Phân tích cảm nhận bài thơ Đập đá ở Côn Lôn

Hướng dẫn các bạn học sinh làm bài tập làm văn Phân tích bài thơ “Đập đá ở Côn Lôn” từ đó có thể bổ sung bài văn thuyết minh về bài thơ nay.Cuối thế kỉ XIX, khi đất nước ta nằm trong gông cùm của thực dân Pháp, nhân dân cực khổ, lầm than, bị giày xéo, hạ nhục, có biết bao nhiêu cuộc khởi nghĩa nổi dậy với lòng yêu nước sôi sục và ý chí quyết tâm đánh đuổi bè lũ thực dân ra khỏi bở cõi, dành lại độc lập chủ quyền cho dân tộc. Nhưng lực lượng mỏng, điều kiện nhiều khó khăn đã khiến cho biết bao cuộc khởi nghĩa bị đàn áp đẫm máu đồng thời có rất nhiều những văn thân sĩ phu yêu nước bị lưu đày dưới nhiều hình thức mà một trong số đó là làm khổ sai ở đảo Côn Lôn. Phan Châu Trinh, một chí sĩ yêu nước tiêu biểu cũng chịu khổ sai tại nơi này và tại đây, một tác phẩm tuyệt vời đã thành hình, đó là bài thơ “Đập đá ở Côn Lôn”. Sau đây là bài làm văn mẫu cho đề bài: Phân tích bài thơ “Đập đá ở Côn Lôn”. Để làm bài tập này, chúng ta cần giới thiệu tác giả, tác phẩm sau đó đi vào phân tích nội dung và nghệ thuật của bài thơ.

BÀI LÀM 1 PHÂN TÍCH ĐẬP ĐÁ Ở CÔN LÔN
Là nhà thơ, nhà văn, và là nhà hoạt động chính trị thời cận đại trong lịch sử Việt, Phan Châu Trinh là một chí sĩ yêu nước quả cảm và tài hoa. Dường như trong những tâm hồn chí sĩ như ông, khí phách ngang tàn đã thấm vào máu xương để dù trong hoàn cảnh nào thì vẫn sáng lên như ngọn hải đăng trong đêm tối mịt mùng của thời đại. Bài thơ: “Đập đá ở Côn Lôn” ra đời năm 1908 khi Phan Châu Trinh bị bắt và bị đày ra Côn Đảo, trong hoàn cảnh ấy, cả bài thơ vẫn sáng bừng khí phách của người anh hùng thời đại.

Ngay từ những câu thơ mở đầu, tác giả đã phác họa nên chân dung vị anh hùng hào sảng:
Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn,
Lừng lẫy làm cho lở núi non.
Đây là bài thơ ra đời năm 1908 khi Phan Châu Trinh bị bắt và bị đày ra Côn Đảo vì vụ chống thuế ở Trung Kì nhưng đọc hai câu thơ đầu, ta không hề cảm nhận được đây là một người tù khổ sai ở cái nơi mệnh danh là “địa ngục trần gian” mà là một trang nam nhi khí khái hơn người ở giữa trời đất bao la mà Côn Lôn không chỉ là một địa danh đơn thuần mà là một vùng rộng lớn bao la, là phông nền cho hình ảnh cao lớn của con người. Ở giữa nơi bao la hoang vắng ấy, khí phách của con người dường như “lừng lẫy”, hiên ngang tới mức núi non cũng phải rung chuyển.
Xách búa đánh tan năm bảy đống,
Ra tay đập bể mấy trăm hòn.
Những hành động “xách búa”, “ra tay” đi kèm với những động từ mạnh “đánh tan”, “đập bể” trong biện pháp nói quá đã vẽ nên chân dung vạm vỡ khỏe mạnh của người chí sĩ yêu nước. Đây là những chi tiết tả thực được lí tưởng hóa cao độ. Là người tù khổ sai ở Côn Lôn, công việc nặng nhọc chính của những người tù cách mạng đó là đập đá để xây nhà tù. Họ phải dùng những dụng cụ vô cùng thô sơ như búa, xẻng để đập những ghè đá to và vững trong hoàn cảnh thời tiết khắc nghiệt cùng hoàn cảnh sống kham khổ lại dưới sự quản thúc đòn roi của bè lũ tay sai. Những hành động ấy đi vào trong thơ của Phan Châu Trinh không còn nhuốm màu bi thương mà hùng tráng vô cùng. Ta như cảm nhận được sức mạnh dời non lấp bể của một trang nam nhi trí lớn, trong từng nhát búa bổ xuống không chỉ là sức mạnh thể chất phi thường mà còn là ý chí sắt đá, lòng căm thù giặc sâu sắc.

