Phân tích cảm nhận về tính dân tộc trong bài Việt Bắc - 3 bài văn hay nhất

Tố Hữu là một chiến sĩ cũng đồng thời là một thi sĩ. Ở ông, con người chính trị đồng nhất với con người thơ: "Tôi đã viết về đất nước và nhân dân mình như viết về người phụ nữ mà mình yêu". Vì vậy mà thơ ông vừa là thơ trữ tình chính trị, vừa đậm đà bản sắc dân tộc. Tính dân tộc được thể hiện đậm nét trong bài thơ "Việt Bắc" - một đỉnh cao thơ của thi nhân.

Mỗi khi có người nhắc về một nhà thơ chiến sĩ trót nặng ân tình với nhân dân đồng bào, trót yêu cái tiếng, cái hình của dân tộc, tôi nghĩ ngay đến Tố Hữu. Các chặng đường thơ Tố Hữu luôn song hành với sự nghiệp cách mạng và phục vụ trực tiếp cho cách mạng. Khác với những nhà thơ khác đi tìm kiếm những điều mới mẻ, những hơi thở mới của văn hóa phương Tây để làm mới mình, Tố Hữu vẫn sống trọn kiếp mình với những gì quen thuộc của truyền thống dân tộc, quen mà không nhàm chán, bởi ông đã đem chất lửa của thời đại để rọi sáng những trang thơ. Cho nên tính dân tộc là một trong những nét đặc sắc trong phong cách thơ Tố Hữu, hiển hiện trong đó là cả một tình yêu to lớn cho truyền thống dân tộc, những tinh hoa đang được giữ gìn. "Việt Bắc" là bài thơ đặc sắc nhất của ông đồng thời mang đậm nét tính dân tộc trong từng câu chữ.

viet-bac(2).jpg

BÀI VIẾT SỐ 1 CẢM NHẬN VỀ TÍNH DÂN TỘC TRONG BÀI THƠ "VIỆT BẮC"
Thế giới vận động, biến chuyển không ngừng, văn hóa giao lưu, hòa nhập nhưng những gì thuộc về tinh hoa dân tộc vẫn còn mãi. Tố Hữu - một nhà thơ chiến sĩ - là người góp phần gìn giữ những vẻ đẹp ấy trong những trang thơ. Trong "Việt Bắc" - cùng với tình cảm quân dân cá nước, tác giả đã gửi gắm vào đó tính dân tộc đậm đà, làm đặc sắc thêm hồn thơ Tố Hữu.

Tính dân tộc luôn là thước đo tài năng của người nghệ sĩ. Điều đó thể hiện ở nội dung gắn với những sự kiện nóng bỏng, gần gũi hoặc mang tính dài lâu của dân tộc, hòa nhập vào truyền thống và đạo lí muôn đời. Tính dân tộc biểu hiện trong thơ ca là việc tiếp thu một cách chỉn chu những tinh hoa của nghệ thuật dân tộc ngàn đời, mang tính chất điển hình và đặc sắc. Tố Hữu vốn là nhà thơ ưa thích nghệ thuật dân gian và vì vậy, thơ ông mặc nhiên cũng mang trong mình cái hồn, cái chất của văn hóa dân tộc, thể hiện tính dân tộc sâu sắc.

"Việt Bắc" ra đời sau chiến thắng Điện Biên Phủ, trung ương Đảng và chính phủ rời căn cứ địa Việt Bắc về thủ đô Hà Nội. Tố Hữu sáng tác Việt Bắc như một khúc sử thi ngợi ca một thời gian khổ, hào hùng, đồng thời là một lời nhắn nhủ nhớ về nguồn cội. Đoạn trích thuộc phần đầu bài thơ, là lời tiễn biệt của người ra đi và người ở lại. Đề tài chia biệt vốn là một đề tài truyền thống ta đã từng bắt gặp trong thơ ca: "Chinh phụ ngâm khúc" - Đặng Trần Côn, "Tống biệt hành" - Thâm Tâm nhưng ở đây Tố Hữu đã thổi vào đó hơi thở của thời đại. Nó gắn với sự kiện lịch sử và bởi thế, cuộc chia li này lớn lao hơn hết thảy mọi cuộc chia li từ xưa tới nay, đó là cuộc chia tay của quân và dân trong thời đại anh hùng. Chủ đề thơ thể hiện những tình cảm lớn của thời đại, của dân tộc: tình cảm sắt son của nhân dân dành cho cách mạng, niềm cảm ơn sâu sắc của người cán bộ với đồng bào, tình yêu bao la với cội nguồn, với quê hương. Thơ là lời tự bạch của tâm hồn thi sĩ, nhưng thơ của Tố Hữu là lời ca, khát vọng của cả một dân tộc, là tình cảm lớn, cuộc đời lớn. Bởi vậy là thơ không đơn thuần chỉ là tiếng nói cá nhân, đó còn là lời nói của dân tộc một thời đại anh hùng. Tố Hữu đã đưa hiện thực đời sống cách mạng, tình cảm chính trị về gắn bó và hội nhập với truyền thống đạo lí, một biểu hiện của tính dân tộc trong thơ ca.

