Những truyện ngắn hay ý nghĩa về cuộc sống

Forever Alone

Em là cô gái nông thôn
Con chim bị mù hay ta không hiểu?

Nơi khu vườn anh nhà văn nọ có một cây si rất rậm rạp, xanh lá quanh năm. Từ phòng viết của mình, qua một tấm cửa kính, anh có thể nhìn thấy cây si ấy. Thói quen của anh là thức sớm mỗi ngày để viết, và anh vô cùng ngạc nhiên khi có một dạo, ngày nào, cũng có một con chim tới đâm cửa vào phòng anh. Nhiều ngày liên tục, liên tục, sáng nào cũng vậy, anh cũng đã có ý nghĩ giống như tôi: Phải chăng con chim đó bị mù? Hay bị một chứng bệnh nào đó?

Sự lý giải không được thỏa mãn, lại nhiều ngày tiếp tục trôi qua. Cho tới một hôm, anh quyết định bước ra khỏi cửa phòng mình, đứng về phía con chim, đối diện với tấm kính để nhìn vào căn phòng.
Anh không thể tin nổi vào mắt mình. Trước mắt anh là một cảnh tượng quá đẹp đẽ: Một cây si lung linh xanh thẫm in hình trên tấm kính, như thể ở một nơi nào đó thật xa, trong một không gian rộng hơn, sâu hơn. Và anh biết, con chim nhỏ bé kia đã "chán" cây si quen thuộc mỗi ngày của mình khi nó bất ngờ phát hiện ra một "cây si" khác. Nó đã đâm đầu vào đó để mong tìm tới một nơi đẹp đẽ hơn, lung linh hơn,...


Câu chuyện ấy khiến tôi đã nghĩ tới vài điều:
- Đôi khi, không đứng ở vị trí người khác, nên chúng ta đã không hiểu được họ
- Và đôi khi, chúng ta không biết những gì chúng ta đang có mới là điều quan trọng, là hạnh phúc thực sự của chúng ta, mà chúng ta cứ đeo đuổi những chuyện mãi đâu đâu
- Nhưng biết đâu, chỉ trong sự ảo tưởng, chúng ta mới có được hạnh phúc, bởi vì hiện thực nhiều khi không như mong muốn, khiến chúng ta bắt buộc phải chạy trốn nó.

Sưu tầm
 

Forever Alone

Em là cô gái nông thôn
Cái chảo rán

Có hai người bạn cùng đi câu cá. Một người khi câu được cá thì cho ngay vào chiếc hộp đá của mình để giữ cho cá được tươi. Còn người kia, mỗi khi giật lên được một con cá to, thì anh ta lại gỡ cá ra khỏi lưỡi câu và ném trả xuống sông. Người thứ nhất thấy vậy rất ngạc nhiên, nên hỏi:
- Sao anh lại cứ ném hết cá to xuống sông thế?
Người thứ hai đáp:
- Vì ở nhà tôi chỉ có cái chảo rán bé lắm!
Câu chuyện này thích hợp làm một chuyện tóc vang hoe, nhưng thực tế, đôi khi chính chúng ta cũng y như vậy, bỏ cuộc với những kế hoạch, những ước mơ và những cơ hội lớn của mình, chỉ vì niềm tin quá bé nhỏ. Chúng ta cười vì người câu cá sao không mua một chiếc chảo lớn hơn, nhưng liệu chúng ta có sẵn sàng tin tưởng nhiều hơn để theo đuổi những ước mơ của mình?
 

Forever Alone

Em là cô gái nông thôn
Câu chuyện về chú ếch

Có một chú ếch được thả vào một cái nồi nước lạnh.
Cái nồi nước đó không hề đậy vung và rồi được để lên một cái bếp.
Ban đầu, nước vẫn còn lạnh thì chú ta không hề có phản ứng gì. Sau đó, nước cứ từ từ ấm dần lên, nhưng chú ta không hề để ý được đến điều đó. Tại sao ư? Tại vì nhiệt độ của nồi nước tăng lên từ từ và khiến chú ta quen với điều đó.
Càng về sau, nồi nước càng tăng nhiệt độ, nhưng chú ếch vẫn không hề để ý đến điều đó vì nhiệt độ chỉ tăng từ từ mà thôi.
Đến khi nước sôi thì chú ta mới bắt đầu cảm thấy không thoải mái, nhưng lúc này đã muộn rồi. Chú ếch đã được luộc trong nồi nước đó.

Đây là một câu chuyện kinh điển về sự thay đổi. Vì nồi nước cứ nóng dần dần khiến chú ếch không hề để ý đến và cuối cùng là bị chết trong nồi nước sôi. Giả sử, nếu thả chú ếch đó vào nồi nước khi nước đã nóng rồi và cũng không đậy vung thì chắc hẳn chú ếch sẽ cố mà nhảy ra cho được.
Cuộc sống con người cũng thế. Chúng ta đã quen với những việc thường ngày đã xảy ra và không hề muốn thay đổi, hay thậm chí sợ sự thay đổi, sợ tiếp nhận cái mới. Nhưng thực tế thì cuộc sống của chúng ta thay đổi hàng ngày và nếu chúng ta không chú ý đến thì cũng lại đã quá muộn.
Còn khi đối diện với một sự thay đổi rõ rệt thì khi đó ta cuống lên, ta sợ. Liệu khi đó ta có thể đối diện được với sự thay đổi hay không? Ta có thể chấp nhận sự thay đổi hay không? Khi đó có là quá muộn không?

Hãy luôn chuẩn bị sẵn sàng cho mọi sự thay đổi.
Hãy nhìn nhận cẩn thận mọi thứ đang diễn ra xung quanh mình.
Hãy đối diện và chấp nhận những thay đổi đang diễn ra để bản thân thay đổi theo nó cho phù hợp.
 

Forever Alone

Em là cô gái nông thôn
Bài văn bị điểm 0

- Ba đã bao giờ thấy một bài văn bị điểm không chưa, ba.

Tôi ngạc nhiên: "Đề bài khó lắm sao?"

- Không. Cô chỉ yêu cầu "Tả bố em đang đọc báo." Có đứa bạn con bảo ba nó không đọc báo nhưng rồi nó bịa ra, cũng được 6 điểm.

Tôi thở dài:- Còn đứa bị điểm không, nó tả thế nào?

- Nó không tả, không viết gì hết. Nó nộp giấy trắng cho cô.

