Phân tích cảm nhận đoạn 3 bài thơ “Tây Tiến” – Quang Dũng hay nhất - 3 bài văn

Cùng với “Đôi mắt người Sơn Tây”, bài thơ “Tây Tiến” là tác phẩm quen thuộc đối với độc giả khi nhắc đến cái tên Quang Dũng. Những cảm xúc, câu chuyện, hình ảnh mà tác giả gửi vào bài thơ này đã đem đến cho người đọc nhiều xúc cảm mạnh mẽ. Dưới đây là các bài văn mẫu phân tích cảm nhận đoạn thứ ba của bài thơ các bạn có thể tham khảo.

“Tây Tiến” là một bài thơ nổi bật đánh dấu tên tuổi nhà thơ Quang Dũng trong làng thơ ca hiện đại nước nhà. Nói về tác phẩm này, nhà phê bình văn học Nguyễn Xuân Nguyên từng chia sẻ rằng: “Một bài thơ kỳ diệu và có một vị trí đặc biệt trong lòng công chúng, một bài thơ được kỷ niệm 60 năm ngày sáng tác, một bài thơ làm sống dậy cả một trung đoàn, khiến địa danh Tây Tiến trường tồn trong lịch sử và ký ức mỗi người. Nó như một viên ngọc sáng trong tâm hồn Việt, tấm lòng Việt và thơ ca Việt”. Công nhận tài năng và sự xuất sắc, ý nghĩa của bài thơ “Tây Tiến”, nhà thơ Vũ Quần Phương từng chia sẻ: “Quang Dũng đứng riêng một ốc đảo, đặc biệt với bài thơ “Tây Tiến”, ông không có điểm gì chung với các nhà thơ khác, ông đứng biệt lập như một hòn đảo giữa các nhà thơ kháng chiến”. Cái tài và sự tinh tế rất riêng ở hồn thơ Quang Dũng đã giúp ông “không có điểm gì chung với các nhà thơ khác”, có lẽ vậy, và bài thơ “Tây Tiến” trở thành một bài thơ đặc sắc với những nét đẹp, nét thú vị rất riêng. Đứng trước đề bài yêu cầu phân tích cảm nhận đoạn thơ thứ ba trong bài thơ này, các bạn có thể tham khảo các bài văn mẫu dưới đây để có cho mình cái nhìn đầy đủ và sâu sắc nhất khi làm bài. Chúc các bạn thành công!

tay-tien(1).jpg


BÀI VIẾT SỐ 1 PHÂN TÍCH CẢM NHẬN ĐOẠN 3 BÀI THƠ “TÂY TIẾN” NGĂN SGONJ HAY NHẤT
Quang Dũng là một nhà thơ đa tài của nền thơ ca hiện đại Việt Nam. Là một người lính từng cầm súng chiến đấu vì Tổ quốc, ông đã gửi những cái nhìn chân thực và sâu sắc của bản thân về hình tượng người lính Tây Tiến vào bài thơ “Tây Tiến” viết năm 1948. Trong bài thơ đặc sắc này, đoạn thơ thứ ba đã gieo vào trái tim, tấm lòng người đọc bao nỗi niềm cảm xúc và sự sẻ chia chân thành với tác giả.

Đoạn thứ ba của bài thơ “Tây Tiến” là những dòng thơ tác giả tái hiện hình ảnh đoàn quân Tây Tiến một cách trực tiếp:
  • “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
  • Quân xanh màu lá dữ oai hùm
  • Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
  • Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
  • Rải rác biên cương mồ viễn xứ
  • Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
  • Áo bào thay chiếu anh về đất
  • Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Thủ pháp đối lập được Quang Dũng sử dụng trong đoạn này đã đặc tả hình dáng bên ngoài và vẻ đẹp tâm hồn người lính Tây Tiến. Với dáng vẻ bên ngoài: “không mọc tóc”, “quân xanh màu lá” gợi một dáng vẻ dường như đang ốm yếu nhưng tâm hồn vẫn luôn dũng mãnh, kiên cường đối mặt: “dữ oai hùm”, “mắt trừng”. Cách nói “không mọc tóc” vừa thể hiện sự lạc quan, hóm hỉnh, vừa thể hiện sự đối diện mạnh mẽ, một thái độ ngang tàn, đầy ngạo nghễ với hệ quả của căn bệnh sốt rét rừng khắc nghiệt mà bất kỳ một người lính Tây Tiến nào cũng có thể mắc phải trên chặng đường hành quân ra trận nhiều gian truân, thử thách. Nhà thơ Quang Dũng gọi họ là “đoàn binh” thay vì “đoàn quân” đem đến cho ta cảm giác oai dũng hơn. Đằng sau dáng vẻ dường như đang bị căn bệnh sốt rét rừng làm cho tiều tụy, ta cảm nhận được một tinh thần dũng mãnh, hiên ngang như những con hổ oai hùng chốn rừng thiêng.

