Phân tích chi tiết nắm lá ngón trong “Vợ chồng A Phủ”

Trong “Vợ chồng A Phủ”, ngoài nhân vật chính làm hình tượng trung tâm, sự thành công của tác phẩm còn là khả năng xây dựng những chi tiết “biết nói” của Tô Hoài. Một trong những chi tiết đáng chú ý chính là chi tiết nắm lá ngón. Hôm nay chúng ta hãy cùng phân tích chi tiết nắm lá ngón trong tác phẩm.

Niềm vui không gì sánh bằng của nhà văn sau quá trình lao động mệt nhọc chính là trong muôn một nào đó, anh đã nói được những gì rất lớn lao qua những thứ vô cùng bé nhỏ, từ một giọt nước mà có thể thấy sóng vỗ cuộn trào, thấy được vị mặn nơi biển khơi xanh thẳm. Với Dotoyevsky, “tài nghệ vĩ đại nhất của người nghệ sĩ biết xóa mình đi để tồn tại”. Là khi anh không xuất hiện ở đó nhưng người đọc vẫn phải chú ý đến anh. Khi nhà văn ước chế giấu mình đi, để cho tình huống và chi tiết trở thành “chất lỏng hồi sinh” (M. Gorki) chảy nhập vào dòng đời, nó nói được nhiều hơn bản thân nó. Chính ở những chi tiết dù nhỏ nhất mang theo dấu ấn riêng lại là nét vẽ thần tình nhất để người nghệ sĩ tự họa nên bức chân dung của mình. Như cách mà Shakespeare với mỗi ưu điểm nhỏ nhất cũng có dấu ấn riêng. Dấu ấn ấy có thể nói với cả thế giới rằng: tôi là Shakespeare.Chỉ là một chi tiết đơn giản, xuất hiện vài lần trong tác phẩm nhưng với người nghệ sĩ tài năng Tô Hoài, nó không bai giờ là vô nghĩa. Chi tiết lá ngón trong “Vợ chồng A Phủ” đã thể hiện được những khám phá, quan sát cũng như tài năng ngòi bút Tô Hoài. Hôm nay, chúng ta cùng đi tìm hiểu về ý nghĩa của chi tiết nắm lá ngón đối với nhân vật cũng như tác phẩm. Các bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây. Chúc mọi người học tập tốt!

nam-la-ngon-trnog-vo-chong-a-phu.jpg

BÀI VĂN MẪU PHÂN TÍCH CHI TIẾT NẮM LÁ NGÓN TRONG “VỢ CHỒNG A PHỦ” CHI TIẾT LỚP 12
Một nhà văn lớn, phải lớn ngay từ những chi tiết nhỏ; và một tác phẩm thực sự thành công là gây được ấn tượng ngay từ những hình ảnh bình thường và nhỏ nhặt nhất. “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài đã sống cùng với độc giả bao thế hệ chính là bởi sự


Theo lời của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, chi tiết với truyện ngắn như mỗi chữ trong bài thơ tứ tuyệt. Có những chi tiết đóng vai trò đặc biệt như nhãn tự của bài thơ. Truyện ngắn bằng cách nói ít nhất để nói được nhiều điều nhất. Và “ánh kim sa” của truyện ngắn, đôi khi, lại nằm ở chính những chi tiết nhỏ. Với những điều ai cũng biết cả rồi, truyện ngắn không cần phải nhắc đến. Khi miêu tả một đêm trăng, anh không cần nói đến bầu trời trong, đám mây bạc, ánh trăng sáng hay tiếng nhạc văng vẳng. Chỉ cần một mảnh trai bên đường lấp lánh, người ta cũng đủ biết là có trăng sáng. Khi “gạn hết sạn sỏi của sự việc, vắt hết nước của lời”, ta còn lại những “hạt bụi vàng”. Qua hạt bụi ấy, ta thấy lấp lánh những tư tưởng, giá trị của tác phẩm và tư tưởng nghệ thuật của nhà văn. Một chiếc lá thường xuân bé nhỏ với O. Henry cũng có thể trở thành một “hạt bụi quý” đúc lên “bông hồng vàng”. Và một nắm lá ngón cũng đủ để Tô Hoài vẽ lên một cách chân thực và sâu sắc nhất bức tranh về số phận và khát vọng sống của con người.