Hôm trả bài, cô giận lắm. Cô hỏi: "Sao trò không chịu làm bài?". Nó cứ làm thinh, mãi sau nó mới bảo: "Thưa cô, con không có ba". Nghe nó nói, cô con sững người. Té ra ba nó hi sinh từ lúc nó mới sanh. Cô mới nhận lớp nên không biết, ba ạ. Cả lớp con ai cũng thấy buồn. Lúc ra về, có đứa hỏi: "Sao mày không tả ba đứa khác?" Nó chỉ cúi đầu, hai giọt nước mắt chảy dài xuống má.


Chuyện về cậu học sinh có bài văn bị điểm không đã để lại trong tôi một nỗi đau, nhưng cũng để lại một bài học về lòng trung thực
 

Forever Alone

Em là cô gái nông thôn
Chiếc vỹ cầm một dây

Niccolo Paganini, một nghệ sỹ vĩ cầm đầy sắc thái và tài năng của thế kỷ 19 đang đứng chơi một bản nhạc khó trong một khán phòng chật kín người. Một ban nhạc vây quanh ông cùng hòa nhạc với ông. Bất chợt, một dây đàn bị đứt và treo lóng lánh dưới cần đàn của ông.

Những giọt mồ hôi từ trán ông tuôn ra. Ông lo lắng nhưng vẫn tiếp tục chơi, ứng biến một cách tốt đẹp. Dây đàn thứ hai lại bị đứt trước sự ngạc nhiên của nhạc trưởng. Và ngay sau đó là dây thứ ba. Giờ thì có ba dây đàn bị đứt đang đong đưa trên chiếc vĩ cầm của Paganini, khi người nghệ sỹ bậc thầy này hoàn thành khúc cao trào với chỉ một dây còn lại. Khán giả nhịp chân và trong phong cách lịch thiệp của người Ý, đại sảnh đã ngập tràn những tiếng “hoan hô”.

Khi tiếng vỗ tay khen ngợi lắng xuống, người nghệ sỹ vĩ cầm này yêu cầu mọi người ngồi xuống. Mặc dù họ hiểu chẳng còn cách nào để mong ông biểu diễn phần còn lại, nhưng mọi người đều yên lặng ngồi xuống chổ ngồi của mình. Ông nâng đàn lên cao cho mọi người nhìn thấy. Ông gật đầu với người chỉ huy dàn nhạc để bắt đầu chơi lại và rồi quay mặt về đám đông. Với một ánh mắt ngời sáng, ông mỉm cười và nói to: “Đây là Paganini với một dây đàn!”

Rồi ông đặt chiếc đàn Stradivarius một dây dưới cằm và chơi nốt đoạn cuối với chỉ một dây đàn. Trong lúc khán giả lắc đầu trong tột cùng kinh ngạc.

Cuộc sống của chúng ta có lẽ luôn ngập tràn bao rắc rối, lo toan, thất vọng và những điều bất cập. Thành thật mà nói, chúng ta mất hầu hết thời gian để tập trung và băn khoăn về những dây đàn bị đứt đoạn, dở dang, và những điều bất chợt – tất cả đều không thể đổi thay được.

Phải chăng bạn vẫn đang buồn đau vì những cung đàn bị đứt đoạn trong đời?

Có phải chỉ với dây đàn còn lại mà bạn sẽ chơi lạc điệu không?

Nếu đúng thế, liệu tôi có thể khuyên bạn đừng nản lòng, cứ tiếp tục và bắt đầu chơi lại chỉ với một dây đàn.

Hãy để nó ngân lên một giai điệu ngọt ngào mà cả thế giới khát khao với đầy ngẫu hứng.

Bạn có thể làm được nếu bạn muốn.
 

Forever Alone

Em là cô gái nông thôn
Ở một vũng nước kia có một đám rận nước. Ngày ngày, chúng hay trèo lên các ngọn cỏ lau để ngắm ánh mặt trời. Cũng vào những lúc đó, cứ thỉnh thoảng chúng lại thấy một vật thể lạ bay xà xuống chỗ chúng, chúng vội vàng lẩn tránh xuống bên dưới, rồi khi vật thể kia bay đi thì chúng lại trèo lên. Chúng láo nháo hỏi nhau:" Vật thể đó là gì vậy?". "Nếu như mình có thể bay đi được thì mình sẽ biết được đó là gì và cũng sẽ biết được cuộc sống ngoài kia như thế nào" - Một chú rận nói.

Cho đến một ngày, một chú rận nước trong bọn tìm được đường lên đến ngọn cỏ lau và bán ở đó thật lâu. Cơ thể chú ta dần dần biến đổi: chú khoác lên người chiếc áo ngũ sữa rực rỡ, và đôi cánh trong vắt như pha lê nhú lên từ phía sau lưng. Chú rận nước giờ đây đã lột xác thành chú chuồn chuồn ớt xinh đẹp. Chú ta khẽ vỗ cánh từ từ bay lên không trung. Chú vui sướng lượn vòng trên bầu trời ngập tràn ánh nắng. Bất chợt, nhớ đến lời hứa lúc trước, chú liền quay trở lại để tìm những người bạn cũ để kể về chuyến đi của mình. Chuồn chuồn ớt xà xuống mặt nước, nhưng dù cố gắng cách mấy chú cũng không thể đến gần chổ của các bạn mình, chú không còn là một chú rận nước như trước đây. Còn những chú rận nước kia thì vẫn như thế: Thấy chuồn chuồn ớt quay trở lại thì sợ hãi lẩn tránh.

Vậy là chú tự nhủ: “Biết làm sao được, mình đã cố hết sức để giữ đúng lời hứa, nhưng ngay cả khi mình trong bộ cánh rực rỡ như thế này. Mình nghĩ là họ chỉ còn cách chờ đời cho đến khi chính họ leo lên được ngọn cỏ lau để khám phá ra rằng mình đã đi đâu và đã trở nên như thế nào…”.

Câu chuyện này có nhiều dị bản khác nhau, và có thể mỗi dị bản lại có một ý nghĩa khác nhau.
Với dị bản này thì: Những người có suy nghĩ khác, hoặc vượt tầm người khác, có kinh nghiệm hơn những người khác thì thường không được chấp nhận, hoặc bị hiểu sai, hiểu lầm... Và vì lẽ đó, nếu bạn trong trường hơp đó thì hãy để cuộc sống dạy họ.
 