Cùng với hình ảnh nói về sự hy sinh, mất mát của người lính ở những câu thơ trên: “Anh bạn dãi dầu không bước nữa/ Gục lên súng mũ bỏ quên đời”, ở đoạn thơ này, nhà thơ tiếp tục nhắc đến sự hy sinh của người lính Tây Tiến: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Từ láy gợi hình, gợi cảm “Rải rác” kết hợp cùng phép đảo ngữ đã nhấn mạnh sự mất mát, đau thương mà những người lính phải đối mặt khi ra chiến trường. Nhưng khi Quang Dũng nói về cái chết, ta không hề có cảm giác bi lụy mà dường như chính nhờ lý tưởng sống, lý tưởng chiến đấu cao đẹp của cả một thế hệ anh hùng, cái chết bỗng hóa một thứ gì đó quá đỗi nhẹ nhàng. “Mồ viễn xứ”, đó là cách dùng từ Hán Việt gợi sự trang trọng, tôn nghiêm của nhà thơ. Hình ảnh “áo bào thay chiếu anh về đất” trong đoạn khiến tả cảm tưởng như một cách rất kính trọng và biết ơn, tác giả đang khoác lên cho người lính hy sinh những tấm chiến bào mà tướng sĩ ngày xưa mặc khi ra trận để phần nào giảm bớt sự đau thương, mất mát. Chiến tranh khắc nghiệt đến tàn phá những cuộc đời, và đi mang theo những người lính hiên ngang, bất khuất. Họ ra đi trong niềm thanh thản, họ về với vòng tay đất mẹ ấm áp, thân thương của Tổ quốc. Câu văn kết đoạn: “Sông Mã gầm lên khúc độc hành” hiện lên như một tiếng gầm bi tráng trước sự ra đi của người lính Tây Tiến. Cái chết của những người anh hùng Tây Tiến dường như đã cảm hóa cả trời đất. Quang Dũng không né tránh sự gian khổ, hy sinh của người lính mà ông đối diện với cái chết ấy, nói đến nó một cách thẳng thắn, trực tiếp. Hình ảnh cái chết trong đoạn thơ như đã được nâng đỡ bởi cảm xúc lãng mạn nên không chìm vào đau thương bi lụy mà đậm một chất anh hùng bi tráng.

Bên cạnh vẻ đẹp hào hùng bi tráng, hình ảnh người lính Tây Tiến trong đoạn thơ còn được Quang Dũng phác họa với nét hào hoa của những tâm hồn lãng mạn. Những người lính ấy, nhiều khi giấc mộng giai nhân luôn đi cùng họ trên chiến trường nhiều đạn bom, khói lửa. Đọc thơ Trung đại, ta từng bắt gặp hình tượng những người chinh phu, tráng sĩ với dáng vẻ hào hùng, được khắc họa đời sống nội tâm sâu kín trong “Chinh phụ ngâm” hay “Thuật hoài”. Đến với văn học hiện đại, cũng có nhiều nhà thơ hướng ngòi bút đến việc miêu tả, khắc họa vẻ đẹp hình tượng người lính. Trong “Tống biệt hành”, Thâm Tâm đã hé mở chiều sâu tâm hồn con người, những người ra đi với nỗi buồn trong những câu thơ:
  • “Ta biết người buồn chiều hôm trước:
  • Bây giờ mùa hạ sen nở nốt
  • Một chị, hai chị cũng như sen
  • Khuyên nốt em trai dòng lệ sót
  • Ta biết người buồn sáng hôm nay
  • Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay
  • Em nhỏ ngây thơ, đôi mắt biếc
  • Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay…”

Còn ở “Tây Tiến”, Quang Dũng miêu tả chân thực chân dung người lính, những con người bình thường, đập những nhịp đập bình thường nhưng mang trong mình những nét hào hùng, hào hoa đáng trân trọng.

Bài thơ “Tây Tiến” là những hoài niệm của nhà thơ về những tháng ngày sống cùng đồng đội trong đoàn quân Tây Tiến, đoạn thơ thứ ba đã đem đến cho người đọc cái nhìn chân thực về vẻ đẹp hào hùng, hào hoa của người lính, đồng thời cảm nhận được những tình cảm, cảm xúc nhà thơ dành cho họ, cho những anh hùng của một thời kháng chiến chống Pháp oanh liệt.

-Nem-

doan-quan-tay-tien.jpg


BÀI VIẾT SỐ 2 PHÂN TÍCH CẢM NHẬN ĐOẠN 3 BÀI THƠ “TÂY TIẾN” NGẮN GỌN LỚP 12
Nhà phê bình Đặng Anh Đào từng nhận xét: “ Tây Tiến là khúc độc hành để Quang Dũng và những người đồng đội tìm về đoạn đời chiến binh gian khổ mà hào hùng.” Thật vậy, đoạn thơ thứ ba của “Tây Tiến” chính là khúc tráng ca đầy anh dũng về những khổ đau, mất mát mà người lính phải đối mặt trên con đường hành quân bảo vệ đất nước. Đoạn thơ toát lên khí chất hào sảng, kiên cường rung động lòng mỗi thế hệ bạn đọc.

Quang Dũng là một trong những tài năng hiếm có của nghệ thuật Việt Nam khi có thể tham gia viết thơ, văn, là nhà soạn nhạc tài ba, nhưng đồng thời cũng là người chiến sĩ anh dũng xông pha trận mạc trong cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ của dân tộc. Trong giây phút đầy xúc động khi chia tay đồng bào miền tây Bắc tại mảnh đất Phù Lưu Chanh để trở lại thủ đô, chính nỗi nhớ thương đã gợi lòng thi sĩ, là nguồn cảm hứng cho bài thơ “Tây Tiến” ra đời năm 1948. Bài thơ chính là lời tự sự của tác giả về những ngày tháng gian khó trên chiến trường, nhưng vẫn thấm đượm tình cảm trữ tình lãng mạn giữa quân và dân, giữa đồng chí với đồng bào.
  • “Anh bạn dãi dầu không bước nữa,
  • Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
  • Chiều chiều oai linh thác gầm thét,
  • Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.”
Chỉ bằng bốn dòng thơ ngắn gọn, Quang Dũng đã khắc họa trước mắt bạn đọc tinh thần quả cảm khi đối diện với mất mát đau thương của người lính Tây Tiến giữa núi rừng miền Tây Bắc. Họ ngày ngày phải hàn quân trên quãng đường gập ghềnh với núi cao, đèo sâu, vực thẳm đe dọa tính mạng con người. Và rồi sau hàng trăm ngàn bước, có những chiến sĩ đã lặng lẽ gục xuống, “không bước nữa”. Đó có thể là giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi của người lính trên hành trình mệt mỏi, nhưng đó cũng có thể là giờ phút họ trở về với đất mẹ bình yên. Quang Dũng nói đến cái chết nhưng người đọc không thấy ở đó sự bi lụy, đáng thương. Trong mắt thi sĩ, đó là sự hy sinh anh dũng, là thời khắc con người trở về với chốn bình yên của tâm hồn. “Bỏ quên đời”- ba chữ thật hồn nhiên, thật lạc quan và cũng thật cao ngạo thấm đượm tinh thần thơ Quang Dũng. Sự hi sinh của họ không phải gục ngã cúi đầu mà là sự cống hiến cao cả cho từng tấc đất và bầu trời độc lập của dân tộc.

