Phân tích cái ác của Pá Tra và liên hệ cái xấu trong Hạnh phúc của một tang gia

Phân tích cái ác được phản ánh trong đoạn: “Pá Tra ngồi dậy vuốt ngược cái đầu trọc dài…A Phủ lại đây nhận tiền quan cho vay”. Liên hệ với cái xấu trong “Hạnh phúc của một tang gia” (Vũ Trọng Phụng). Chỉ ra nét riêng của mỗi nhà văn trong cách khám phá cuộc sống.

“Đất nước và người miền Tây đã để thương để nhớ cho tôi nhiều”, đó là một lời tâm sự của chính Tô Hoài khi nghĩ về Tây Bắc. Đọc “Vợ chồng A Phủ”, ta thấy đượm trong từng câu văn, hình ảnh là tình cảm, là tâm huyết, sự sẻ chia ông dành cho con người, cho cuộc sống, phong tục vùng cao. Sau đây, các bạn có thể tham khảo bài văn mẫu chi tiết cho đề bài yêu cầu phân tích cái ác trong đoạn “Pá Tra ngồi dậy…tiền quan cho vay”, liên hệ cái xấu trong “Hạnh phúc của một tang gia” để thấy nét riêng của mỗi nhà văn trong khám phá đời sống.

Từng dành nhiều thời gian và tâm huyết nghiên cứu các tác phẩm nghệ thuật của nhà văn Tô Hoài, khi được hỏi cảm nghĩ về cây bút văn xuôi xuất sắc này, giáo sư Phong Lê từng chia sẻ: “Tô Hoài là một trong những tác gia lớn nhất của thế kỷ 20. Ông thuộc thế hệ vàng mà tôi quan niệm thế hệ sinh năm 20, từ năm 1920 ngược về trước. Đó là thế hệ vàng của văn chương hiện đại, làm nên mùa gặt ngoạn mục nhất của văn học thế kỷ”. Những truyện ngắn, tiểu thuyết, hồi ký mang đậm hơi thở cuộc sống, văn hóa nhiều miền đất của quê hương dân tộc đã bồi đắp sự dồi dào trong vốn văn chương Tô Hoài, bồi đắp tâm hồn, tình cảm, thổi niềm cảm hứng, yêu say văn chương nghệ thuật cho biết bao thế hệ. Nét đẹp thiên nhiên, nét đẹp tâm hồn người, nét đẹp văn hóa, cuộc sống…tất cả đều được nhà văn quan sát tỉ mỉ, trải nghiệm từng ngày để đưa vào văn chương. Bên cạnh những cái đẹp, cái xấu, cái ác cũng được nhà văn phác họa trong các tác phẩm của mình để từ đó đem đến cho người đọc cái nhìn chân thực, sắc nét về cuộc sống, hiểu và chia sẻ với những nghĩ suy, cảm xúc của tác giả. Cái ác trong “Vợ chồng A Phủ” đã được Tô Hoài thể hiện rất sống động trong đoạn: “Pá Tra ngồi dậy…tiền quan cho vay”. Đoạn truyện đã giúp người đọc liên tưởng đến cái xấu trong “Hạnh phúc của một tang gia” – Vũ Trọng Phụng. Từ những cái xấu, cái ác ấy, người đọc có cơ hội hiểu hơn về những nét riêng của hai nhà văn trong khám phá cuộc sống. Dưới đây là bài văn mẫu chi tiết cho đề bài này các bạn có thể tham khảo để bài viết của mình ấn tượng hơn.

