi, những thứ đó rất có thể đang bị nhiễm mã độc và trở thành vũ khí của tội phạm mạng. Trong tương lai gần, máy giặt thông minh hay tủ lạnh thông minh có kết nối Internet cũng có thể chịu chung số phận”.
Hy vọng bài viết này của mình sẽ giúp ích cho các bạn. Đừng quên để lại comment phía dưới để chia sẻ suy nghĩ của bạn về chủ đề này.
Nguyễn Mai Đức