Trên chặng đường hành quân của mình, binh đoàn Tây Tiến dừng chân đóng quân tại Mường Hịch. Giữa rừng núi thâm u, họ phải đối mặt với vô vàn khó khăn, đặc biệt là thú dữ. Những bước chân cọp hùm luôn rình rập đâu đây, đe dọa tính mạng con người. Giữa nơi rừng thiêng nước độc, dường như những người lính trẻ chỉ cần sơ xảy chút thôi cũng có thể phải trả giá bằng cả tính mạng. Binh đoàn tây Tiến quy tụ những thanh niên trai tráng từ mảnh đất thủ đô, họ còn trẻ, còn nhiều bỡ ngỡ, xa lạ với nơi đây nhưng vẫn quyết tâm lên đường, sẵn sàng đối diện với cam go để bảo vệ hòa bình, độc lập cho đất nước. Tinh thần ấy thật đáng ngợi khen và trở thành tấm gương cho những thế hệ mai sau. Quang Dũng nhớ về Tây Tiến là nhớ về binh đoàn, nhớ về những tháng ngày chiến đấu khôn cùng và cũng để khắc ghi tinh thần chiến đấu quật cường của cả dân tộc. Phải chăng vì thế “Tây Tiến” luôn vang dậy không khí hào sảng trong lòng bao thế hệ bạn đọc.

Bằng một khổ thơ ngắn gọn nhưng bạn đọc cũng dần mường tượng ra được bức tranh Tây Tiến mà Quang Dũng phác họa trong toàn áng thơ. “Tây Tiến” xứng đáng ghi tên vào những tuyệt tác của văn học chống Pháp, “là đứa con tráng kiện, hào hoa của đời thơ Quang Dũng.”
_TN_

BÀI VIẾT SỐ 3 PHÂN TÍCH CẢM NHẬN ĐOẠN 3 BÀI THƠ “TÂY TIẾN”
Quang Dũng là nhà thơ khoác áo lính. Ngòi bút của ông gắn liền với kháng chiến, với chiến khu đồng bào và với những anh lính cầm súng trên đường hành quân. “Tây Tiến” là một sáng tác ra đời trong thời khói lửa đạn bom, viết bằng niềm thương nỗi nhớ của nhà thơ về một nơi đã mãi xa. Nhớ về nơi ấy, ông nhớ về núi rừng thiên nhiên và về cả những người lính:
  • “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
  • Quân xanh màu lá dữ oai hùm
  • Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
  • Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
  • Rải rác biên cương mồ viễn xứ
  • Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
  • Áo bào thay chiếu, anh về đất
  • Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Bài thơ “Tây Tiến” là một sáng tác của Quang Dũng vào năm 1948 tại ngôi làng Phù Lưu Chanh. Đó là khi ông, đại đội trưởng của đoàn quân Tây Tiến từ những ngày đầu, phải xa đơn vị của mình, chuyển công tác đến đơn vị khác. Vì thế mà chữ “nhớ” đã được lược bớt ở nhan đề chính là cảm xúc chủ đạo của bài thơ. Trích đoạn thơ trên là đoạn ba của tác phẩm.

Đoạn thơ là sự tái hiện trực tiếp hình ảnh những người lính Tây Tiến:
  • “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
  • Quân xanh màu lá dữ oai hùm”
Hai câu thơ làm hiện lên căn bệnh sốt rét rừng. “Không mọc tóc” hay “quân xanh màu lá” chính là do cơn bệnh này. Sốt rét rừng làm tóc không thể mọc, và nước da các anh xanh lại như màu xanh của lá. Người lính hiện lên trong hai câu thơ với vẻ ngoài ốm yếu, nhợt nhạt. Song, ta lại không thấy một chút bi thương, một chút chán nản hay yếu đuối gì ở họ. Trái lại, hai câu thơ lại bật lại một sức mạnh ngang tàn phi thường. Cụm từ “không mọc tóc” tạo nên một tư thế chủ động cho người lính, họ chủ động không mọc tóc chứ không phải vì bệnh. “Quân xanh màu lá” bởi lớp lá cây ngụy trang. “Quân xanh màu lá” bởi nước da nhưng lại quật lên: “dữ oai hùm”. Đó là khí phách hào hùng, khí thế chiến đấu ngang tàn, ngạo nghễ mặc kệ gian khổ.