lien-he-vo-chong-a-phu-hanh-phuc-cua-mot-tang-gia.jpg

Thống lý Pá Tra

BÀI VĂN MẪU PHÂN TÍCH CÁI ÁC TRONG ĐOẠN: “PÁ TRA NGỒI DẬY…TIỀN QUAN CHO VAY”. LIÊN HỆ VỚI CÁI XẤU TRONG “HẠNH PHÚC CỦA MỘT TANG GIA” – VŨ TRỌNG PHỤNG ĐỂ CHỈ RA NÉT RIÊNG CỦA MỖI NHÀ VĂN TRONG KHÁM PHÁ CUỘC SỐNG
Nhà văn Tô Hoài từng tự nhận mình rất nặng lòng với những trang văn viết về Tây Bắc. Có lẽ vì vậy mà nhà văn đã dành gần như cả cuộc đời mình để trải nghiệm, để quan sát và tích lũy vốn hiểu biết về thiên nhiên hay vẻ đẹp con người vùng cao. “Vợ chồng A Phủ” là một truyện ngắn xuất sắc ông viết về thiên nhiên, con người Tây Bắc. Trong đoạn truyện: “Pá Tra ngồi dậy…tiền quan cho vay”, nhà văn đã tái hiện chân thực cái ác, cái xấu gợi liên tưởng đến cái xấu trong “Hạnh phúc của một tang gia” – Vũ Trọng Phụng để từ đó người đọc cảm nhận được những nét riêng của mỗi nhà văn trong khám phá đời sống.

Tô Hoài là một cây bút văn xuôi nổi tiếng của nền văn học hiện đại Việt Nam với những tác phẩm nghệ thuật giàu giá trị. Sự quan sát tỉ mỉ, kỹ lưỡng, vốn hiểu biết am tường về nhiều lĩnh vực và ngôn ngữ đậm chất khẩu ngữ đã góp phần giúp cho nhà văn lưu lại nhiều dấu ấn trong lòng bạn đọc. Vũ Trọng Phụng cũng có một vị trí vô cùng quan trọng trong nền văn xuôi hiện đại nước nhà. Ông được coi là bậc thầy của tiểu thuyết trào phúng, một ông vua tài ba của phóng sự đất Bắc. Sự ngay thẳng, mẫu mực trong ông cùng cái nhìn hiện thực đầy sắc bén đã giúp ông tạo nên những tiểu thuyết, truyện ngắn vô cùng đặc sắc. “Vợ chồng A Phủ” và “Hạnh phúc của một tang gia” là hai tác phẩm đánh dấu tên tuổi của hai nhà văn trong làng văn Việt Nam. Cái xấu, cái ác trong “Vợ chồng A Phủ” gợi người ta liên tưởng đến cái xấu trong “Hạnh phúc của một tang gia”. Từ sự liên tưởng đó, người đọc biết thêm về những nét riêng đặc biệt của hai nhà văn trong việc khám phá đời sống.

Qua đoạn trích “Pá Tra ngồi dậy…tiền quan cho vay” trong “Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài như muốn người đọc hiểu được cái ác, cái xấu chính là do bọn chúa đất, chúa mường sử dụng quyền hành, lợi dụng thần quyền để chà đạp thân phận người lao động thấp cổ bé họng. Pá Tra chính là nhân vật điển hình cho thế lực bạo tàn ấy. Cái ác, cái xấu được nhà văn tái hiện rõ nét qua cái cách hắn cùng bọn tay sai hút thuốc, tuyên phạt A Phủ và đối sử với Mị. A Phủ là người đứng ra bảo vệ lẽ phải thì phải quỳ chịu đánh, và nực cười thay, Pá Tra lại là người xét xử với kiểu tiền trảm hậu tấu. Đó là một cái ác. Còn cái xấu, nó thể hiện rất rõ ở thói hút thuốc phiện khi cứ đánh, chửi A Phủ xong lại hút, “cứ như thế, suốt chiều, suốt đêm, càng hút, càng tỉnh, càng đánh, càng chửi, càng hút”. Một cái xấu, cái ác khác của thế lực này mà nhà văn phản ánh đó chính là thói vũ phu, tàn bạo A Sử đối với vợ mình. Khi hắn đánh nhau về, Mị phải thức suốt đêm, im lặng ngồi xoa thuốc cho A Sử. Lúc Mị mỏi quá, cựa mình, gục đầu nằm thiếp đi thì bị A Sử đạp thẳng vào mặt. Lời nói tuyên phạt A Phủ của Pá Tra và việc biến A Phủ thành con ở mãn kiếp nhà mình đã bộc lộ rõ bản chất bạo tàn của hắn: “Thằng A Phủ kia, mày đánh người thì làng xử mày phải nộp vạ…A Phủ! Lại đây nhận tiền quan cho vay”.