Forever Alone

Em là cô gái nông thôn
ÌNH YÊU DIỆU KÌ

Đây là một câu chuyện có thật diễn ra ở Nhật Bản- câu chuyện lạ lùng và cảm động về một loài vật vốn rất quen thuộc với chúng ta.
Câu chuyện kể rằng, khi sửa nhà, một người thanh niên người Nhật đã nhìn thấy một con thằn lằn bị kẹt bên trong khe hở nhỏ giữa hai bức tường = gỗ. Một sự tình cờ nào đó đã khiến chú thằn lằn tội nghiệp bị cây đinh ghim vào tường. Nhưng lạ lùng hơn nữa là căn nhà đã được xây dựng hơn 10 năm, điều đó chứng tỏ chú đã sống trong tình trạng này suốt thời gian qua.
Quá ngạc nhiên vs những gì diễn ra trước mắt, chàng trai bèn ngưng làm việc và tò mò theo dõi xem chú thằn lằn đã sống ra sao trong tình trạng bị "cầm tù" như vậy. Không lâu sau đó, anh nhìn thấy một con thằn lằn khác xuất hiện, miệng ngậm đồ ăn đến bên con thằn lằn bị ghim vào tường.
Một cảnh tượng thật cảm động. Con thằn lằn bị ghim đinh đã được một con thằn lằn khác nuôi ăn trong suốt 10 năm qua. Không ngờ loài vật tưởng chừng không suy nghĩ, không cảm xúc lại có thể có tình cảm sâu nặng đến vậy. Có lẽ chỉ có tình yêu mới tạo nên nghị lực sống và tinh thần phục vụ kì diệu đến thế.

CHUYỆN NHÀ RÙA

Một hôm gia đình nhà rùa và những người bạn quyết định đi picnic. Với bản tính chậm chạp của mình, chúng mất 7 năm và chuẩn bị mọi thứ và lên đường. Nhưng như vậy nào đã xong, chúng mất thêm 2 năm nữa để tìm ra 1 chỗ cắm trại như ý, rồi thêm 6 tháng mới dọn dẹp và bày biện xong đồ đạc.
Nhưng rồi, nhóm rùa phát hiện ra rằng chúng đã quên mang theo muối.
-Một chuyến picnic mà ko có muối thì chẳng còn gì là thú vị. Làm sao để ăn trái cây và ăn bánh mì đây chứ? - Chúng ngán ngẩm bảo nhau như vậy.
Sau hơn 1 tháng tranh cãi, cuối cùng rùa Nhí -một chú rùa trẻ tuổi nhất, nhanh nhẹn nhất được giao về nhà lấy , muối.
Vừa nghe vậy rùa nhí đã giãy nảy từ chối. Chú run rẩy thân hình trong chiếc vỏ, lắc đầu nguầy nguậy tỏ ý ko đồng tình.
Nhưng cuối cùng trước sự thuyết phục của tất cả mọi người, rùa Nhí cũng đồng ý về nhà lấy muối với 1ép ăn điều kiện: cả nhóm rùa ở lại ko được phép ăn bất cứ thứ gì khi chú quay trở lại.
Họ nhà rùa buộc phải đồng ý và rùa Nhí bắt đầu lên đường.
Nhưng rồi đã 3 năm trôi qua rùa Nhí vẫn chưa quay trở lại. Rồi 5 năm... 9 năm, rồi 17 năm...
Cuối cùng rùa bô lão ko thể nhịn đói được nữa, bèn cắn 1 miếng sandwich cho đỡ đói.
Đúng lúc đó rùa Nhí - giờ đã già và gầy đi nhiều sau hơn 17 năm vắng mặt - đột ngột thò đầu ra từ một lùm cây, hét lên the thé:
-Đó...đó...tôi biết mà! Tôi biết là mọi người sẽ ăn trước khi tôi quay lại mà. Thôi thôi tôi ko đi lấy muối nữa đâu...
 

Forever Alone

Em là cô gái nông thôn
Tình yêu bất tử

Câu chuyện xảy ra ở một bệnh viện nhỏ ở vùng quê hẻo lánh. Ở khoa hóa trị có một phụ nữ trẻ đang trong giai đoạn cuối của căn bệnh ung thư. Tuy luôn bị những cơn đau hành hạ nhưng chưa bao giờ người phụ nữ ấy quên trao cho chúng tôi một nụ cười biết ơn sau những lần điều trị. Những khi chồng cô tới thăm, mắt cô rạng ngời hạnh phúc.
Đó là một người đàn ông đẹp trai, lịch thiệp và cũng thân thiện như vợ mình. Tôi rất ngưỡng mộ chuyện tình của họ. Hằng ngày anh mang đến cho cô những bó hoa tươi thắm cùng nụ cười rạng rỡ, anh đến bên giường nắm lấy tay cô và trò chuyện. Những lúc quá đau đớn, cô khóc và trở nên cáu gắt, anh ôm chặt cô vào lòng, an ủi động viên cho đến khi cơn đau dịu đi. Anh luôn bên cô mỗi khi cô cần, anh giúp cô uống từng ngụm nước và không quên vuốt nhẹ đôi chân mày của cô. Mỗi đêm, trước khi ra về anh luôn đóng cửa để hai người có những giây phút bên nhau. Khi anh đi, chúng tôi thấy cô ấy đã ngủ say mà trên môi vẫn phảng phất nét cười.
Nhưng đêm ấy mọi chuyện đã thay đổi. Khi nhìn vào bảng theo dõi, kết quả cho thấy người vợ trẻ ấy sẽ không qua khỏi đêm nay. Mặc dù rất buồn nhưng tôi biết đó là cách tốt nhất cho cô ấy, từ nay cô sẽ không chịu những cơn đau thêm nữa.
Để bảng theo dõi trên bàn, tôi muốn đến phòng bệnh. Khi tôi bước vào phòng, cô mở mắt nhìn tôi hé môi cười một cách yếu ớt, nhưng hơi thở của cô nghe thật khó nhọc. Chồng cô ngồi bên cô mỉm cười nói: "Cho đến bây giờ món quà tuyệt vời nhất tôi dành cho cô ấy chính là tình yêu của tôi".

