Hình xăm khỏa thân
Trời vừa tắt nắng, khu vực xung quanh công viên Tao Đàn đầy bóng dáng của những cặp tình nhân ngồi quay mặt vào nhau làm những động tác gợi tình, âu yếm ngay trên yên xe gắn máy. Trên ghế đá, chật kín khách ngồi hóng mát và ở vìa hè, những tay thợ sạp hàng chuyên vẽ hình xăm bắt đầu bày biện đồ nghề.
Thú vẽ hình xăm với nguồn gốc mực không rõ nguồn gốc đang rộ lên tại TP.HCM. Ảnh: Vy Anh
“Tướng anh Hai trông ngầu dữ, vẽ thêm cái hình xăm cho nó oách anh Hai!”. Gã bán hàng nhanh nhẩu khi tôi dựng xe và chăm chú quan sát những hình xăm được bày trên một tấm nhựa trắng trải ngay dưới mặt đường.
Mẫu hình xăm có đủ thứ hình thù quái dị, từ vịt, thỏ, sói, đầu rồng thường thấy trong phim hoạt hình Walt Disney đến hình Quan Công, Trương Phi, Lưu Bị, thần tài, Phật Di Lặc... trong các phim cổ trang Trung Quốc. Từ những hình bướm, hoa đến hình mẫu phụ nữ khỏa thân khoe bộ ngực căng tròn và những đường cong “chết người”, hình xăm đầu lâu, có xương vắt chéo qua nhau... Mẫu xăm “đa dạng, phong cách” đông-tây, kim- cổ...
Mực và dung dịch pha không rõ nguồn gốc. Ảnh: Vy Anh
Chúng tôi chọn một mẫu hình đầu sư tử với giá 50.000 đồng. Tâm (tên thanh niên bán hàng), lôi trong túi xách lỉnh kỉnh đủ thứ đồ nghề. Một bình mực màu đen được pha sẵn, cọ vẽ, bình nhựa nhỏ chứa thứ nước màu trắng tựa như nước cất...
Mỗi ngày, người làm nghề vẽ hình xăm có thể kiếm trung bình 450.000- 500.000 đồng. Ảnh: Vy Anh Tâm bỏ thêm ít bột vào bình nhựa, thêm một ít dung dịch và khuấy đều. Bằng động tác thành thạo, gã lấy mẫu xăm (tấm vải dù được đục lỗ nhỏ li ti theo mẫu có sẵn) đè sát lên cánh tay. Tâm săm soi chỗ cần xăm, nhúng cọ vào thứ dung dịch mà anh ta nói là mực vẽ và quét đều lên tấm vải theo hình mẫu. Vừa quết, Tân vừa chu mỏ thổi cho mực mau khô. Khoảng một phút sau, hình xăm khô, để lại trên cánh tay trái của tôi hình đầu sư tử trông rất dữ dằn. “Đẹp! Chẳng khác nào dân đại ca thứ thiệt, héng anh Hai”.
Vừa vẽ cho chúng tôi xong, một phụ nữ miệng phì phèo điếu thuốc dựng chống chiếc xe Atila, ngồi chồm hổm xuống đất, chọn hình một con bướm rồi xắn tay áo lên cao để Tâm vẽ vào bắp tay.
Mực xăm không nguồn gốc
Ngỏ ý muốn mua, một bộ đồ nghề đề về tự vẽ hình xăm cho bạn bè, Tâm gật đầu cái rụp. Anh ta chạy đến gốc cây cổ thụ cạnh nhà vệ sinh bên trong công viên, lục túi và đưa cho tôi một lọ bột màu nâu đen, lọ dung dịch pha mực, mẫu xăm hình Quan Công cầm thương oai vệ và một cọ vẽ với giá 160.000 đồng. Lọ bột đựng trong chai thủy tinh không ghi nhãn mác, nơi xuất xứ, công dụng và dung dịch đựng trong chai nhựa thuôn dài ghi bằng thứ chữ Tàu ngoằn ngèo.