Nói đến “Hạnh phúc của một tang gia” – Vũ Trọng Phụng, ta có nhiều cái để bàn. Nào là nghệ thuật trào phúng sắc sảo được nhà văn sử dụng xuyên suốt tác phẩm, đến tình huống truyện hấp dẫn, sâu cay hay những bức chân dung biếm họa nhà văn vẽ ra bằng ngôn từ. Với sự nhạy bén của mình, Vũ Trọng Phụng đã tái hiện chân thực những cái xấu đáng lên án của con người, xã hội thời đó. Cái xấu trước hết được thể hiện ở cái thói đạo đức giả. Thông thường, cái chết thường đem đến nỗi buồn đau vô hạn với người thân, bạn bè nhưng cái chết của cụ cố tổ lại là niềm sung sướng với rất nhiều người. Cái chết ấy đem đến cái danh quý hóa cho cụ cố Hồng, tiền của cho nhà Văn Minh lẫn ông Phán mọc sừng, tình cho Tuyết và Xuân và sự hưởng lạc của lũ dâu con, của cậu Tú Tân. Ở mỗi nhân vật, Vũ Trọng Phụng đều dùng những chi tiết, ngôn từ châm biếm để chỉ ra cái xấu của họ. Ở cụ cố Hồng, đó là thói háo danh, hãnh tiến, là bản chất bất hiếu, giả dối. Ở ông Phán mọc sừng, số tiền được lợi bằng giá trị của đôi sừng “đáng tự hào” vợ ông đem đến. Số tiền ấy có được là do khổ nhục kế, trong đó phớt lờ cả danh dự, liêm sỉ. Cái xấu ở cậu Tú Tân nổi bật là thói đua đòi khi coi đám tang như một sân khấu với tấn trò không chỉ có diễn viên lành nghề mà còn có cả một đạo diễn gạo cội. Min Đơ, Min Toa – những nhân vật phụ chỉ xuất hiện ở một vài chi tiết nhưng cũng lộ ra những cái xấu đáng cười. Đó là thói lăm lăm lúc nào cũng đi phạt dẫu không có cái gì để phạt, là cảnh sát nhưng mang trong mình cái bản chất con buôn, tranh thủ đám tang cụ cố tổ để giải quyết nạn thất nghiệp.

Cảm nhận về cái ác trong đoạn truyện của “Vợ chồng A Phủ” và cái xấu trong “Hạnh phúc của một tang gia”, người đọc có cơ hội thấy được những khám phá riêng của mỗi nhà văn trong việc khám phá đời sống. Với Vũ Trọng Phụng, ông hướng chú ý và ngòi bút của mình khám phá đời sống xã hội thượng lưu Hà thành trước Cách mạng. Trong khi đó, trong “Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài lại lựa chọn khám phá hiện thực đời sống vùng cao những năm Cách mạng chưa về. Dẫu cùng là thời điểm trước Cách mạng, song đối tượng hai nhà văn hướng tới lại khác nhau. Một nét riêng nữa trong việc khám phá đời sống ở hai cây bút tài năng này chính là việc lựa chọn hình thức nghệ thuật thể hiện trong tác phẩm. Nếu như Vũ Trọng Phụng là bậc thầy của nghệ thuật trào phúng, thì Tô Hoài lại có vốn hiểu biết am tường, sâu rộng về phong tục, văn hóa vùng cao. Mỗi người mỗi tài năng, cả hai tác giả đã tạo nên những tác phẩm truyện đặc sắc, vừa giúp khẳng định vị thế của mình trong dòng chảy văn học, vừa gửi gắm những ý niệm sâu xa về nhân sinh thế sự. Nét riêng ấy còn góp phần tạo nên sự đa dạng, làm giàu có thêm kho tàng văn xuôi hiện đại Việt Nam.

Văn học Việt Nam xưa nay không thiếu những tác giả khéo léo đan cài những cái xấu, cái ác của hiện thực đời sống vào văn chương để qua đó lên án, tố cáo hay gửi gắm những bài học sâu sắc. Cái ác trong “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài hay cái xấu trong “Hạnh phúc của một tang gia” – Vũ Trọng Phụng đã được tái hiện vô cùng chân thực và sống động. Cảm nhận những hình ảnh đó, ta nhận ra và trân trọng hơn những nét riêng trong khám phá đời sống của hai nhà văn.

-Nem-vfo.vn
 
  • Chủ đề
    hạnh phúc của một tang gia pá tra vợ chồng a phủ
  • Thống kê

    Chủ đề
    100,715
    Bài viết
    467,522
    Thành viên
    339,841
    Thành viên mới nhất
    hczghsgemwwin
    Top