Phân tích 8 câu thơ đầu bài thơ Việt Bắc liên hệ với 9 câu đầu bài Đất nước để thấy điểm tương đồng

Phân tích 8 câu thơ đầu bài thơ "Việt Bắc" liên hệ với 9 câu đầu bài "Đất nước" (Nguyễn Khoa Điềm) để thấy điểm tương đồng
Việt Bắc là bài thơ tiêu biểu của Tố Hữu, được coi là khúc hùng ca và bản tình ca về cách mạng, về cuộc kháng chiến và con người kháng chiến. Đọc tám câu thơ đầu bài Việt Bắc ta thấy hiện lên cả một không khí cách mạng đang gần kề. Dưới đây là bài viết liên hệ với chín câu thơ đầu bài Đất Nước hay nhất để các bạn thấy rõ hơn về sự tương đồng của hai đoạn.

Văn học là tấm gương phản chiếu cuộc đời, bởi vậy, giữa những năm tháng kháng chiến khốc liệt, văn học trở thành vũ khí, nguồn động viên, cổ vũ tinh thần lạc quan, lòng yêu nước của nhân dân. Thơ ca Tố Hữu không ngoại lệ. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, cuộc kháng chiến kết thúc thắng lợi, tháng 10/ 1954 các cơ quan Trung ương của Đảng và Chính phủ từ biệt căn cứ địa cách mạng Việt Bắc trở về Hà Nội. Nhân sự kiện trọng đại ấy của dân tộc, Tố Hữu sáng tác bài thơ Việt Bắc. Bài thơ là sự kết hợp hài hòa của màu sắc dân tộc, tính cổ điển kết hợp với tinh thần thời đại mới. Để phân tích 8 câu thơ đầu của bài thơ ta cần để ý tới nhịp điệu, cách vận dụng thể thơ lục bát truyền thống,.. là yếu tố cần thiết để thể hiện được hết nội dung của bài thơ. Liên hệ với 9 câu thơ đầu của bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm ta thấy được rõ hơn điểm chung mà hai nhà văn muốn nói. Các bạn hãy tham khảo bài viết dưới đây nhé!

viet-bac.jpg

Liên hệ 2 bài thơ Việt Bắc và Đất nước thì có rất nhiều điểm tương đồng nhau để chúng ta có thể so sánh trong đó 8 câu đầu

BÀI VĂN MẪU SỐ 1 PHÂN TÍCH 8 CÂU THƠ ĐẦU BÀI THƠ “ VIỆT BẮC” LIÊN HỆ VỚI 9 CÂU THƠ ĐẦU BÀI THƠ “ ĐẤT NƯỚC” CỦA NGUYỄN KHOA ĐIỀM ĐỂ THẤY NÉT TƯƠNG ĐỒNG
Nhà thơ Tố Hữu đã cho rằng “ Thơ là chuyện đồng điệu, nó là tiếng nói của một người đến với những người nào đó có sự cảm thông,..” sự cảm thông thường có trong những tâm tình, nhắn nhủ, chân thành. Điều này đã được chính Tố Hữu vận dụng rất đặc sắc trong bài thơ Việt Bắc. Đọc 8 câu thơ đầu của bài thơ là khúc dạo ân tình, thuỷ chung của người ở lại với người ra đi. Liên hệ với 9 câu thơ đầu bài thơ Đất Nước ta thấy được nét tương đồng trong việc thể hiện về cội nguồn đất nước.

Tố Hữu lấy cảm hứng từ sự kiện lịch sử của dân tộc sau khi hiệp định Gionevo được ký kết, cơ quan trung ương dời căn cứ địa Việt Bắc- nơi nuôi dưỡng, cưu mang cán bộ, về xuôi tiếp quản thủ đô. Bài thơ ghi lại sự gắn bó khăng khít của người đi và kẻ ở suốt mười năm năm gian khổ, cùng chiến đấu, mừng chiến thắng.