Tính dân tộc trong bài thơ thể hiện rõ nhất trong nghệ thuật biểu hiện mà Tố Hữu đã dày công đem đến. Thể thơ lục bát được tác giả sử dụng một cách nhuần nhuyễn với nhịp chẵn, giọng thơ nhẹ nhàng, gợi cho ta về với những câu ca dao ngọt ngào, đằm thắm, nơi có tiếng ru à ơi của bà, của mẹ ngày xưa. Đọc từng câu thơ ta như được trở về với điệu hát thân thuộc của ca dao nghĩa tình ngọt ngào, du dương mà ân nghĩa. Thể thơ lục bát được coi như sở trường của nhà thơ khi nhiều tác phẩm của ông được viết bằng thể thơ này: từ "Khi con tu hú", "Bài ca quê hương" cho đến "Việt Bắc" thì thể thơ dân gian được vận dụng một cách nhuần nhuyễn. Không những vậy, đặc sắc nhất phải kể đến việc tác giả sử dụng kết cấu đối đáp vốn rất quen thuộc trong những câu hát trao duyên:
  • "Người về ta chẳng cho về
  • Ta nắm vạt áo ta đề bài thơ …
  • Qua đình ngả nón trông đình
  • Đình bao nhiêu ngói nhớ thương mình bấy nhiêu"

Ở đây Tố Hữu viết:
  • "Mình đi mình lại nhớ mình
  • Nguồn bao nhiêu nước nhớ thương mình bấy nhiêu"

Kết cấu đối đáp này khiến hình ảnh người ra đi và người ở lại gắn bó, hòa quyện trong tình cảm sắt son như tình yêu đôi lứa. Hóa ra tình quân dân cá nước đó cũng ngọt ngào và nặng ân nặng nghĩa như tình yêu của cặp đôi lứa yêu nhau. Lời người ở lại là nỗi nhớ nhung lưu luyến, lời người ra đi lại bộc bạch tình cảm sắc son, chung thủy và nghĩa tình đậm sâu với Việt Bắc. Đọc bài thơ giống hệt như một khúc ca trao duyên của những liền anh, liền chị năm xưa, họ trao nhau nghĩa tình để rồi còn lại sự lưu luyến bâng khuâng. Kết cấu đối đáp đó một lần nữa kéo bài thơ về gần hơn với nhịp thơ dân tộc, phảng phất phong vị dân ca thuở xưa.

Sự tiếp nối truyền thống trong thơ ca Tố Hữu đặc biệt được thể hiện qua cách sử dụng ngôn ngữ quen thuộc, gần gũi mà lại như được khoác lên mình một tấm áo mới. Trong cách nói thông thường, "mình - ta" đều là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, nhưng trong ca dao, đặc biệt là những câu hát giao duyên thì "ta - mình" được dùng trong những mối quan hệ thân thiết, thể hiện tình cảm lứa đôi:
  • "Mình nói với ta mình hãy còn son
  • Ta đi qua ngõ thấy con mình bò
  • Con mình những trấu cùng tro
  • Ta đi gánh nước tắm cho con mình"
Hay:
  • "Mình về có nhớ ta chăng
  • Ta về ta nhớ hàm răng mình cười"

Tố Hữu đã tiếp thu và học tập ca dao, khéo léo sử dụng đại từ để chỉ sự gắn bó giữa người đi và kẻ ở. Cặp đại từ "ta - mình" khiến lời thơ trở nên uyển chuyển, âm điệu thơ ngọt ngào, tha thiết, biến Việt Bắc thành khúc tình ca với những giai điệu trữ tình.