Mang trong mình sức mạnh tiềm tàng nên họ cũng giàu những giấc mộng:
  • “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
  • Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm “

Từ “mắt trừng” gợi ra dáng vẻ, tư thế oai phong. Những người lính “mắt trừng gửi mộng qua biên giới” là họ đang mang trong mình giấc mộng lập công, mộng chiến thắng để đem lại tự do cho dân tộc. Cùng với mộng lập công như người anh hùng thiên cổ thì ở họ còn sáng lên giấc mộng giai nhân: “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. “Dáng kiều thơm” là dáng người con gái, mơ thấy bóng dáng ấy là những anh lính đang mơ về những cô em gái thủ đô thướt tha, nhớ về nơi mình sống cùng với bóng giai nhân quen thuộc. Có người cho đây là hình ảnh không phù hợp với thời đại, với không khí chiến đấu và yêu cầu chiến đấu. Nhưng tôi thì không cho là như thế. Những người lính Tây Tiến, họ là những chàng trai trẻ Hà Nội, họ trẻ tuổi, và lòng họ cũng trẻ, nên giấc mộng giai nhân cũng là điều dễ hiểu. Do vậy, câu thơ, chi tiết thơ ở đây không mang cảm xúc lãng mạn xa vời thái quá mà nó lại tăng thêm tính chân thực cho bài thơ, cho người đọc một cái nhìn đầy đủ và chính xác hơn về những người lính Tây Tiến.

Ra chiến trường là chấp nhận xả thân, có những người quay trở về an toàn, nhưng cũng có những người đã mãi nghỉ yên:
  • “Rải rác biên cương mồ viễn xứ
  • Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
  • Áo bào thay chiếu, anh về đất
  • Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Cái chết xuất hiện ở câu thơ đã khẳng định những mất mát, đau thương không thể tránh khỏi của cuộc chiến. Từ Hán Việt đã được nhà thơ sử dụng triệt để khiến cho không khí câu thơ trang nghiêm. Những xác người lính “rải rác”, vùi vội dọc đường đã trở thành những mộ chí tôn nghiêm. Vì thế câu thơ có bi nhưng là cảm xúc bi tráng, vẫn mang một khí thế tráng ca hào hùng. Và khí thế còn lên cao hơn với lời khẳng định lý tưởng: “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Họ ra đi chẳng ngại đổ máu vì họ biết bước hành quân của họ, quãng thời gian tuổi trẻ tươi đẹp ấy đã không hoài phí vì đã được hiến dâng cho một nghĩa cử và lý tưởng cao đẹp: hai chữ “tổ quốc”. Họ trở thành những trang anh hùng hào sảng cất vang lời tuyên thệ cho tổ quốc, và cái hào hùng ấy như cảm hóa cả ngoại vật xung quanh: “Áo bào thay chiếu anh về đất”. “Áo bào”, thực ra chỉ là manh áo nâu đắp tạm bao quanh cho tấm thân anh bớt lạnh lẽo nơi đất sâu. Từ Hán Việt ở đây lại được nhà thơ sử dụng với hàm ý thiêng liêng hóa cái chết của người lính. Hiện thực gian khổ được mở ra nhưng không hoàn toàn chỉ có bi thương mà là cảm xúc bi tráng, mang những nét của chinh phu tráng sĩ thời xưa. Sự thiêng liêng của cái chết còn như nhiễm vào thiên nhiên, vào con sông Mã: “Sông Mã gầm lên khúc đọc hành”. Đó là tiếng gầm bi tráng trước sự ra đi của người lính.

Quang Dũng không hề né tránh cái chết, không hề né tránh gian khổ, nhưng cái chết được nâng đỡ bằng cảm xúc lãng mạn nên đoạn thơ không chìm vào đau thương bi lụy mà lại đậm chất anh hùng ca bi tráng. Đó không chỉ là cảm xúc chủ đạo của đoạn thơ mà còn là của cả bài thơ, và cũng là của cả một thời đại hào hùng của dân tộc.

- QP -
 
  • Chủ đề
    quang dung tây tiến đoạn 3
  • Top