Và tôi đã khóc khi nghe điều đó, tôi nói nếu họ cần bất cứ điều gì thì đừng ngại. Và đêm ấy cô đã ra đi trong vòng tay người chồng yêu dấu. Tôi không biết làm gì hơn ngoài việc cố an ủi và chia sẻ nỗi đau này cùng chồng cô. Với khuôn mặt đẫm nước mắt, anh nghẹn ngào: "Xin hãy cho tôi ở bên cô ấy thêm một lúc".
Bỗng nhiên từ trong phòng vọng ra một giọng hát trầm ấm mà tôi chưa từng được nghe. Không chỉ riêng tôi mà tất cả mọi người đều bị cuốn hút bởi giọng hát của anh khi anh cất lời bài “Beautiful brown eyes”. Rồi giai điệu khúc ca nhỏ dần, anh mở cửa gọi tôi đến, nhìn sâu vào mắt tôi, ôm chầm lấy tôi rồi nói: "Tôi đã hát bài này mỗi đêm cho cô ấy nghe kể từ ngày chúng tôi quen nhau. Mọi ngày tôi vẫn thường cố giữ cho giọng mình thật nhỏ để khỏi làm phiền bệnh nhân khác. Và tôi chắc rằng đêm nay trên thiên đường cô ấy cũng vẫn nghe tôi hát. Tôi xin lỗi đã quấy rầy mọi người. Tôi chỉ không biết sống ra sao khi thiếu vắng cô ấy, nhưng mỗi đêm tôi vẫn tiếp tục hát. Chị có nghĩ rằng cô ấy nghe thấy tiếng tôi không?".
Tôi khẽ gật đầu mà nước mắt vẫn tuôn. Anh ôm tôi một lần nữa và cảm ơn tôi cùng tất cả mọi người. Đoạn anh quay bước, cúi đầu khẽ huýt sáo giai điệu thân quen.
Khi anh bước đi, tôi nhìn theo, thầm cầu nguyện cho cô ấy, cho anh và cho tôi một ngày nào đó cũng tìm được một tình yêu như thế.
 

Forever Alone

Em là cô gái nông thôn
Trời đổi gió. Mưa trắng phố phường. Cô gái ngồi sau chàng trai trên chiếc xe máy đời mới, vòng tay ôm eo: "Anh có lạnh không, để em ủ ấm cho anh nhé!" Tiếng cười khúc khích trong veo tan vào màn mưa mờ đục. "Ước gì những cơn mưa kéo dài hơn" - Chàng trai và cô gái nghĩ thầm, nghe niềm vui dâng đầy trong mắt...

Bên kia đường, bác bán bánh chuối chiên nhìn mưa mà thở dài ngao ngán. Mưa đã mấy ngày không tạnh, ngày nào cũng ế hàng. Mà lại sắp đến hạn nộp tiền học cho con...

Ngoài trời, mưa vẫn rơi, trắng xóa...

* * *

Người già

Hồi còn trẻ, bà lăn lộn khắp các chợ nổi tiếng ở vùng đất Nam Định, một tay nuôi năm người con để chồng yên tâm chiến đấu ngoài mặt trận. Bà nổi tiếng cả vùng về sự sắc sảo thông minh - và cả một chút tinh nhanh của những người làm nghề buôn bán. Cơ đồ nhà chồng, một tay bà gây dựng. Năm người con vắng cha mà không có ai phải thất học. Năm người là năm tấm bằng Đại học - người con cả còn được đi nước ngoài du học nữa.

Mấy chục năm sau...

Ông mất, các con đón mẹ lên thành phố. Mấy ngày đầu, chưa quen đồ dùng mới, bà làm hỏng hết cả. Hôm nay cũng thế, bà lại làm cháy cái ấm điện mới. Người con cả gắt:

- Mẹ đúng là lẩm cẩm, chẳng làm được việc gì ra hồn!

Bà sững người, ánh mắt vụt rơi vào khoảng không xa vắng...
 

Forever Alone

Em là cô gái nông thôn
Bước ra khỏi cuộc đời một người khác


Chứ đừng cố ở bên một người đã không còn thấy vui dù cho có hay không có chúng ta trong cuộc đời.

***

Chỉ đơn giản là khi người đó đã không còn thấy vui khi chúng ta ở bên cạnh. Là khi chúng ta không còn là nơi người đó chạy đến mỗi khi buồn. Là khi tên của chúng ta không hiện ngay trên màn hình mỗi khi người đó cần nói chuyện. Là khi một cái ôm của chúng ta không phải là thứ người ta mong đợi. Là khi cái xiết tay của chúng ta không phải là thứ giúp người ta vượt qua được khó khăn...



Là khi cuộc hẹn với chúng ta là thứ người ta không chờ mong, là khi một câu nói của chúng ta không làm người ta mỉm cười khi nhớ lại. Là khi những kỷ niệm chỉ là những việc đã xảy ra, những nơi chốn chỉ đơn giản là những địa điểm không đi cùng người này thì đi cùng người khác, những đồ vật chỉ đúng nghĩa là đồ vật, những tin nhắn hay mặt cười chỉ được hiểu theo nghĩa đen...

Là khi chúng ta ở bên nhưng người đó không thấy chúng ta ở bên...

Là khi chúng ta ở bên nhưng điều đó cũng chẳng giúp gì được nữa. Là khi những cố gắng đều vô ích. Là khi một người này nên bước ra khỏi cuộc đời của một người kia...

Khi chúng ta mười bảy tuổi chẳng có tình yêu nào rập rờn như cánh bướm trong tim mà không thành lời trên môi. Có cả ngàn cách để nói cho người khác biết chúng ta đã yêu họ như thế nào. Khi lớn lên mới biết có những tình cảm mãi mãi là cánh bướm rập rờn trong tim mà chết lặng trên môi.

Có hàng ngàn cách để chôn đi tình yêu lặng thầm với người khác dù chúng ta đã yêu họ đến thế nào. Khi lớn lên chút nữa mới biết đâu phải muốn "lặng lẽ đi bên đời nhau" là dễ. Có hàng ngàn cách để một người không yêu chúng ta xua đuổi chúng ta, vô tình hay cố ý, ra khỏi những cuộc đời không có hoặc nếu có cũng mờ nhạt bóng hình chúng ta trong đó...

Nên đành cất bước đi thôi... Chứ đừng cố ở bên một người đã không còn thấy vui dù cho có hay không có chúng ta trong cuộc đời.

Ừ! Mẹ anh phiền thật

- Anh về ngay đi, em hết chịu nổi rồi, mẹ anh phiền thật.

- Uhm, mẹ anh phiền thật, bây giờ anh đang có cuộc họp quan trọng, tối về anh sẽ giải quyết nha em.

Tiếng đầu dây bên kia dập máy nghe có vẻ rất tức tối, anh buông thõng người ra sau ghế, ở bên kia cô nhìn ra phía cửa như đang cố nuốt trôi một cái gì đó...

***

- Anh nhìn đi, đó, đây này, hôm nay em sắp, ngày mai em xếp, cứ một người dọn, một người lại bày ra như vậy, ai mà chịu nổi. Em sắp điên rồi đây. - Cô vò đầu trong 1 trạng thái vô cùng tức giận, anh lại gần cô, lấy tay xoa xoa 2 bờ vai gầy gầy, cô hất chúng ra.

- Em vào đây - Anh nhẹ nhàng nắm lấy tay cô kéo vào phòng, khép hờ cửa, anh lấy xuống 1 chiếc hộp được đặt trên nóc tủ, lấy tay phủi nhẹ, anh nhìn cô mỉm cười. - Mẹ phiền thật, ngày mai mình đưa mẹ đến viện dưỡng lão em nhé, còn bây giờ để anh cho em biết mẹ chúng ta phiền đến mức nào.

Anh mở chiếc hộp ra, bên trong là 1 xấp hình, anh lấy ra 1 tấm đã cũ, nhưng chẳng hề dính tí bụi nào, cô tò mò nhìn vào tấm ảnh.



- Em thấy không, đây là tấm hình mà Dì anh đã chụp lúc anh sinh ra, Dì kể vì mẹ yếu nên sinh lâu lắm, mà sinh lâu chắc là đau lâu em nhỉ, mà mẹ phiền thật, cứ la hét ầm ĩ cả lên, ai mà chẳng sinh. Dì còn nói, mẹ yếu lắm, nếu cứ cố sinh thì sẽ nguy hiểm cho người mẹ, bác sĩ đã nói như vậy rồi vậy mà mẹ vẫn cố cãi " Không, con tôi phải ra đời, tôi phải sinh", mẹ anh phiền thật đó.

Cô nhìn tấm hình, bàn tay cô nhẹ bỗng, rồi cô nhìn anh, trong mắt anh chứa 1 điều gì đó rất lạ. Anh cẩn thận bỏ tấm hình đó qua 1 bên, lấy 1 tấm khác cho cô xem.

- Em nhìn nè, đây là bức ảnh chụp lần đầu tiên anh ** mẹ, anh chẳng thấy ai phiền như mẹ cả. Bà nội, bà ngoại nói cả rồi, mẹ yếu, không đủ sữa để cho anh, uống sữa bình đi, ở đó mà dưỡng sức, nhưng một hai cứ khư khư giữ anh vào lòng " Không, con con nhẹ cân, phải ** sữa mẹ mới tốt". Ai nói gì cũng cãi em nhỉ, nếu không anh được uống sữa bình rồi, sữa bình phải ngon hơn chứ, mẹ anh phiền thật.

Bàn tay cô run run, cô thấy ánh mắt của người mẹ trong bức ảnh ánh lên vẻ rất hạnh phúc, 2 bàn tay cô ta cứ giữ chặt đứa bé. Cô nhìn anh không nói gì cả.

- Còn nữa đây này - Anh lại lôi ra 1 tấm khác nhìn vào đó.

- Em thấy mẹ anh phiền ghê chưa, con nít hơn 1 năm ai chẳng chập chững biết đi, mẹ cứ làm như chỉ có con mẹ mới làm được điều đó không bằng. Ba kể mẹ cứ gặp ai là cũng hí hởn khoe "Thằng cu Tin nhà tôi đi được rồi, nó biết đi rồi đó ". Bộ mẹ không thấy phiền hay sao em nhỉ? - Bờ môi cô như muốn nói một cái gì đó nhưng cổ họng thì ứ nghẹn lại, bức ảnh đứa trẻ con chập chững đi về phía mẹ trong tấm hình, cô nhìn mãi.Ba còn kể, từ ngày anh bắt đầu bi bô tập nói rồi gọi được tiếng mẹ là nguyên những ngày sau là một chuỗi điệp khúc " Cu Tin gọi mẹ đi, gọi mẹ đi cu Tin", mẹ phiền quá đi mẹ à, anh mỉm cười xoa nhẹ vào bức ảnh, mắt anh đang long lanh thì phải.

- Đây nữa, đây nữa này - Anh lôi ra nguyên 1 xấp, nhiều lắm, rất nhiều ảnh- Em thấy mẹ anh phiền ghê chưa, chụp làm gì mà lắm ảnh vậy không biết, lần đầu tiên anh vào mẫu giáo, có phiếu bé ngoan, rồi tiểu học, trung học, nhận bằng khen, em coi đi, đủ trò trên đời, coi hình của anh có mà đến tết mới xong, anh phì cười, " mẹ anh phiền nhỉ "?

Cô nhìn anh, anh không cười nữa, anh cầm 1 tấm hình lên nhìn vào đó rất lâu, cô thấy nó, 1 tấm hình rất đạp, anh rất đẹp trong bộ áo tốt nghiệp cử nhân, anh lúc đó trông điển trai quá, cao ráo, nhưng...

- Em có thấy không? tóc mẹ anh đó, rối em nhỉ ? còn áo quần nữa này, cũ mèm...- Cô nghe thấy giọng anh trở nên khác đi, không đều đều như lúc ban đầu nữa, đứt quãng. Cô nắm lấy tay anh.

- Năm 15 tuổi, ba ***** con anh lại, rồi lúc đó, mọi thứ trong nhà trở nên không có điểm tựa, anh đi học, mẹ bắt anh phải học...Em không biết đâu, anh xin nghỉ nhưng mẹ không cho, phiền như vậy chứ. Mẹ cứ sáng sớm đi phụ quán cơm cho người ta, trưa ăn 1 chén cơm thừa trong quán để dư tiền cho anh học thêm ngoại ngữ, rồi chiều đến chạy đi giặt đồ cho những bà mẹ không phiền khác, để họ đi mua sắm, cà phê, giải trí...- Giọng anh lạc hẳn - Còn nữa em ạ, tối đến mẹ lại tiếp tục đi làm lao công đường phố, sáng sớm mới về chợp mắt được 1 tí thôi, vậy đó...Em thấy mẹ anh khỏe không?

" Tách", 1 giọt nước rơi xuống trên tấm hình, mắt cô cũng nhòe đi, khác thật, 1 bà mẹ trẻ với gương mặt xinh đẹp lúc đứa con mới bi bô tập nói, và cũng với gương mặt phúc hậu đó nhưng giờ làn da đã nhăn đi, khuôn mặt gầy hẳn khi đứng cạnh cậu con trai lúc chuẩn bị ra trường.