Hồn thơ Tố Hữu còn gặp gỡ với điệu thơ Nguyễn Du trong nỗi khắc khoải nhớ nhung da diết:
  • "Những là rày ước mai ao
  • Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình"
  • (Truyện Kiều)

Tố Hữu viết:
  • "Mình về mình có nhớ ta
  • Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng"
Cụm từ "mười lăm năm ấy" nén vào cả một chặng đường lịch sử đầy gian khổ, nén vào bao thiết tha, ngọt bùi của ta với mình. Rõ ràng "mười lăm năm ấy" trong thơ Nguyễn Dh hay trong thơ Tố Hữu đều không chỉ là đại lượng vật lí khách quan mà còn là một hành trình gắn bó của chủ thể tâm trạng. Đó là dòng thời gian quá khứ đang cất giữ lại trong tâm hồn để trở thành điểm tựa chốn đi về trong tâm hồn mình.

Tố Hữu không chú trọng sáng tạo những cách thức biểu đạt mới mẻ, những hình ảnh độc đáo mà ông sử dụng hình ảnh ẩn dụ, hoán dụ, lối nói ví von gần với thơ ca truyền thống:
  • "Áo chàm đưa buổi phân li
  • Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay"

Sắc áo chàm trong buổi chia li là hoán dụ cho người dân đồng bào vùng núi , cũng gợi về những lần "chia bào" trong những cuộc chia li truyền thống. Ông không đặt nặng vấn đề tìm ra những thứ mới mẻ mà chú tâm vào khai thác nét đặc sắc trong lối biểu đạt quen thuộc, phát huy nhạc tính Việt, sử dụng tài tình thanh điệu tiếng Việt để tạo nên nhạc điệu thơ. Vì vậy mà đọc bài thơ như hát một khúc dân ta ngọt ngào và đằm thắm, vừa thể hiện tình cảm thời đại, vừa không mất đi tinh thần dân tộc trong từng câu từng chữ.

Với sự kết hợp yếu tố dân gian và những nghệ thuật quen thuộc của thơ ca ngàn đời, Tố Hữu đã đưa thơ mình về gần hơn với nhân dân, quần chúng, trở thành "tiếng gọi đàn". Và đúng như Nguyễn Đức Quyền nói: "Việc sử dụng linh hoạt yếu tố hiện đại và truyền thống làm nồng nàn cả câu thơ, làm yên lòng người ở lại". Nhờ đó mà những tư tưởng, tình cảm của thời đại nhập vào mạch nguồn truyền thống một cách tự nhiên.

Có thể nói rằng Tố Hữu là người kế thừa cũng là người truyền lại những tinh hoa dân tộc cho các giai đoạn thơ kế tiếp. Tính dân tộc trong thơ thể hiện một phần phong cách thơ Tố Hữu - một nhà thơ chiến sĩ hết lòng vì đất nước, vì nhân dân.

-Minh Anh-vfo.vn

cam-nhan-tinh-dan-toc-trong-bai-viet-bac.jpg

BÀI VIẾT SỐ 2 PHÂN TÍCH CẢM NHẬN TÍNH DÂN TỘC TRONG BÀI "VIỆT BẮC" NGẮN GỌN HAY NHẤT
Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh từng khẳng định: “Sức hấp dẫn mạnh nhất của thơ Tố Hữu đối với công chúng đông đảo là tính dân tộc tính truyền thống đậm đà và nhuần nhuyễn.” Và quả thật trong các tác phẩm của mình, mỗi câu thơ ông đều đượm hồn dân tộc, ta có thể thấy rõ cái “tính dân tộc” ấy trong bài thơ Việt Bắc.