Và có lẽ cũng chính vì như vậy mà Phan Châu Trinh coi những ngày tháng phải chịu khổ sai ở nơi đây chỉ là thử thách để tôi rèn ý chí và sức mạnh:
Tháng ngày bao quản thân sành sỏi,
Mưa nắng càng bền dạ sắt son.
Ngày tháng càng dài, con người ta như càng kiên trì, sành sỏi hơn, càng nhiều khổ cực, nắng mưa dãi dầu, lòng con người ta như càng vững, càng tin hơn. Côn Đảo thực chất là nơi mà thực dân Pháp cố tình lập ra để giam cầm những chí sĩ yêu nước, những nhà cách mạng trong khổ sai và tra tấn, muốn làm thui chột ý chí chiến đấu của họ để tiêu tan đi mọi lí tưởng về một dân tộc tự do. Nhưng chúng đã lầm, tinh thần sắt son của những chí sĩ cách mạng không những không mất đi mà giống như vàng càn thử qua lửa thì càng giá trị. Phan Châu Trinh đã coi những năm tháng này chỉ như thử thách tôi rèn bản thân và lí tưởng nơi ông chỉ có thể ngày càng rõ ràng, hun đúc, không bao giơ tàn lụi. Bởi ông đã tự coi mình là:
Những kẻ vá trời khi lỡ bước,
Gian nan chi kể sự con con.
Ông tự cho mình là “kẻ vá trời”, người nhận trách nhiệm cao cả và vĩ đại vì sự bình yên và no ấm của muôn dân vì vậy khổ sai ở Côn Lôn chỉ là việc “con con” không đáng kể trong hành trình vĩ đại của ông. Cả bài thơ toát lên một khí phách kiên cường bất khuất với một giọng hào sảng, hiên ngang. Đó chính là tinh thần của những chí sĩ yêu nước cuối thể kỉ XIX với quyết tâm giải phóng dân tộc khỏi gông kìm nô lệ của chế độ thực dân.

Hình ảnh người chí sĩ yêu nước hiên ngang dõng dạc sẽ không thể phai mờ trong lòng những thế hệ sau, cổ vũ thế hệ tiếp tục bước lên phía trước với một khí phách kiên cườn bất khuất, xứng đáng với cha ông ta ngày trước.

BÀI VĂN 2: PHÂN TÍCH BÀI THƠ ĐẬP ĐÁ Ở CÔN LÔN.
Thơ xưa quan niệm, văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí. Chính vì vậy mỗi bài thơ đều là sự thể hiện một ý chỉ, một quan niệm của kẻ sĩ trong xa hội cũ. Họ đều là những bậc chân Nho, với quan niệm trung quân ái quốc, bởi vậy nên những trang thơ trang văn đều mang một chí khí của kẻ làm trai phải phụng sự nước non. Trong cảm hứng ấy, Phan Châu Trinh là một trong những chí sĩ cách mạng nổi tiếng đầu thế kỷ XX. Bài thơ Đập đá ở Côn Lôn làm trong thời gian ông bị đày ở đảo Côn Lôn thể hiện khí phách quật cường, một bản lĩnh ngang tầm với dũng sĩ thần thoại.