- Anh à - Bàn tay cô nắm lấy bàn tay run run của anh.

- Em có thấy tay mẹ rất yếu không, anh chẳng bao giờ kể em nghe nhỉ. Khi 5 tuổi, anh đùa nghịch chạy nhảy lung tung, lúc đuổi bắt cùng cô nhóc hàng xóm anh đã trượt chân ngã từ cầu thang xuống. Lúc đó, anh chẳng thấy đau một chút nào cả, chỉ nghe một tiếng kêu rất thân quen, em có đoán được không, anh đang nằm trên 1 thân thể rất quen...mẹ anh đó. - Cô sững người lại, nước mắt cô trào ra, rơi xuống ướt đẫm tay anh.

- Em à, mẹ anh phiền vậy đó, phiền từ khi anh chuẩn bị lọt lòng cho đến khi anh gần đón đứa con đầu tiên của mình, chưa hết đâu, mẹ sẽ còn phiền cả đời em ạ, bây giờ lớn rồi mẹ vẫn cứ lẽo đẽo theo anh dặn đủ thứ em không thấy sao, cơm phải ăn 3 chén, đi xe phải chậm thôi, đừng có mà thức khuya quá. Mẹ anh phiền thật, ngày mai mình đưa mẹ đến viện dưỡng lão em nhé.

" Anh ", cô ôm chặt lấy anh, cô òa khóc nức nở, " em xin lỗi ", anh ôm lấy cô vỗ về, vỗ về như ngày xưa anh vẫn thường được làm như vậy.

" Choang "- Anh và cô chạy nhanh xuống bếp.

- Mẹ xin lỗi, mẹ nghe con thèm chè hạt sen nên mẹ đi nấu, nhưng...Giọng mẹ run run không dám nhìn về phía trước, cúi người nhặt những mảnh vỡ vừa rơi.

- Mẹ à - Cô chạy đến nắm lấy bàn tay xương xương của mẹ - Từ nay mẹ đừng phiền nữa nhé, để con phiền mẹ cho - Cô ôm chặt mẹ, nước mắt thấm đẫm vai áo mẹ, mẹ nhìn anh, anh nhìn cô trong lòng của mẹ.

"Mẹ đã không sinh lầm con và con cũng đã không chọn nhầm dâu cho mẹ, phải không ạ?"
 

Forever Alone

Em là cô gái nông thôn
Bắc Kim Thang

Ngày xửa ngày xưa, ở một làng quê nọ, có hai người bạn làm nghề buôn bán cùng nhau. Một người đi soi đèn bắt ếch về đêm, còn anh kia thì chuyên đi bán dầu thắp đèn vào rạng sáng.
Nhà họ dựng trên một cù lao nhỏ ven sông, tách biệt với làng xóm, muốn đi vào chợ làng phải đi ngang một cây cầu khỉ vắt vẻo. Do hoàn cảnh đơn chiếc, nên hai anh cũng thân thiết với nhau.
Có lần vì mẹ già của anh bán ếch bệnh mà không có tiền chạy chữa nên qua đời, anh bán dầu liền bỏ tiền ra giúp đỡ ma chay mà không hề tính toán, vì thế mà anh bắt ếch càng quý trọng tình bạn của anh bán dầu.
Một đêm nọ, trong lúc đi làm việc, anh bắt ếch nghe tiếng kêu thảm thiết phát ra từ một cái bẫy trên đồng. Tính tò mò, anh lại mở ra coi thì phát hiện ra hai con chim le le và bìm bịp nằm trong bẫy, do chúng giành ăn với nhau mới bất cẩn rơi vào bẫy của con người.
Hai con chim ra sức năn nỉ anh bắt ếch mở bẫy tha cho mình, rồi hứa sẽ đền ơn báo đáp. Vốn là người có tính nhân từ, anh bắt ếch cũng xuôi lòng rồi giải thoát cho chúng.
Vài ngày sau, hai con chim cùng bay đến nhà anh bắt ếch để cảnh báo cho anh biết tai ương sắp đến. Chúng nghe được hai con ma da ở sông bàn với nhau rằng sẽ kéo chân anh bán dầu và anh bắt ếch, cho hai anh chết, thế mạng cho chúng để chúng được đầu thai.
Vì hai con ma này chết đã lâu, nếu trong 7 ngày không bắt được người thay thế sẽ bị hồn phách tứ tán, không được đầu thai nữa. Thêm vào đó, ma da cũng chỉ có thể bắt hai anh khi trời vừa rạng sáng, lúc anh bán dầu ra chợ và lúc anh bắt ếch về nhà, bởi vì khi mặt trời lên thì chúng không còn ma phép.
Ban đầu anh bắt ếch đem cớ sự nói anh cho bán dầu nghe, khuyên anh nên ở nhà, nghỉ bán một tuần lễ, nhưng anh bán dầu lại không tin, cho rằng đấy là mê tín vớ vẩn, trên đời không có ma, quỷ.
Theo lời le le và bìm bịp, anh bắt ếch viện cớ đến ngày cúng mẹ, gọi anh bán dầu qua nhà tiệc tùng ăn nhậu, chuốc cho anh say mèm đến mức sáng hôm sau không ra chợ bán được. Ngày kia lại lấy cớ sang nhà cảm ơn anh bán dầu đã giúp đỡ, lại bày tiệc ăn uống no say, trì hoãn việc đi ngang cây cầu kia.
Hôm ấy là ngày cuối cùng của thời hạn 7 ngày ma da bắt hồn, do say xỉn nhiều ngày liền nên anh bắt ếch ngủ quên. Anh bán dầu sực tỉnh vào sáng sớm, nhận ra mình đã bỏ buôn bán mấy ngày liền bèn nhanh chóng quẩy hàng ra chợ.
Do bước vội vàng qua cầu khỉ cheo leo, lại bị bọn ma da biến phép cho cầu trơn trượt nên sẩy chân rơi xuống nước mà chết. Anh bắt ếch vì tiếc thương bạn nhưng do còn sợ bọn ma da nên phải đợi hết một ngày sau mới dám vớt xác bạn lên mà làm ma chay.
Thấy ân nhân của mình đau lòng, le le và bìm bịp cũng bay đến, cất tiếng kêu thảm thiết như tiếng kèn trống đám ma để tiễn biệt một người chết oan.”
Chú bán dầu, qua cầu mà té. Đọc hết truyện cổ tích này thì có lẽ mọi người đều sáng tỏ vì sao trong bài đồng dao “Bắc kim thang” có 4 câu cuối là:
Chú bán ếch, ở lại làm chi.
Con le le đánh trống thổi kèn,
Con bìm bịp thổi tò tí te tò te.
Thực chất là để diễn tả lại câu chuyện cổ tích đề cao tình bạn và tính chất cứu vật vật trả ơn của người xưa.
 

Forever Alone

Em là cô gái nông thôn
Thức tỉnh
Vợ của anh vì một lý do ngoài ý muốn đã qua đời được 4 năm, anh vì không có cách nào có thể chăm sóc được bố mẹ nên cảm thấy chán nản và mệt mỏi.
Một buổi tối khi anh trở về nhà, vì quá mệt mỏi nên anh chỉ chào hỏi đứa con ngắn gọn và không muốn ăn cơm, cởi xong bộ comple liền lên giường nằm. Đúng lúc đó, ầm một tiếng, bát mì tôm làm bẩn hết chăn và ga trải giường, hóa ra trong chăn có một bát mì tôm. “Cái thằng danh con này”, anh ta liền vớ một chiếc móc quần áo chạy ra ngoài đánh cho đứa con trai đang ngồi chơi một trận.
Đứa con trai vừa khóc vừa nói: Cơm sáng đã ăn hết rồi, đến tối con chưa thấy bố về thấy đói bụng nên đi tìm đồ ăn, con tìm thấy mì tôm trong tủ bếp, muốn nấu mì tôm ăn nhưng bố dặn không được tùy tiện dùng bếp gas nên con lấy nước nóng từ trong vòi tắm pha mì tôm, con pha một bát ăn, còn một bát để phần bố. Sợ mì tôm bị nguội nên con mang vào giường ủ trong chăn đợi bố về ăn cho nóng. Con mải chơi đồ chơi mới mượn được của bạn nên khi bố về đã quên không nói với bố.
Anh không muốn đứa con thấy mình khóc nên vội vã vào nhà vệ sinh, mở vòi nước và khóc. Khi đã ổn định tinh thần, anh mở cửa phòng con trai và nhìn thấy đứa con trai trong bộ quần áo ngủ, nước mắt giàn giụa và tay đang cầm bức hình của mẹ nó.
Từ đó trở đi, anh chăm sóc con trai tận tâm hơn, chu đáo hơn, khi con trai mới vào học cấp I, anh đánh con một trận nữa. Hôm đó, thầy giáo gọi điện về nhà báo con anh không đi học, anh lập tức xin nghỉ về nhà, chạy đi tìm con khắp nơi, sau vài tiếng đồng hồ đi tìm anh đến một cửa hàng bán văn phòng phẩm nhìn thấy đứa con đang đứng trước một đồ chơi điện tử, thế là anh tức giận đánh con, đứa con không một lời giải thích, chỉ nói “Con xin lỗi”.
Một năm sau, anh nhận được điện thoại từ bưu điện, nói con trai anh đã bỏ một loạt các bức thư không viết địa chỉ vào hòm thư, cuối năm là lức bưu điện bận rộn nhất nên điều này gây ra rất nhiều khó khăn cho họ. Anh lập tức đến bưu điện, mang những bức thư đó về ném trước mặt con trai nói:
- Sao mày lại làm những trò tai quái thế này hả?
Thằng bé vừa khóc vừa trả lời:
- Đây là những bức thư con gửi cho mẹ.
Mắt người bố cay cay hỏi con:
- Thế sao một lúc gửi nhiều thư như vậy?
Đứa con nói: Trước đây con còn thấp nên không bỏ thư vào hòm thư được, bây giờ con lớn có thể bỏ thư vào được rồi nên con mang gửi hết những bức thư con viết từ trước đến giờ.
Ông bố nghe xong, tâm trạng rối bời không biết nói gì với con. Một lát sau ông bố nói: Mẹ con giờ ở trên thiên đàng, sau này con viết thư xong, hãy đốt nó đi thì có thể gửi thư cho mẹ được đấy.
Đợi đứa con ngủ, anh mở những bức thư đó xem đứa con muốn nói gì với mẹ, trong đó có một bức thư khiến anh vô cùng xúc động.
“Mẹ thân yêu của con: Con nhớ mẹ lắm! Mẹ ơi, hôm nay ở trường con có một tiết mục mẹ cùng con biểu diễn, nhưng vì con không có mẹ nên con không tham gia, con cũng không nói cho bố biết vì sợ bố sẽ nhớ mẹ. Thế là bố đi khắp nơi tìm con, nhưng con muốn bố nhìn thấy con giống như đang đi chơi nên con đã cố ý đứng trước một đồ chơi điện tử. Tuy bố đã mắng con nhưng con đã kiên quyết không nói cho bố biết vì sao. Mẹ ơi, con ngày nào cũng thấy bố đứng trước ảnh mẹ ngắm rất lâu, con nghĩ bố cũng như con rất nhớ mẹ đấy!
Mẹ ơi, con đã sắp quên giọng nói của mẹ rồi, con xin mẹ trong giấc mơ của con hãy để con được gặp mẹ một lần được không, để con nhìn thấy khuôn mặt của mẹ, nghe thấy giọng nói của mẹ, được không mẹ?
Con nghe mọi người bảo nếu ôm bức ảnh của người mình nhớ vào lòng rồi đi ngủ thì sẽ mơ thấy người đó, nhưng mà mẹ ơi, vì sao con tối nào cũng làm như thế mà trong giấc mơ của con vẫn không gặp được mẹ?”
Đọc xong bức thư, ông bố òa khóc. Anh không ngừng tự trách mình: phải làm sao mới có thể lấp được khoảng trống mà người vợ để lại đây?
Chúng ta là những ông bố bà mẹ khi đã mang cuộc sống của đứa con đến với thế giới này có nghĩa là gánh trên vai trách nhiệm vô cùng to lớn. Khi đã là một người mẹ, không nên tăng ca quá nhiều, khi đã là một người bố, không nên uống quá nhiều rượu, đừng nên hút nhiều thuốc, phải chăm sóc tốt cho bản thân mới có thể yêu thương con hết lòng, tuyệt đối đừng nên vì muốn kiếm nhiều tiền mà hủy hoại sức khỏe của mình, không có sức khỏe thì những danh lợi kia có nghĩa lý gì. Và cũng đừng nghĩ rằng đợi đến khi bố mẹ có nhiều tiền thì sẽ như thế này như thế kia, nào ai biết sau này chuyện gì sẽ xảy ra, có thể sau một giây mọi chuyện đã khác.
Những ông bố bà mẹ xin đừng vì những chuyện nhỏ nhặt mà dễ dàng ly hôn. Vì đau thương lớn nhất sau sự đổ vỡ đó không ai hết mà chính là thuộc về đứa con. Bạn đã kết hôn hay chưa kết hôn thì hãy nhớ một điều, xin hãy quý trọng “nó”.
 