Tính dân tộc đươc hiểu là “những đặc điểm nổi bật của công đồng người có chung lãnh thổ, ngôn ngữ, phương thức và chế độ chính trị trải qua một thời kì lịch sử lâu dài. Tính dân tộc không bộc lộ một cách rõ ràng, cụ thể thành những yếu tố hữu hình mà nó thấm vào trong cảm xúc , trong cách nhìn và phương thức thể hiện của tác phẩm.” Đến với Việt Bắc ta thấy tính dân tộc tràn ra trong từng ý thơ con chữ, Việt Bắc ra đời vào tháng 10 năm 1954 sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. Hòa bình lập lại, những người kháng chiến từ Việt Bắc về xuôi để xây dựng đất nước. Đoạn trích Việt Bắc nằm ở phần đầu tác phẩm là tiếng hát ân tình những ngày quân dân đoàn kết một lòng, nặng nghĩa sâu tình suốt 15 năm gắn bó.

Ta có thể thấy được tính dân tộc ngay từ những câu thơ được viết bằng thể thơ lục bát cổ truyền của Việt Nam, những bài ca dao những câu ca dao đi vào tâm thức mỗi người Việt từ thuở nằm nôi như : “Con cò mà đi ăn đêm/ Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao…” đều sử dụng thể thơ lục bát, Tố Hữu không chỉ sử dụng mà còn sử dụng thành thạo thể thơ lục bát với giọng thơ tha thiết như muốn cất lên những cân hát ân tình với đồng bào Việt Bắc lại như muốn khẳng định tình cảm Cách Mạng bắt nguồn từ tinh thần dân tộc từ văn hóa lâu đời. Qua đó khiến bài thơ nói về Cách Mạng, về chính trị mà luôn thiết tha đậm đà tính trữ tình thấm đượm hồn dân Việt. Tố Hữu còn sử dụng cặp từ “mình-ta” vô cùng tính tế:
  • “Mình về mình có nhớ ta
  • Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng”
  • “Ta đi ta nhớ những ngày
  • Mình đây ta đó đắng cay ngọt bùi…”
Cặp đại từ ‘mình-ta” vô cùng quen thuộc trong những câu ca dao: “Mình về ta chẳng cho về/ Ta nắm vạt áo ta đề câu thơ” hay “Mình về có nhớ ta chăng/Ta về ta nhớ hàm răng mình cười”,…Tất cả đều muốn gửi gắm nỗi nhớ mong lưu luyến và phải chăng khi đưa cặp từ “mình-ta” xuyên suốt trở đi trở lại trong bài thơ, Tố Hữu muốn gửi gắm nỗi nhớ khôn nguôi của mình, của quân và dân? Không chỉ vậy “mình” và “ta” tuy hai mà một tuy một mà hai “mình” lúc là người ở lúc lại là người đi nhấn mạnh sự đoàn kết hòa hợp quân dân cá nước một lòng.

Tính dân tộc còn được thể hiện trong những hình ảnh quen thuộc mà đầy sức gợi, đó là hình ảnh “áo chàm đưa buổi phân li” chỉ những đồng bào Việt Bắc-những người ở lại trong những bước chân tiễn đưa người đi quyến luyến bịn rịn. Trong câu thơ “Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn ?” tác giả đã mượn câu tục ngữ để thôi vào câu thơ tình cảm đong đầy tính dân tộc đó là cái thủy chung son sắt bao đời nay của một dân tộc giàu tình cảm, trọng tình cảm. Và chính vì giàu tình cảm mà đoàn kết một lòng vượt lên trên mọi khó khắn gian khổ những khi chỉ có một mảnh “chăn sui đắp cùng”, “miếng cơm chấm muối”,…Tố Hữu đã đặt những hình ảnh thiên nhiên bên cạnh những hình ảnh về con người Việt Bắc để làm nổi bật vẻ đẹp của những người đồng bào miền núi. Bên cạnh “hắt hiu lau xám” của cái nghèo cái khổ lại ánh lên vẻ đẹp “đậm đà lòng son” hay hình ảnh bức tranh tứ bình :
  • “Ta về, mình có nhớ ta
  • Ta về ta nhớ những hoa cùng người
  • Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
  • Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
  • Ngày xuân mơ nở trắng rừng
  • Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
  • Ve kêu rừng phách đổ vàng
  • Nhớ cô em gái hái măng một mình
  • Rừng thu trăng rọi hoà bình
  • Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.”
Vẻ đẹp của người dân Tây Bắc hiện lên bên cạnh bức tranh thiên nhiên tươi đẹp rực rỡ bốn mùa: đông không ảm đạm buốt lạnh như trung đại mà nổi bật màu đỏ rực của hoa chuối và hình ảnh người dân lên đèo làm việc, còn mùa xuân phủ lên không gian bằng màu trắng hoa mơ chỉ có ở Tây Bắc với hình ảnh khéo léo tinh tế của bàn tay đang “chuốt từng sợi giang”. Mùa hè là tiếng ve cùng hình ảnh cô sơn nữ hái măng, khép lại là ánh trăng rọi hòa bình tràn ngập vui tươi và hi vọng trong nỗi nhớ hòa cùng tiêng hát ân tình. Hình ảnh thiên nhiên làm nổi bật lên vẻ đẹp con người cần cù lao động và vô cùng khéo léo.