Tám câu thơ đầu là nỗi niềm bâng khuâng lưu luyến, bịn rịn trong lòng người đi kẻ ở khi giờ phân li đã điểm. Qua đó, đoạn thơ góp phần làm đẹp hơn nghĩa tình cách mạng. Từng câu, từng lời trong “bài ca ấy” diễn tả trọn vẹn và sâu sắc tình yêu quê hương đất nước.
  • “Mình về mình có nhớ ta
  • Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
  • Mình về mình có nhớ không
  • Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn.”
Nỗi niềm được thể hiện ngay ở hình thức thể thơ lục bát truyền thống khiến cho câu thơ mềm mại, nhịp điệu uyển chuyển, nhịp thơ chẵn đều đặn, vần phong phú, âm hưởng trầm bổng. Thể thơ cũng là ưu thế, con đường thênh thang để Tố Hữu diễn tả trạng thái muôn vàn của người đi kẻ ở. “ Mình” và “ ta” là những đại từ nhân xưng quen thuộc trong ca dao xưa, cách xưng hô bình dị, thương mến vô cùng của tình yêu đôi lứa: “ Mình về có nhớ ta chăng/ Ta về ta nhớ hàm răng mình cười” hay “ Mình về ta chẳng cho về / Ta nắm vạt áo ta đề câu thơ”. Tố Hữu đã mượn hình thức quen thuộc trong văn hoá dân gian để gửi gắm những nội dung tình cảm lớn lao của thời đại mới, những câu hát ngọt ngào của tình yêu trở thành những câu hỏi xao xuyến, của nghĩa tình cách mạng thể hiện nỗi nhớ nhưng của người ở lại với người miền xuôi. Nỗi niềm ấy trước hết thể hiện trong câu hỏi hướng về thời gian “ Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng”. Từ “ ấy “ luôn khiến những danh từ chỉ thời gian đứng trước nó bị đẩy về một quá khứ thật xa xăm, trở thành một khoảng thời gian gợi nỗi nhớ thương, ngậm ngùi, tiếc nuối. Câu thơ cũng đồng thời gợi liên tưởng đến câu Kiều đằm thắm về “ mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình” một liên tưởng thấm thía cảm động bởi sự gợi nhắc tình sâu nghĩa nặng giữa Việt Bắc và những người kháng chiến. Trong câu thơ của Tố Hữu đã ném vào trong đấy cả chặng đường lịch sử gian khổ, là khoảng thời gian từ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh và sau đó là kháng chiến chống Pháp, là khoảng thời gian Việt Bắc trở thành căn cứ địa của cách mạng, trở thành thủ đô gió ngàn, đó là thời gian mà ta và mình từng gắn bó , chia sẻ ngọt bùi với biết bao nhiêu tình sâu nghĩa nặng, biết bao nhiêu thiết tha mặn nồng. Điệp từ “ nhớ” khiến nỗi nhớ trải rộng, lớp lớp, tầng tầng, trùng điệp. Cách diễn đạt ấy gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày. Đằng sau những câu thơ thấp thoáng bóng dáng về lối sống nghĩa tình thuỷ chung “ Uống nước nhớ nguồn”, “ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Đây cũng là lẽ sống lớn đã nhiều lần xuất hiện trong thơ Tố Hữu “ Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay”.

Bốn câu thơ tiếp theo là cảnh tiễn đưa bâng khuâng trong nỗi nhớ lưu luyến nhớ nhung của kẻ đi người ở:
  • “Tiếng ai tha thiết bên cồn
  • Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
  • Áo chàm đưa buổi phân ly
  • Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay...”
Các từ “ bâng khuâng, bồn chồn” , Tố Hữu như trút hết các cung bậc từ buồn nhớ, tiếc nuối đến hoài niệm thương yêu. Nếu như tiếng ai còn tha thiết ở bên cồn vắng, ở ngoại giới thì đến câu thơ thứ hai đã khiến người ra đi trong dạ bồn chồn bước đi. Hai chữ “ bồn chồn” gợi cảm, lại gắn với cái hữu hình “ bước đi” giúp Tố Hữu hữu hình hoá cái vô hình, ngoại giới hoá cái nội tâm, diễn tả bước đi ngập ngừng chầm chậm như lưu luyến chẳng muốn rời xa. Câu thơ gợi nhắc tới câu thơ của Chinh Phụ:
  • “Bước đi một bước giây giây lại dừng”