Forever Alone

Em là cô gái nông thôn
Hai cha con chúng tôi cách nhau 41 tuổi. Khi cháu đến tuổi teen thì tôi đã ngoài 50. Ra đường, nhiều người tưởng nhầm là hai ông cháu.
Cha con cách nhau gần hai thế hệ. Vì thế, mối quan tâm của chúng tôi rất khác nhau; sở thích cũng chẳng giống nhau; cách suy nghĩ, nếp sống lại càng khác. Cháu không thích những bài hát thột thời làm chúng tôi say mê. Tôi cũng không cách nào hiểu được gu âm nhạc của cháu. Phim ảnh, sách vở cũng ở tình trạng như vậy. Lớn rồi, cháu không thích đi theo cha mẹ giao lưu với các cô bác nữa. Tôi cảm thấy lo lắng, vì càng lúc, cha con chúng tôi càng có ít thứ để chia sẻ với nhau.
Tôi mang chuyện này đến hỏi Sư phụ. Sư phụ bảo, anh chỉ chú tâm đến sự khác biệt, thì anh sẽ chỉ nhìn thấy sự khác biệt!
Tôi chợt ngộ ra.
"Đúng rồi, cha con mình có rất nhiều thứ chung nhau. Chúng ta cùng có một quê hương. Chúng ta có chung những người ruột thịt. Khi bà nội mất, hai cha con ta đều khóc. Khi mẹ ốm, cả nhà mình đều lo. Cha con mình có chung rất nhiều kỷ niệm. Ông dạy ba, làm người thì không nên chỉ biết nghĩ tới bản thân. Ba đã dạy lại con y nguyên bài học này. Bà dạy mẹ, kẻ vô ơn không khác gì kẻ cắp. Mẹ cũng mang đúng bài học đó dạy con…".
Cuộc sống vô thường, đời sau sẽ có nhiều thay đổi so với đời trước. Ngày xưa ba chỉ có cuốc cày, ngày nay con có Sky, Facebook. Nhưng có những thứ ngàn đời bất biến, ví dụ như: Tình yêu, Sự Hận thù, Lòng Vị tha, Sự Đố kỵ, Bạn hay Thù, Danh hay Lợi, hay Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín,… Đời nào cũng phải làm mới có ăn. Đời nào tinh thần trách nhiệm cũng được đánh giá cao. Đời nào, những đứa con bất hiếu cũng bị lên án…
Từ khi hiểu rằng, hai cha con có nhiều điểm chung hơn là sự khác biệt, chúng tôi có rất nhiều chuyện để chia sẻ với nhau. Sự khác biệt vẫn còn nguyên, nhưng nó không hề làm cha con xa cách.
 

Forever Alone

Em là cô gái nông thôn
Một con tàu du lịch gặp nạn trên biển , trên thuyền có một đôi vợ chồng rất khó khăn mới lên đến trước mũi thuyền cứu hộ , trên thuyền cứu hộ chỉ còn thừa duy nhất một chổ ngồi . Lúc này người đàn ông để vợ mình ở lại , còn bản thân mình nhảy lên thuyền cứu hộ .
Người phụ nữ đứng trên thuyền sắp chìm , hét lên với người đàn ông một câu ….
Kể đến đây thầy giáo hỏi học sinh :
- Các em đoán xem người phụ nữ ấy nói câu gì ?
Tất cả học sinh phẩn nộ nói rằng :
- Em hận anh , em đã nhìn lầm người rồi .
Lúc này thầy giáo chú ý đến một cậu học sinh ngồi mãi vẫn không trả lời , liền hỏi cậu bé . Cậu học sinh nói :
- Thầy ơi , em nghĩ người phụ nữ sẽ nói : nhớ chăm sóc tốt con cuả chúng ta anh nhé !
Thầy giáo ngạc nhiên hỏi :
- Em nghe qua câu chuyện này rồi à ?
Cậu học sinh lắc đầu :
- Dạ chưa ạ ! Nhưng mẹ em trước khi mất cũng nói với ba em như vậy .
Thầy giáo xúc động :
- Trả lời rất đúng !
Người đàn ông được cứu sống đã trở về quê hương , một mình nuôi con gái trưởng thành . Nhiều năm sau anh ta mắc bệnh và qua đời , người con gái lúc sắp xếp kỷ vật , phát hiện cuốn nhật ký cuả bố . Hoá ra , lúc mẹ và bố ngồi trên chiếc thuyền ấy , người mẹ đã mắc bệnh nan y . Trong giây phút quyết định , người chồng đã dành lấy cơ hội sống duy nhất về phần mình .
Trong cuốn nhật ký viết rằng :
« Anh ước gì anh và em có thể cùng nhau chìm xuống đáy biển , nhưng anh không thể . Vì con gái chúng ta , anh chỉ có thể để em một mình ngủ một giấc ngủ dài dưới đáy đại dương sâu thẳm . Anh xin lỗi ! »
Kể xong câu chuyện phòng học trở nên im ắng , các em học sinh đã hiểu được ý nghĩa cuả câu chuyện này : Thiện và ác trên thế gian có lúc lắm mối rối bời , khó lòng phân biệt . Bởi vậy , đừng nên dễ dàng nhận định người khác .
Người thích chủ động thanh toán tiền , không phãi bởi vì người ta dư dả . Mà là người ta xem trọng tình bạn hơn tiền bạc .
Trong công việc , người tình nguyện nhận nhiều việc về mình , không phải bởi vì người ta ngốc . Mà là người ta hiểu được ý nghĩa cuả trách nhiệm .
Sau khi cãi nhau người xin lỗi trước , không phải bởi vì người ta sai . Mà là người ta trân trọng người bên cạnh mình .
Người tình nguyện giúp đở người khác , không phải vì nợ người đó cái gì . Mà là người ta xem người đó là bạn
 
Top