Và tính dân tộc còn được thể hiện trọn vẹn trong nhạc điệu câu thơ, nó là giọng của đất trời tiếng vọng của người ở và cả tiếng lòng của người đi quyện hòa đan kết thành điệu hồn dân tộc. Giọng thơ tha thiết đong đầy nhung nhớ bồi hồi và cũng có những lúc nhanh mạnh ắp đầy tự hào, hi vọng. Giai điệu câu thơ sâu lắng, ngọt ngào đầy tình “thương mến” gắn bó.

Việt Bắc mang trong mình tính dân tộc ghi lại mốc son lịch sử dân tộc với biết bao gian khổ, nghĩa tình quân dân và tất cả những hào hùng của một thời khói lửa đã qua. Đặc biệt nhà thơ Tố Hữu người đã “phải lòng đất nước mình” đã kết hợp cái “hơi dân tộc” với “màu sắc hiên đại” để làm nên một tác phẩm đi vào lòng bao thế hệ người đọc.

-Mai Ánh-VFORUM.VN

tinh-dan-toc-trong-bai-viet-bac.jpg

BÀI VIẾT SỐ 3 CẢM NHẬN TÍNH DÂN TỘC TRONG BÀI "VIỆT BẮC"
Nhận xét về thơ Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi đã từng nói:“Từ cuộc sống hiện đại, thơ anh ngày càng bắt nguồn trở lại vào hồn thơ cổ của dân tộc”. Quả thật, đọc thơ Tố Hữu, ta cảm nhận được dân tộc đậm đà, thấy phảng phất trong “hồn thơ” của một thời quá khứ. Việt Bắc là một trong số rất nhiều bài thơ mang nét “cổ điển" như thế.