Tập "Truyện Tây Bắc" là vụ mùa thu hoạch từ chuyến đi thực tế lên Tây Bắc của Tô Hoài năm 1952. Có thể nói: “đất nước và người miền Tây đã để thương để nhớ cho tôi nhiều quá, tôi không thể bao giờ quên….” chẳng những nhắc nhớ người nghệ sĩ ấy ngày quay trở lạ mà còn “phải đem trả cho những người thương ấy” “một tấm lòng mình, một cái gì làm hiện lại cả cuộc đời người Hmông trung thực, chí tình…”. Bằng tấm lòng chân phương ấy, “Vợ chồng A Phủ” đã ra đời. Đọc truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, ta không thể quên được gương mặt “buồn rười rượi” của Mị. Đó là gương mặt tưởng như cam chịu, mất hết sức sống. Gương mặt buồn rười rượi ấy không phải là gương mặt đầu tiên của cuộc đời Mị. Mị lớn lên, xinh đẹp với bao nhiêu khát vọng hạnh phúc. Nhưng chính những hủ tục phong kiến đã biến người con gái kia quên mất đi gương mặt hi vọng của mình mà trở nên lầm lũi, chẳng thiết vui cũng nắng, xanh cùng cỏ cây. Và nắm lá ngón đã theo Mị trong suốt chặng đường đen tối ấy.

Hình ảnh nắm lá ngón được Tô Hoài chú ý miêu tả 2 lần trong tác phẩm. Mị, người con gái xinh đẹp, tài năng, “cầm lá trên tay, thổi lá cũng hay như thổi sáo”, đang trong những ngày tháng tràn đầy thành xuân và khát vọng, bỗng nhiên trở thành “con dâu gạt nợ” cho nha giàu. Từ một con chim quen hát ca, bay nhảy với bầu trời, Mị trở thành thân trâu ngựa làm việc, chỉ như “con rùa nơi xó cửa”. Lí do vì: “cha mẹ ăn bạc nhà giàu kiếp trước, bây giờ người ta bắt con trừ nợ”. Phản ứng của Mị là “Có đến mấy tháng, đêm nào Mỵ cũng khóc”. Đó là sự bất hợp tác, không chịu thỏa hiệp với cuộc sống hiện tại. Và đỉnh cao chính là hành động Mị “quỳ, úp mặt xuống đất, nức nở” để tạm biệt cha mà ăn nắm lá ngón ở trong tay. Lá ngón lần đầu tiên xuất hiện, là lối thoát duy nhất của Mị có thể nghĩ ra được để thoát khỏi cuộc sống tối tăm và tù túng hiện tạo. Đó vừa là biểu hiện cao nhất của sự phản kháng, của thái độ không chịu sống trong tối tăm, không để đánh mất tuổi trẻ và thanh xuân; nhưng cũng là biểu hiện cao nhất của sự tuyệt vọng khi phải chọn cái chết như là con đường được sống cuối cùng. Đó chỉ là sự phản kháng bị động, cuối cùng. Chính nắm lá ngón trên tay Mị là tiếng nói đanh thép nhất tố cáo chế độ chúa đất chúa mường đã bóc lột trên sức lao động của con người. Nhưng vì thương cha, Mị lại đàn ném nắm lá ngón xuống đất mà quay trở lại kiếp “con dâu gạt nợ”, sống cuộc sống của thảo mộc vô tri chẳng thiết vui cùng nắng, xanh cùng gió.
Lá ngón, giờ cũng chẳng còn theo tâm trí Mị nữa. Bởi “ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi”. Ở người con gái ấy, chẳng còn ý thức muốn phản kháng, muốn đấu tranh, chẳng còn muốn chết nữa. Nhưng chính men say của rượu và men tình của cảnh đã khơi dậy trong Mị những cảm xúc, giác quan, hồi ức và khát vọng tưởng như đã mất. Mị như sống lại những đêm về trước, “Mị vẫn còn trẻ, Mị muốn đi chơi”. Nhưng sực tỉnh trong thực tại, nhìn vào thân phận mình, Mị lại đau đớn thay. “Nếu có nắm lá ngón trong tay, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa”. Khi khổ cực đắng cay nhất, khi muốn chết nhất, Mị đã tìm tới lá ngón. Nhưng ở đây, ngay cả trong khi sự sống đã tìm về, khát vọng sống đang nhen nhóm trong lòng, Mị vẫn cứ hướng về lá ngón – về cái chết. Lá ngón ở đây lại là biểu hiện cao nhất của sự sống, của khát vọng được sống cho nên “Người”, là chính mình, sống với tuổi thanh xuân và tình yêu của mình. Như vậy, lá ngón lại là hiện thân của sự sống, của sự giải thoát, sự giải thoát cuối cùng. Như cách mà Thúy Kiều chọn tự kết liễu để giữ lại chữ “tiết” hay Chí Phèo tự kết liễu đời mình để nhất định không chịu quay lại kiếp sống tha hóa, bị đồng loại ruồng bỏ như trước nữa.

Chỉ một chi tiết nhỏ nhưng nói được nhiều hơn nó. Nằm lá ngón là biểu tượng của sự cùng cực, tuyệt vọng của con người. Cũng nắm lá ngón ấy lại là hiện thân của khát vọng sống một cách mãnh liệt, sống chân thành và sống là chính mình. Nó vừa cao đẹp nhưng lại khổ đau, nó hướng tới sự lạc quan nhưng đành chọn cách bi quan như sự giải quyết cuối cùng. Qua đó là tiếng nói xót thương cho số phận, không chỉ người phụ nữ mà còn là con người còn đang phải chịu bất công, khổ đau của xã hội cũ; tiếng nói lên án và tố cáo mạnh mẽ. Nó trở thành tiếng còi cảnh bảo cho sự cầu khẩn của đồng bào mong muốn tìm một cách giải thoát, khát khao tìm ra con đường tốt đẹp hơn. Đó chính là tiền đề để nhà văn khéo léo khẳng định con đường bền vững nhất là con đường tự khai phá và giải phóng chính mình, lựa chọn tốt đẹp nhất chính là biết tự đứng lên, để Cách mạng có thể dẫn bước. Những chi tiết dù là nhỏ nhất, dưới bàn tay người nghệ sĩ tài hoa, được điêu khắc và miêu tả một cách tỉ mỉ, để từ đó làm nổi bật ý nghĩa tư tưởng câu chuyện.

Tô Hoài đối với văn học Việt Nam chính là một tác giả lớn, lớn ngay từ những chi tiết nhỏ như thế.

-Bỉ Ngạn-vfo.vn

nam-la-ngon.jpg

BÀI VĂN MẪU SỐ 2 PHÂN TÍCH CHI TIẾT NẮM LÁ NGÓN TRONG “VỢ CHỒNG A PHỦ”
Là một trong những nhà văn ưu tú của văn đàn Việt Nam, vốn hiểu biết sâu và rộng, sự tinh tế trong quan sát, trải nghiệm cùng cách thể hiện độc đáo, nhà văn Tô Hoài đã dành được nhiều tình cảm của bạn đọc bao thế hệ. “Vợ chồng A Phủ” là một truyện ngắn đặc sắc nhà văn viết năm 1953 được rất nhiều người đọc quan tâm và yêu mến. Chi tiết nắm lá ngón trong tác phẩm được xem như một chi tiết nghệ thuật ấn tượng khẳng định giá trị tác phẩm và vị thế nhà văn.

“Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”, đó là một phát biểu nổi tiếng của đại thi hào Nga Macxim Gorki khi nói về chi tiết nghệ thuật trong văn học. Các nhà văn, nhà thơ chân chính tạo dựng được vị thế của mình dựa trên nhiều yếu tố, một trong những yếu tố đó chính là việc xây dựng thành công những chi tiết văn học ấn tượng và đậm sâu ý nghĩa. Chi tiết chẳng phải một khái niệm gì xa lạ với văn học đời sống, trong “Từ điển Tiếng Việt”, “chi tiết” được định nghĩa là “Phần rất nhỏ, điểm nhỏ trong nội dung sự việc hoặc hiện tượng. Còn trong văn học, khi định nghĩa về nó, nhà phê bình văn học Trần Đình Sử định nghĩa: “Chi tiết là các tiểu tiết của tác phẩm mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng. Tùy theo sự thể hiện cụ thể, chi tiết nghệ thuật có khả năng thể hiện, giải thích, làm minh xác cấu tứ nghệ thuật của nhà văn, trở thành tiêu điểm, điểm hội tụ tư tưởng của tác giả trong tác phẩm…”. Trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, chi tiết nắm lá ngón được coi là một dấu ấn nghệ thuật thể hiện tài năng bút lực và tư tưởng sâu sắc của nhà văn Tô Hoài.

Xuyên suốt những trang văn “Vợ chồng A Phủ”, chi tiết nắm lá ngón xuất hiện ba lần và đặc biệt là tất cả các lần xuất hiện đều gắn với nhân vật Mị. Trong lần xuất hiện thứ nhất, Mị đã cầm nắm lá ngón về lạy cha để chết sau những ngày sống cuộc sống đọa đày cực khổ ở nhà thống lí Pá Tra dưới cái danh cao quý – con dâu nhà giàu trong làng. Nói đến nhân vật Mị, nhà văn đã phác họa ra trước mắt người đọc chân dung một người con gái Tây Bắc xinh đẹp, trẻ trung với tràn trề nhựa sống nhưng cái cường quyền bạo lực, sự áp bức của chúa đất chúa mường vùng cao cùng hệ quả của những hủ tục đã đẩy người con gái ấy vào một bi kịch của chính cuộc đời mình. Vì cha mẹ ăn bạc của nhà giàu kiếp trước, kiếp này người ta bắt con để trừ nợ, nên bất đắc dĩ Mị phải về làm vợ A Sử, làm dâu nhà thống lí Pá Tra. Những ngày tháng làm người nhà quan với Mị chẳng khác nào thân trâu thân ngựa nên “suốt mấy tháng trời, đêm nào Mị cũng khóc”. Mị lên rừng hái nắm lá ngón rồi về nhà lạy bố để chết nhưng nếu chết thì nợ còn đó, bố đã già chẳng thể làm việc để trả nợ được nên Mị không đành lòng. Mị ném nắm lá ngón xuống đất, và đây chính là lần đầu tiên Tô Hoài nhắc đến chi tiết nắm lá ngón này – một thứ lá độc của núi rừng ăn vào gây chết người.

Khi cảm thấy bản thân mình không đủ khả năng để thoát khỏi xiềng xích, đọa đày nhà thống lí, Mị chọn ăn lá ngón để tự kết liễu cuộc đời mình. Hành động đó thể hiện sự phản kháng mãnh liệt của ý thức, là biểu hiện cho khát khao tự do, hạnh phúc cháy bỏng trong con người Mị. Dẫu vậy ý muốn của bản thân lại không chiến thắng được những ràng buộc với bổn phận, chữ hiếu, cái đạo làm con nên Mị đành “ném nắm lá ngón xuống đất”. Vì lòng hiếu thảo với cha, Mị chấp nhận trở về tiếp tục sống những tháng ngày khổ đau, đọa đày như kiếp con ở tôi tớ nhà thống lí.

Trong một lần xuất hiện khác, chi tiết lá ngón trong suy nghĩ Mị lại có điểm khác lạ, đó là Mị không còn nghĩ đến chuyện sẽ ăn lá ngón tự tử nữa. Tô Hoài viết: “Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. Mị cúi mặt, không nghĩ ngợi nữa. Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”. Chi tiết này đã thể hiện sự cam chịu, chấp nhận nhẫn nhục sống kiếp sống tôi đòi trong nhà thống lí. Lâu ngày bị đè nén, sức phản kháng trong Mị dường như đang dần tê liệt.

Đến lần thứ ba xuất hiện, suy nghĩ về việc ăn nắm lá ngón xuất hiện trở lại trong tâm trí Mị vào đêm tình mùa xuân. Nghe tiếng sáo “thiết tha bổi hổi”, “bay lơ lửng ngoài kia”, Mị nhẩm thầm lời bài hát và nhận ra mình còn trẻ, mình cũng muốn đi chơi nhưng cái thực tại này chẳng cho Mị có cơ hội được đi chơi, được ra ngoài kia cảm nhận sức sống xuân mơn mởn khắp đất trời cảnh vật, hòa mình vào không khí xuân vui tươi, rộn ràng âm thanh. Nghĩ vậy, Mị lại một lần nữa muốn ăn lá ngón. Chi tiết lá ngón lúc này đã tô đậm bi kịch khổ đau cuộc đời Mị. Đồng thời chi tiết cũng ngầm khẳng định rằng ý thức về thân phận, về quyền sống, quyền tự do hạnh phúc vẫn chưa thực sự lụi tắt. Sức sống, niềm khát khao ấy vẫn đang âm ỉ trong trái tim, tâm hồn Mị mà chưa có cơ hội bùng lên giúp Mị vượt thoát thực tại.

Chi tiết nắm lá ngón nhà văn Tô Hoài xây dựng đã khắc họa một cách chân thực và sâu sắc hiện thực cuộc sống đầy tối tăm, cực khổ của nhân vật Mị. Cùng với sự cảm thông, chia sẻ với nhân vật, người đọc dường như cũng căm phẫn hơn trước sự tàn bạo của bọn chúa đất chúa mường. Những phản ứng, suy nghĩ của Mị trước sự xuất hiện của hình ảnh lá ngón đã thể hiện một đời sống nội tâm vô cùng phong phú, phức tạp và khát vọng sống, khát vọng tự do, hạnh phúc tiềm tàng, mạnh mẽ. Cùng với những chi tiết nghệ thuật khác trong tác phẩm, chi tiết nắm lá ngón đã góp phần thể hiện tài năng sáng tạo và sự tinh tế, sâu sắc của nhà văn Tô Hoài.

-Nem-vfo.vn
 
  • Chủ đề
    lá ngón tô hoài vợ chồng a phủ
  • Thống kê

    Chủ đề
    100,715
    Bài viết
    467,522
    Thành viên
    339,841
    Thành viên mới nhất
    hczghsgemwwin
    Top