Những mẫu hình xăm nóng "bỏng mắt". Ảnh: Vy Anh
Tâm khẳng định những thứ này được mua sỉ ở một cửa hàng chuyên bán dụng cụ xăm trên đường Trần Hưng Đạo, Q.1. “Chỉ người quen và dân trong nghề người ta mới bán. Người lạ đến đó mua không ai bán đâu”- Tâm làm ra vẻ “mặt ngầu” nói với tôi. Tâm khẳng định, bột màu, và dung dịch pha loãng đã được kiểm nghiệm ở Viện Pastuer và đảm bảo toàn (?). Những mẫu hình xăm nóng "bỏng mắt". Ảnh: Vy Anh
Dân làm nghề vẽ hình xăm không nhớ rõ nghề này du nhập vào TP.HCM bằng cách nào. Một số cho biết tìm hiểu nghề này trên các diễn đàn nước ngoài chuyên về nghệ thuật xăm mình. Tâm thì nói thẳng: “Nghề do ông anh học được trong những lần đi buôn lậu bên Trung Quốc và truyền lại”.
Đồ nghề của dân vẽ hình xăm khá đơn giản. Mẫu hình xăm được đặt mua và tải xuống trên mạng, sau đó chuyển thành bản mẫu trên vải dù. Một ngày, những “thợ vẽ” hình xăm có thể bỏ túi ngót nghét 400.000- 500.000 đồng.
Đến nay, trong tay Tâm đã có đến 9 “đại lý”. Việc làm không xuể, Tâm thuê sinh viên từ tỉnh lên thành phố trọ học làm công và gọi họ là “đệ tử”. “Đệ tử” không cần phải biết vẽ, chỉ cần khéo tay, không để mực xăm dính vào quần áo của khách. Mỗi ngày, “đệ tử” làm việc từ 18h30 đến 23h- khi thành phố đã ngớt người và lề đường nhường lại cho gái bán dâm. Tâm trả cho “đệ tử” 60.000- 70.000 đồng/ngày công. Bù lại, mỗi ngày, anh ta thu được 4- 4,5 triệu đồng.
Tôi làm “chuột bạch”
Không như quảng cáo và những lời ba hoa của Tâm, chỉ sau 3 ngày, hình xăm hắn vẽ trên tay tôi đã phai màu. Hình sư tử tua tủa râu, oanh nghi biến dạng, lem màu chẳng khác nào con mèo bị cắt râu lỗ chỗ.
Kèm theo đó là triệu chứng mẩn ngứa trên da. Hai ngày sau khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên đó, vết mẩn ngứa chuyển thành những hột nhỏ li ti bưng mủ, quanh hình săm đầu sư tử nổi mụn nước, ngứa kinh khủng và lên cơn nóng sốt.
Chúng tôi đã phải đến bệnh viện Da Liễu thành phố khám bệnh. Kết luận của bác sĩ rất rõ ràng: “Nhiễm trùng da”. Mất gần 500.000 đồng cho tiền khám bệnh và thuốc uống.
Tôi trở lại tìm tên thợ vẽ hình xăm. Hắn đã biến sang khu vực khác hành nghề, chẳng chừa mặt ra cho tôi ăn vạ.
Dân vẽ hình xăm sợ nhất nhân viên quản lý đô thị tịch thu đồ nghề. Còn nguồn gốc, xuất xứ của loại thuốc vô danh mà họ sử dụng để vẽ cho khách thì cứ mặc nhiên vô tư, chẳng ai dò hỏi họ cái khoản đó. Kể cả hàng ngày, họ bày sạp vẽ cho khách hàng trước cổng cơ quan của Sở Y tế thành phố.
Trao đổi với VietNamNet, BS Huỳnh Huy Hoàng, Trưởng khoa Lâm sàng Bệnh viện Da Liễu TP.HCM cho biết, đối với loại xăm khắc hình vào thịt, sử dụng chung dụng cụ kim xăm, mực xăm, người xăm có thể bị nhiễm các bệnh truyền qua đường máu như giang mai, HIV...
Đối với các loại mực xăm vẽ hình ngoài da, nếu chất liệu xăm không đảm bảo an toàn, nhẹ nhất người xăm có thể bị nhiễm trùng da. Về lâu dài, nếu lạm dụng, loại hóa chất không rõ nguồn gốc có thể ngấm vào cơ thể gây hại cho gan, thận.
Theo Vietnamnet
Sửa lần cuối: