Phân tích cảm nhận đoạn thơ: "Những đường Việt Bắc của ta... đèn pha bật sáng như ngày mai lên"

“Việt Bắc” là bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Tố Hữu: thơ Tố Hữu vừa mới mẻ, hiện đại vừa đậm đà màu sắc dân tộc. Có lẽ vì vậy mà mỗi đoạn thơ, bài thơ đều có những nét độc đáo, đặc sắc riêng, để lại trong lòng người đọc những ấn tượng không nguôi. Bài viết sau đây cảm nhận về đoạn thơ :”Những đường Việt Bắc của ta..... như ngày mai lên” một cách đầy đủ và chi tiết. Chúc các bạn học tốt!

Cuộc kháng chiến chống Pháp lần hai của chúng ta thắng lợi và được nhân loại vinh danh là “cuộc chiến tranh thần thánh”. Đó là hệ quả tất yếu cho những nỗ lực và ý chí chiến đấu kiên cường của toàn dân Việt Nam đồng lòng đánh tan giặc Pháp. Tố Hữu – cánh chim đầu đàn của nền văn học cách mạng Việt Nam không quên ghi lại những ngày tháng hào hùng và thiêng liêng ấy. Những chiến công anh dũng, tình cảm cá nước của quân dân hay lòng chí tình của người dân Tây Bắc được nhà thơ chiến sĩ ca ngợi bằng nhiều mĩ từ. Phải chăng, chiến tranh qua đi, điều còn ở lại là những chiến công oanh liệt, những tình cảm chung thủy sắt son hiện diện trong từng câu từng chữ mà văn học nghệ thuật đã từng ca ngợi? Đoạn thơ :”Những đường Việt Bắc của ta.... như ngày mai lên” là một trong những đoạn thơ đặc sắc nhất trong áng thơ Tố Hữu đã dày công kiến tạo.

hinh-anh-viet-bac.jpg

Hình ảnh Việt bắc​

BÀI VIẾT SỐ 1 CẢM NHẬN ĐOẠN THƠ: “NHỮNG ĐƯỜNG VIỆT BẮC CỦA TA....ĐÈN PHA BẬT SÁNG NHƯ NGÀY MAI LÊN”
Tháng 10 năm 1954, 5 tháng sau thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, trung ương Đảng và chính phủ chuyển từ thủ đô gió ngàn Việt Bắc về Hà Nội. Trong sự lưu luyến của tình quân dân, giữa người đi và kẻ ở, Tố Hữu đã viết nên một trong những áng thơ trữ tình cách mạng hay nhất. “Việt Bắc” ra đời vừa như một khúc hùng ca, vừa là khúc tình ca về cách mạng, trong đó có đoạn:
  • “Những đường Việt Bắc của ta
  • Ngày đêm rầm rập như là đất rung
  • Quân đi điệp điệp trùng trùng
  • Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
  • Dân công đỏ đuốc từng đoàn
  • Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay
  • Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
  • Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.”
Có người từng ví cuộc hành quân của nhân dân ta có khí thế như Hoàng Giang kì vĩ ngàn năm còn chảy, như thác gầm chốn rừng thiêng nước độc. Điều đó thể hiện rõ nét trong đoạn thơ trên. Cách nói : “Những đường Việt Bắc của ta” thật gần gũi và tha thiết, thể hiện tình cảm gắn bó keo sơn, nghĩa tình thắm thiết của người ra đi và người ở lại. Có thứ tình cảm nào đẹp tươi hơn thế, khi những người chiến sĩ đó đã coi Việt Bắc như một phần không thể thiếu trong cuộc đời mình. Người lính kể về những đêm dài hành quân với giọng đầy tự hào:
  • “Ngày đêm rầm rập như là đất rung
  • Quân đi điệp điệp trùng trùng
  • Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”
Các từ láy :”Rầm rập, điệp điệp, trùng trùng” vừa gợi hình những đoàn quân đông đảo, vừa gợi ra được khí thế hào hùng, tinh thần chiến đấu hiên ngang của một dân tộc ba nghìn ngày không nghỉ, đến nỗi :”Bắp chân đầu gối đã săn gân”. Cụm từ “ngày đêm” diễn tả sức bền bỉ, dẻo dai, tinh thần chiến đấu quật cường không kể ngày nắng đêm mưa. Tất cả nhưng dồn nén, như trào lên để cuối cùng dừng lại phục vụ một mục tiêu duy nhất: ánh sao đầu súng và chiếc mũ nan. Câu thơ khiến ta liên tưởng đến những vần thơ của Vũ Cao:
  • “Anh đi bộ đội sao trên mũ
  • Mãi mãi là sao sáng dẫn đường”
Người lính khi quyết định rời khỏi quê hương, rời khỏi mái ấm gia đình thì bản thân họ chỉ còn một lí tưởng duy nhất: đó là chiến đấu hết mình cho tổ quốc, cho nhân dân, cho nền hòa bình và độc lập. Cho nên họ bầu bạn với người dân để thêm thắm tình quân dân cá nước, để cùng nhau làm nên một trong những điều vĩ đại nhất của thế kỉ hai mươi. Họ đã từng tâm sự:
  • “Chúng tôi ra đi chẳng tiếc đời mình
  • Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc
  • Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi tổ quốc”
Chính vì tinh thần anh dũng đó mà ngọn lửa cách mạng cứ rừng rực cháy trên mọi ngả đường ra trận:
  • “Dân công đỏ đuốc từng đoàn
  • Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay”
Một trong những niềm tự hào của dân tộc ta là chúng ta có một đội quân dân công hỏa tuyến. Họ là những người dân lao động bình thường, giản dị nhưng lại mang trong mình tinh thần trượng nghĩa truyền thống. Những ngọn đuốc đỏ như thắp sáng mọi cung đường phía trước. Ngày đêm không nghỉ, bước chân của họ lẫn vào tàn lửa tạo nên khung cảnh vừa huyền hoặc, kì ảo lại vừa thiêng liêng. Cách nói :”Bước chân nát đá” một lần nữa tái hiện khí thế hào hùng, mạnh mẽ và ý chí quyết tâm lớn lao của họ. Phải chăng ánh đuốc đỏ kia không đơn thuần chỉ là hình ảnh thực mà còn là biểu tượng cho ánh sáng cách mạng soi đường chỉ lối hay chăng? Vì vậy mà dẫu : “Nghìn đêm thăm thẳm sương dày” , có khó khăn và vất vả biết mấy trước thiên nhiên tạo hóa khắc nghiệt thì họ vẫn đồng lòng vì mục tiêu phía trước. Đoạn thơ khép lại với một câu thơ đặc sắc:
  • “Đèn pha bật sáng như ngày mai lên”
Có những thứ ánh sáng làm thay đổi cuộc đời. Có những ánh sáng chất chứa niềm tin. Ở đây tác giả đã ví cuộc sống tương lai rực rỡ và đẹp đẽ như ánh đèn pha chói lòa và xa vọng. Điều đặc biệt ở đây là tác giả đã mường tượng và ấp ủ một niềm tin vào tương lai phía trước. Đó vừa thể hiện niềm tin, vừa thể hiện niềm lạc quan cũng như ý chí quyết tâm giành lại giang sơn gấm vóc. Tinh thần ấy, niềm tin ấy là cần thiết trong cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc.

Như vậy, chỉ với một đoạn thơ ngắn nhưng tác giả đã truyền tải vào bao ý nghĩa. Giọng thơ giản dị, tự nhiên mà không kém phần tha thiết, cùng với cách sử dụng những thủ pháp tu từ đặc sắc, Tố Hữu đã đem vào trang thơ của mình chất lửa của cuộc chiến vĩ đại, chất tình của sự lạc quan và niềm tin tất thắng. Vì vậy mà mỗi dòng thơ đều đọng lại trong trái tim người đọc bao thế hệ.

Tố Hữu là chiến sĩ, cũng là một thi sĩ. Cho nên thơ của ông vừa là thơ cách mạng, lại vừa trữ tình ngọt ngào như lời ru. “Việt Bắc” sẽ lưu lại trong trái tim người đọc như một trong những khúc hùng ca, tình ca hay nhất của thế kỉ XX.

viet-bac(1).jpg

BÀI VĂN MẪU SỐ 2 PHÂN TÍCH ĐOẠN THƠ “ NHỮNG ĐƯỜNG VIỆT BẮC CỦA TA…ĐÈN PHA BẬT SÁNG NHƯ NGÀY MAI LÊN” LỚP 12
“Từ bao giờ cho đến bây giờ, từ Homero đến kinh thi, đến ca dao Việt Nam thơ vẫn là một sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại. Nó đã ra đời giữa những vui buồn của loài người cho đến ngày tận thế.” (Hoài Thanh) Thơ ca là tiếng hát của trái tim,là nơi dừng chân của tâm hồn,do đó không giản đơn mà cũng không thần bí ,thiêng liêng… Đến với bài thơ “ Việt Bắc” của Tố Hữu ta cảm nhận được tiếng lòng của nhà thơ. Đọc đoạn “ Những đường Việt Bắc của ta… Đèn pha bật sáng như ngày mai lên” ta thấy được khung cảnh sôi động của cuộc kháng chiến đang diễn ra.

Ngay ở câu thơ đầu tác giả đã nêu lên những khái quát chung cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến dân tộc, hình ảnh những con đường được nhắc đến trong niềm tự hào sâu sắc:
  • “Những đường Việt Bắc của ta”

Câu thơ chan chứa niềm tự hào vì cảm giác được làm chủ những vùng không gian rộng lớn của Tổ Quốc . Cảm hứng này đã nhiều lần xuất hiện trong thơ ca cách mạng “ Trời xanh đây là của chúng ta”, “ Núi rừng đây là của chúng ta”,..( Nguyễn Đình Thi. Trong dòng hoài niệm của những người đi, những con đường ấy là không gian lớn lao cho con người xuất hiện, trước hết là kí ức về những đoàn quân ra trận với khí thế:
“Đêm đêm rầm rập như là đất nung
Quân đi điệp điệp trùng trùng”
Từ láy “ rầm rập” cho thấy đây là âm thanh nhanh, mạnh, dồn dập của những đoàn quân đều bước trong đêm. Từ láy “điệp điệp trùng trùng” thật giàu ý nghĩa diễn tả. Nó gọi lên trong ta những đoàn quân ra trận nối dài vô tận và rất hùng vĩ như những dãy núi kế tiếp nhau vậy. Cảm hứng sử thi hào tráng đã khiến sức mạnh kì diệu của con người được nâng lên tầm vóc vũ trụ. Trong hoài niệm của người đi, việt Bắc không chỉ hiện ra trong sức mạnh hào tráng, đông đảo của những đoàn quân ra trận mà còn là nơi lưu giữ những ấn tượng khó quên về vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong kháng chiến. Vẻ đẹp vừa chân thực, vừa lãng mạn ấy được thể hiện qua hình ảnh người chiến sĩ đi giữa hàng quân trên những con đường Việt Bắc với :
  • “Ánh sao đầu súng, bạn cùng mũ nan”
Câu thơ vừa có ý nghĩa tả thực vừa có ý nghĩa khái quát tượng trưng sâu xa. Trước hết nó diễn tả đoàn quân đi trong đêm, đầu súng lấp lánh ánh sao trời. Nhưng đó cũng là lấp lánh ánh sao lý tưởng. Hình ảnh tươi sáng ấy kết hợp với hình ảnh chiếc mũ nan giản dị trang bị còn thiếu thốn của anh bộ đội, tạo cho anh một vẻ đẹp bình dị mà cao cả, bình thường mà vĩ đại. Nhà thơ Chính Hữu cùng đã có câu thơ rất hay “Đầu súng trăng treo”. Câu thơ là sự kết hợp hài hoà giữa hiện thực và cảm hứng lãng mạn khi ánh sao lấp lánh trên trời cao treo trên đầu súng và làm bạn cùng vành mũ nan quen thuộc của anh vệ quốc, vành mũ đã từng xuất hiện trong bài thơ khác của Tố Hữu: “ Vẫn đôi dép lội chiến trường- Vẫn vành mũ lá coi thường hiểm nguy”. Vẻ đẹp lí tưởng cao cả, của ý chí bất khuất kiên cường đã được Tố Hữu thể hiện một cách thật lãng mạn ngay trong hình ảnh bình dị, chân thực của người chiến sĩ trên đường hành quân.

Không chỉ có bộ đội ra trận mà nhân dân ta ở bất cứ nơi đâu cũng hăng hái góp sức mình vào cuộc kháng chiến. Trên núi rừng Việt Bắc đêm khuya, cùng hành quân với bộ đội là những đoàn dân công phục vụ chiến đấu:
  • “Dân công đỏ đuốc từng đoàn
  • Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay”.
Nếu như từ láy “ rầm rập” và hình ảnh so sánh “ như là đất nung” miêu tả đoàn quân vệ quốc bước đều mạnh mẽ thì hình ảnh “ bước chân nát đá” lại ca ngợi sức mạnh phi thường của những đoàn dân công đông đảo nối tiếp nhau ngày đêm góp phần vào chiến thắng. Cách nói này còn gợi liên tưởng tới “ chân cứng đá mềm” trong dân gian, nhà thơ đã khắc hoạ sinh động sức mạnh và ý chí kiên cường của những con người dũng cảm có thể vượt lên mọi khó khăn, có thể chiến thắng mọi gian khổ, thử thách.

Hai câu thơ cuối càng khẳng định niềm lạc quan tin tưởng vững chắc “Trường kì kháng chiến nhất định thắng lợi”:
  • “Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
  • Đèn pha bật sáng như ngày mai lên”
Đáng chú ý là hai câu thơ tạo ra tương quan đối lập giữa bóng tối và ánh sáng: nếu câu trên khắc họa bóng đêm đen tối thăm thẳm gợi kiếp sống nô lệ của cả dân tộc dưới ách đô hộ của kẻ thù thì câu dưới lại bừng lên ánh sáng của niềm tin vào ngày mai chiến thắng huy hoàng, tương lai tươi đẹp. Ánh sáng đèn pha là ánh sáng ở xa, ô tô chiếu vào như những ngọn đuốc lấp lánh muôn tàn lửa bay, ánh sáng của niềm tin tưởng, lạc quan.

Đoạn thơ vừa đậm chất sử thi hào hùng vừa giàu tính lãng mạn tượng trưng đã diễn tả thành công khí thế kháng chiến ở Việt Bắc. Qua đó Tố Hữu khắc họa sâu sắc hình ảnh dân tộc Việt Nam anh hùng trong cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kì, đầy gian khổ hi sinh nhưng nhất định thắng lợi.

-Hiên Bùi-
 
  • Chủ đề
    phan tich to huu việt bắc
  • Thống kê

    Chủ đề
    101,749
    Bài viết
    469,066
    Thành viên
    340,214
    Thành viên mới nhất
    connggame789

    Bài viết được quan tâm nhiều

    Top