Chỉ có điều câu thơ Chinh phụ là tình phu phụ câu thơ tố Hữu là để nói tình đồng chí, nghĩa đồng bào.

Trong giờ phút chia li nếu tiếng ai là những âm thanh mơ hồ vì thực ra nó là tiếng lòng người ở lại, là tiếng vọng từ trong tâm tưởng, trong cảm nhận người ra đi thì hình ảnh chiếc “ áo chàm” lại cụ thể đến nao lòng. Màu chàm là màu quen thuộc thân thương của đồng bào Việt Bắc, là màu bền khôn phai khó nhạt. Tố Hữu đã lấy sắc áo để nói sắc lòng của người ở lại nhưng lại được cảm nhận từ người ra đi. Mình và ta , người đi kẻ ở, đồng bào, đồng chí hiểu nhau và cả những điều không nói hết được bằng lời “ Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”. Cầm tay nhau là để chứa chan ân tình xúc động niềm lưu luyến và mối gợi cảm giữa kẻ đi người ở. Dấu chấm lửng kết thúc ở cuối câu thơ là khoảng lặng trong âm nhạc, là khoảng trống, khoảng trắng trong điện ảnh còn ở đây là khoảng vô ngôn và rất dư tình, tình ý sáng tạo của Tố Hữu.

Đọc những câu thơ Việt Bắc của Tố Hữu liên tưởng tới 9 câu đầu Đất Nước ta cũng cảm nhận được những cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng về cội nguồn Đất Nước qua đó làm trọn vẹn thêm những cảm nhận của nhà thơ về Đất Nước. Cội nguồn đất nước gắn với tuổi thơ, gắn với thuần phong mĩ tục, gắn với truyền thống đánh giặc của nước. Thơ văn từ bao đời nay, chẳng khi nào không là điệu hồn đi tìm những hồn đồng điệu, không là cách đi tìm chân trời của một người đến chân trời của rất nhiều người. Nói cách khác giữa những tác phẩm của những tác giả khác nhau luôn xuất hiện những nét tương đồng. Tố Hữu và Nguyễn Khoa Điềm không hẹn mà gặp ở thể thơ tự do, câu thơ linh hoạt, sử dụng phong phú các chất liệu dân gian “ ngày xửa ngày xưa, gừng cay muối mặn, trồng tre đánh giặc,..”. Cả hai đoạn thơ đều có những điểm chung ở việc đi tìm về cội nguồn lịch sử cũng như những triết lí sống thuỷ chung, nghĩa tình của dân tộc.

Tiếng thơ ngân lên trong tâm trí độc giả về tình cảm chân thành của nhân dân với cách mạng và cái tài, cái tâm nhiệt thành của nhà thơ trữ tình chính trị- Tố Hữu. Dấu ấn Tố Hữu trong đoạn trích khiến ta thêm yêu mến tâm hồn và trân quý tài năng, sự tài hoa nơi ngòi bút nghệ thuật của người nghệ sĩ này.