Nhà tù thực dân Côn Đảo là một địa ngục trần gian. Bọn thực dân dùng nơi này để đày đọa những con người yêu nước ưu tú hòng làm nhụt chí khí đấu tranh của họ. Cũng rơi vào nghịch cảnh ấy, Phan Chu Trinh phải trải qua nắng gió biển khơi khắc nghiệt, ông đã thấu cảm mà dựng lên cả một tượng đài bằng thơ thể hiện một vẻ đẹp lẫm liệt, phong thái cứng cỏi ngang tàng của người anh hùng cứu nước. Bốn câu thơ đầu tác giả miêu tả cảnh tượng đập đá của người tù và cũng bằng những hình ảnh ấy mà khắc họa dáng vóc phi thường của người anh hùng đấng nam nhi: Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn
Có thể nói, trong quan niệm của Nho gia, chí làm trai là điều mà một kẻ quân tử luôn phải khắc ghi. Ở câu thơ mở đầu này, tác giả phác ra bối cảnh không gian, gợi mở âm hưởng hùng tráng bằng tư thế hiên ngang, sừng sững của phận "làm trai" đầu đội trời, chân đạp đất kiêu hùng. Dân gian từng có câu: "Làm trai cho đáng nên trai". Nguyễn Công Trứ thì viết: "Chí làm trai Nam, Bắc, Tây, Đông; Cho phí sức vẫy vùng trong bốn bể". Phan Bội Châu cũng đề cao chí hướng làm trai: " Đã sinh làm trai thì cũng phải khác đời"... Điều đó cho thấy quan niệm về chí trai, làm trai có mạch nguồn trong quan niệm nhân sinh truyền thông. Trong câu thơ của Phan Chu Trinh quan niệm ấy được khẳng định trong một bối cảnh cụ thể: "... đứng giữa đất Côn Lôn" là "đứng giữa" biển - trời - đất, thật kiêu hãnh, đường hoàng, đúng là tư thế của người làm chủ giang sơn. Ba câu thơ tiếp theo, qua những hình ảnh chân thực diễn tả công việc nặng nhọc (khai thác đá) tác giả đã khắc họa thành những hình ảnh biểu trưng cho tầm vóc sức mạnh dời non lấp bể, kinh thiên động địa của nhân vật trữ tình. Những hành động mạnh mẽ cho phép ta hình dung ra hình ảnh người dũng sĩ với sức vóc thần kỳ đang xung trận: "xách búa", "ra tay"; và "lừng lẫy" những chiến công "lở núi non", "đánh tan năm bảy đống", “đập bể mấy trăm hòn". Những từ ngữ cực tả sức mạnh dũng mãnh đã làm nổi bật hình tượng con người trong tư thế ngạo nghễ, lớn ngang tầm vũ trụ. Giữa không gian biển trời bao la sừng sững một tượng đài kết bằng những hình khối phi thường.

Bốn câu cuối bộc lộ trực tiếp cảm xúc và suy nghĩ của người anh hùng:
Tháng ngày bao quản thông sành sỏi,
Mưa nắng càng bền dạ sắt son.
Những kẻ vá trời khi lỡ bước,
Gian nan chỉ kể việc con con!
"Thân sành sỏi", "dạ sắt son" sẽ bền bỉ trụ lại được cùng "tháng ngày", mưa nắng". Thế đối lập ở câu 5-6 thể hiện sự kiên tâm, vững trí của nhà cách mạng dù trong bất kỳ hoàn cảnh khắc nghiệt nào. Tấm lòng thủy chung, son sắt "mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen" (Nguyễn Trãi) kia cũng là sự kế thừa truyền thống anh hùng bất khuất đã được khẳng định trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Vững vàng đến “trơ gan cùng tuế nguyệt", đến ngạo nghễ đã là đạo sống, phẩm cách của người chiến sĩ chẳng tiếc thân mình cho sự nghiệp chung. Trong bối cảnh đầy những gian nan, thử thách hồi đầu thế kỷ XX người chiến sĩ dám dấn thân vì giang sơn xã tắc cũng phải là những con người bất chấp hy sinh, nguy khó, biết quên thân mình. Hai chữ "vá trời" lấy từ tích Nữ Oa vá trời. Tầm vóc, sức mạnh ở đây đã được thi vị hóa đến mức thần kỳ, giống như bà Nữ Oa trong truyền thuyết đội đá vá trời. hình ảnh thơ vừa gợi sự hào hùng, khí thế vừa gợi sự bay bổng lãng mạn. Hai câu thơ cuối này gợi tả sự đối lập giữa cái lớn lao, kỳ vĩ (vá trời) với thực tế gian nan chỉ là "việc con con". Sự đối lập ấy là kết quả của một ý chí sắt đá, niềm tin lớn vào sự nghiệp chính nghĩa, kẻ vá trời bằng sức mạnh đội đá vá trời có thể đè bẹp mọi trở ngại gian nan.

“Có một đề tài trở đi trở lại như một lời khấn khứa, càng viết nhiều càng hay”. Và phải chăng ấy là tinh thần yêu nước. Cùng cảm hứng ấy, trong mạch nguồn văn học đan tộc, “Đập đá ở Côn Lôn” của Phan Châu Trinh đã kín đáo bộc lộ một niềm yêu nước, qua đó thấy được vẻ đẹp người nam nhi thời xưa. Với những câu thơ thần, hơi thơ hùng, khí thơ tráng, bài thơ như tạc lên giữa dòng thời gian vô thủy vô chung chân dung người chiến sĩ cách mạng thật hiên ngang, kiêu hùng.
 
  • Chủ đề
    phân tích đập đá ở côn lôn đập đá ở côn lôn
  • Top