Vào tháng 7 năm 1957 hiệp định Giơnevơ về Đông Dương được kí kết, tháng 10 năm 1954 Trung ương Đảng và Chính phủ rời Việt Bắc trở về Hà Nội, những người cán bộ kháng chiến từ miền ngược trở về miền xuôi, nhân sự kiện đó Tố Hữu đã sáng tác lên bài thơ này. Có lẽ đó chính là lý do khiến bài thơ Việt Bắc nói chung và đoạn thơ Việt Bắc nói riêng đậm đà bản sắc dân tộc. Tính dân tộc của tác phẩm không chỉ được thể hiện ở thể thơ lục bát quen thuộc, lối đối đáp “ta”, “mình”, trong ca dao, dân ca mà còn được thể hiện ở những hình ảnh giản dị tình nghĩa thủy chung gắn bó.
  • "Mình về mình có nhớ ta
  • Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng…
  • Mình về mình có nhớ không
  • Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn"
Bốn câu thơ đầu tiên là lời nhắn nhủ của người ở lại - đồng bào Việt Bắc thân yêu. Cứ mỗi cặp lục bát, câu 6 là lời ướm hỏi thiết tha, câu 8 lại là lời gợi nhắc kết hợp với điệp khúc "Mình về mình có nhớ" lặp lại hai lần. 4 câu thơ vừa là nỗi băn khoăn, vừa là lời nhắn nhủ từ tận đáy lòng người ở lại. Mình và ta tưởng như tách biệt, mà lại như hoà vào làm một, mình và ta dường như không chỉ đơn thuần là người ở lại và người ra đi mà còn là cả Cách mạng ân tình một thời cùng nhau gắn bó. Quãng thời gian "mười lăm năm" được gợi nhắc là cả một quãng thời gian dài, nén vào trong câu chữ là cả một chặng đường lịch sử đầy gian khổ, khó khăn và cũng nén cả vào đó biết bao kỉ niệm. Bởi vậy, mười lăm năm ấy không chỉ là quãng thời gian vật lí mà còn chứa đựng trong đó cả một chặng đường dài từ lúc cách mạng còn non trẻ tới ngày thành công. Bốn chữ "thiết tha mặn nồng" như gói trọn độ sâu, độ nồng của cảm xúc, tình cảm chính trị bỗng được thể hiện thật ngọt ngào. Cùng với thời gian, không gian rộng lớn của căn cứ địa Việt Bắc cũng hiện lên qua hình ảnh "cây, núi, sông, nguồn". Câu thơ gợi nhắc đến câu tục ngữ quen thuộc "uống nước nhớ nguồn" của ông cha ta khi xưa, bởi vậy câu thơ như lời nhắn nhủ người trở lại miền xuôi hãy luôn nhớ tới những tháng năm gắn bó, ấy là lối sống thủy chung, ân tình.
  • " Tiếng ai tha thiết bên cồn
  • Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
  • Áo chàm đưa buổi phân ly
  • Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay."
Đó là buổi chia tay đầy bịn rịn, quyến luyến giữa người dân Việt Bắc và cán bộ miền xuôi, sự nuối tiếc bao trùm toàn bộ khổ thơ. Một loạt các từ láy diễn tả cảm xúc được sử dụng làm cho những cảm xúc khác nhau cứ như đan quyện, hoà vào nhau, làm xốn xang, thổn thức lòng người ra đi. Hai chữ "tha thiết" như lời đồng vọng lại hai tiếng "thiết tha" của người ở lại. Dường như nghe thấy tiếng thiết tha ấy cũng là nghe thấy chính lòng mình, chính tâm hồn mình. Cảm xúc được gọi lên, thành nỗi "bâng khuâng", cảm giác như, nỗi buồn cứ lan rộng ra, làm lồng ngực nao nào khó tả. Ấy là cái cảm giác có biết bao điều muốn nói, muốn tâm sự, ấy mà lại chẳng biết phải bắt đầu từ đâu. Ấy là cái cảm giác như đang trôi trên dòng sông của kí ức, của kỉ niệm trước giờ phút chia xa. Nỗi bâng khuâng trong lòng khiến cho người ra đi "bồn chồn bước đi". Nỗi lo lắng, sốt sắng không nguôi như lan ra. Có phải hay không, ta còn có thể cảm nhận được đâu đây một ánh mắt kiếm tìm một ánh mắt, một bước chân ngập ngừng, chốc chốc lại ngoại lại, đợi chờ, luyến lưu, nặng nề không nỡ cất bước tiếp. Buổi chia ly được nhà thơ tái hiện bằng một sắc áo chàm. "Áo chàm" là một hình ảnh hoán dụ độc đáo, vừa là hình ảnh của con người Việt Bắc giản dị, chân chất, màu chàm lại là biểu tượng của sự gắn bó, khó phai. Đó là một tình cảm cao đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tính dân tộc trong tác phẩm, còn được hiện lên qua những hoài niệm về thiên nhiên và con người. Trong tác phẩm thiên nhiên hiện lên ở những thời điểm khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, có nắng, có mưa, có sương mù… Ở đó có “trăng lên đâu núi, nắng chiều lưng nương”, tất cả hiện lên như một thước phim quay chậm thật thơ mộng về thiên nhiên Việt Bắc. Chắc hẳn đọc đoạn thơ nhiều người sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của quê hương, đất nước, con người. Trong hoài niệm của Tố Hữu, là những con người lam lũ, vất vả với những công việc thầm lặng, họ hiện lên với lòng căm thù giặc sâu sắc, “khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh” cùng với sự thủy chung đậm đà lòng son sắc với tinh thần lạc quan, “gian nan đời vẫn ca vang núi đèo”.

Hình ảnh của con người còn trở nên đẹp hơn bao giờ hết khi xuất hiện trong sự hòa hợp với thiên nhiên qua bức tranh thiên nhiên bốn mùa.
  • Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
  • Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
  • Ngày xuân mơ nở trắng rừng
  • Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.
  • Ve kêu rừng phách đổ vàng
  • Nhớ cô em gái hái măng một mình
  • Rừng thu trăng rọi hòa bình,
  • Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.
Đã có ý kiến cho rằng đây là đoạn thơ mang đậm tính dân tộc nhất trong tác phẩm, có lẽ đúng bởi đoạn thơ có nhiều hình ảnh đẹp về thiên nhiên và con người với những công việc thầm lặng. Để mở đầu cho bức tranh ấy nhà thơ đã sử dụng câu hỏi tu từ. Bức tranh mùa đông hiện lên với những sắc màu tươi và ấm. Trong thơ ca xưa, mùa đông thường được khắc hoạ trong không khi u ám, lạnh lẽo và khắc nghiệt, thế nhưng mùa đông trong Việt Bắc lại mang một vẻ đẹp khoẻ khoắn, căng tràn sức sống. Giữa màu xanh của núi rừng nổi bật lên sắc màu ấm nóng, tươi tắn của hoa chuối. Chẳng thấy những sương phủ, những cơn mưa tê tái, mùa đông nơi núi rừng Việt Bắc chào đón con người bằng ánh nắng ấm áp nơi đèo cao, hai chữ "nắng ánh" như phát sáng, làm cho câu thơ trở nên ấm áp và tươi sáng đến lạ lùng. Trên nền cảnh thiên nhiên ấy, con người hiện lên qua hình ảnh "dao gài thắt lưng". Xưa, trong thơ ca, mùa đông thường gắn với con người mang tâm trạng u buồn, hay sự chia cắt xa xôi, nhưng đến với thơ Tố Hữu, con người lao động lại hiện lên trong tư thế hiên ngang, vưon tới đèo cao. Chỉ với vài nét chấm phá độc đáo, mà thiên nhiên mùa đông Việt Bắc mang nét đẹp khoẻ khoắn, tràn đầy sức sống. Nếu mùa đông Việt Bắc hiện lên với vẻ đẹp tươi mới, ấm áp, thì mùa xuân lại mang nét giản dị mà tinh tế vô cùng:
  • "Mùa xuân mơ nở trắng rừng
  • Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang"

Nhắc đến mùa xuân trong thi ca xưa, người ta thường nhắc đến hoa đào, hoa mai như một công thức ước lệ. Nhưng mùa xuân của núi rừng Việt Bắc lại gắn liền với hoa mơ trắng quen thuộc. Hình ảnh "mơ nở trắng rừng" vừa gợi lên nét đẹp giản dị, đặc trưng mà lại thanh khiết, thơ mộng vô cùng. Không chỉ thế, việc thay thế hoa mơ thay cho nhưng loài hoa đã đi vào ước lệ đã làm cho không gian như được thổi cái hồn của một thời đại mới, của cuộc sống hiện đại dù cần lao nhưng vẫn đẹp đẽ, nên thơ. Cùng với hoa mơ dịu dàng là đôi bàn tay khéo léo "chuốt từng sợi giang" làm xao xuyến tâm hồn. Hành động "chuốt" mới khéo, mới tinh biết nhường nào. Dù chỉ khắc hoạ hình ảnh đôi bàn tay nhưng ta có thể hình dung, đó như đôi tay của một người nghệ nhân giàu kinh nghiệm, mềm mại, tài hoa như đang gửi gắm bảo yêu thương vào từng sợi thương, sợi nhớ. Nhịp sống lao động đời thường, giản dị mà tinh tế biết bao. Tiếp nối bức hoạ mùa xuân là bức tranh mùa hạ.
  • "Ve kêu rừng phách đổ vàng
  • Nhớ cô em gái hái măng một mình"
Mùa hè luôn gắn liền với âm thanh của tiếng ve và sắc vàng tươi tắn. Nhà thơ dùng từ "đổ" khiến cho ta cảm nhận được sự tương quan rõ rệt của âm thanh và màu sắc. Tiếng ve tràn ngập không gian rừng núi, sắc vàng dường như cũng bao trùm lấy không gian, sắc vàng của lá, của ánh nắng rực rỡ như trải khắp tầm nhìn, như mật ngọt nhuộm vàng cả một bức tranh mùa hạ. Trong bức tranh mùa hạ, song hành với cảnh thiên nhiên cũng là hình ảnh con người. Hình ảnh cô em gái hiện lên, thân thương giản dị là đại diện cho con người lao động Việt Bắc cần cù chịu khó, hay cũng chính là bóng hình của những cô thôn nữ miền sơn cước đã đi về trong miền nhớ, miền thương của biết bao chàng lính trẻ. Mùa hạ đi qua, mùa thu đến với Việt Bắc với hình ảnh vầng trăng:
  • "Rừng thu trăng gọi hoà bình
  • Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung"