-Hiên Bùi-vforum

BÀI VĂN MẪU SỐ 2 PHÂN TÍCH 8 CÂU THƠ ĐẦU BÀI THƠ “ VIỆT BẮC” LIÊN HỆ VỚI 9 CÂU THƠ ĐẦU BÀI THƠ “ ĐẤT NƯỚC” CỦA NGUYỄN KHOA ĐIỀM ĐỂ THẤY NÉT TƯƠNG ĐỒNG
Nguyễn Văn Thiều từng nhận xét: "Tố Hữu là một nhà thơ lớn. Nói đúng hơn, ông là nhà thơ lãng mạn cách mạng. Cả cuộc đời ông gắn bó với cách mạng. Thơ với đời là một. Trước sau đều nhất quán. Tố Hữu nhìn cách mạng bằng con mắt lãng mạn của một thi sĩ.” Quả đúng vậy, Việt Bắc đã gói trọn lại nét tâm tình, lãng mạn giữa cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc. Tám câu thơ mở đầu ngân lên đầy da diết, gợi chúng ta nhớ về những vần thơ của Nguyễn Khoa Điềm trong “Đất nước”.
Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, mang trong mình tâm hồn của xứ Huế mộng mơ. Phải chăng bởi vậy mà những câu văn, vần thơ của ông đều thấm đượm chữ tình, chữ nhạc?Việt Bắc được sáng tác trong không khí vui tươi của chiến dịch Điện Biên Phủ đại thắng, đồng thời cũng thấm đượm ánh buồn của buổi chia tay khi những người kháng chiến rời miền cao để trở về. Tám câu thơ mở đầu chính là lời thủ thỉ tâm tình của người ở lại với người ra đi về niềm thương nỗi nhớ cùng nghĩa tình kháng chiến.
  • “ - Mình về mình có nhớ ta?
  • Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.
  • Mình về mình có nhớ không?
  • Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn.”
Tố Hữu đã vô cùng tinh tế khi vận dụng chất liệu văn học dân gian từ thể thơ đến cách xưng hô thật bình dị mà ngọt ngào. Lời thơ mang âm hưởng như những lời tâm tình, thủ thỉ, gợi cho bạn đọc cảm giác gần gũi, thân thương. Người đi với người ở hay đồng bào vùng cao với những người chiến sĩ giờ đây gắn bó mật thiết như người một nhà “mình-ta”. Cặp từ hô ứng gợi ta nhớ về những vần ca dao xưa quen thuộc:
  • “Mình nói với ta mình hãy còn son
  • Ta đi qua ngõ thấy con mình bò
  • Con mình những trấu cùng tro
  • Ta đi xách nước rửa cho con mình.”
  • Hay “Mình về có nhớ ta chăng
  • Ta về ta nhớ hàm răng mình cười”
Nhà thơ còn gợi về quãng thời gian “15 năm thiết tha mặn nồng”. Đó là quãng thời gian lịch sử hào hùng, thấm đấm máu, nước mắt và công sức của biết bao thế hệ con người, nhưng cũng là quãng thời gian tươi đẹp gắn bó keo sơn của tình quân-dân, đồng chí-đồng bào. Điệp từ “nhớ” tiếp tục được láy đi láy lại nhiều lần như lời gặng hỏi, gợi nhắc người đi xa liệu có còn nhớ về quãng thời tươi đẹp đó hay không. Nỗi băn khoăn cứ thế mở rộng ra cứ chiều rộng không gian rừng núi đại ngàn. Đi xa rồi, hình ảnh làng quê, rừng núi non sông nơi xa xôi này có còn lưu luyến trong trái tim mỗi người lính hay không. Hàng ngàn câu hỏi được đặt ra thôi thúc, dồn dập mong tìm được lời giải đáp. Giọng thơ bộc lộ nỗi niềm mong ngóng của người ở lại với người ra đi, đồng thời cũng khắc họa tình cảm gắn bó, thân thiết của con người với con người trong hoàn cảnh khắc nghiệt của lịch sử dân tộc. Những lời yêu thương cứ thế mở rộng ra miên man, da diết.
  • “- Tiếng ai tha thiết bên cồn
  • Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
  • Áo chàm đưa buổi phân ly
  • Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay...”
“Tiếng ai”- cụm từ phiếm chỉ vô định, mông lung, “ai” là người vùng cao ở lại, nhưng cũng có thể là người chiến sĩ cất bước lên đường. Nhưng dù là ai thì tiếng nói ấy cũng khắc khoải, lưu luyến không rời. Họ ra đi mang trong lòng bao nỗi nhớ thương, luyến tiếc. Nhà thơ đã vô cùng tinh tế khi sử dụng phép hoán dụ “áo chàm”. Đây là trang phục truyền thục của đồng bào dân tộc nơi miền cao của Tổ quốc. Không nói rõ, không chỉ đích danh, chỉ một hình ảnh cũng đủ sức lan tỏa, sáng bừng không khí của cả bài thơ. Trong giây phút chia ly ngậm ngùi, đồng bào cùng chiến sĩ nắm tay nhau không rời. Bao nhiêu lời nói, bao nhiêu kỉ niệm giờ đây đều nhường chỗ cho những khoảng lặng của thời gian để lắng sâu, để cảm nhận, để lắng nghe những lời thủ thỉ từ tận trái tim mình. Cái cầm tay ấy như xóa bỏ hoàn toàn khoảng cách giữa miền ngược với miền xuôi, giữa dân với quân. Tất cả hòa chung trong không khí buổi chia tay, trong niềm vui say của chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.