Trăng là một hình ảnh đã đi về trong thơ ca từ cổ chí kim. Trong thơ ca kháng chiến, trăng cũng xuất hiện trong những đêm trường canh gác, là điểm tựa để tâm hồn của những người chiến sĩ được chắp cánh bay cao như ánh trăng treo đầu súng ta đã từng bắt gặp trong thơ Chính Hữu. Nhưng thay vì là trăng mang vẻ đẹp ước lệ hoàn mĩ như trong thơ ca xưa, trăng thu trong thơ Tố Hữu lại là biểu tượng mang vẻ đẹp của thời đại - vẻ đẹp của niềm mơ ước một cuộc sống hoà bình, ấm no. Đêm thu đầy thơ mộng ấy gắn liền với "tiếng hát ân tình thủy chung". Từ "ai" là đại từ phiếm chỉ như gộp cả người đối và người đáp, tiếng hát ân tình ấy là tiếng lòng vang lên của cả hai, tình cảm gắn bó bền chặt cất lên như một bản hoà âm của tâm hồn.

Không chỉ vậy tính dân tộc trong tác phẩm còn được thể hiện khi tác giả viết về những cuộc hành quân hào hùng của dân tộc, cùng vai trò của Cách mạng và chiến khu Việt Bắc.
  • “Những đường Việt Bắc của ta
  • Đêm đêm rầm rập như là đất rung
  • Quân đi điệp điệp, trùng trùng,
  • Ánh sao đầu súng, bạn cùng mũ nan
  • Dân công đỏ đuốc từng đoàn
  • Bước chân nát đá muốn tàn lửa bay.

Với các từ láy “đêm đêm”, “rầm rập”, “Điệp điệp”, “trùng trùng” cùng biện pháp phóng đại bước chân “nát đã muốn tàn lửa bay”, “rầm rập như là đất rung” đã cho ta thấy được khí thế hào hùng anh dũng của con người Việt Bắc, dẫu biết rằng phía trước còn nhiều gian khổ nhưng họ vẫn sẵn sàng dấn thân, luôn bước về phía trước và họ tin rằng, “dẫu”, “nghìn đêm thăm thẳm, sương dày”, thì “đèn pha bật sáng như ngày mai lên”, đó chính là niềm tin về một tương lai tươi sáng nhất định đất nước sẽ giành thắng lợi. Đoạn thơ như một khúc tiến quân ca của dân tộc.
  • “Tin vui chiến thắng trăm miền
  • Hòa bình tây bắc Điện Biên vui về,
  • Vui từ Đồng Tháp, An Khê,
  • Vui lên Việt bắc, đèo de núi Hồng”

Có được chiến thắng ấy chính là nhờ sự đoàn kết của cả dân tộc và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và cụ Hồ. Viết về chiến thắng ấy Tố Hữu như để thầm ca gợi về khối đại đoàn kết dân tộc ta.

Tính dân tộc trong Việt Bắc còn được thể hiện trong hình thức nghệ thuật, với thể thơ lục bát, thuần Việt, sự đối đáp “mình, ta” quen thuộc trong ca dao. Sự đăng đối giữa các vế trong ca dao khiến cho bài thơ dễ nhớ, dễ thuộc đặt biệt với những hình ảnh giản dị, quen thuộc, từ ngữ trong sáng, tất cả đã khiến cho tính dân tộc trở nên đậm đà, nhuần nhuyễn trong từng từ, từng câu của tác phẩm.

Tính dân tộc chính là một trong những yếu tố làm nên sự đặc sắc và thành công của Việt Bắc nói riêng và các thi phẩm của Tố Hữu nói chung, góp phần làm phong phú thêm nền thơ ca dân tộc và giữ cho Tố Hữu một chỗ đứng vững chắc trên bầu trời văn học Việt Nam.

-M-vfo.vn
 
  • Chủ đề
    tính dân tộc việt bắc
  • Top