Sự gắn bó mật thiết cùng giọng thơ đằm sâu, triết lý của Tố Hữu gợi ta nhớ về những dòng thơ đầu tiên của “Đất Nước”- Nguyễn Khoa Điềm. Tuy được viết vào những thời khắc khác nhau, khởi nguồn cảm xúc từ hai trái tim khác biệt, nhưng cả hai thi phẩm đều gặp nhau trong cái gần gũi, thân thuộc của quê hương, đất nước. Họ đều tìm về cội nguồn dân tộc, gắn nó với vẻ đẹp truyền thống quý báu bao đời nay. Nếu như với Tố Hữu, cái kế thừa hiển hiện rõ trong thể thơ, cách xưng hô thì với Nguyễn Khoa Điềm, cái “xưa” của ông nằm trong từng từ từng chữ, trong mỗi hình ảnh giản dị mà thân quen.
  • “Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
  • Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa...” mẹ thường hay kể
  • Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
  • Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
  • Tóc mẹ thì bới sau đầu
  • Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
  • Cái kèo, cái cột thành tên
  • Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
  • Đất Nước có từ ngày đó...”
Hình ảnh Đất Nước trong thơ Nguyễn Khoa Điềm không hề xa xôi, không hề lớn lao vĩ đại mà rất gần gũi, thân quen. Nó gắn với những câu chuyện cổ tích diệu kì của tuổi thơ, gắn với những truyền thuyết, phong tục tập quán của dân tộc. Chính bàn tay những người dân lao động “xay, giã, giần, sàng,…”, chính mồ hôi công sức bao thế hệ nay đã vun đắp nên quê hương đất nước, làm nên nền lịch sử văn hóa lâu đời của dân tộc. Với Tố Hữu, dù có đi đâu về đâu, những người lính cũng luôn lưu giữ những hình ảnh tươi đẹp của mười lăm năm lịch sử, luôn khắc ghi công ơn, thành quả lao động của bản thân và cha ông. Dù cách biểu đạt có khác biệt thì họ vẫn gặp nhau trong tư tưởng gắn đất nước với nhân dân, gắn con người với cội nguồn lịch sử. Đó là truyền thống “uống nước nhớ nguồn” quý giá của cả dân tộc gìn giữ suốt bao đời.
Hai bài thơ, hai giọng điệu, hai tâm hồn nhưng cùng chung một trái tim gắn bó, thân thương với quê hương, đất nước. Tố Hữu và Nguyễn Khoa Điềm đã góp phần không nhỏ trong công cuộc xây dựng nền văn học Cách mạng Việt Nam thêm hào hùng, tươi sáng hơn.
_TN_vforum
 
  • Chủ đề
    liên hệ việt bắc đất nước
  • Top